meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Người mua trả góp điêu đứng trong cơn bão lãi suất (Bài 7):  “Giật gấu vá vai” để chạy theo lãi suất

Thứ hai, 27/03/2023-14:03
Khi hết thời gian hưởng ưu đãi, lãi suất thả nổi cũng là lúc người mua nhà “chìm” trong vòng xoáy trả nợ ngân hàng. Không ít người vỡ kế hoạch tài chính, rao bán nhà… vì lãi suất ngân hàng quá cao không có đủ tiền trang trải lãi và gốc hàng tháng.

LTS:

Tích cóp nhiều năm để mua được một căn nhà trả góp, nhưng gánh nặng trả nợ kéo dài sau đó mới thực sự là nỗi ám ảnh. Những tưởng, cuộc sống sẽ ổn định, mỗi tháng bóp mồm, bóp miệng một chút là có được căn nhà Hà Nội. Nhưng không... Khi khó khăn kinh tế leo thang, lãi suất tăng vọt thì giấc mơ đã trở thành một gánh lo đè nặng.

Bán hàng online, chạy thêm grab, làm thêm đủ thứ việc để có tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Nhiều người đã chọn cách này để “nuôi” tiếp giấc mơ an cư. Nhưng không phải ai cũng nghị lực như vậy. Nhất là khi kinh tế suy thoái, khủng hoảng kinh tế, thu nhập giảm sút, lãi suất ngân hàng tăng cao. Một số người đã phải bán nhà, bán tài sản để trả nợ vì không thể gồng nổi lãi suất đang thả nổi như hiện nay.

Bán nhà, bán tài sản để trút gánh nợ ngân hàng, chấm dứt những nỗi ám ảnh về tiền trả góp hàng tháng cũng đồng nghĩa với việc họ chấp nhận quay trở về điểm xuất phát. Đó thật sự không phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng có lẽ trong điều kiện hiện tại, nhiều trong số họ không có sự lựa chọn nào khác.

Những câu chuyện, những mảnh đời mà chúng tôi ghi lại trong tuyến bài: “Người mua trả góp quay cuồng trong cơn bão lãi suất”, như tiếng lòng của rất nhiều gia đình trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ thiết thực hơn từ Cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng cho những gia đình quá khó khăn với câu chuyện mua nhà trả góp.

 “Giật gấu vá vai” để chạy theo lãi suất

Từ đầu tháng tháng 12/2022 đến nay, chị Nguyễn Thị Nguyệt, 38 tuổi, quê Bắc Giang, đang làm kế toán tại một công ty ở quận Cầu Giấy, Hà Nội “stress” nặng mỗi khi nghĩ đến những khoản phải trả nợ ngân hàng. “Tháng 12/2021, gia đình tôi mua một căn hộ 72 m2 tại huyện Hoài Đức với giá 1,7 tỷ đồng. Mười mấy năm ở Hà Nội, thắt lưng buộc bụng, gia đình tôi tích cóp được 800 triệu đồng. Số tiền còn lại thì cắm sổ đỏ ở quê để vay ngân hàng. Trong 12 tháng đầu, ngân hàng ưu đãi mức lãi suất là 9%/năm, ân hạn nợ gốc trong năm đầu và thời hạn vay trong 10 năm. Sau 12 tháng thì lãi suất thả nổi theo thị trường. Trước đây thì mỗi tháng gia đình tôi chỉ phải trả tiền lãi khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng nên cuộc sống cũng khá dễ chịu. Tuy nhiên, sau 1 năm, lãi suất thả nổi lên 13%/năm cũng là lúc tôi phải trả thêm cả phần gốc. Mỗi tháng hiện nay gia đình tôi phải trả hơn 17 triệu đồng cả gốc và lãi”, chị Nguyệt kể.


Nhiều gia đình khổ sở vì lãi suất ngân hàng tăng phi mã khi mua nhà trả góp.
Nhiều gia đình khổ sở vì lãi suất ngân hàng tăng phi mã khi mua nhà trả góp.

