meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Vỡ nợ vì vay tiền ngân hàng xây nhà

Thứ tư, 05/04/2023-07:04
Vay tiền ngân hàng xây nhà để thực hiện giấc mộng “an cư lập nghiệp” nhưng vợ chồng anh Tùng ngày càng lún sâu khi phải trả một khoản nợ gấp 3, 4 lần thu nhập hàng tháng.

Nhìn vào căn nhà đang xây dở, anh Tùng thở dài nói: “Nhà tôi mới hoàn thiện xong phần thô, cửa ra vào vẫn chưa có nhưng bây giờ phải dừng lại vì không có tiền xây tiếp. Nhìn cơ ngơi hoành tráng vậy thôi nhưng nó lại là cục nợ, khiến nhà tôi kiệt quệ tài chính nhiều tháng nay”.

Trước đây, anh cứ nghĩ vay tiền xây nhà để an cư lập nghiệp nhưng nay không ngờ lại rơi vào vòng xoáy nợ nần. “Tôi rất đồng cảm với những người đang phải gồng gánh trả nợ để mua nhà đất với mục đích “an cư lập nghiệp”. Bản thân tôi cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự với món nợ không biết khi nào mới trả hết được”, anh Tùng nghẹn ngào chia sẻ.

Trả nợ 70 triệu đồng mỗi tháng 

Anh Nguyễn Thanh Tùng (tên nhân vật đã được thay đổi) 36 tuổi, hiện đang là một giáo viên dạy toán ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cách đây hai năm về trước, sau khi kết hôn, anh được bố mẹ đẻ cho một nền đất liền kề với miếng đất của ông bà. Đến năm 2022, anh quyết định  xây nhà trên mảnh đất của bố mẹ để lại để ổn định cuộc sống.

Bởi vì số tiền tiết kiệm không đủ nên anh Tùng đi vay mượn thêm người thân, bạn bè, công thêm việc cầm sổ đỏ vay thế chấp ngân hàng để xây nhà. “Lúc xây nhà, hai vợ chồng chỉ có vỏn vẹn 200 triệu đồng nhưng vì muốn có nhà riêng, không phải sống trong nhà bố mẹ nên tôi và vợ quyết định vay mượn tiền để xây, rồi sau đó sẽ làm việc để trả dần”, anh chia sẻ.


Căn nhà hai tầng đang xây dựng dang dở của gia đình anh Tùng
Căn nhà hai tầng đang xây dựng dang dở của gia đình anh Tùng

Quá trình xây nhà diễn ra rất thuận lợi, không gặp vướng mắc gì. Cho đến một ngày, một số người người thân, bạn bè của anh bắt đầu đòi nợ. Để giữ chữ tín với mọi người, vợ chồng anh Tùng quyết định vay tín chấp để có khoản tiền trả nợ sớm cho họ.

Đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền mà vợ chồng anh Tùng vay tín chấp để trả nợ cho người thân, bạn bè đã lên đến 500 triệu đồng. Thu nhập của hai vợ chồng anh vỏn vẹn 14 triệu đồng một tháng nên không đủ khả năng để trả hết các khoản vay cố định đó.     

Quá bế tắc vì nợ nần, vợ chồng anh Tùng quyết định đi “vay nóng” bên ngoài để trả hết khoản nợ thế chấp. “Không biết xoay đâu ra tiền nên tôi đã đi vay nóng bên ngoài 800 triệu đồng để trả nợ ngân hàng và rút sổ đỏ ra. Sau đó, tôi cầm sổ đỏ đi vay tiền ở một ngân hàng khác với hy vọng sẽ kiếm được một số tiền lớn hơn, đủ để trả hết các khoản vay tín chấp và vay nóng”, anh buồn tủi chia sẻ.

Tuy nhiên, mọi chuyện xảy ra không như tính toán của anh Tùng, ngay khi vừa vay nóng 800 triệu đồng (lãi ngày) để rút được sổ đỏ ra, cũng là lúc ngân hàng mới tăng lãi vay, siết chặt hạn mức tín dụng nên việc vay tiền vô cùng khó khăn. Lòng vòng qua lại, anh mất hơn hai tháng mới hoàn thành xong thủ tục vay. Trong khi đó, số tiền lãi vay nóng hàng ngày cứ tăng theo cấp số nhân.

“Vì bị hạn chế tín dụng nên ngân hàng chỉ cho chúng tôi vay đúng bằng số tiền trả các khoản vay tín chấp kia. Còn các khoản “vay nóng” thì chúng tôi phải tự gánh. Cho nên bây giờ, vợ chồng tôi phải trả lãi vay nóng khoảng 60 triệu đồng một tháng, cộng thêm khoản tiền lãi vay ngân hàng mới. Tổng cộng, mỗi tháng, chúng tôi phải gánh số nợ hơn 70 triệu đồng (gấp 3, 4 lần tổng thu nhập hiện tại của hai vợ chồng)”, anh Tùng nói.

