PGS. TS. Ngô Trí Long: “Giảm lãi suất cho vay là tín hiệu đáng mừng”
BÀI LIÊN QUAN
PGS.TS Trần Kim Chung: Thị trường BĐS cần minh bạch, chính quy, chỉ số phải tính đượcTS. Vũ Tiến Lộc: Đột phá thể chế dẫn đường cho sự hồi sinh thị trường bất động sảnSửa đổi Luật Đất đai 2013 cần những bước đi thận trọngGỡ nút thắt dòng tiền, giảm áp lực lãi vay
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giảm 1 điểm % nhiều loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Theo Ngân hàng nhà nước, giảm lãi suất điều hành là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới". Đây là một tín hiệu tốt dành cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân,… cũng như nền kinh tế nói chung tháo gỡ những khó khăn.
Theo các chuyên gia, việc hạ một số loại lãi suất điều hành từ phía Ngân hàng nhà nước sẽ là tiền đề để các nhà băng tiếp tục hạ lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với chi phí thấp, đẩy mạnh chi tiêu.
Về cầu đầu tư, khi các ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống sẽ tác động đến các cá nhân chuyển dịch dòng vốn của mình từ gửi tiết kiệm ngân hàng sang đầu tư hoạt động kinh doanh, mang lại lợi ích cho nền kinh tế.
Đánh giá về động thái này, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá cho biết, với các doanh nghiệp thì dòng tiền là yếu tố rất quan trọng và họ đang rất thiếu, do vậy khi có thông tin về giảm lãi suất cho vay là một tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với riêng những người đang hoạt động kinh doanh mà còn có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế xã hội.
“Tuy giảm lãi suất cho vay nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Chỉ doanh nghiệp nào có đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện mới vay được vốn ngân hàng, nếu không thì dù có giảm hơn nữa cũng là vô nghĩa”, ông Long nhận định.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, động thái từ phía Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể có nguồn vốn dồi dào hơn, đáp ứng những nhu cầu về vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng như trong các quá trình khác. Điều quan trọng vẫn là bản thân các doanh nghiệp có đủ điều kiện để ngân hàng cho vay hay không.
Bên cạnh đó, tín hiệu giảm lãi suất cho vay cũng làm tâm lý của những nhà đầu tư, người nhà ở đang chật vật và lo ngại về mức lãi suất cho vay tăng cao thoải mái hơn, áp lực lãi vay được phần nào gỡ bỏ. Đây được xem là một động thái tích cực để người mua nhà tự tin xuống tiền, khơi dậy thị trường.
Thị trường bất động sản có nhiều cơ hội phục hồi từ các chính sách
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, với sự vào cuộc kiên quyết từ phía Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, tất cả các ngân hàng thương mại đều cam kết giảm lãi suất cho vay, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý hơn. Vì thế, đây sẽ là một trong những nhân tố thúc đẩy hoạt động đầu tư cũng như các hoạt động khác trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
“Hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu nhà ở là tối thiểu trong khi khả năng chi trả hàng tháng của người lao động có hạn. Do đó, việc điều chỉnh lãi suất cho vay giảm xuống phù hợp với khả năng chi trả của họ, sẽ giúp họ tiếp cận các khoản vay để mua nhà ở dễ dàng hơn, tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh chia sẻ thêm, tín dụng bất động sản tập trung chủ yếu vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Hiện nay, Ngân hàng nhà nước đang chủ trì triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với 4 ngân hàng thương mại vốn nhà nước cùng với lãi suất thấp 1,5 - 2% so với mức cho vay thông thường.
Một số nhóm doanh nghiệp bất động sản tại phân khúc thương mại, nghỉ dưỡng cũng được hưởng lợi từ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng này, nhưng sẽ có phần hạn chế hơn. Nếu như gói tín dụng này được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng sẽ giúp thị trường bất động sản nhanh chóng khởi sắc trở lại, tăng tính thanh khoản cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Điều này sẽ kéo các phân khúc bất động sản khác vực dậy nhanh chóng.
“Các ngân hàng thương mại đều có định mức tín dụng hết rồi, vì thế hiện giờ họ có thể xem xét các chủ thể doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nào phù hợp, đáp ứng được các điều kiện thì sẽ cho vay”, ông Thịnh nói.
PGS. TS. Ngô Trí Long cho hay, các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn lớn nhất là về nuồn tiền khi vừa phải thanh toán nợ trái phiếu, vừa phải tiếp tục mở rộng đầu tư. Do đó, việc giảm lãi suất được xem là một trong những thuận lợi góp phần giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp bất động sản hiện nay.
“Đối với bất động sản không có tiền là bất động, vì vậy nguồn tiền để tiếp tục mở rộng kinh doanh và hoàn thành các dự án bất động sản là vấn đề nan giải. Để thị trường bất động sản khởi sắc trở lại không chỉ chịu tác động từ phía ngân hàng, mà cần đồng thời cả ngân hàng và doanh nghiệp phải có những hành động phù hợp. Bản thân các doanh nghiệp bất động sản phải có những phương án kinh doanh bài bản, hiệu quả mới là điều quan trọng”, ông Long nhận định.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2023 là năm giao ban tạo ra chu kỳ phát triển thị trường mới với nhiều hy vọng tích cực. Đến từ việc tháo gỡ những nút thắt về mặt pháp lý, lãi suất hạ giúp dòng tiền dần được khơi thông, cùng với đó là sự tiếp sức từ nguồn lực nhu cầu tăng cao sẽ góp phần làm tăng tốc thị trường.