Kế hoạch của Mỹ muốn áp trần giá dầu Nga đang bị ngờ vực về tính khả thi 

Thứ bảy, 06/08/2022-23:08
Các hãng bảo hiểm đều đang chung một e ngại rằng kế hoạch áp trần dầu Nga, vì họ sẽ phải xác minh Moscow và bên mua liệu có tuân thủ được giá trần hay không.

Theo VnExpress, trong vài tháng qua, Mỹ đang tích cực thúc đẩy ý tưởng áp trần giá bán dầu với Nga và thuyết phục các nước đồng minh tham gia. Họ lo ngại rằng việc Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu và cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm với dầu Nga sẽ khiến cho giá cả tăng vọt. Ý tưởng này của Mỹ sẽ cho phép bảo bảo hiểm việc vận chuyển dầu cùng với các sản phẩm từ dầu của Nga nếu giá bán ở dưới mức trần. 


Giàn khoan của của tập đoàn dầu mỏ Lukoil (Nga) trên biển Baltic. Ảnh: lukoil.com
Giàn khoan của của tập đoàn dầu mỏ Lukoil (Nga) trên biển Baltic. Ảnh: lukoil.com

Thế nhưng, đề xuất này chưa được kiểm nghiệm và đang vấp phải sự ngờ vực của các chuyên gia năng lượng, đặc biệt là các hãng bảo hiểm hàng hải trên thế giới. Các công ty này đã hỗ trợ hoạt động vận chuyển dầu trên toàn thế giới và đóng vai trò mấu chốt trong ý tưởng này của Mỹ. 

Các hãng bảo hiểm hàng hải phần lớn thuộc Liên minh châu Âu và Anh, họ lo ngại việc phải xác minh liệu Nga cùng với bên mua dầu có tuân thủ được giá trần hay không. "Chúng tôi có thể yêu cầu họ cho xem bằng chứng về mức giá đã trả cho dầu thô của Nga, nhưng biến việc này thành cơ chế bắt buộc thì không hiệu quả lắm", theo Mike Salthouse, nhà lãnh đạo tại hãng bảo hiểm hàng hải hàng đầu thế giới North of England P&I Association. "Nếu đã muốn lách luật, họ sẽ có cách. Chúng tôi đã nói là kế hoạch này khó khả thi và cũng đã đưa ra lời giải thích cho mọi người rồi".


Một tàu chở dầu cập cảng Transneft-Kozmino ở vùng viễn đông nước Nga. Ảnh: Reuters
Một tàu chở dầu cập cảng Transneft-Kozmino ở vùng viễn đông nước Nga. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, việc này cũng không ngăn cản được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức Mỹ. Họ đã thuyết phục các quốc gia, các ngân hàng và hãng bảo hiểm rằng, trần giá dầu có thể giúp lạm phát hạ nhiệt và giảm rủi ro suy thoái kinh tế. 

"Trong thời điểm toàn cầu đang lo ngại về giá cả, trần giá dầu chính là một trong những công cụ mạnh nhất giúp chúng ta giải quyết vấn đề này", bà Janet Yellen cho biết hồi tháng 7. 

Kế hoạch này của Mỹ dựa phần lớn vào ngành bảo hiểm hàng hải. Các tàu chở hàng lớn trên thế giới đều cần đến hợp đồng bảo hiểm Bảo vệ và Bồi thường (P&I) để phòng trường hợp bị đòi tiền bồi thường về thương tật hoặc thiệt hại môi trường. Họ cũng cần hợp đồng về vỏ tàu và máy móc để chi trả cho các thiệt hại về vật lý.

Lars Lange, Tổng thư ký Liên đoàn Bảo hiểm hàng hải Quốc tế (IUMI) tin rằng, dù có áp trần giá dầu thì các hãng cũng vẫn lưỡng lự trong việc bảo hiểm cho dầu Nga vì họ sợ sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt. "Chúng tôi rất sẵn sàng tuân thủ. Nhưng hãy thiết lập theo cách trừng phạt theo cách mà chúng tôi có thể hiểu được và tuân thủ", Lange nói. "Nhưng ý tưởng trần giá dầu này, có rất nhiều thách thức đang được đặt ra, ít nhất là từ phía chúng tôi".

Lange cho biết, giá trần sẽ không hiệu quả nếu chỉ có vài quốc gia tuân thủ, do các hãng bảo hiểm từ các nước khác sẽ nhanh chóng lấp đầy lỗ trống của họ. 

Các quan chức của Bộ Tài chính Mỹ chịu trách nhiệm về kế hoạch áp giá trần dầu Nga đã họp với các hãng bảo hiểm và dịch vụ tài chính để có thể xoa dịu lo ngại của họ. Giới chức cho rằng, các hãng sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu bên mua và bên bán lách lệnh trừng phạt này. Nga và các khách hàng của họ sẽ phải thực hiện các thao tác chứng thực về giá mua. Họ nói rằng, việc áp trần giá dầu Nga cũng tương tự như các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu xuất khẩu của Iran hoặc Venezuela. 

Các quan chức cũng cho rằng, không cần các nước trên toàn cầu phải tham gia vào việc áp trần giá dầu. Nguyên nhân là do các quốc gia hiện mua nhiều dầu Nga giá rẻ như Ấn Độ hay Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều từ trần giá dầu mà không cần phải ký thỏa thuận. 

Cuối tháng 6, lãnh đạo của các nước G7 đã đồng ý nghiên cứu đến đề xuất này của Mỹ. Trong tháng trước, ý tưởng này đã được các Bộ trưởng Tài chính nhóm G20 đánh giá trái chiều trong cuộc họp ở Indonesia. Hàn Quốc lên tiếng sẵn sàng tham gia vào ý tưởng này của Mỹ. Trong khi đó, Indonesia đã đưa ra cảnh báo về việc này sẽ khó giải quyết được vấn đề cung dầu trên toàn thế giới. Các quan chức châu Âu cũng tỏ ra ngờ vực với ý tưởng này và nhắc lại rằng họ vẫn đang phân tích tính khả thi của kế hoạch đó. 


