Tìm hiểu thông tin về những ngành học thiếu người thừa việc

Thứ tư, 01/06/2022-16:06
Nền kinh tế - xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, nhu cầu của xã hội không ngừng tăng lên. Thị trường lao động cũng theo đà đó mà phát triển. Năm 2021, Việt Nam có khoảng khoảng 50,5 triệu lao động trong độ tuổi trên 15 tuổi. Trong quý IV năm 2021, số lao động thiếu việc làm là gần 1.5 triệu người, còn tỷ lệ thất nghiệp là 3.56%. Dù vậy nhưng lại có nhiều ngành nghề đang trong tình trạng khát nhân lực. Việc định hướng nghề nghiệp cho bản thân trong một thị trường lao động có sức cạnh tranh là điều vô cùng cần thiết. Sau đây hãy cùng điểm qua những ngành học thiếu người thừa việc trong hiện tại và tương lai.

Công nghệ thông tin

Nhắc đến những ngành nghề đang khát nhân lực thì chắc chắn không thể bỏ qua công nghệ thông tin - ngành được xem là hot nhất ngày nay.

Về ngành công nghệ thông tin

Ở xã hội hiện đại, công nghệ thông tin được xem là một trong những ngành có quyền lực bậc nhất. Từ sản xuất, kinh doanh đến giáo dục, y tế… Đặc biệt, trong thời đại 4.0 -  tại Việt Nam cơ bản là ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất, công nghệ thông tin ngày càng khẳng định được tầm quan trọng của mình. Đây vừa là nền tảng, vừa là động lực để Việt Nam bắt kịp đà phát triển của thế giới. Các hệ thống công nghệ thông minh là điều kiện để tối ưu hóa năng suất lao động, tiết giảm nhân lực lao động thủ công và chi phí sản xuất.

Đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng công nghệ thông tin Việt Nam phải đối mặt với thách thức lớn nhất chính là vấn đề nhân lực. Do đó đây là giai đoạn vàng, là cơ hội tốt để các bạn học tập và làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể phát triển và khẳng định năng lực của mình. Đặc biệt có thể được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với mức lương cao và ổn định.

Có rất nhiều bạn thắc mắc rằng: “Ngành công nghệ thông tin nên học chuyên ngành gì?” - Sẽ không có duy nhất một câu trả lời đúng cho tất cả mọi người vì có rất nhiều các chuyên ngành khác nhau trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Điều này đồng thời tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm khác nhau từ các chuyên ngành khác nhau. Tùy vào sở thích và khả năng của từng người mà có thể phù hợp với một số ngành nhất định bởi mỗi người có một định hướng khác nhau. Trong đó có thể kể đến như: Lập trình ứng dụng, phát triển và thiết kế website, an ninh mạng,...


Công nghệ thông tin là một trong những ngành đang phát triển mạnh mẽ
Công nghệ thông tin là một trong những ngành đang phát triển mạnh mẽ

Nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ thông tin

Còn theo báo cáo thị trường của TopDev, năm 2021 Việt Nam cần khoảng 450.000 nhân lực công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam đạt 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ bị bỏ trống trong tương lai gần.

Sự thiếu hụt này xuất phát từ việc chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu kinh doanh. Đáng chú ý đó là hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên trong tổng số 55.000 sinh viên theo học chuyên ngành Công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Năm 2022 này, Việt Nam sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực khi nhu cầu thị trường tăng lên và đạt mức 530.000 người.

Đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự trong ngành IT, 100 đại diện các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo phi truyền thống thuộc lĩnh vực này đã cùng ký cam kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng số do FUNiX tổ chức gần đây.

TS Nguyễn Thành Nam, Founder FUNiX, cho biết, các công việc trong ngành này tăng trưởng tới 47% trong những năm qua, nhưng các đơn vị đào tạo chính thống về công nghệ thông tin chỉ cung cấp được 40% nhu cầu thực tế. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo phi truyền thống là hướng đi đúng đắn giúp lấp đầy khoảng trống nhân sự, cũng là khoảng trống của cơ hội trong ngành IT mà Việt Nam cần.


Ngành công nghệ thông tin đang thiếu hụt nguồn nhân lực lớn
Ngành công nghệ thông tin đang thiếu hụt nguồn nhân lực lớn

Ngành marketing

Cùng với sự nở rộ của nhiều doanh nghiệp ở đa dạng lĩnh vực, tạo nên dấu ấn khác biệt là yếu tố sống còn để mỗi doanh nghiệp đứng vững trên thị trường cạnh tranh khốc liệt và nhiều biến động. Giữ vai trò tạo nên chỗ đứng cho doanh nghiệp chính là hoạt động marketing. Marketing là một bộ phận không thể thiếu trong một tổ chức kinh doanh. 

