Thị trường chứng khoán hôm nay 24/5: Cổ phiếu thép bị bán tháo, VN-Index đảo chiều ngoạn mục sát giờ đóng cửa

Thứ ba, 24/05/2022-16:05
Thị trường chứng khoán hôm nay bất ngờ xuất hiện dòng tiền đổ dồn vào nhóm VN30 trong phiên chiều giúp cho VN-Index đang “ngụp lặn” trong sắc đỏ bỗng tăng vọt gần 15 điểm về cuối phiên.

Diễn biến thị trường trong phiên hôm nay "rung lắc" khá mạnh khi tăng điểm những phút đầu, sau đó giảm mạnh về giữa phiên rồi kết thúc trong sắc xanh. VN-Index hết bị kéo giảm rồi được đẩy tăng đều xuất phát từ nhóm cổ phiếu trụ trong rổ VN30.

Theo Zing, không như những phiên lao dốc trước, lực cầu vào nhóm cổ phiếu trụ duy trì đến hết phiên, thay vì bị bán tháo ở giờ G. Kết phiên VN-Index đảo chiều ngoạn mục sang sắc xanh với mức tăng 14,57 điểm (1,2%) so với tham chiếu để tiến lên 1.233,38 điểm.

Tại các sàn Hà Nội, bộ chỉ số HNX-Index cũng đảo chiều sang tăng 5,3 điểm (1,76%) đạt mức 305,96 điểm. Tuy nhiên UPCoM-Index vẫn giảm 0,54% về 93,12 điểm.


Diễn biến chỉ số VN-Index phiên 24/5. Nguồn TradingView
Diễn biến chỉ số VN-Index phiên 24/5. Nguồn TradingView

Cổ phiếu ngành thép đồng loạt giảm mạnh

Đáng chú ý trong phiên hôm nay là việc cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát bất ngờ ghi nhận lực bán tháo dữ dội từ cuối buổi sáng sau thông tin bất lợi từ cuộc họp cổ đông. Mã chứng khoán này thậm chí bị bán xuống giá sàn 34.200 đồng trong buổi chiều trước khi có sự hồi phục theo xu hướng chung.

Chốt phiên HPG giảm 5% về mức 34.900 đồng, giảm 40% so với cùng đỉnh và là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 đến nay. Áp lực bán khiến thanh khoản tăng vọt lên 42,2 triệu cổ phiếu, gấp 4 lần phiên đầu tuần.

Không chỉ vậy, áp lực bán lan tỏa tới toàn bộ nhóm cổ phiếu tôn thép khiến sắc đỏ lan rộng, một số mã lớn thậm chí có lúc chạm giá sàn. Kết phiên TIS lao dốc 6,3%, NKG và VGS rớt 5,5%, SMC mất 5%, HSG giảm 4,5%...

Việc cổ phiếu ngành thép lao dốc được cho liên quan đến diễn biến cuộc họp cổ đông thường niên sáng nay của Tập đoàn Hòa Phát. Cụ thể, doanh nghiệp được điều hành bởi tỷ phú Trần Đình Long bị chất vấn gay gắt về kế hoạch lợi nhuận ở mức thấp. Chỉ tiêu lãi sau thuế năm nay là 25.000-30.000 tỷ đồng, tức giảm 13-27% so với năm 2021.


Top cổ phiếu tác động lớn nhất lên chỉ số. Nguồn VNDirect
Top cổ phiếu tác động lớn nhất lên chỉ số. Nguồn VNDirect

Dẫn dắt sự đảo chiều của thị trường đến từ nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng. Rổ VN30 tăng 17,36 điểm (1,38%) với 26/30 mã tăng giá.

Ấn tượng nhất là mã STB của Sacombank tăng trần lên 21.750 đồng. Bên cạnh đó CTG của VietinBank tăng 4% đạt 26.000 đồng, TPB của TPBank có thêm 3% lên 30.900 đồng, HDB tăng 1,65%, VIB tăng 2,8% hay VCB tăng 1,6%...

Ngoài ra thị trường còn được hỗ trợ từ đà tăng tốt của một số cổ phiếu trụ khác như MSN của Masan Group tăng 4,3% lên 109.000 đồng, VNM của Vinamilk có thêm 3,9% đạt 68.900 đồng, GAS của PV Gas tăng 2,2% ở mức 105.800 đồng...

Cổ phiếu chứng khoán đảo chiều ngoạn mục. Nếu như phiên sáng đa phần chìm trong sắc đỏ, nhất là cổ phiếu vốn hóa lớn thì sang đến phiên chiều, sắc xanh lại ngập tràn: VND tăng 3%, SSI tăng 6,04%, HCM tăng 6,05%, VCI tăng 4,11%, BSI tăng kịch trần...