Hội nghị bộ trưởng tài chính G20 họp tại Indonesia hồi tháng 5. Ảnh: Reuters
Hội nghị bộ trưởng tài chính G20 họp tại Indonesia hồi tháng 5. Ảnh: Reuters

Trợ lý của bà Yellen, Wally Adeyemo cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Các Bộ trưởng Tài chính và Năng lượng của G7 đã đạt được tiến triển lớn về việc sẽ thiết kế ý tưởng này ra sao theo góc độ kỹ thuật". Ông cũng đưa ra lời khẳng định về tiến triển trong việc thuyết phục các nước tham gia liên minh để áp trần giá dầu. 

Adeyemo nói rằng, giới chức đang nghiên cứu giá trần để các hãng bảo hiểm không phải xem xét chi tiết từng giao dịch. “Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với các thành viên trong ngành này. Việc này đã giúp cho chúng tôi hiểu được dầu được bán ra như thế nào và ai là người nắm thông tin về giá cả. Chúng tôi cũng biết được mình đưa ra được phương pháp để việc đánh giá trở nên đơn giản nhất có thể”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, có một số cựu quan chức Tài chính Mỹ ngờ vực rằng liệu kế hoạch này có đạt được hiệu quả như mong muốn. "Tôi nghĩ rằng đây là ý tưởng thông minh. Tuy nhiên, có thể nó sẽ không có được tính khả thi", theo ông Lawrence H. Summers, Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Ông còn nhận định rằng, trên thế giới không có nhiều trường hợp thành công khi mua hàng hóa theo nhóm. Bên cạnh đó, nhiều giao dịch dầu có thể sẽ bị che giấu.

Mỹ hy vọng, thỏa thuận này có thể đạt được muộn nhất vào ngày 5/12, thời điểm mà lệnh cấm vận của EU có hiệu lực. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, trong đó có cả việc sẽ áp trần giá dầu Nga ở mức nào.

Giới chức tài chính Mỹ muốn giá đủ cao để Nga vẫn có động lực xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia hàng hóa cho rằng mức giá này nên nằm trong khoảng 50-60 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức giá quanh mốc 100 USD/thùng như hiện tại. 

Tuy nhiên, ẩn số ở đây chính là Nga, liệu Nga sẽ phản ứng lại với việc này như thế nào. Thống đốc Ngân hàng Trung ương NGa Elvira Nabiullina vào tháng trước cho biết nước này sẽ không bán dầu cho những nước áp giá trần, đồng thời đưa ra dự báo rằng điều này sẽ càng khiến cho giá dầu thế giới tăng cao. Một số quan chức Nga cũng khẳng định rằng nước này sẽ không bán dầu ra ngoài với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất của họ. 

Theo một báo cáo vào tháng trước, JPMorgan dự báo rằng, nếu Nga không hợp tác về việc áp mức giá trần, sẽ có khoảng 3 triệu thùng dầu Nga phải rút khỏi thị trường toàn cầu mỗi ngày, điều này sẽ đẩy giá dầu lên 190 USD/thùng. Nga cũng có thể chống chịu được việc ngừng sản xuất dầu tạm thời mà vẫn có thể bảo vệ được cho nền tài chính nước này. 

Theo Brian O'Toole, cựu cố vấn tại Bộ Tài chính Mỹ, nếu Nga ngừng xuất khẩu dầu chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể gây bất ổn cho thị trường. Ngược lại, ông Paul Sheldon, cố vấn địa chính trị tại S&P Global Commodity Insights thì cho rằng Nga sẽ không thể hạn chế xuất khẩu dầu, vì dầu có tầm quan trọng lớn đối với nền kinh tế Nga. 

Thế nhưng, những người ủng hộ tin rằng nếu EU cấm bảo hiểm dầu Nga thì việc áp giá trần có thể chính là cơ hội tốt nhất để có thể xoa dịu được hậu quả kinh tế. Theo John E. Smith, nhà lãnh đạo tại hãng luật Morrison & Foerster, chìa khóa chính là phải đảm bảo được việc các công ty dịch vụ tài chính và bảo hiểm hàng hải sẽ không phải chịu trách nhiệm kiểm tra giá cả của từng giao dịch bán dầu cũng như cung cấp chi tiết các hướng dẫn để thực hiện được việc này.

"Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu có đủ số quốc gia đồng ý với kế hoạch này hay không", ông nói thêm. "Nếu có, đây sẽ là chiến thắng với tất cả các nước, trừ Nga". 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Hot girl 9x Hà Nội từng bị phản đối vì mở tiệm nail, hiện là bà chủ chuỗi Nailroom hoành tráng, còn lấn sân sang kinh doanh căn hộ cho thuê

Tin mới cập nhật

Đất nhận chuyển nhượng năm 2008 chưa có sổ đỏ thì có được sang tên quyền sử dụng đất không?

4 giờ trước

Xây dựng Hòa Bình (HBC) báo lãi hơn 57 tỷ đồng quý I/2024 sau 5 quý liên tiếp thua lỗ

12 giờ trước

Chuyên gia lý giải chuyện giá căn hộ Hà Nội tăng như “lên đồng”

12 giờ trước

Trung Quốc “mở đường” cho doanh nghiệp IPO tại Mỹ sau thời gian 2 năm gián đoạn

16 giờ trước

Chuyên gia Savills: Người mua nhà cần thận trọng trước “đòn tâm lý” của môi giới bất động sản

16 giờ trước