Có thể thấy, hiện nay tất cả các công ty và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hay sản xuất hàng hóa đều cần một đội ngũ chuyên viên Marketing để quảng cáo thương hiệu của mình rộng rãi, từ đó tiếp cận với số đông khách hàng. Với mức độ cạnh tranh của thị trường ngày càng khốc liệt, vai trò của ngành này càng trở nên quan trọng. Do vậy, cơ hội việc làm của các sinh viên ngành marketing là rất lớn.


Marketing là bộ phận không thể thiếu đối với các công ty, doanh nghiệp
Marketing là bộ phận không thể thiếu đối với các công ty, doanh nghiệp

Có 2 lý do khiến ngành marketing trở thành một trong những ngành học thiếu người thừa việc đó là: công tác đào tạo vẫn chưa đáp ứng đủ cho thị trường và ngành này luôn đòi hỏi nhân lực phải sáng tạo, phải liên tục thay đổi và tiếp nhận những cái mới.

Ngày 5 - 5 vừa qua tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) đã tổ chức hội thảo "Đào tạo marketing theo nhu cầu xã hội ở Việt Nam". Thống kê cho thấy, nhu cầu nhân lực marketing, đặc biệt là nhân lực bậc cao ngày càng gia tăng. Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện phương pháp đào tạo nhân lực cho ngành marketing, từ đó rút ngắn dần khoảng cách giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng thực tiễn.

Không chỉ bó buộc với những phương pháp marketing truyền thống, cùng với sự phát triển của các trang mạng xã hội như facebook, youtube, instagram, …, marketing ngày càng có thêm nhiều đất diễn hơn và khẳng định vị thế của mình nhờ những hiệu quả mang lại cho các hoạt động kinh doanh.

Kéo theo đó, nhu cầu nhân lực trong ngành marketing, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là rất lớn. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Việt Nam, từ nay đến năm 2025, lĩnh vực marketing cần tới 20.000 lao động trở lên cho mỗi năm. Kết quả khảo sát thông số nhân lực trực tuyến Việt Nam cũng cho thấy, ngành marketing vẫn tiếp tục dẫn đầu trong 6 ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao nhất.


Nhu cầu nhân lực trong ngành marketing là rất lớn
Nhu cầu nhân lực trong ngành marketing là rất lớn

Ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí

Suy thoái kinh tế do đại dịch Covid19 đã làm thay đổi tương quan cái nhìn của xã hội về giá trị nghề nghiệp. Có nhiều ngành hot bị ” rớt giá” thảm hại, cũng có nhiều ngành nghề vẫn giữ được giá trị và sẽ tăng trưởng mạnh đó là ngành cơ khí. Điều này đồng nghĩa với việc ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí là một những ngành học thiếu người thừa việc, về cơn khát nhân lực đang rất lớn, cung không đủ cầu, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực cơ khí này vẫn mòn mỏi nhân sự làm việc đáp ứng cả chất và lượng để phát triển.

Với xu thế phát triển ngày càng hiện đại của máy móc, công nghệ cũng đồng nghĩa với việc các ngành nghề của hầu hết các lĩnh vực hiện nay đều cần những công nhân và kỹ sư cơ khí. Do đó những lao động có tính chuyên nghiệp, sáng tạo và có chuyên môn  về máy móc, kỹ thuật luôn được chào đón.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với bài toán thiếu nhân lực ngành cơ khí từ kỹ sư cho đến công nhân kỹ thuật. Đặc biệt các doanh nghiệp cơ khí luôn quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn trình độ chuyên môn cao, đủ sức cạnh tranh để thắng được các hợp đồng tổng thầu EPC.

Nhu cầu hội nhập hiện nay cần có sự trao đổi, phân công hợp tác sản xuất giữa các Doanh nghiệp cơ khí, để khắc phục những khó khăn hiện hữu, tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực nghiên cứu và đổi mới công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm cơ khí chất lượng, có sức cạnh tranh… không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn nhiều sản phẩm xuất khẩu.


Những công nhân kỹ thuật cơ khí
Những công nhân kỹ thuật cơ khí

Ngành công nghệ thực phẩm

Công nghệ thực phẩm bao gồm các lĩnh vực như bảo quản, chế biến nông sản; kiểm tra và đánh giá chất lượng chế biến và chất lượng thực phẩm; vận hành dây chuyền sản xuất thực phẩm; nghiên cứu sản phẩm mới, nguyên liệu mới. Công nghệ thực phẩm ứng dụng trong tất cả lĩnh vực liên quan đến ăn uống.


