Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đạt xấp xỉ hàng "tỷ đô", nhóm cổ phiếu liên quan "bội thu"

Thứ ba, 25/04/2023-09:04
Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đạt hàng "tỷ đô" trong quý 1/2023 là một trong những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến biến động của nhóm cổ phiếu nông sản trên sàn chứng khoán.

Theo Nhịp sống thị trường, dữ liệu từ Tổng Cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong quý 1/2023 ước đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, trong bối cảnh tình hình xuất khẩu không có nhiều đột phá, các mặt hàng nông sản dường như lại trở thành điểm sáng khi nhiều cái tên ngược dòng tăng trưởng tốt, một số khác thì ghi nhận mức giảm thấp hơn so với mặt bằng chung.

Đáng chú ý, gạo và ra quả là hai cái tên hiếm hoi duy trì tốc độ tăng trưởng cả về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu từ năm 2023 tới nay. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sau 3 tháng đầu năm ghi nhận sản lượng gần 1,9 triệu tấn, trị giá gần 982 triệu USD, tương ứng tăng 34% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, xuất khẩu rau quả cũng đạt mức tăng ấn tượng tới 16%, trị giá 984 triệu USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu gạo quý 1/2023 đạt mức cao nhất trong vòng 6 quý và mặt hàng rau quả cũng ghi nhận kim ngạch lớn nhất 7 quý.

Trong khi đó, một số mặt hàng khác như sắn hay cà phê lại ghi nhận mức giảm nhẹ lần lượt là 9% và 5%, đều thấp hơn so với mặt bằng chung.


 
 

Cổ phiếu nông sản được mùa "bội thu"

Việc kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản đạt xấp xỉ "tỷ đô" trong quý 1 vừa qua là một trong những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến biến động của nhóm cổ phiếu nông sản trên sàn chứng khoán.

Trong đó, điển hình là nhóm cổ phiếu gạo ghi nhận nhiều cái tên tăng vài chục phần trăm kể từ đầu năm. Trong đó, cổ phiếu TAR của Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tăng 35% so với thời điểm đầu năm lên mức 14.400 đồng/cổ phiếu; hay LTG của Lộc Trời có nhịp tăng 30% lên mức 30.600 đồng/cổ phiếu kể từ đầu năm; theo sau là PAN của PAN Group cũng tăng 21% lên mức 18.100 đồng/cổ phiếu.


 
 

Liên quan đến một nông sản xuất khẩu ghi nhận tăng trưởng mạnh và đạt kỷ lục năm 2022 là sắn, 2 doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này bao gồm CTCP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO, mã chứng khoán: APF) và CTCP Nông Lâm sản thực phẩm Yên Bái (mã chứng khoán: CAP) đang trở thành hiện tượng mới trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Bất chấp thị trường chung có những nhịp điều chỉnh khá mạnh, APF vẫn duy trì phong độ đi lên khi liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới. Kết phiên giao dịch ngày 21/4, cổ phiếu này đứng tại vùng đỉnh với mức giá 78.100 đồng, tương ứng tăng hơn 29% kể từ đầu năm đến nay.

Tương tự, CAP cũng chứng kiến đà tăng mạnh từ đầu năm và đang trên đường hướng đến vùng đỉnh cũ được thiết lập vào giữa năm 2022. Hiện tại, thị giá của CAP đang ở ngưỡng 85.800 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 18% so với thời điểm đầu năm.

Thị giá của CAP bật tăng mạnh mẽ được cho là nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mới được công bố. Báo cáo tài chính quý 2 niên độ 2022-23 (từ ngày 1/1-31/03/2023) cho thấy, doanh thu của doanh nghiệp này đạt hơn 185 tỷ đồng và lãi ròng hơn 35 tỷ đồng, lần lượt tăng 87% và 71% so với cùng kỳ.


