meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Người mua trả góp điêu đứng trong cơn bão lãi suất (Bài 6): Gửi con về quê, ngậm ngùi kêu bán nhà

Thứ hai, 27/03/2023-07:03
“Quyết tâm mua nhà ở Hà Nội để con cái có không gian sinh hoạt tốt hơn, nhưng không ngờ vì dùng đòn bẩy lớn, lãi suất tăng cao, chúng tôi không chỉ chật vật vì trả nợ mà còn buộc phải cho con nghỉ học, gửi về quê cho ông bà”, chị Lan chia sẻ. 

LTS:

Tích cóp nhiều năm để mua được một căn nhà trả góp, nhưng gánh nặng trả nợ kéo dài sau đó mới thực sự là nỗi ám ảnh. Những tưởng, cuộc sống sẽ ổn định, mỗi tháng bóp mồm, bóp miệng một chút là có được căn nhà Hà Nội. Nhưng không... Khi khó khăn kinh tế leo thang, lãi suất tăng vọt thì giấc mơ đã trở thành một gánh lo đè nặng.

Bán hàng online, chạy thêm grab, làm thêm đủ thứ việc để có tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Nhiều người đã chọn cách này để “nuôi” tiếp giấc mơ an cư. Nhưng không phải ai cũng nghị lực như vậy. Nhất là khi kinh tế suy thoái, khủng hoảng kinh tế, thu nhập giảm sút, lãi suất ngân hàng tăng cao. Một số người đã phải bán nhà, bán tài sản để trả nợ vì không thể gồng nổi lãi suất đang thả nổi như hiện nay.

Bán nhà, bán tài sản để trút gánh nợ ngân hàng, chấm dứt những nỗi ám ảnh về tiền trả góp hàng tháng cũng đồng nghĩa với việc họ chấp nhận quay trở về điểm xuất phát. Đó thật sự không phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng có lẽ trong điều kiện hiện tại, nhiều trong số họ không có sự lựa chọn nào khác.

Những câu chuyện, những mảnh đời mà chúng tôi ghi lại trong tuyến bài: “Người mua trả góp quay cuồng trong cơn bão lãi suất”, như tiếng lòng của rất nhiều gia đình trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ thiết thực hơn từ cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng cho những gia đình quá khó khăn với câu chuyện mua nhà trả góp.

Chật vật vay mua nhà, chật vật trả lãi

Với hầu hết người trẻ làm việc tại đô thị, giấc mơ an cư luôn thường trực. Nhưng khi giá nhà tăng ngày một cao vượt xa thu nhập, nếu không dùng đòn bẩy tài chính thì việc sở hữu một căn nhà rất xa vời. Tuy nhiên, đòn bẩy tài chính là con dao 2 lưỡi, rất nhiều người đã bị nhấn chìm trong vòng xoáy lãi suất, nợ nần, không tìm được lối ra.

Chị Nguyễn Thị Lan (Quảng Xương – Thanh Hóa) là một ví dụ. Gần một năm trước, chị vui mừng bao nhiêu khi vượt qua trắc trở để vay được vốn ngân hàng mua một căn chung cư thì hiện nay chị lo lắng bấy nhiêu vì lãi suất tăng cao, vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Đặc biệt, thời gian ân hạn lãi suất sắp đến, dự tính số tiền phải trả hàng tháng tiếp tục tăng lên khiến chị rơi vào khủng hoảng thực sự.

Chị kể, năm ngoái, tích góp được một số vốn nhỏ qua một thời gian buôn bán, chị quyết định mua một căn chung cư tại dự án Usilk (Tố Hữu, Hà Đông, Hà Nội). Số tiền chị phải vay ngân hàng là 1,8 tỉ đồng với lãi suất 10,1%/năm.

