meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Người mua trả góp điêu đứng trong cơn bão lãi suất (Bài 2): Bán nhà, bán xe vì không “gồng” nổi nợ ngân hàng

Thứ sáu, 24/03/2023-07:03
Tích cóp hàng chục năm mới sở hữu được ngôi nhà, tuy nhiên vì không thể gồng gánh được nợ ngân hàng khi lãi suất tăng phi mã, nhiều người phải cắn răng bán đi “tổ ấm” để thoát nợ. Đây là câu chuyện buồn của những gia đình mua nhà trả góp bằng việc vay vốn ngân hàng.

LTS:

Tích cóp nhiều năm để mua được một căn nhà trả góp, nhưng gánh nặng trả nợ kéo dài sau đó mới thực sự là nỗi ám ảnh. Những tưởng, cuộc sống sẽ ổn định, mỗi tháng bóp mồm, bóp miệng một chút là có được căn nhà Hà Nội. Nhưng không... Khi khó khăn kinh tế leo thang, lãi suất tăng vọt thì giấc mơ đã trở thành một gánh lo đè nặng.

Bán hàng online, chạy thêm grab, làm thêm đủ thứ việc để có tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Nhiều người đã chọn cách này để “nuôi” tiếp giấc mơ an cư. Nhưng không phải ai cũng nghị lực như vậy. Nhất là khi kinh tế suy thoái, khủng hoảng kinh tế, thu nhập giảm sút, lãi suất ngân hàng tăng cao. Một số người đã phải bán nhà, bán tài sản để trả nợ vì không thể gồng nổi lãi suất đang thả nổi như hiện nay.

Bán nhà, bán tài sản để trút gánh nợ ngân hàng, chấm dứt những nỗi ám ảnh về tiền trả góp hàng tháng cũng đồng nghĩa với việc họ chấp nhận quay trở về điểm xuất phát. Đó thật sự không phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng có lẽ trong điều kiện hiện tại, nhiều trong số họ không có sự lựa chọn nào khác.

Những câu chuyện, những mảnh đời mà chúng tôi ghi lại trong tuyến bài: “Người mua trả góp quay cuồng trong cơn bão lãi suất”, như tiếng lòng của rất nhiều gia đình trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ thiết thực hơn từ Cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng cho những gia đình quá khó khăn với câu chuyện mua nhà trả góp.

Từ chung cư hạng sang chuyển về ở trọ

Gia đình anh Nguyễn Minh Thủy, 36 tuổi, vừa chuyển đến khu tập thể Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) để thuê trọ. Đó là căn nhà tập thể ở trên tầng 3, rộng hơn 40m2 cũ kỹ với chiếc chuồng cọp bằng sắt gỉ ở đã hoen gỉ. Anh thuê căn nhà này với giá hơn 7 triệu đồng/tháng.

Cách đây mấy ngày, anh Thủy vừa chuyển nhượng căn chung cư rộng hơn 80m2 tại quận Cầu Giấy, cách chỗ anh trọ hiện tại khoảng hơn 1 km. Gia đình anh chấp nhận ở khu tập thể đã khá cũ và ẩm thấp để thuận tiện cho các con đi học. “Hai cháu nhà tôi đang ở khu nhà ở thương mại sầm uất nay chuyển xuống khu tập thể có lẽ cũng khá buồn. Chỗ trọ chật hơn, tối tăm hơn, ẩm thấp và không có siêu thị, hiệu trà sữa, bánh ngọt ở dưới chân nhà”, anh Thủy mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Đầu năm 2020, sau nhiều năm tích cóp và cũng kinh qua 15 năm ở trọ, vợ chồng anh Thủy mua được căn chung cư rộng hơn 80m2 tại quận Cầu Giấy. Đây là căn chung cư hạng sang có giá gần 60 triệu đồng/m2. Tất nhiên, để mua được căn chung cư này, gia đình anh Thủy phải vay vốn ngân hàng hơn một nửa.


Lãi suất ngân hàng tăng phi mã đang trở thành "cơn ác mộng" đối với những người mua nhà trả góp.
Lãi suất ngân hàng tăng phi mã đang trở thành "cơn ác mộng" đối với những người mua nhà trả góp.