Chị Nguyệt than vãn, từ cuối năm ngoái đến nay, do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, công ty chị đơn hàng giảm khá nhiều nên lương cũng bị co lại. Thậm chí, chị Nguyệt may mắn vì không nằm trong danh sách bị cho thôi việc. Chồng chị Nguyệt làm kinh doanh trong công ty nội thất nhà cũng giảm đến 50% lương vì không có khách.

Từ khi công ty của cả hai vợ chồng giảm lương, mỗi tháng họ chỉ còn khoảng 21-22 triệu đồng trong khi đó trả nợ ngân hàng hơn 17 triệu. Số tiền còn lại chưa đủ đóng học phí cho hai cậu con trai.

Để có tiền cho sinh hoạt, chị Nguyệt nhận làm thêm sổ sách cho một công ty khác trong khi chồng chị chạy Grab mỗi khi rảnh rỗi. Thế nhưng, số tiền họ kiếm thêm được chưa đủ để trang trải cuộc sống. “Cứ mùng 10 hàng tháng, đến kỳ trả nợ ngân hàng, vợ chồng tôi lại cuống cuồng đi vay mượn khắp nơi để đập vào. Tháng này vay của người này, tháng sau vay của người khác để trả cho người trước. Có tháng công ty chậm lương, tôi phải cắm tạm xe máy, đi xe bus đi làm để có tiền trả lãi ngân hàng. Ngoài ra, tôi cũng đành phải cho các con nghỉ học thêm tiếng Anh vì không ó tiền”, chị Nguyện tâm sự.

Tương tự chị Nguyệt, gia đình chị Trần Linh Anh (35 tuổi), đang sinh sống tại quận Hà Đông, Hà Nội cũng khổ sở xoay tiền hàng tháng trả nợ ngân hàng. Chị Linh Anh làm nhân viên kinh doanh của một sàn bất động sản tại Hà Nội. Năm 2020, khi bất động sản còn thịnh, gia đình chị Linh Anh mua căn hộ 3 phòng ngủ, rộng 120 m2 trên đường Tố Hữu với giá gần 4 tỷ đồng. Vợ chồng chị vay ngân hàng 2 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm trong 2 năm đầu và trả dần trong 10 năm. Đến năm thứ 3 lãi suất sẽ thả nổi. Thời điểm này, mỗi tháng, gia đình chị phải trả nợ ngân hàng trên 28 triệu đồng cả gốc và lãi.

Chị Linh Anh chia sẻ: “Từ tháng 10/2022 là hết thời gian ưu đãi lãi suất, chúng tôi phải chịu lãi suất lên đến hơn 12,5%/năm. Trong 2 năm, gia đình tôi cũng đã trả được khoảng 330 triệu đồng tiền gốc. Nhưng số tiền hàng tháng hiện nay phải trả còn cao hơn so với thời điểm 2 năm trước bởi lãi suất ngân hàng gần như tăng gấp đôi. Thậm chí, nhân viên ngân hàng còn nói rằng, lãi suất 12,5% chỉ trong 6 tháng và có thể tăng lên theo thị trường”.

Mất phương hướng vì nợ nần

Chị Linh Anh kể, nhiều đêm vợ chồng chị không ngủ được vì tiền gốc và lãi hàng tháng vượt quá khả năng chi trả. Đặc biệt thời điểm này chị Linh Anh gần như thất nghiệp vì các sàn bất động sản không có giao dịch. Tất cả chi phí sinh hoạt, trả nợ ngân hàng, tiền các con ăn học cho đến tiền đám cưới, ma chay, hiếu hỉ đều dồn lên đôi vai người chồng. Được biết, chồng chị Linh Anh làm trong ngành xuất nhập khẩu lao động có thâm niên nên cả lương và hoa hồng một tháng cũng được 40 triệu đồng. Nhưng con số đó cũng chẳng đủ để trang trải toàn bộ cuộc sống. Bởi hiện nay, cả gốc và lãi ngân hàng phải trả đã lên đến hơn 33 triệu đồng/tháng.


Vào thời điểm này, khi lãi suất tăng cao, rất nhiều người mua nhà trả góp bị vỡ phương án tài chính.
Vào thời điểm này, khi lãi suất tăng cao, rất nhiều người mua nhà trả góp bị vỡ phương án tài chính.