“Đây là mức lãi suất khá cao thời điểm đó. Nhiều ngân hàng cho biết đang hết room tín dụng nên khó giải ngân, cộng với việc lãi suất tăng cao nên để vay được vốn, chúng tôi phải chấp nhận mức lãi suất này. Ngoài ra, để được vay vốn, tôi còn phải mua một gói bảo hiểm 30 triệu đồng. Nhưng vì ước mơ có được ngôi nhà rộng rãi để có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn, chúng tôi vẫn quyết tâm mua”, chị Lan nói.

Như vậy, với mức lãi suất “ưu đãi” lên tới 10,1%/năm, mỗi tháng chị phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 27 triệu đồng, trong khi tổng thu nhập của 2 vợ chồng chỉ khoảng 40 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này không đủ trang trải cuộc sống sinh hoạt, học hành của con cái khiến gia đình chị Lan phải liên tục vay nợ.


Chị Nguyễn Thị Lan (Quảng Xương – Thanh Hóa) nấu bữa cơm chiều
Chị Nguyễn Thị Lan (Quảng Xương – Thanh Hóa) nấu bữa cơm chiều

Nhưng bi kịch với chị Lan không chỉ có vậy. Thông thường, các gói vay mua nhà thường được ngân hàng ưu đãi lãi suất thấp trong 1-2 năm đầu tiên. Tuy nhiên gói vay của chị Lan chỉ được ân hạn lãi suất trong 6 tháng.

“Thực sự tôi cũng rất bất ngờ vì điều này. Lúc vay vốn, nhân viên tín dụng có trao đổi rằng lãi suất ân hạn trong 1 năm, nhưng quá trình làm hợp đồng, chúng tôi phải ký đi ký lại nhiều lần nên không đọc kỹ và không hiểu sao trong hợp đồng lại chỉ ân hạn lãi suất 6 tháng. Vừa rồi ngân hàng thông báo hết thời gian ân hạn lãi suất tôi “giật mình”. Như vậy mỗi tháng chúng tôi sẽ phải chịu thêm khoảng 4 triệu tiền lãi. Đây thực sự là một gánh nặng”, chị Lan nói và cho biết đã nhiều lần tranh cãi với ngân hàng về vấn đề này nhưng không có tác dụng.

Chị Lan chia sẻ, từ một người đang có tích lũy, chi tiêu khá thoải mái thì khi mua nhà lại trở thành một người gặp áp lực quá lớn về nợ nần, mọi chi phí sinh hoạt đều phải tiết kiệm hết mức có thể. Gia đình chị không còn những buổi đi ăn quán, cà phê hay du lịch. 

Gửi con về quê, kêu bán nhà

Với áp lực lãi suất lớn, trong khi thu nhập từ công việc buôn bán không cố định, gia đình chị phải xoay sở đủ cách để trả lãi hàng tháng. Ngoài giờ làm việc, chị nhận thêm công việc online vào buổi tối, chồng chị cũng tranh thủ đi giao đồ ăn đêm để kiếm thêm thu nhập. 

“Công việc ban ngày đã khá mệt mỏi, bình thường buổi tối sẽ được nghỉ ngơi, chăm sóc con cái, nhưng hiện nay, vì nợ ngân hàng quá lớn, buổi tối chúng tôi tiếp tục phải làm việc nên cơ thể gần như lúc nào cũng mệt mỏi, lo âu và hiệu suất công việc giảm dần”, chị Lan nói.

Nhưng nghiêm trọng hơn, vì quá bận rộn, vợ chồng chị buộc phải gửi con trai về quê ở với ông bà nội, cho đi học ở quê để tiết giảm chi phí.

“Đây thực sự là lựa chọn quá khó khăn với chúng tôi. Trước kia ở trọ bất tiện, chúng tôi quyết tâm mua được nhà để con cái có điều kiện sinh hoạt và học hành tốt hơn. Nhưng không ngờ việc mua nhà lại khiến bố mẹ và con cái xa nhau. Nhiều đêm nhớ con tôi nằm khóc cả đêm, hoặc nghe tin con ốm thì gần như cả đêm vợ chồng mất ngủ. Con trai ở quê cũng rất nhớ bố mẹ và con cái xa cha mẹ cũng ảnh hưởng tới sự phát triển về tâm lý, học hành, nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác”, chị Lan chia sẻ trong nước mắt. 

