Mua dễ bán khó, nhà đầu tư BĐS rơi vào hoàn cảnh mệt mỏi vì bị ép giá

Thứ tư, 10/08/2022-08:08
Trong bối cảnh thị trường bất động sản hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư hiện muốn thoát hàng để bảo toàn nguồn vốn. Tuy nhiên, mua dễ bán khó khiến nhiều người mệt mỏi vì bị ép giá.

Nhà đầu tư mệt mỏi vì bị ép giá

Theo Nhịp sống kinh tế, trong bối cảnh thị trường bất động sản chững lại, nhiều nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng về nguồn tiền dẫn đến không thể cân đối khi dùng đòn bẩy tài chính, buộc phải bán đi tài sản đang nắm giữ. Đồng thời, đây cũng là thời điểm những nhà đầu tư có khả năng tài chính mạnh tìm kiếm sản phẩm được rao bán khi chủ đất bị "ngộp", không đủ khả năng chi trả để mua lại và đàm phán với giá hời hơn.

Anh Xuân Trung, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, liên tục trong 5 tháng nay, anh rao bán mảnh đất rộng 150m2, tại Bắc Giang được mua vào thời điểm giữa năm 2021, với giá 25 triệu đồng/m2, tương ứng gần 4 tỷ đồng, trong đó, 40% là tiền anh đi vay.


Thị trường bất động sản hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư hiện nay muốn thoát hàng để giữ an toàn cho nguồn vốn. Ảnh minh họa
Thị trường bất động sản hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư hiện nay muốn thoát hàng để giữ an toàn cho nguồn vốn. Ảnh minh họa

Được biết, mảnh đất này được anh Trung mua từ giữa năm 2021, theo tính toán của anh, nếu cứ sốt như thời điểm đó thì đến đầu năm 2022 bán sẽ có lãi. Thế nhưng, suốt từ đó tới nay, nhà đầu tư này rao bán nhưng vẫn chưa thể bán được. Thậm chí, cách đây 1 tháng, dù đã hạ giá bằng giá mua nhưng cũng không được. Trong khi đó, môi giới khu vực này vẫn tiếp tục đồn thổi giá đất tăng.

Anh Trung cho biết, có 5 người tới xem, nhưng có tới 4 người khẳng định phải đàm phán giá giảm sâu mới mua. Trong đó, một người trả 24 triệu đồng/m2, anh Trung đồng ý bán, họ hẹn 3 ngày sau đến cọc tiền sau đó giao dịch. thế nhưng đến ngày hẹn, anh không thấy họ tới, gọi điện thì nhận được câu trả lời: “Thị trường chững lắm, bây giờ 22 triệu đồng/m2, thì tôi liều mua”.

"Sau đó, đầu dây bên kia tắt phụt điện thoại. Mấy ngày sau tôi gọi lại nhưng cũng không thấy nghe máy. Những người khác thì không trả giá, chỉ nói phải giảm giá sâu hơn nữa rồi quay lưng đi. Bán mảnh đất trong thời gian này mệt mỏi quá”, anh Trung than thở. Sau đó, vì đã xoay xở được tiền, nên anh Trung quyết định sẽ giữ lại chờ thị trường khởi sắc hơn sẽ rao bán sau.

Tương tự trường hợp trên, anh Nguyễn Thế Huyên, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, đầu năm 2021, anh mua mảnh đất có diện tích 97m2 tại Thanh Oai (Hà Nội) với giá 3 tỷ đồng, tương ứng 30 triệu đồng/m2. Cho rằng thời điểm này, hầu hết các khu vực đều đang sốt đất điên cuồng, anh Huyên tự tin sau 1 năm có thể lãi tới 40 - 50%. Tuy nhiên, mọi toan tính của nhà đầu tư này đều đổ vỡ khi thị trường bất động sản năm 2022 bất ngờ "quay xe" hạ nhiệt. Theo đó, dù đã rao bán suốt 4 tháng nay nhưng mảnh đất của anh vẫn chưa thể tìm được chủ mới. Ngoài chuyện không bán được hàng, nhà đầu tư này còn lo lắng bị ép giá sâu.

