Cô bé 16 tuổi có thâm niên 6 năm cửu vạn ở chợ Long Biên: Cả tình cảm gói gọn trong tiếng "mẹ ơi" ngô nghê

Thứ ba, 15/03/2022-09:03
Dù nhận thức chỉ như một đứa trẻ 3 tuổi nhưng Nhung làm việc vô cùng chăm chỉ. Cô bé không biết chữ, chỉ nói bập bẹ được vài từ nhưng đã "lăn lộn" ở chợ Long Biên bằng nghề cửu vạn ròng rã 6 năm qua.

Cửu vạn đặc biệt ở chợ Long Biên

Nguyễn Thị Nhung (SN 2006) là một trong những cửu vạn nhỏ tuổi nhất ở chợ Long Biên (Hà Nội). Vốn mắc bệnh chậm phát triển trí tuệ từ nhỏ, cô bé 16 tuổi có nhận thức kém, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Theo cô Nguyễn Thị Dung (57 tuổi - mẹ của Nhung), lên 4 tuổi, con gái cô vẫn phát triển bình thường về thể chất và tinh thần nhưng lại không biết nói, cả ngày chỉ ú ớ được mấy câu.

Dù sốt ruột nhưng cô Dung không biết làm gì vì không có điều kiện đưa con đi viện. Mãi đến năm 6 tuổi, cô cho con đi học nhưng con không theo được nên bị trả về. Lúc này, cô Dung mới biết con mình bị chậm phát triển trí tuệ do ảnh hưởng từ gen của bố. Đến tận bây giờ, Nhung vẫn không biết chữ, cả ngày chỉ nói đi nói lại được mấy câu.  

Rong ruổi theo mẹ ra chợ hơn 5 năm, đến năm Nhung tròn 10 tuổi, cô Dung bắt đầu để con phụ công việc cửu vạn ở chợ. Thời điểm này, cô vẫn là lao động chính. Từ khi có Nhung, mọi việc diễn ra nhanh hơn, chở được nhiều hàng hơn.


Rong ruổi theo mẹ ra chợ hơn 5 năm, đến năm Nhung tròn 10 tuổi, cô Dung bắt đầu để con phụ công việc cửu vạn ở chợ. Ảnh: Nhịp Sống Việt
Rong ruổi theo mẹ ra chợ hơn 5 năm, đến năm Nhung tròn 10 tuổi, cô Dung bắt đầu để con phụ công việc cửu vạn ở chợ. Ảnh: Nhịp Sống Việt

Ngày nào cũng thế, cứ 7 giờ tối hai mẹ con lại dắt nhau ra chợ, ai thuê gì thì làm nấy, chủ yếu là bốc hàng từ nơi này sang nơi khác. Đáng ra ở độ tuổi này, Nhung phải được ăn học đàng hoàng, nhưng cô bé phải bốc hàng suốt đêm. Dù cô thương con nhưng cũng đành bất lực vì điều kiện không cho phép. 

Nhà chỉ có hai mẹ con, để Nhung ở nhà một mình cô không yên tâm vì sợ có người xấu sẽ hại con. “Đời cô đã khổ lắm rồi, chỉ mong con mình sẽ được sống yên ổn qua ngày”, cô tâm sự. 

Vậy là, Nhung bắt đầu bước chân vào nghề cửu vạn chợ Long Biên từ năm 10 tuổi, mỗi ngày kiếm được 100.000 đồng. Đây là cách duy nhất để em cho mẹ biết rằng em yêu mẹ. Dù nhận thức chỉ như đứa trẻ 3 tuổi nhưng Nhung làm việc vô cùng chăm chỉ, em phụ mẹ khuân hết bao hàng này đến bao hàng khác, sau đó lại cùng mẹ đẩy xe hàng tới điểm cần giao. 

Cô bé 16 tuổi theo mẹ không rời nửa bước. Thi thoảng em lại quay ra nhìn mẹ rồi nở nụ cười ngô nghê. Mãi đến nửa đêm, em mới ngồi sụp xuống đất bật khóc vì quá mệt mỏi. 

Lâu lắm không biết các món thịt ăn như thế nào…

Trong căn phòng lụp xụp ở cuối xóm trọ, bên trong còn nồng nặc mùi mắm, trên bàn một đĩa cá khô vẫn còn nguyên, đợi tối ăn tiếp. Không biết đây là ngày thứ bao nhiêu hai mẹ con phải ăn cá khô. Mỗi ngày, cô chỉ có thể để ra 40.000 đồng cho 3 bữa ăn của 2 mẹ con. Vì thế, thịt lợn trở thành món ăn quá xa xỉ, hai mẹ con gần như đã quên mất mùi thịt. 

Phải chắt chiu dành dụm lắm cô mới có thể lo cho con ăn đủ 2 bữa mỗi ngày. Từ ngày này qua tháng nọ, món ăn chính chỉ có thể là trứng và cá mắm. Nhung từ lâu không biết các món thịt ăn như thế nào, nhưng em không đòi hỏi, cũng không bỏ ăn, cứ đến bữa là ngoan ngoãn ngồi xới cơm cho mẹ rồi cùng ăn cơm. 