Ngành công nghệ thực phẩm
Ngành công nghệ thực phẩm

Ngành Công nghệ thực phẩm hiện nay đào tạo chuyên về các lĩnh vực liên quan đến thực phẩm như cách chế biến, bảo quản, kiểm tra và đánh giá chất lượng thực phẩm. Ngoài ra ngành Công nghệ thực phẩm còn đảm nhận cả vai trò nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, vận hành các dây chuyền sản xuất - bảo quản hay tạo ra nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học,…

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, công nghệ thực phẩm hiện là ngành xếp thứ 2 trong 3 nhóm ngành đang dẫn đầu về nhu cầu nhân lực đến năm 2025, hứa hẹn trở thành ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam trong thời gian sắp tới. Với dân số gần 100 triệu người cùng mới mức tăng trưởng kinh tế  khá cao thì nhu cầu tiêu dùng của người dân Việt Nam ngày càng gia tăng về cả chất và lượng. Nhu cầu càng trở nên đa dạng hơn, phức tạp hơn, dễ thay đổi hơn. Những điều này đòi hỏi sự tiến bộ của  đội ngũ nhân lực ngành công nghệ thực phẩm phải có tay nghề, chuyên môn cao, tầm nhìn xa.

Ngoài ra, với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, chú trọng xuất khẩu và liên kết với các quốc gia khác trên thế giới. Nước ta đang hướng đến thị trường toàn cầu, đặc biệt là trong mảng thực phẩm. Điều này tạo động lực lớn để ngành công nghệ thực phẩm phát triển vượt bậc. Do đó nguy cơ thiếu nhân lực là rất lớn, ngành công nghệ thực phẩm sẽ là một trong những ngành học thiếu người thừa việc rất cao.


Nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm
Nhân lực hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các hoạt động đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm. Chính vì vậy, nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ thực phẩm (CNTP) hiện tại là rất lớn.

Ngành tâm lý học 

Từng có một thời gian dài, ngành tâm lý học và nhân sự trong ngành này bị đánh giá chưa đúng mức, do xã hội chưa cởi mở với các vấn đề về tâm lý. Người trẻ tuổi gặp khó khăn hay yêu thích lĩnh vực tâm lý học vì thế đều ít nhiều có sự e dè. Tuy nhiên, chính nhịp sống hiện đại với nhiều căng thẳng ngày nay đã khiến con người nhận ra mình cần những chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần - một nhu cầu căn bản và hoàn toàn chính đáng của con người. 

Với tốc độ phát triển của xã hội, tỷ lệ stress không ngừng gia tăng, con người thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề rối loạn tâm lý và nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Trong vài năm gần đây, nhận định của xã hội về  vai trò của các chuyên gia tâm lý đã trở nên sâu sắc và cởi mở hơn. Khi đối mặt với các vấn đề về tâm lý, nhiều người đã ý thức được việc tìm đến sự giúp đỡ của những “bác sĩ cảm xúc” thay vì tự giải quyết hoặc chỉ nhận tư vấn từ bạn bè, người thân. Cộng thêm sự khan hiếm các trường đào tạo đã lý giải cho việc tâm lý học trở thành ngành hot, “cầu vượt cung” trong thời gian gần đây.

Sự phát triển của văn hóa - xã hội và công nghệ cho phép mọi người tiếp cận những thông tin đúng mực hơn về ngành tâm lý học. Người Việt dần phân biệt được các công việc khác nhau như bác sĩ tâm thần, chuyên gia tham vấn - trị liệu, chuyên gia tâm lý, … Điều này không chỉ kích thích sự phát triển của ngành tâm lý mà còn gây sức hút với người trẻ hơn khi hiểu được tầm quan trọng của tâm lý học trong cuộc sống. Nhu cầu chăm sóc tinh thần tăng cao chính là điều kiện tiên quyết để nhân lực ngành tâm lý học trở nên đắt giá, con đường nghề nghiệp rộng mở với nhiều lựa chọn. 


Tham vấn tâm lý
Tham vấn tâm lý

Ngành du lịch 

Hơn 2 năm bị "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường du lịch khách sạn đã có xu hướng phát triển trở lại sau khi Nhà nước quyết định mở cửa trở lại ngành dịch vụ. Tuy nhiên, lượng khách du lịch tăng nhanh trở lại cũng đặt ra thách thức lớn cho ngành du lịch của các địa phương, các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng vì thiếu hụt nguồn nhân lực.


