Nhà đầu tư Thái Lan nắm giữ lượng chứng chỉ ETF Việt Nam ở mức cao kỷ lục

Thứ hai, 09/01/2023-16:01
Với động thái không ngừng mua gom của các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, nhiều khả năng DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF sẽ tiếp tục hút tiền mạnh trong thời gian tới. Đây cũng sẽ là động lực chủ yếu để thu hút dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Nhịp sống thị trường, Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) cho biết, tính đến hết ngày 4/1, lượng chứng chỉ lưu ký DR FUEVFVND (FUEVFVND01) dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF được phát hàng bởi Bualuang Securities đã lập kỷ lục mới với gần 174 triệu đơn vị, tương ứng giá trị vốn hóa là 5,83 tỷ Bath (~4.000 tỷ đồng). Tỷ lệ chuyển đổi giữa DR và chứng chỉ quỹ cơ sở là 1:1, đồng nghĩa việc nhà đầu tư Thái Lan hiện đang gián tiếp sở hữu 174 triệu chứng chỉ FUEVFVND.


 
 

Tương tự, chứng chỉ quỹ DCVFM VN30 ETF cũng được dòng tiền từ xứ Chùa Vàng gom mạnh thông qua kênh DR. Tính đến ngày 4/1, lượng DR E1VFVN30 (E1VFVN3001) do Bualuang Securities phát hành lên đến hơn 246 triệu đơn vị, tương đương giá trị vốn hóa là 6,4 tỷ Bath (~4.400 tỷ đồng). Tỷ lệ chuyển đổi cũng là 1:1 nên đồng nghĩa với việc nhà đầu tư Thái Lan đang gián tiếp sở hữu hơn 246 triệu chứng chỉ quỹ E1VFVN30. Đây là con số kỷ lục kể từ khi sản phẩm DR dựa trên chứng chỉ quỹ này được ra mắt vào năm 2018.


 
 

Trên thực tế, nhà đầu tư Thái Lan đã bắt đầu tăng tốc mua gom 2 chứng chỉ quỹ ETF của Việt Nam qua kênh DR kể từ tháng 10. Hoạt động này có phần chững lại trong vài tuần trước khi được nối lại từ cuối tháng 12. Với động lực của dòng tiền từ xứ Chùa Vàng, DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF đều hút vốn mạnh trong khoảng 3 tháng cuối năm 2022.

Trong quý 4/2022, DCVFM VN30 ETF đã hút ròng hơn 1.400 tỷ đồng, trong khi dòng vốn vào DCVFM VNDiamond ETF thậm chí lên đến hơn 4.000 tỷ đồng. Tính chung trong cả năm ngoái, ETF mô phỏng chỉ số VNDiamond đã hút ròng hơn 7.800 tỷ đồng, lớn thứ 2 toàn thị trường, trong khi quỹ tham chiếu theo chỉ số VN30 vẫn bị rút hơn 440 tỷ đồng.


 
 

Trước động thái không ngừng mua gom của nhà đầu tư Thái Lan, nhiều khả năng DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF sẽ tiếp tục hút tiền mạnh. Đây sẽ là động lực chính thu hút dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới khi mới đây Fubon ETF đã thông báo dừng mua do chạm đến giới hạn huy động.

Xu hướng ETF vẫn bùng nổ trong tương lai

Với sự bùng nổ của dòng vốn ETF, nhà đầu tư nước ngoài đã chấm dứt chuỗi bán ròng triền miên trong 2 năm 2020 - 2021 và trở lại mua ròng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị hơn 29.000 tỷ đồng trong năm 2022. Trong đó, các quỹ ETF đã giải ngân khoảng 26.500 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD) vào cổ phiếu Việt Nam, chiếm phần lớn lượng mua ròng của khối ngoại.