 
 

Trong khi đó, mía là một mặt hàng nông sản thiết yếu trong việc sản xuất đường. Giá đường bật tăng mạnh mẽ từ đầu tháng 4 đến nay đã khiến các cổ phiếu đường "đứng ngồi không yên".

Cụ thể, tính từ đầu năm, các cổ phiếu đường như SLS của Mía đường Sơn La; QNS của Đường Quảng Ngãi; LSS của Mía đường Lam Sơn,... đã tăng mạnh mẽ từ 25 - 54%. Thậm chí, trong tuần vừa qua, KTS của Đường Kon Tum còn "bỏ túi" 4/5 phiên tăng kịch trần, tương đương tăng 35% chỉ sau một tuần giao dịch.

Chưa dừng lại ở đó, một cổ phiếu mía đường khác cũng chứng kiến đà tăng cực "ngọt" đó là SLS. Cổ phiếu này tiếp tục "phá đỉnh" lịch sử vào phiên giao dịch cuối tuần 21/4, thị giá cổ phiếu này hiện đang neo ở vùng đỉnh 172.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí mức giá cao nhất trong phiên còn lên đến 179.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, đây cũng là ngưỡng thị giá cao ngất ngưởng ở trên sàn chứng khoán thời điểm hiện tại.

Theo báo cáo tài chính quý 3 niên độ 2022-23 (từ 1/1/2023 đến 31/03/2023), Mía đường Sơn La lãi ròng hơn 109 tỷ đồng, tăng 90% so với thực hiện cùng kỳ, đồng thời cũng ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi hoạt động trong quý 1.


 
 

Hưởng lợi lớn từ giá bán "tăng vọt"

Ngoài việc xuất khẩu tăng mạnh, đà bứt phá của nhóm cổ phiếu nông sản còn bắt nguồn từ việc giá bán một số mặt hàng trong xu hướng tăng cao như đường, gạo, sắn...

Giá đường tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn 10 năm trước lo ngại về nguồn cung toàn cầu khan hiếm đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu. Giá đường thô trên thị trường thế giới ghi nhận nhịp tăng "thẳng đứng" kể từ đầu tháng 4 khi chạm mức 24,67 UScent/lb vào ngày 19/4, đây cũng là mức cao nhất kể từ quý 1/2012.


 
 

Trước đó, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã đưa ra những dự báo tích cực cho ngành đường cả nước trong niên vụ 2022-2023, khi cả diện tích sản xuất, sản lượng mía đưa vào ép lẫn sản lượng đường được sản xuất đều tăng so với niên vụ trước đó. Nhờ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ các nước khu vực ASEAN, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã sụt giảm rõ rệt.

Chứng khoán VNDirect cho rằng, giá đường toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường thấp hơn so với dự kiến ở Ấn Độ cùng với sản xuất đường ở châu  u bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết bất lợi.

Nhóm phân tích lo ngại rằng việc giá xăng tăng cao gần đây có thể thúc đẩy các nhà máy tại Brazil và Ấn Độ chuyển hướng từ trồng mía sang sản xuất ethanol. Do đó, VNDirect dự báo giá đường nước ta sẽ diễn biến theo xu hướng của giá đường thế giới.

Bên cạnh đó, VNDirect cũng đánh giá nhu cầu gạo thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 do những bất ổn về chính trị và kinh tế cùng với những xung đột chưa được giải quyết giữa Nga và Ukraine đã đẩy nhu cầu dự trữ gạo lên cao.

Trong năm 2023, giá xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng do: (1) Nhu cầu dự trữ lương thực tăng ở nhiều quốc gia; (2) Ấn Độ chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm cũng như bỏ áp thuế 20% xuất khẩu gạo trắng trong năm 2023 khi họ vẫn nỗ lực kiềm chế đà tăng giá gạo trong nước; (3) Việt Nam đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao để phù hợp với xu hướng tiêu dùng của toàn cầu; (4) nhiều vùng trồng lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác có lợi hơn, điều này có thể dẫn đến sản lượng gạo sụt giảm trong năm 2023.