Những tháng ngày “thắt lưng buộc bụng”

Từ ngày phải gồng gánh số nợ lớn, anh Tùng bắt đầu đặt ra một số nguyên tắc chi tiêu, ăn uống hàng ngày cho gia đình. Nhiều tháng nay, anh và vợ chẳng dám đi ra bên ngoài, hạn chế tụ tập bạn bè vì sợ tốn tiền. Mỗi buổi sáng, anh luôn cố gắng đến sát giờ làm việc để tiết kiệm được vài chục ngàn đồng uống cà phê với đồng nghiệp.

Thậm chí, những bữa ăn trong gia đình cũng phải tính toán, không dám mua quá nhiều đồ ăn để tiết kiệm nhất có thể. Hàng ngày, vợ chồng anh chỉ ăn cơm với rau luộc, canh thì tận dụng từ nước luộc rau, thỉnh thoảng mua dăm ba con cá biển hoặc thịt lợn về kho mặn để ăn được nhiều bữa. Vẫn biết là thiếu chất nhưng anh và vợ vẫn cố gắng chịu đựng để tiết kiệm thêm một chút tiền trả nợ.


Bữa ăn hàng ngày của gia đình anh Tùng
Bữa ăn hàng ngày của gia đình anh Tùng

Vì thu nhập không đủ tiền trả nợ nên anh và vợ phải xin đi làm phục vụ tại một số quán nhậu trong huyện. Bắt đầu khi trời chập choạng tối, anh và vợ gửi con sang cho ông bà nội rồi chở nhau đi làm. Có hôm gấp gáp, cả hai vội ăn nhanh cái bánh mì rồi lại tiếp tục chạy đến nhà hàng để kịp giờ làm ca tối.

Dù làm việc không có thời gian nghỉ nhưng tổng thu nhập từ công việc chính và cả làm thêm ngoài giờ của hai vợ chồng cũng không thể đủ trả tiền vay mỗi tháng. Quá mệt mỏi vì phải gồng gánh nợ nần, anh tính bán nhà để trả hết nợ nhưng khổ nỗi đây là miếng đất của cha ông để lại, còn chung sân, chung cổng với bố mẹ nên không thể bán được.

“Giờ đây, không có ngày nào vợ chồng tôi ăn ngon, ngủ yên, lúc nào cũng sống trong cảm giác hoang mang, lo sợ nếu kéo dài tình trạng này, gia đình tôi sẽ vỡ nợ vì thực sự chúng tôi không thể trả tiền lãi hàng tháng, chứ đừng nói là trả được tiền gốc. Hoàn cảnh tôi bây giờ rất khổ sở, không biết làm sao để tìm được đường thoát”, anh Tùng tâm sự.

Anh Tùng khuyên những ai đang có ý định vay tiền ngân hàng để xây nhà hoặc mua nhà thì nên dừng lại vì với mức lãi suất hiện nay rất dễ rơi vào tình cảnh phá sản vì mất khả năng chi trả. “Nhà cao cửa rộng ai cũng thích nhưng làm rồi phải còng lưng ra trả nợ thì cũng khổ. Cái thời làm cả đời để xây được cái nhà đã qua nên chi bằng xây một cái nhà vừa đủ để đỡ phải lo nghĩ, để tiền mà hưởng thụ cuộc sống”, anh bộc bạch.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Sắp có bệnh viện quốc tế quy mô 450 giường tại huyện đông dân nhất TP. Hải Phòng

Ứng dụng tra cứu quy hoạch Meey Map lọt vào “mắt xanh” của các ngân hàng

Hà Nội: Phân lại luồng xe khách để ngăn dừng đỗ trên đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng

Hà Nội: Bổ sung hệ thống biển báo, phân luồng, điều tiết giao thông để giải quyết điểm nóng ùn tắc

Bán vàng trực tuyến sẽ chấm dứt tình trạng người dân xếp hàng mua?

Hà Nội có hơn 60.000 căn hộ chưa được cấp "sổ đỏ" do sai phạm của chủ đầu tư

Điều chỉnh giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà tại Hà Nội từ 22/6

Đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC: Chuyên gia nói gì?

Tin mới cập nhật

Chuyển đổi số - Bước đột phá của doanh nghiệp bất động sản 

17 phút trước

Rút khỏi dự án khách sạn, Viconship dự chi gần 2.200 tỷ để "ôm trọn" Cảng Nam Hải Đình Vũ

12 giờ trước

Lãi suất tăng trở lại nhưng kênh tiền gửi vẫn khó hấp dẫn

12 giờ trước

“Ôm” đất nông nghiệp chờ đền bù: Cẩn trọng “vỡ mộng, bỏng tay”

12 giờ trước

Đăng ký mua vàng online rồi "xù": Người dân không còn mặn mà với vàng?

12 giờ trước