Anh Thủy chia sẻ, “tiền thịt” của anh chị chỉ có khoảng 1,5 tỷ đồng. Anh vay bố mẹ hai bên được 500 triệu đồng không lãi. Còn 2,8 tỷ đồng, anh cắm luôn sổ đỏ của căn chung cư để vay ngân hàng. Thời điểm đó đúng vào đợt Covid-19 nên ngân hàng cho vai lãi suất ưu đãi chỉ 6,5%/năm, tính ra cũng chỉ 0,54%/tháng. Đây là mức lãi suất khá hấp dẫn và hợp lý. Gia đình anh Thủy vay trong vòng 15 năm và được hưởng mức lãi suất cố định ưu đãi là 6,5%/tháng trong vòng 18 tháng. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất được điều chỉnh theo thị trường.

“Lúc đó lãi suất chỉ 6,5%/năm và tôi tính toán đến hết ưu đãi chắc cùng lắm lên đến 8 hoặc 9%/năm. Tuy nhiên, sau 18 tháng ưu đãi, gia đình tôi được nhân viên ngân hàng thông báo lãi suất ở mức 13%/năm. Đây giống như một cú sốc”, anh Thủy kể.

Thời điểm còn lãi suất ưu đãi, một tháng gia đình anh phải trả 15,5 triệu đồng tiền gốc và gần 13 triệu đồng tiền lãi. Anh Thủy làm quản đốc của một nhà máy dệt, mỗi tháng cả lương và tăng ca cũng được khoảng 45 triệu đồng. Trong khi đó, vợ anh làm giáo viên mầm non, thu nhập được 10 triệu đồng/tháng. Sau khi trả nợ ngân hàng hàng tháng, vợ chồng anh cũng để ra được 25 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt.

Thế rồi, từ dịch bệnh và do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, giữa tháng 6/2022, công ty của anh Thủy bị giảm đơn hàng. Hơn một nửa nhân viên của công ty phải nghỉ việc. Anh Thủy là lao động có thâm niên, có tay nghề được giữ lại nhưng phải làm theo ca để giảm chi phí lương cho công ty. Lương của anh giảm đi hơn 50%, nhưng đó là còn may mắn so với những người bỗng dưng thất nghiệp. Và, số lương này không đủ để trang trải nợ ngân hàng.


Từ chung cư hạng sang, anh Thủy đã phải bán nhà thoát nợ, chấp nhận cảnh nhà thuê (ảnh minh họa)
Từ chung cư hạng sang, anh Thủy đã phải bán nhà thoát nợ, chấp nhận cảnh nhà thuê (ảnh minh họa)

Sau 18 tháng ưu đãi lãi suất thấp, mỗi tháng riêng tiền lãi mà anh Thủy phải trả lên đến 27 triệu đồng, chưa kể 15,5 triệu tiền gốc. Vừa bị giảm thu nhập, vừa phải trả nợ ngân hàng tăng gấp đôi, gia đình anh Thủy lâm vào khủng hoảng. 3 tháng đầu, gia đình anh phải lôi hết tiền tiết kiệm ra để cộng thêm vào trả nợ ngân hàng. Nhưng cũng chỉ được 3-4 tháng thì tiền tiết kiệm cũng hết và phải đi vay mượn bạn bè. “Có những tháng công ty chậm tiền lương, làm 2 tháng mới trả 1 tháng khiến gia đình tôi khổ sở. Thế rồi, không thể đi vay mượn được mãi, vợ chồng tôi đi đến quyết định khó khăn là bán nhà trả nợ”, anh Thủy chia sẻ.

Bán lỗ vốn, mất cả ô tô vì mua nhà trả góp

Để bán được nhà, đầu tiên anh Thủy phải tìm nguồn tiền để tất toán lấy sổ đỏ ra. Anh về quê mượn sổ đỏ của bố mẹ vợ, cắm ngân hàng nhưng vẫn chưa đủ nên phải bán đi chiếc ô tô mà trước đây cuối tuần vẫn hay chở vợ con đi dã ngoại. Với việc trả nợ trước hạn, gia đình anh xác định sẽ bị phạt 2% tổng số nợ.