Các khu du lịch phải đóng cửa do dịch Covid19
Các khu du lịch phải đóng cửa do dịch Covid19

Tại Hội nghị Tuyển sinh - đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức vào ngày 26/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, nhân lực du lịch trở nên thiếu hụt trầm trọng sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp lữ hành lâm vào khủng hoảng, 90-95% doanh nghiệp phải dừng hoạt động, chuyển ngành nghề, thay đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự. 

Ông Trương Anh Dũng cho biết, năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch thì nhưng đến năm 2020, gần 80% nhân sự của ngành này bị cắt giảm bởi ảnh hưởng từ COVID-19. Năm 2021, chỉ có 25% lao động trong số còn lại làm việc đủ thời gian.


Hội An hồi sinh sau đại dịch
Hội An hồi sinh sau đại dịch

Không chỉ thiếu về số lượng, các doanh nghiệp du lịch cũng đã khẳng định, kỹ năng của nhân lực trong ngành phần nào yếu đi sau 2 năm hoạt động một cách cầm chừng.

Số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cho thấy, số lượng tuyển sinh của 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngành du lịch đã sụt giảm 32%; đến hết tháng 12/2021, kết quả tuyển sinh cũng chỉ bằng 50% so với năm 2019.

Ngành y tế

Nghề y là nghề đặc biệt. Nhân lực ngành y tế phải đáp ứng được các yêu cầu cả về chuyên môn và y đức; vì thế nhân lực ngành y cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và hưởng đãi ngộ đặc biệt. Thế nhưng, hiện tại nước ta vẫn chưa đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các y sĩ dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng tại các tỉnh thành và cả các thành phố lớn. Do vậy mà ngành y tế là một trong những ngành học thiếu người thừa việc nhất nhì hiện nay.


Ngành y tế
Ngành y tế

Đại dịch Covid19 lan rộng đã làm lộ rõ những thiếu hụt của ngành y tế Việt Nam nhất là về mặt nhân lực, khi mà liên tục có lời kêu cứu từ các trung tâm y tế địa phương ở khắp nơi trên cả nước. Ngay trước khi xảy xảy ra đại dịch Covid-19, tỷ lệ bác sĩ/chục nghìn dân của chúng ta là 8.6, ít hơn 4 đến 8 lần so với nhiều nước có ngành y tế phát triển (Úc là 48,3; Cuba 67,2; Nga 43; Argentina 38,6…). 

Lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở càng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ bác sĩ. Nguồn nhân lực của hệ thống này chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng để có thể triển khai các hoạt động phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm mà chúng ta đang phải đối mặt.


Ngành y tế thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong bối cảnh đại dịch
Ngành y tế thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong bối cảnh đại dịch

Không chỉ riêng tại những thành phố lớn, thiếu hụt nhân lực y tế tại các địa phương cũng là một bài toán khó chưa có lời giải khi nguồn bổ sung vẫn chưa thể đáp ứng đủ. Cụ thể, tại các tỉnh Gia Lai, Bến Tre và Đồng Nai thiếu hụt lượng lớn y bác sĩ buộc các địa phương này phải đưa ra giải pháp tình thế, như điều chuyển y bác sĩ bổ sung cho các đơn vị bị thiếu hụt, hoặc ký hợp đồng với các y bác sĩ đã về hưu là phương án tạm thời.

Kết luận

Việc lựa chọn ngành là việc vô cùng quan trọng, nhất là ở lứa tuổi học sinh cấp 3 và đại học. Lựa chọn ngành học phù hợp vừa giúp các em có được cơ hội việc làm rộng mở vừa giúp bổ sung nguồn nhân lực cho các lĩnh vực, đặc biệt là những ngành học thiếu người thừa việc trên. Mong rằng mỗi người sẽ tìm được cho mình một lĩnh vực phù hợp với bản thân.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Hot girl 9x Hà Nội từng bị phản đối vì mở tiệm nail, hiện là bà chủ chuỗi Nailroom hoành tráng, còn lấn sân sang kinh doanh căn hộ cho thuê

Tin mới cập nhật

Thị trường ấm lên, nghề môi giới bất động sản “nóng” trở lại

3 giờ trước

Căn hộ chung cư cho thuê sẽ tạo dòng tiền lớn

5 giờ trước

Ba điểm sáng của thị trường bất động sản phía Nam

9 giờ trước

Cách chọn hướng nhà, hướng phòng làm việc “đại cát, đại lợi” cho gia chủ tuổi Dậu

11 giờ trước

Thị trường ấm lên, giới đầu tư đi “săn” đất nền

12 giờ trước