“Được 3 - 4 đến xem xong liên tục muốn giảm giá, họ đưa ra lý do rằng thị trường đang bấp bênh, mua vào thời điểm này cũng rủi ro nên giá phải rẻ hơn thì mới mua. Tôi cũng đề nghị họ đưa giá nhưng chỉ nhận được lại những cái lắc đầu rồi đi”, anh Huyên chia sẻ.


Mua dễ bán khó khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh bị ép giá
Mua dễ bán khó khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh bị ép giá

Hết thời đầu tư "lướt sóng" bất động sản

Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư tham gia thị trường với mục đích lướt sóng khó có thể tồn tại, vì mua bất động sản không nên nghĩ sẽ bán trong vòng 6 tháng hay 12 tháng mà phải kéo dài từ 12 - 36 tháng. Vì vậy, các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ, không nên sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư do lãi suất đang tăng.

“Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu giảm giá từ 3-5%. Thời gian từ 3-6 tháng tới là thời điểm khó khăn đối với bất động sản, vì room tín dụng vẫn chưa có tín hiệu mở lại. Bất động sản sẽ có xu hướng giảm giá, giao dịch chậm lại. Những sản phẩm trong nội đô có giá trên 20 tỷ đồng và ngoại ô trên 10 tỷ đồng bắt đầu chấp nhận giảm giá để bán. Trong quý IV, nếu vẫn khó khăn như hiện tại thì thanh khoản có khả năng tiếp tục giảm từ 5 - 10% đối với những bất động sản giá trị lớn", ông Quang cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, tình trạng trên không khó để lý giải, những đợt "sốt sóng" đã đẩy giá đất ở lên cao hơn rất nhiều so với giá trị thực và mặt bằng chung, do vậy thời điểm hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào nữa. Kéo theo người dân có nhu cầu để ở cũng không đủ khả năng mua, nên thị trường không có giao dịch.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế dự báo, trong 6 tháng cuối năm, thanh khoản giảm toàn thị trường, đặc biệt giảm mạnh ở khu vực bất động sản chưa thể tạo ra dòng tiền khai thác, kinh doanh và các bất động sản giá trị lớn. Chuyên gia nhấn mạnh, việc giảm thanh khoản đã xuất hiện từ quý I nhưng đến bây giờ mới thực sự bắt đầu.


Theo chuyên gia, nhà đầu tư tham gia thị trường với mục đích lướt sóng giai đoạn hiện nay khó có thể tồn tại
Theo chuyên gia, nhà đầu tư tham gia thị trường với mục đích lướt sóng giai đoạn hiện nay khó có thể tồn tại

Dự báo về thị trường bất động sản năm 2023, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho biết, năm 2023 sẽ có nhiều điểm sáng giúp thị trường phục hồi. Cụ thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển dù kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh đã tạo động lực cho một số thị trường bất động sản. Cùng với đó, đầu tư FDI tiếp tục tăng giúp bất động sản công nghiệp và khu dân cư phát triển. Đồng thời, các chính sách mới ra đời giúp chuẩn hóa và minh bạch thị trường bất động sản. Tiến trình đô thị hóa vẫn phát triển tăng nhu cầu nhà ở đô thị.

Chia sẻ về xu thế đầu tư bất động sản giai đoạn cuối năm 2022 - 2023, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng du lịch có những tín hiệu tích cực nhưng chưa được nhà đầu tư quan tâm mạnh mẽ. Thanh khoản bất động sản phân lô tại các khu vực xa, khu vực nông nghiệp sẽ giảm mạnh và xuất hiện bán cắt lỗ từ 10 - 30%. Phong trào đầu tư farmstay sẽ suy thoái.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Hot girl 9x Hà Nội từng bị phản đối vì mở tiệm nail, hiện là bà chủ chuỗi Nailroom hoành tráng, còn lấn sân sang kinh doanh căn hộ cho thuê

Tin mới cập nhật

Cổ đông lo giá cổ phiếu giảm khi nhiều ngân hàng chia cổ tức

7 giờ trước

Trung tâm thương mại TP.HCM "đắt" khách thuê

7 giờ trước

Hà Nội có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam: Gia đình 4 người chi 30 triệu/tháng vẫn thấy thiếu

7 giờ trước

Bí quyết tạo prompt nhằm tận dụng sức mạnh của chatbot AI

7 giờ trước

Các công ty chứng khoán gia tăng sức nóng "cuộc đua" tăng vốn

8 giờ trước