Cũng theo chị Lan, một khó khăn nữa mà chị phải đối mặt là chị đang mang bầu 5 tháng. Những chi phí liên quan như thuốc thang, khám thai cũng là một gánh nặng, chưa kể sức khỏe giảm sút khá nhiều. Nhiều lần cần tiền gấp, chị vay bạn bè, thậm chí phải rút tiền từ thẻ tín dụng để xoay sở, dù biết rủi ro hạ điểm tín dụng và chịu lãi cao nếu không trả tiền đúng hạn. 


Rao bán cắt lỗ chung cư hàng loạt
Rao bán cắt lỗ chung cư hàng loạt

Trước trăm bề khó khăn như vậy, vợ chồng chị Lan quyết định rao bán ngôi nhà mình vừa mua chưa lâu. Tuy nhiên, dù nhu cầu nhà ở nhiều nhưng việc bán nhà trong thời điểm hiện nay không hề dễ dàng. 

“Lãi suất ngân hàng hiện nay đang khá cao và dự kiến vẫn neo ở mức cao trong thời gian tới, nhiều người không mặn mà vay vốn ngân hàng, mà họ chọn gửi tiền lấy lãi. Ngoài ra, nhiều người biết rằng đa phần người phải bán nhà trong bối cảnh hiện nay đều đang khó khăn nên họ thường “ép giá”. Nhưng dù chịu bán lỗ, chúng tôi cũng không dễ để bán được nhà”, chị Lan chia sẻ.

Phương án cuối cùng nếu không thể xoay sở được thì có lẽ gia đình chị phải bán bớt đất ở quê để thoát gánh nặng nợ nần. 

“Đây là bài học đắt giá cho vợ chồng chúng tôi khi vì mong muốn sớm sở hữu nhà mà vay nợ ở mức cao, dẫn đến khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Chúng tôi mong muốn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chính sách giảm lãi suất để người mua nhà “dễ thở” hơn trong bối cảnh hiện nay”, chị Lan nói.

(Còn tiếp)

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Một số dự án treo bất ngờ được thoát "khai tử" nhờ Hà Nội tung "phao cứu sinh"

Gặp khó với "danh phận", Condotel cắt lỗ cả tỉ đồng nhưng thanh khoản vẫn mất hút

Quy định cấm bán bảo hiểm "gắn" dịch vụ ngân hàng: Doanh nghiệp bảo hiểm muốn có hướng dẫn cụ thể

Thương mại điện tử bùng nổ, nhà phố cho thuê đìu hiu, ế ẩm

Kỳ điều hành ngày 4/7: Giá xăng dự báo tăng lần thứ 4 liên tiếp

Chung cư mở mới tại Hà Nội đã có giá vượt 80 triệu đồng/m2

Ninh Bình - Hải Phòng "bắt tay" phát triển cao tốc mới trị giá 7.000 tỷ đồng

Loạt cảnh báo từ Ngân hàng Nhà nước cần biết, trong đó có hạn chế sử dụng wifi công cộng khi giao dịch

Tin mới cập nhật

Một số dự án treo bất ngờ được thoát "khai tử" nhờ Hà Nội tung "phao cứu sinh"

5 giờ trước

Quy định cấm bán bảo hiểm "gắn" dịch vụ ngân hàng: Doanh nghiệp bảo hiểm muốn có hướng dẫn cụ thể

5 giờ trước

Gặp khó với "danh phận", Condotel cắt lỗ cả tỉ đồng nhưng thanh khoản vẫn mất hút

5 giờ trước

Tập đoàn Foxconn tiếp tục rót thêm 551 triệu USD đầu tư phát triển công nghệ tại Việt Nam

5 giờ trước

Thương mại điện tử bùng nổ, nhà phố cho thuê đìu hiu, ế ẩm

23 giờ trước