Cục diện cũng thay đổi ở nhóm bất động sản. Dù phiên sáng sắc đỏ là chủ đạo nhưng sang phiên chiều, sắc xanh mới là bên chiếm ưu thế. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh có thể kể đến BCM tăng 4,08%, VRE tăng 2,74%, DIG tăng 5,84%, DXG tăng 4,74%, NLG tăng 2,34%, CII tăng 5,29%, HBC tăng kịch trần...

Nhóm sản xuất giao dịch khá sôi động khi GVR tăng 1,9%, DGC tăng 3,91%, GEX tăng 3,33%, DCM tăng 2,4%, VHC tăng 3,87%, KDC tăng 5,77%, IDI tăng kịch trần...


Cổ phiếu blue-chips đảo chiều tốt chiều nay. Nguồn Vietstock
Cổ phiếu blue-chips đảo chiều tốt chiều nay. Nguồn Vietstock

Cổ phiếu bán lẻ giao dịch tích cực khi MWG tăng 1,68%, PNJ tăng 3,25% và FRT tăng 2,15%. Cổ phiếu năng lượng và hàng không phân hóa khi GAS tăng 2,22%, POW tăng 0,78% nhưng PGV giảm 2,39%, PLX giảm 0,62%; VJC tăng 0,24% còn HVN giảm 2,52%.

Độ rộng thị trường nhìn chung vẫn khá cân bằng sau sự đảo ngược dòng tiền. Toàn sàn có 418 mã tăng giá, 465 mã giảm giá và 196 đứng tại tham chiếu.

Thanh khoản thị trường tương đương phiên hôm qua với tổng giá trị khớp lệnh tăng nhẹ gần 2% lên mức 14.228 tỷ đồng, riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE duy trì mức trên 12.000 tỷ đồng.

Khối ngoại gom mạnh cổ phiếu ngân hàng và phân bón

Nhà đầu tư nước ngoài trở lại trạng thái mua ròng tích cực với giá trị hơn 230 tỷ đồng. Đáng chú ý, tâm điểm gom của khối này tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu nhóm ngân hàng và phân bón - hóa chất.

Trên sàn giao dịch HOSE, khối ngoại đã mua vào với khối lượng 35,41 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.238,12 tỷ đồng. Trong đó, DCM được mua ròng mạnh nhất đạt hơn 81 tỷ đồng, tương đương khối lượng xấp xỉ 2,4 triệu đơn vị.

Tiếp theo là DPM được mua ròng 74,38 tỷ đồng (1,36 triệu đơn vị), STB được mua ròng 74,22 tỷ đồng (3,54 triệu đơn vị), CTG được mua ròng 55,86 tỷ đồng, DGC đạt 49,52 tỷ đồng, TPB đạt 33,5 tỷ đồng, VCB đạt 32,63 tỷ đồng, HDB đạt 28,96 tỷ đồng.

Trái lại, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG với khối lượng 4,15 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 145,16 tỷ đồng.

Trên sàn giao dịch HNX, khối ngoại đã mua vào 287.900 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 11 tỷ đồng. Cổ phiếu IDC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với khối lượng đạt 110.000 đơn vị, giá trị tương ứng đạt 5,43 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ 2 là BAX được mua ròng 15.900 đơn vị, giá trị tương ứng đạt 1,24 tỷ đồng.

Trái lại, khối này bán ròng mạnh nhất cổ phiếu IDJ với khối lượng 100.000 đơn vị, giá trị tương ứng 1,83 tỷ đồng. Tiếp theo là NTP bị bán ròng 25.000 đơn vị, giá trị tương ứng 1,09 tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại mua vào với khối lượng 1,94 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 68,92 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất BSR với khối lượng 1,31 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 30,48 tỷ đồng. Tiếp theo là QNS được mua ròng 3,04 tỷ đồng, SIP được mua ròng 1,27 tỷ đồng và QTP được mua ròng 1,19 tỷ đồng.

Mặt khác, khối này bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VTP với khối lượng 103.100 đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 6,81 tỷ đồng. Ngoài ra, cặp VEA và CLX cùng bị bán ròng hơn 1,07 tỷ đồng.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Hot girl 9x Hà Nội từng bị phản đối vì mở tiệm nail, hiện là bà chủ chuỗi Nailroom hoành tráng, còn lấn sân sang kinh doanh căn hộ cho thuê

Tin mới cập nhật

Hà Nội: Nhu cầu nhà ở tiếp tục bị dồn nén khi nguồn cung ít ỏi

3 giờ trước

Tháng 4/2024, 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm

6 giờ trước

Hà Nội: Tài chính không đủ, nhiều người chấp nhận rủi ro mua chung cư không có sổ hồng

6 giờ trước

Tuổi Tuất hợp hướng nào? Mẹo phong thủy để chọn hướng nhà, hướng phòng mang lại may mắn, tài lộc

6 giờ trước

Doanh nghiệp bất động sản cần một cơ chế thông thoáng hơn

15 giờ trước