 
 

Đối với lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn, tuy đây không phải ngành nghề quá nổi bật trên thị trường, nhưng kinh doanh sắn đang cho thấy sự tăng trưởng tốt trong thời gian gần đây và được coi là mặt hàng nông sản xuất khẩu "tỷ đô" của Việt Nam trong năm 2022 trước đó.

Cụ thể, sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong những mặt hàng nông sản hiếm hoi vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu trong năm qua. Tinh bột sắn hiện là nguyên liệu trong chế biến thực phẩm, bột ngọt, mì tôm, phụ liệu trong các ngành dệt may, sản xuất cồn, hóa chất,...

Việc xuất khẩu sắn của Việt Nam tăng trưởng tốt chủ yếu do nhu cầu từ các thị trường chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Malaysia,... Đặc biệt khi Trung Quốc mở cửa trở lại và đang tăng cường nhập khẩu các sản phẩm từ sắn để sản xuất xăng sinh học và thức ăn chăn nuôi.

Trong khi đó, giá sắn và các sản phẩm sắn trên thị trường thế giới cũng đang ghi nhận biến động tăng ở một số quốc gia sản xuất chính. Đơn cử, tại Thái Lan, hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan đã điều chỉnh tăng giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn tháng 4 lên con số 550 USD/tấn, tương ứng tăng 55 USD/tấn so với các tháng đầu năm, đến nay chưa thấy dấu hiệu ngừng tăng. Trong khi đó, giá thu mua tinh bột sắn cũng đang được điều chỉnh lên mức 18 Baht/kg, tăng 1,5 Baht/kg so với thời điểm đầu năm. 


 
 

Tồn tại một số thách thức đối với các doanh nghiệp

Mặc dù được hưởng lợi lớn cũng như triển vọng xuất hiện nhiều "tia sáng", song nhóm nông sản đặc biệt là mặt hàng đường và gạo vẫn còn tồn tại một số thách thức đối với các doanh nghiệp.

Chứng khoán VNDirect cho biết, đối với ngành gạo, việc Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây ra áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam cũng như làm giảm giá xuất khẩu. Bên cạnh đó, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa. Ngoài ra, giá phân bón tăng cao cũng ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, điều này có thể dẫn đến giảm diện tích trồng lúa khi họ chuyển sang các loại cây trồng khác.

Hơn thế, gạo của Việt Nam còn phải cạnh tranh với gạo của Thái Lan trong năm nay. Theo hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, dự kiến xuất khẩu gạo của Thái Lan sang thị trường Philippines sẽ tăng gấp đôi vào năm 2023 do nước ta đang phải đối mặt với những hạn chế về năng lực xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mía đường cũng cần nhìn nhận một số rủi ro từ gian lận thương mại chưa được kiểm soát triệt để hoặc buôn lậu cũng có thể tạo áp lực cạnh tranh về giá đường của Việt Nam. Ngoài ra, một thách thức khác là thời tiết hanh khô tại nhiều vùng mía sẽ dễ xảy ra cháy gây ảnh hưởng đến chất lượng cũng như sản lượng mía.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Hot girl 9x Hà Nội từng bị phản đối vì mở tiệm nail, hiện là bà chủ chuỗi Nailroom hoành tráng, còn lấn sân sang kinh doanh căn hộ cho thuê

Tin mới cập nhật

Hà Nội: Nhà tập thể cũ được đẩy giá gần nửa tỷ đồng chỉ sau 1 tháng

3 giờ trước

Ủy quyền sử dụng đất là gì? Mẫu giấy tờ ủy quyền sử dụng đất chuẩn nhất năm 2024

3 giờ trước

Nam Long (NLG) báo lỗ 65 tỷ đồng trong quý I/2024

4 giờ trước

Bất động sản sẽ là "kênh dẫn vốn" kiều hối tốt trong thời gian tới

5 giờ trước

Fed giữ nguyên lãi suất lần thứ 6

8 giờ trước