Rút khỏi dự án khách sạn, Viconship dự chi gần 2.200 tỷ để "ôm trọn" Cảng Nam Hải Đình Vũ
BÀI LIÊN QUAN
Chưa hết áp lực đáo hạn, trái phiếu bất động sản lại đối mặt với rủi ro lãi suấtBất ngờ khi nhìn vào bảng lợi nhuận quý II của doanh nghiệp bất động sảnHạ tầng phát triển thu hút giao dịch bất động sảnThoái vốn để giảm gánh nặng chi phí tài chính
Liên quan tới dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng, ngày 27/6, Công ty CP Container Việt Nam (Viconship) đã thông qua việc thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh với Công ty CP Tập đoàn T&D Group.
Như vậy toàn bộ phần vốn góp với trị giá 813,6 tỷ đồng của 2 công ty con (Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cảng Xanh và Công ty TNHH MTV Trung tâm Logistics Xanh) sẽ được Viconship chuyển nhượng cho T&D Group.
Sau khi được chuyển nhượng, T&D Group sẽ hoàn trả tiền góp vốn theo lộ trình cụ thể như sau: từ năm 2024 trả tối thiểu 5 tỷ đồng/năm; từ 2028 thanh toán tối thiểu 15 tỷ đồng/năm; từ 2035 thanh toán tối thiểu 34,25 tỷ đồng/năm.
Hyatt Place Hải Phòng là dự án khách sạn 4 sao có tổng diện tích 45.000m2 nằm ở vị trí đắc địa của trung tâm TP. Hải Phòng. Dự án bao gồm 2 tòa tháp cao 17 và 25 tầng với 256 phòng. Được biết, khu đất để xây dựng dự án này trước đây là Tòa nhà Vipco Tower (số 37 Phan Bội Châu) và tòa nhà Central Tower (số 43 Quang Trung) thuộc phường Hoàng Văn Thụ, Q. Hồng Bàng.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1.422,6 tỷ đồng, hiện đã khởi công, dự kiến từ năm 2024 sẽ đi vào hoạt động. Với tổng số vốn trên, 2 công ty thành viên của Viconship mỗi bên thực góp 411,8 tỷ đồng (tổng là 813,6 tỷ đồng), còn T&D Group góp 600 tỷ đồng.
Viconship đưa ra quyết định thoái vốn khỏi dự án Hyatt Place Hải Phòng sau khi doanh nghiệp này thông qua kế hoạch thoái vốn tại ĐHĐCĐTN năm 2024. Lãnh đạo Viconship cho hay, việc thoái vốn nhằm tập trung nguồn lực cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty, giảm gánh nặng chi phí tài chính và lãi vay.
Trước đó, để góp vốn thực hiện dự án này, Viconship đã vay Ngân hàng TMCP Bảo Việt 700 tỷ đồng. Do đó, bên cạnh chuyển nhượng phần vốn góp, công ty cũng sẽ tất toán toàn bộ các khoản nợ vay với ngân hàng này.
Nuôi tham vọng thành "ông trùm" ngành cảng Hải Phòng
Chỉ sau 1 ngày quyết định thoái vốn khỏi dự án khách sạn Hyatt Place Hải Phòng, ngày 28/6, Viconship công bố quyết định chuyển nhượng vốn góp từ cổ đông của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ để nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 100%. Bên bán là Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Đoàn Huy và Công ty TNHH Thương mại Kim khí Xuất nhập khẩu Huy Hoàng.
Hiện Viconship đang sở hữu 35% vốn Cảng Nam Hải Đình Vũ (nhận chuyển nhượng từ Gemadept năm 2023). Doanh nghiệp dự kiến nhận tỷ lệ chuyển nhượng tối đa 65% với hai doanh nghiệp trên. Giá trị mỗi phần vốn chuyển nhượng là 83.800 đồng/cổ phần, tương ứng giá trị thương vụ gần 2.179 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện sẽ vay từ ngân hàng và lấy từ nguồn thu trong đợt phát hành gần 133,4 triệu cổ phiếu (giá 10.000 đồng/cổ phiếu) cho cổ đông hiện hữu. Về phần vay vốn, Viconship dự kiến vay tổng hạn mức 1.450 tỷ đồng tại Ngân hàng Eximbank chi nhánh Hải Phòng.
Thực tế tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2 vào ngày 10/6, Viconship đã thông qua kế hoạch nâng sở hữu lên tối đa 100% vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ. Theo Viconship, vào cuối quý 1/2024 giá trị ghi sổ tại Cảng Nam Hải Đình Vũ hơn 998 tỷ đồng. Bên cạnh đó có 105 tỷ đồng tiền đặt cọc cho Công ty Hoàng Huy và Công ty Đoàn Huy để mua phần góp vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ. Hiệu lực của số tiền đặt cọc có thời hạn 12 tháng kể từ ngày hợp đồng đặt cọc.
Cảng Nam Hải Đình Vũ được xây dựng năm 2012 tại Hải Phòng bởi Liên doanh Công ty CP Gemadept và Công ty Cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco. Cảng có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, công suất 500.000 Teu/năm. Đến cuối 2013, Gemadept gia tăng tỷ lệ vốn góp tại cảng từ 54,66% lên 84,66%.
Năm 2014, Cảng Nam Hải Đình Vũ đi vào hoạt động, tiếp nhận tàu lớn nhất lên tới 50.000 DWT, diện tích bãi CY là 200.000m2 và chiều dài cầu tàu 450m. Hiện nay, cảng này chiếm 10% thị phần khu vực cụm cảng Hải Phòng.
Theo thông tin từ nhóm bán cảng Nam Hải Đình Vũ chia sẻ, trong giao dịch chuyển nhượng này, Viconship chỉ mua các tài sản, không tiếp quản hệ thống nhân sự vận hành. Lý do được Viconship đưa là việc này sẽ giúp tối ưu hóa chi phí nhân sự vì có thể tận dụng nguồn lực từ phía cảng VIP Green trong quá trình vận hành.