Gần rạng sáng, hai mẹ con trở về căn phòng 16m2 ở cuối xóm lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên. Ảnh: Nhịp Sống Việt
Gần rạng sáng, hai mẹ con trở về căn phòng 16m2 ở cuối xóm lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên. Ảnh: Nhịp Sống Việt

Nhà chỉ có 2 mẹ con, sinh con được 2 tháng thì chồng mất, cô đặt tên con theo họ của mình. Năm 2010, cô ôm đứa con 4 tuổi từ Hà Nam lên Hà Nội khi trong người còn đúng 100.000 đồng. Cứ mẹ đi đâu con theo đó, cô Dung đưa luôn con gái ra chợ làm cửu vạn. 

Trước đây, thu nhập của hai mẹ con vào khoảng 100.000 đồng/ngày; nhưng từ khi có cái xe đẩy, thu nhập tăng lên 120.000 - 200.000 đồng/ngày. Hai năm trở lại đây, dịch bệnh Covid-19 khiến công việc của hai mẹ con bấp bênh, có đêm ngồi từ 21 giờ đến tận rạng sáng vẫn không ai gọi đi làm. Những ngày như thế, Nhung cứ ngồi tha thẩn quanh chợ, có khi đang ngồi, em bật khóc nức nở đòi về, có khi khóc vì mệt. Khóc là cách duy nhất em có thể diễn tả suy nghĩ của mình. 

Gần rạng sáng, hai mẹ con trở về căn phòng 16m2 ở cuối xóm lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên. Cả căn phòng ngổn ngang nào quần áo, đồ đạc, những giỏ hàng khách gửi… nhưng không có món nào giá trị quá 100.000 đồng. Cả tháng, thu nhập hai mẹ con chỉ 3 triệu, riêng tiền phòng đã 1.200.000 đồng; 480.000 đồng tiền bến bãi ở chợ Long Biên, số còn lại là tiền ăn cho cả tháng.

Cả tình cảm gói gọn trong tiếng "mẹ ơi" ngô nghê

Nuôi con một mình suốt ngần ấy năm, cô Dung lặng lẽ chứng kiến con thay đổi từng ngày. Tuy là những chuyện nhỏ nhặt nhưng cô luôn hiểu rằng con cần mình. Chính cô cũng biết, Nhung chính là nguồn sống của cuộc đời cô. 


Vẫn là cô bé chăm chỉ ngày ngày đẩy chiếc xe hàng cùng mẹ, men theo ánh đèn đường từ ngõ nhỏ đi ra với nhiều nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ảnh: Nhịp Sống Việt
Vẫn là cô bé chăm chỉ ngày ngày đẩy chiếc xe hàng cùng mẹ, men theo ánh đèn đường từ ngõ nhỏ đi ra với nhiều nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ảnh: Nhịp Sống Việt

Một thập kỷ qua, trong đôi mắt của cô bé cửu vạn 16 tuổi, Hà Nội chỉ gói gọn trong con đường từ phòng trọ đến cổng chợ Long Biên. Dù không có ước ao gì, những mỗi khi được người lạ tặng một bó hoa, một hộp kẹo hay chỉ đơn giản là ngắm nhìn phố phường đông đúc ở phía ngoài cổng chợ, ánh mắt cô bé luôn ánh lên lấp lánh như những ánh sao trời. 

Nhung không nói được “tròn vành rõ chữ”, nhưng thông qua những cử chỉ, ánh mắt của em cũng đủ khiến người ta cảm nhận rằng em yêu thương mẹ rất nhiều. Vẫn là cô bé chăm chỉ ngày ngày đẩy chiếc xe hàng cùng mẹ, men theo ánh đèn đường từ ngõ nhỏ đi ra với nhiều nỗi lo cơm áo gạo tiền. Con đường phía trước còn nhiều chông gai, nhưng dù chuyện gì xảy ra, hai mẹ con vẫn bên nhau, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo… 
 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Hot girl 9x Hà Nội từng bị phản đối vì mở tiệm nail, hiện là bà chủ chuỗi Nailroom hoành tráng, còn lấn sân sang kinh doanh căn hộ cho thuê

Tin mới cập nhật

Hà Nội: Nhu cầu nhà ở tiếp tục bị dồn nén khi nguồn cung ít ỏi

6 giờ trước

Tháng 4/2024, 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm

8 giờ trước

Hà Nội: Tài chính không đủ, nhiều người chấp nhận rủi ro mua chung cư không có sổ hồng

9 giờ trước

Tuổi Tuất hợp hướng nào? Mẹo phong thủy để chọn hướng nhà, hướng phòng mang lại may mắn, tài lộc

9 giờ trước

Doanh nghiệp bất động sản cần một cơ chế thông thoáng hơn

18 giờ trước