Chưa hết áp lực đáo hạn, trái phiếu bất động sản lại đối mặt với rủi ro lãi suất
BÀI LIÊN QUAN
Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay liệu có tăng?Ứng dụng tra cứu quy hoạch Meey Map lọt vào “mắt xanh” của các ngân hàngHàng chục nghìn lượt truy cập mua vàng online mỗi ngày tại các ngân hàngFiinRatings vừa phát hành “Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 5” cho biết, thị trường tiếp tục tăng trưởng cả về số đợt và giá trị. Đến ngày 6/6, đã có 26 đợt phát hành mới với tổng giá trị đạt 23.200 tỉ đồng, tăng 20,6% so với tháng 4 và 6,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng chủ yếu đến từ nhóm tổ chức tín dụng với 19 đợt phát hành trị giá 16.500 tỉ đồng. Giá trị mua lại cao nhất cũng thuộc về nhóm ngân hàng với 86% trên tổng số 13.600 tỉ đồng giá trị trái phiếu mua lại.
Quán quân đáo hạn
Trong khi đó, giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn trong quý III và quý IV đạt lần lượt là 57.900 tỉ đồng và 77.400 tỉ đồng. Áp lực thanh toán hiện hữu với nhóm TPDN bất động sản trong quý III là 37.000 tỉ đồng và chiếm 64% tổng giá trị trái phiếu đến hạn.
Tương tự, số liệu của VIS Rating cũng cho biết, trong 12 tháng tới sẽ có khoảng 19% TPDN đang lưu hành với tổng giá trị 216.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn. Ước tính 9% trong số này có rủi ro chậm trả cao, chủ yếu ở các ngành bất động sản dân cư và xây dựng.
Một lượng lớn doanh nghiệp đã có động thái xin giãn hoãn thanh toán nợ gốc và sửa đổi kế hoạch mua lại. Số liệu của FiinRatings chỉ rõ, từ đầu năm đến nay, thị trường ghi nhận thêm khoảng 20.000 tỉ đồng TPDN chậm trả bao gồm 72% giá trị được giãn, hoãn thời gian đáo hạn từ 1-2 năm.
Đơn cử, Công ty CP Chứng khoán Thủ Đô vừa phát đi thông báo vi phạm thanh toán lô trái phiếu 1.600 tỉ đồng với Công ty CP Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn. Theo đó, Hưng Thịnh Quy Nhơn đã không thanh toán 70% số tiền lãi trái phiếu còn lại trong kỳ tính lãi thứ 9 và 10% tổng tiền lãi của kỳ tính lãi thứ 10.
Lô trái phiếu này được phát hành ngày 26/5/2021, đáo hạn 26/5/2025 nhưng do xảy ra sự kiện vi phạm nên bị bắt buộc phải đáo hạn vào ngày 11/6/2024. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tổ chức phát hành vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ với lý do không thu xếp kịp nguồn tiền.
Mới đây, Hưng Thịnh Land cũng vừa có thông báo chậm thanh toán gốc, lãi của lô trái phiếu 600 tỉ đồng phát hành ngày 11/6/2021 và đáo hạn ngày 11/6/2024. Tháng 11, 12/2024, công ty cũng có 8 lô trái phiếu sẽ đáo hạn với tổng giá trị lưu hành khoảng 2.250 tỉ đồng.
Cùng với “nhóm” Hưng Thịnh, Becamex ITC cũng vừa thông báo kéo dài thời gian đáo hạn mã trái phiếu ITCH1924001 thêm 2 năm, tức ngày đáo hạn sẽ điều chỉnh từ 17/6/2024 sang 17/6/2026. Đây là lô trái phiếu được công ty phát hành vào năm 2019, thời hạn 5 năm để huy động vốn đầu tư dự án Ngũ Tượng Khải Hoàn.
Hay như Khải Hoàn Land vừa thực hiện kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 1 năm sau khi đã kéo dài kỳ hạn cũng 1 năm trong năm 2023.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác như DCT Partners Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Ngọc Minh, Novaland cũng là một trong những cái tên được VIS Rating đưa vào danh sách rủi ro cao với 5.800 tỉ đồng sẽ chậm trả gốc lãi trong tháng 6/2024 do cạn kiệt nguồn tiền.
Rủi ro lãi suất
Bên cạnh áp lực đáo hạn, gia hạn thời gian thanh toán TPDN, các doanh nghiệp còn được FiinRatings đánh giá là sẽ chịu rủi ro với cơ chế lãi suất thả nổi khi mặt bằng lãi suất tiền gửi đang có xu hướng tăng lên.
Báo cáo của FiinRatings cho biết, môi trường lãi suất quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các ngân hàng tư nhân đã tăng bình quân 19% trong tháng 5 và 17% trong tháng 6. Trong khi đó, Việt Nam vẫn duy trì thông lệ xác định lãi suất trái phiếu trên phần bù rủi ro của lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng lớn.
Dữ liệu cũng chỉ ra trên thị trường thứ cấp, nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng có tỉ suất lợi tức từ 7-13%, phần lớn tập trung ở các chủ đầu tư lớn, có thương hiệu và lịch sử hoạt động đã được chứng minh như Vinhomes, Nam Long, Khang Điền hay Becamex . Đây đồng thời cũng là nhóm trái phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường.
Tuy nhiên, một số mã trái phiếu phi ngân hàng với lợi tức cao hơn nhiều so với mức phổ biến. Đơn cử, ngày 10/6, một số lô trái phiếu giao dịch với mức tỷ suất lợi tức đáo hạn bình quân lên tới trên 20% với kỳ hạn dưới 6 tháng của Trung Nam (26,86%), Địa ốc Mai Viên (27,26%), BKAV Pro (41,79%) và Licogi 13 (27,6%).
FiinRatings đánh giá, điều này đang cho thấy thị trường TPDN ngày càng phản ánh mức độ rủi ro vào việc định giá lãi suất theo thị trường. Trước đó, giới chuyên gia tài chính nhận định, việc TPDN áp dụng phương án lãi suất thả nổi là một “cuộc chơi” ở trình độ cao khi phải dự đoán chuẩn xác xu hướng thị trường và có năng lực kiểm soát tình hình tốt trước mọi biến động của thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh rủi ro, FiinRatings cho biết, lãi suất tăng cũng là một trong những chất xúc tác để doanh nghiệp đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu dài hạn với mức lãi suất cố định nhằm tận dụng môi trường lãi suất thấp cũng như giảm rủi ro lãi suất.