Thế nhưng, khi đã rút được sổ đỏ ra thì việc bán nhà không hề dễ dàng. Bởi đúng thời điểm thanh khoản thị trường cực thấp. Lúc đầu, vợ chồng anh Thủy rao bán 63 triệu đồng/m2 nhưng chẳng ai ngó ngàng đến. Lúc này, họ vẫn đang phải trả lãi ngân hàng từ số tiền cắm sổ đỏ của bố mẹ vợ và chiếc ô tô. Anh Thủy kể: “Tôi đăng hết các diễn đàn về mua bán bất động sản nhưng không ai liên lạc hỏi mua. Thế rồi, tôi hạ giá xuống 62 triệu, rồi xuống 61 triệu đồng/m2 nhưng cũng không bán nổi. Tôi xác định bán với giá này thì đồng nghĩa với việc sẽ lỗ sâu so với số tiền đóng lãi hàng tháng từ trước đến nay. Cuối cùng, vợ chồng tôi bảo nhau bán bằng giá gốc để nhanh chóng trả nợ ngân hàng. Đến tận giữa tháng 2 vừa rồi mới bán được nhà. Như vậy, mua căn nhà này, kể cả tiền lãi ngân hàng đã đóng, tiền phạt trả nợ trước hạn, gia đình tôi lỗ gần 500 triệu đồng”.


Nhiều người vỡ kế hoạch tài chính, không có khả năng chi trả nợ ngân hàng nên phải bán nhà, chuyển từ khu chung cư hạng sang về nhà trọ.
Nhiều người vỡ kế hoạch tài chính, không có khả năng chi trả nợ ngân hàng nên phải bán nhà, chuyển từ khu chung cư hạng sang về nhà trọ.

Bán được nhà, anh Thủy lập tức trả nợ ngân hàng để nhổ sổ đỏ của bố mẹ vợ. Sau khi trả hết nợ, anh còn khoảng 1,8 tỷ đồng nhưng mất đi chiếc ô tô. Số tiền này không thể mua được nhà ở quận Cầu Giấy nên anh tạm gửi ngân hàng, chấp nhận ở trọ thêm vài năm, đợi công việc ổn định sẽ tính đến việc mua nhà mới.

Câu chuyện của anh Thủy không phải là hiếm trong thời điểm này. Bởi thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh, suy thoái kinh tế, nhiều công ty phải giải thể, nhiều lao động mất việc làm. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng tăng phi mã khiến những người mua nhà, mua xe trả góp bị vỡ kế hoạch tài chính, không còn khả năng chi trả nên phải bán nhà, bán xe đi trả nợ. Bên cạnh đó, do không có khả năng chi trả, thực tế đã xuất hiện những người mua nhà trả lại nhà tại một số dự án dở dang mà họ đã đóng tiền.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong năm 2022 có đến hơn 41.500 người lao động bị thôi việc, mất việc. Ngoài ra, hơn 430.000 người bị giảm giờ làm do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cũng trong năm này, trên 122.000 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động. Và số lao động mất việc, giảm giờ làm đang tiếp tục xảy ra ở năm 2023.

(Còn tiếp)

Tố Nhi
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Sắp có bệnh viện quốc tế quy mô 450 giường tại huyện đông dân nhất TP. Hải Phòng

Ứng dụng tra cứu quy hoạch Meey Map lọt vào “mắt xanh” của các ngân hàng

Hà Nội: Phân lại luồng xe khách để ngăn dừng đỗ trên đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng

Hà Nội: Bổ sung hệ thống biển báo, phân luồng, điều tiết giao thông để giải quyết điểm nóng ùn tắc

Bán vàng trực tuyến sẽ chấm dứt tình trạng người dân xếp hàng mua?

Hà Nội có hơn 60.000 căn hộ chưa được cấp "sổ đỏ" do sai phạm của chủ đầu tư

Điều chỉnh giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà tại Hà Nội từ 22/6

Đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC: Chuyên gia nói gì?

Tin mới cập nhật

Một số dự án treo bất ngờ được thoát "khai tử" nhờ Hà Nội tung "phao cứu sinh"

3 giờ trước

Quy định cấm bán bảo hiểm "gắn" dịch vụ ngân hàng: Doanh nghiệp bảo hiểm muốn có hướng dẫn cụ thể

3 giờ trước

Gặp khó với "danh phận", Condotel cắt lỗ cả tỉ đồng nhưng thanh khoản vẫn mất hút

3 giờ trước

Tập đoàn Foxconn tiếp tục rót thêm 551 triệu USD đầu tư phát triển công nghệ tại Việt Nam

3 giờ trước

Thương mại điện tử bùng nổ, nhà phố cho thuê đìu hiu, ế ẩm

22 giờ trước