Giá vàng sẽ ra sao trước nỗi lo lãi suất tăng?

Thứ hai, 27/06/2022-23:06
Lạm phát cao và nguy cơ kinh tế suy thoái trở thành lý do khiến nhiều nhà đầu tư quyết định “rót tiền” vào vàng nhưng lãi suất tăng cùng áp lực từ xu hướng tăng giá của đồng USD đang ảnh hưởng nhiều tới giá vàng.

Trong phiên giao dịch ngày thứ 6 (24/06), khi tỷ giá đồng USD đi xuống giá vàng miếng trong nước cũng không có quá nhiều biến động. Trong cả tuần, giá vàng quốc tế chìm trong sự “chúc đầu đi xuống” do nỗi lo lãi suất tăng nhưng giá vàng trong nước lại đi ngang.

Hiện nay thị trường vàng giao dịch thoải mái với mức giá dao động trong khoảng 1.800 -1.900 USD/ounce (1 ounce bằng 28,3g). Ngày 23-6, hợp đồng vàng tương lai trên sàn Comex tháng 8 được giao dịch ở mức 1.826,60 USD/ounce, giảm 0,64% trong ngày. Tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ở thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 4,1 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,2%, chốt ở 1.827,4 USD/oz. Cả tuần, giá vàng giao ngay giảm khoảng 0,7%, sau khi giảm chừng 1% trong tuần trước.


Giá vàng đang bị ảnh hưởng từ lãi suất tăng, sự tăng giá của đồng USD và nguy cơ suy thoái nền kinh tế
Giá vàng đang bị ảnh hưởng từ lãi suất tăng, sự tăng giá của đồng USD và nguy cơ suy thoái nền kinh tế

Theo trang tin chuyên về vàng Kitco, bà Nicky Shiels, chiến lược gia về vàng của MKS PAMP - tập đoàn công nghiệp và dịch vụ thương mại chuyên về lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, cho biết đang có một sự thay đổi trên thị trường vàng.

Cho rằng nỗi lo suy thoái đã khiến sự biến động của vàng thấp so với các tài sản khác, theo bà Shiels, đừng mong đợi một đợt tăng giá vàng cho đến khi niềm tin quay trở lại thị trường. 

Sự xuống giá của đồng USD được cho là động lực của phiên tăng nhẹ của giá vàng thế giới. Chỉ số Dollar Index chốt tuần ở mức 104,1 điểm, giảm 0,3% trong phiên và giảm gần 0,6% trong cả tuần. Tuy nhiên, chỉ số này đã tăng 8,5% từ đầu năm đến nay.

Áp lực chủ yếu của giá vàng trong tuần chủ yếu là nỗi lo của sự gia tăng lãi suất. Sau khi tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm - mạnh nhất kể từ năm 1994 – vào hôm 15/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuần này tiếp tục khẳng định cam kết thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ để chống lạm phát.

Trong 2 buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ vào 2 ngày thứ 4 và thứ 5, ông Powell đã phát biểu rằng chống lạm phát là vô điều kiện và FED quyết tâm đưa lạm phát về lại ngưỡng mục tiêu 2% dù thừa nhận rằng nền kinh tế số 1 thế giới có thể rơi vào một cuộc suy thoái. Sau phát biểu này  của người đứng đầu ngân hàng TW quyền lực nhất thế giới, đồng USD tiếp đà gia tăng và gây áp lực giảm giá lên vàng.


Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell

Tương tự như buổi điều trần ngày thứ Tư tại Thượng viện, ông Powell cũng nhấn mạnh rằng suy thoái kinh tế Mỹ là một “khả năng”. Rủi ro này là một lý do để nhà đầu tư nắm giữ vàng trong danh mục, nhưng ở thời điểm hiện tại, ảnh hưởng từ việc USD tăng giá và lãi suất tăng đang mạnh hơn.

Bên cạnh việc tăng giá của đồng USD, lạm phát cao và nỗi lo lãi suất tăng cũng đang ảnh hưởng nhiều đến giá vàng. Bởi vàng là tài sản không mang lãi suất, lại được định giá bằng USD, nên lãi suất tăng và đồng USD tăng giá không khác gì một “đòn đánh kép” đối với giá vàng.

