Người mua trả góp điêu đứng trong cơn bão lãi suất (Bài 1): “Anh chị phải bán nhà thôi em ạ”
BÀI LIÊN QUAN
Người mua nhà châu Âu “mắc kẹt” trong vòng xoáy lãi suất liên tục tăngLãi suất liên ngân hàng giảm sâu sau khi giảm lãi suất điều hànhPGS. TS. Ngô Trí Long: “Giảm lãi suất cho vay là tín hiệu đáng mừng”LTS:
Tích cóp nhiều năm để mua được một căn nhà trả góp, nhưng gánh nặng trả nợ kéo dài sau đó mới thực sự là nỗi ám ảnh. Những tưởng, cuộc sống sẽ ổn định, mỗi tháng bóp mồm, bóp miệng một chút là có được căn nhà Hà Nội. Nhưng không... Khi khó khăn kinh tế leo thang, lãi suất tăng vọt thì giấc mơ đã trở thành một gánh lo đè nặng.
Bán hàng online, chạy thêm grab, làm thêm đủ thứ việc để có tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Nhiều người đã chọn cách này để “nuôi” tiếp giấc mơ an cư. Nhưng không phải ai cũng nghị lực như vậy. Nhất là khi kinh tế suy thoái, khủng hoảng kinh tế, thu nhập giảm sút, lãi suất ngân hàng tăng cao. Một số người đã phải bán nhà, bán tài sản để trả nợ vì không thể gồng nổi lãi suất đang thả nổi như hiện nay.
Bán nhà, bán tài sản để trút gánh nợ ngân hàng, chấm dứt những nỗi ám ảnh về tiền trả góp hàng tháng cũng đồng nghĩa với việc họ chấp nhận quay trở về điểm xuất phát. Đó thật sự không phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng có lẽ trong điều kiện hiện tại, nhiều trong số họ không có sự lựa chọn nào khác.
Những câu chuyện, những mảnh đời mà chúng tôi ghi lại trong tuyến bài: “Người mua trả góp quay cuồng trong cơn bão lãi suất”, như tiếng lòng của rất nhiều gia đình trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ thiết thực hơn từ Cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng cho những gia đình quá khó khăn với câu chuyện mua nhà trả góp.
4 năm trước, khi cư dân về nhận nhà và sinh sống tại chung cư này thì gia đình anh Hoa, chị Hiếu được nhiều người nhìn với ánh mắt ngưỡng mộ. Anh là trưởng phòng kinh doanh tại một tập đoàn lớn, chị là giám đốc một sàn giao dịch bất động sản. Chị đi máy bay công tác như đi chợ. Hôm nay vừa checkin ở Phú Quốc, ngày mai đã thấy đang ở Hạ Long, rồi ngày khác lại bận rộn phân phối dự án ở Hà Nội. Công việc bận rộn và thu nhập của anh chị cũng là niềm mơ ước của biết bao gia đình. Có lần nhậu cùng hàng xóm, anh lỡ lời kể, lương trưởng phòng của anh chỉ đủ cho anh tiêu vặt, mua mấy thứ linh tinh, còn mọi thứ lớn nhỏ chi tiêu trong nhà đều tay chị. Bởi thời điểm đó, thu nhập của chị lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Tuy thu nhập cao, nhưng chi phí cuộc sống cũng không hề nhỏ, căn hộ hơn 3 tỉ mà anh chị đang sở hữu dù được mua với giá ưu đãi nhưng vẫn phải vay trả góp ngân hàng hơn 1 nửa. “Với thu nhập của anh chị khi đó thì mức trả góp hàng tháng chả đáng là bao. Anh chị còn dồn tiền để đầu tư các dự án khác nữa”, anh Hoa kể.
Về nhà mới từ cuối 2019, anh sắm một chiếc ô tô trả góp để tiện việc đi làm. Với mức lương hơn 20 triệu đồng mỗi tháng và không phải chi phí cho gia đình, anh thừa sức để trả góp tiền mua ô tô. Hai vợ chồng 2 ô tô, công việc ổn định, thu nhập cao, con cái học trường tư thục…cuộc sống của họ khiến bao gia đình mơ ước.
Nhưng rồi, đại dịch Covid - 19 ập đến, vượt xa sự tưởng tượng và dự báo của nhiều người. Rồi phải cách ly, phải giãn cách xã hội, các dự án bất động sản cũng phải đình trệ, kinh tế đi xuống, việc mua bán nhà đất ngày càng trầm lắng. Công việc, thu nhập của chị Hiếu bị ảnh hưởng không nhỏ.