“Vợ chồng tôi đã nghĩ đến nước mượn tiền để trả ngân hàng, chuộc sổ đỏ của căn hộ đang ở ra rồi bán đi, tất toán ngân hàng. Sau khi trả nợ xong, còn thừa bao nhiêu thì mua căn hộ diện tích nhỏ hơn, xa trung tâm hơn để ở. Nhưng trong thởi điểm này, để vay một số tiền lớn như vậy là rất khó”, chị Linh Anh nói.

Còn chị Nguyệt than thở rằng, gia đình chị gần như mất phương hướng vì không biết sống trong cảnh “giật gấu vá vai” được đến bao giờ. Công việc hiện nay không tiến triển trong khi lãi suất vẫn đề đặn phải trả. Chị Nguyệt nói rằng, mỗi lần nghe tin ngân hàng chuẩn bị điều chỉnh lãi suất chị lại mất ăn mất ngủ. Cứ tưởng mua được căn hộ dọn vào ở là an cư lạc nghiệp, con cái đỡ vất vả nhưng không ngờ lại phải sống trong tình trạng khổ sở vì nợ nần.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện nay có nhiều người vỡ kế hoạch tài chính vì mua nhà trả góp. Bởi thời điểm cách đây 1 hoặc 2 năm họ mua được hưởng lãi suất ngân hàng thấp. Đến lúc này, khi lãi suất thả nổi dẫn đến mất khả năng chi trả.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo, khi mua nhà trả góp, người sử dụng đòn bẩy tài chính nên cân nhắc khả năng chi trả lãi vay và nợ gốc ngân hàng theo lãi suất thả nổi. Theo kinh nghiệm mua nhà trả góp, người dân không nên chi quá 40% thu nhập cho khoản vay. Vì thế, không nên mua cố, cần phải tính toán đến nhiều phương án khi trả nợ như mất việc, giảm lương…

“Thực tế có nhiều người vay vốn ngân hàng mua nhà trả góp lúc nào cũng tính đến công việc làm ăn của mình thuận lợi. Ví dụ họ tính thu nhập 20 triệu đồng thì chia trả lãi ngân hàng 10 triệu, còn lại đủ chi tiêu. Thế nhưng, họ không ngờ được là thời gian sau, lãi suất tăng lên hoặc thu nhập bị giảm dẫn đến việc vỡ kế hoạch tài chính, thậm chí là bán nhà đi để trả nợ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.  

(Còn tiếp)

Tố Nhi
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Sắp có bệnh viện quốc tế quy mô 450 giường tại huyện đông dân nhất TP. Hải Phòng

Ứng dụng tra cứu quy hoạch Meey Map lọt vào “mắt xanh” của các ngân hàng

Hà Nội: Phân lại luồng xe khách để ngăn dừng đỗ trên đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng

Hà Nội: Bổ sung hệ thống biển báo, phân luồng, điều tiết giao thông để giải quyết điểm nóng ùn tắc

Bán vàng trực tuyến sẽ chấm dứt tình trạng người dân xếp hàng mua?

Hà Nội có hơn 60.000 căn hộ chưa được cấp "sổ đỏ" do sai phạm của chủ đầu tư

Điều chỉnh giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà tại Hà Nội từ 22/6

Đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC: Chuyên gia nói gì?

Tin mới cập nhật

Một số dự án treo bất ngờ được thoát "khai tử" nhờ Hà Nội tung "phao cứu sinh"

4 giờ trước

Quy định cấm bán bảo hiểm "gắn" dịch vụ ngân hàng: Doanh nghiệp bảo hiểm muốn có hướng dẫn cụ thể

4 giờ trước

Gặp khó với "danh phận", Condotel cắt lỗ cả tỉ đồng nhưng thanh khoản vẫn mất hút

4 giờ trước

Tập đoàn Foxconn tiếp tục rót thêm 551 triệu USD đầu tư phát triển công nghệ tại Việt Nam

4 giờ trước

Thương mại điện tử bùng nổ, nhà phố cho thuê đìu hiu, ế ẩm

22 giờ trước