Theo nhà phân tích Jim Wyckoff của Kitco Metals, vàng đang đương đầu với áp lực giảm từ chính sách tiền tệ thắt chặt đầy quyết liệt của Fed. Thị trường vàng cũng đang chịu sức ép từ kỳ vọng cho rằng kinh tế giảm tốc sẽ kéo tụt nhu cầu kim loại quý nói chung, cho dù “vai trò kênh đầu tư an toàn của vàng đang giúp hạn chế bớt sức ép đó”, ông Wyckoff nói.

Không chỉ ông Wyckoff, nhiều các nhà kinh tế cũng đồng quan điểm. Chiến lược gia Daniel Ghali của TD Securities cho rằng: “Đang có một loạt yếu tố đồng thời tác động lên giá vàng theo cả hai hướng, khiến giá vàng giằng co trong vùng hẹp”.

“Thị trường đang đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ và những dấu hiệu rõ rệt về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu. Điều này thúc đẩy nhu cầu mua vàng như một ‘hầm trú ẩn’. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng có cam kết của Fed về chống lạm phát – nhân tố khiến lãi suất thực tăng lên”, ông Ghali cho biết thêm.

Nhà phân tích Carsten Fritsch của ngân hàng Đức Commerzbank nhận định: “Chúng tôi thực sự cho rằng triển vọng của giá vàng trong nửa sau của năm nay nghiêng một chút về tăng, với dự báo giá có thể lên 1.900 USD/oz”. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh thêm rằng trong ngắn hạn, việc Fed nâng lãi suất quyết liệt sẽ tiếp tục cản trở khả năng tăng giá của vàng.

Ở thị trường châu Á, nhu cầu vàng ở Ấn Độ chứng kiến cảnh “đìu hiu” trong tuần do mùa cưới đã kết thúc. Giá vàng bán lẻ tại thị trường này tiếp tục thấp hơn giá vàng chính thức tính bằng giá quốc tế cộng thuế nhập khẩu 10,75% và thuế tiêu thụ 3%.

Ở thị trường Trung Quốc, tình hình cũng không khả quan hơn là mấy khi thị trường vàng vật chất cũng chưa thực sự sôi động trở lại sau 1 khoảng thời gian “trầm lắng” vì đại dịch COVID-19. Nhà phân tích Xiao Fu của Bank of China cho rằng vàng sẽ thu hút nhà đầu tư do rủi ro suy thoái, nhưng lãi suất tăng có thể ảnh hưởng bất lợi đến nhiều tài sản, trong đó có vàng. Theo  Reuters, một số nhà đầu tư cũng đã mua vàng để đề phòng những rủi ro về kinh tế. 

“Rủi ro suy thoái đang giúp giảm bớt việc bán vàng, nhưng chúng tôi cho rằng giá vàng sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi lãi suất thực trong thời gian còn lại của năm 2022, từ đó chịu áp lực giảm”, nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered nhận định.


Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua
Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua

Trong nước, ngân hàng Vietcombank sáng ngày 25/06 báo giá USD ở mức 23.110 đồng (mua vào) và 23.390 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng qua.

Với tỷ giá USD bán ra này, giá vàng thế giới quy đổi hiện tương đương 51,5 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 17,1 triệu đồng/lượng, bằng mức chênh lệch vào sáng hôm qua.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 67,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,55 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng không thay đổi ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53,7 triệu đồng/lượng và 54,5 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 67,85 triệu đồng/lượng và 68,65 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở hai đầu giá so với sáng hôm qua.

So với sáng thứ Bảy tuần trước, giá vàng miếng bán lẻ hiện không thay đổi.
 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Hot girl 9x Hà Nội từng bị phản đối vì mở tiệm nail, hiện là bà chủ chuỗi Nailroom hoành tráng, còn lấn sân sang kinh doanh căn hộ cho thuê

Tin mới cập nhật

Hà Nội: Nhà tập thể cũ được đẩy giá gần nửa tỷ đồng chỉ sau 1 tháng

13 giờ trước

Ủy quyền sử dụng đất là gì? Mẫu giấy tờ ủy quyền sử dụng đất chuẩn nhất năm 2024

13 giờ trước

Nam Long (NLG) báo lỗ 65 tỷ đồng trong quý I/2024

14 giờ trước

Bất động sản sẽ là "kênh dẫn vốn" kiều hối tốt trong thời gian tới

15 giờ trước

Fed giữ nguyên lãi suất lần thứ 6

18 giờ trước