Còn với anh Hoa, mặc dù lương tháng của anh vẫn không bị ảnh hưởng nhưng những thu nhập tăng thêm từ kinh doanh đã không còn được như trước. Kinh tế khó khăn, lượng hàng hóa của công ty không bán được nên các khoản hoa hồng, thưởng kinh doanh mà anh nhận được trước đây đã không còn. Dẫu vậy, thời điểm đó gia đình anh chỉ hơi khó khăn, còn các khoản trả góp vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều, bởi lãi suất ngân hàng giai đoạn đó đang khá là mềm.
Cắt lỗ 300 triệu với chiếc ô tô vừa đi được 7000km
Để thoát ra khỏi khó khăn sau dịch bệnh, chị cùng với một số người bạn hùn vốn mở một công ty con ở TP. Hồ Chí Minh. Bao nhiêu vốn liếng tích cóp được giai đoạn trước cùng với vay mượn người thân, chị dồn cả vào “canh bạc” này. Chị vào TP. Hồ Chí Minh được 2 tháng thì thị trường bất động sản rơi vào cảnh đóng băng, các dự án “chết đứng”, gần như thị trường không có thanh khoản. Cùng với đó, ngân hàng bắt đầu siết tín dụng, lãi suất cho vay thì ngày một tăng lên. Không còn cách nào khác, chị buộc phải rút lui trở về, bỏ lại những dự định, dự án, hoài bão của mình. Cùng với đó là nhiều tỉ đồng tiền góp vốn cũng nằm lại.
Trở lại Hà Nội, mọi thứ không dễ dàng, thuận lợi như trước, gần như chị phải bắt đầu lại từ đầu. Còn ít tiền, chị vay mượn thêm một ít để mua một chiếc ô tô gần 1 tỉ đồng. Đang ngắc ngoải công việc được chút, kết nối lại các mối làm ăn cũ thì đúng dịp ngân hàng hết room, thị trường bất động sản đóng băng. Lúc này, thu nhập của chị gần như trở về số không trong khi tiền vay ngắn hạn phải trả, tiền trả góp ngân hàng khi mua nhà lại phình to. Không còn lựa chọn nào khác, chị buộc phải rao bán chiếc xe vừa mới đi chưa đầy 7.000km.
“Vì cần tiền gấp, nên anh phải mang ra gara để bán và chấp nhận giá rẻ hơn thị trường khá nhiều, chấp nhận cắt lỗ 300 triệu để đẩy con xe đi, thu tiền về trang trải”, anh Hoa chia sẻ.
Nhưng đó chưa phải là bi kịch cuối cùng. 700 triệu thu được từ bán xe, anh chị phải đắp vào các khoản nợ vay mượn đầu tư trước đây. Hiện tại, thu nhập của anh hơn 20 triệu, còn công ty chị tạm thời dừng hoạt động. Khoản tiền trả góp hàng tháng mà anh chị phải nộp đã vượt quá số lương tháng của anh. Chưa kể đến tiền ăn của cả gia đình 4 người, tiền học của 2 đứa con mỗi tháng cũng không dưới 20 triệu đồng.
“Anh chị gánh không nổi nữa mà cũng không có lựa chọn nào khác nữa. Đành phải bán căn nhà này để trả nợ. Trả xong còn một ít thì cầm cự qua ngày rồi đi thuê một chỗ ở mới, chờ sau này làm lại, chứ biết sao được. Như thế cho nhẹ đầu….”, chị Hiếu buồn rầu kể.
Dù đã rao bán gần 1 tháng nay, nhưng chỉ lác đác vài khách đến hỏi và ép giá, bởi giá nhà hiện nay lên cao, tính thanh khoản rất thấp. 3 ngày trước, anh chị quyết định giảm giá thêm 100 triệu nhưng vẫn chưa thay đổi được tình hình.
“Xe bán rồi, kỳ hạn lãi suất hàng tháng lại ập đến mà nhà không biết khi nào mới bán được. Chưa bao giờ anh khó khăn, bí bách như thế này. Đau đầu lắm chú ạ”, anh Hoa thở dài.
Áp lực trả nợ ngân hàng đang là nỗi ám ảnh của rất nhiều gia đình, nhất là trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, nguy cơ sụt giảm thu nhập luôn hiện hữu thì những căn nhà gom góp bao nhiêu năm, từng là niềm vui vô bờ bến lần lượt bị rao bán sẽ ngày càng phổ biến.
(Còn tiếp)