Trong năm qua, bên cạnh những cái tên quen thuộc, thị trường đã xuất hiện thêm nhiều ETF mới bao gồm cả nội và ngoại như DCVFM VNMidcap ETF, CSOP FTSE Vietnam 30 ETF, MAFM VNDIAMOND ETF, KIM GROWTH VNFINSELECT ETF hay FCAP VNX50 ETF. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp làn sóng ETF trở nên bùng nổ hơn trong năm 2023 này.

Nếu như cách đây khoảng thời gian 10 năm, khái niệm ETF còn khá xa lạ với các nhà đầu tư thì vài năm trở lại đây, ETF đang dần khẳng định được vai trò quan trọng của mình, có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường. Thống kê cho thấy, 19 quỹ ETF đang đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đều có quy mô danh mục lên đến 3,3 tỷ USD.

Có thể nói, ETF đã đang và sẽ trở thành một xu hướng lớn tại Việt Nam bởi nhiều lợi ích như có thể giúp nhà đầu tư dễ dàng đa dạng hóa danh mục, chi phí thấp, giúp nhà đầu tư ngoại có thể gián tiếp mua các cổ phiếu đã hết room.

Trong khi đó, với nhà đầu tư không chuyên, việc mua chứng chỉ quỹ ETF sẽ giúp học giải được bài toán lựa chọn cổ phiếu nào giữa hàng nghìn doanh nghiệp trên sàn chứng khoán cũng như đem lại tỷ suất lợi nhuận ổn định, thậm chí là vượt trội hơn trong dài hạn so với việc tự ra quyết định giao dịch các cổ phiếu riêng lẻ.

Cách đây không lâu, trong một chia sẻ của mình, ông Yun Hang Jin - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Quản lý Quỹ KIM Việt Nam nhận định, ETF bây giờ có thể là sản phẩm ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chỉ một vài năm nữa ETF sẽ là một sự lựa chọn phải có của những nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam.

Tổng thể năm 2022, mặc dù hầu hết các hoạt động kinh tế đã được khôi phục sau đại dịch Covid, song Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài, bao gồm cả việc tăng lãi suất của Fed và đồng USD mạnh lên, căng thẳng giữa Nga và Ukraine, chính sách Zero Covid của Trung Quốc cùng làn sóng thắt chặt tiền tệ toàn cầu nhằm kiềm chế lạm phát. 

Mới đây, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước đã phản ánh những khó khăn kinh tế chung toàn cầu, cũng như thúc đẩy bởi tâm lý lo ngại rủi ro xoay quanh các vi phạm trên thị trường tài chính trong nước khi Chính phủ bắt đầu triển khai các công tác giúp minh bạch hóa thị trường tài chính và bất động sản.

Với sự ổn định kinh tế vĩ mô cao hơn năm 2022, Mirae Asset cho rằng thị trường sẽ sớm thu hút thêm dòng vốn đầu tư trong thời gian tới. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tương đối hấp dẫn về triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như thu nhập doanh nghiệp (đều được dự báo vượt trội so với các thị trường khác).

Mirae Asset đánh giá định giá của VN-Index vẫn hấp dẫn sau nhịp hồi mạnh vừa qua. Cụ thể, P/E của VN-Index hiện đang ở khoảng 10−11x, mức này vẫn còn rất hấp dẫn. Mức P/E hiện tại đang quanh mức trung bình trừ đi 2 độ lệch chuẩn (SD) và vẫn đang là mức thấp trong lịch sử.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Hot girl 9x Hà Nội từng bị phản đối vì mở tiệm nail, hiện là bà chủ chuỗi Nailroom hoành tráng, còn lấn sân sang kinh doanh căn hộ cho thuê

Tin mới cập nhật

Nóng bỏng “cuộc chiến” cạnh tranh về giá của các nhà bán lẻ nội địa

1 giờ trước

Tháng 4/2024, PMI Việt Nam vượt ngưỡng 50 điểm

1 giờ trước

“Ông lớn công nghệ” Nvidia đang thống trị ngành chip như thế nào?

1 giờ trước

Loạt công ty tài chính báo lỗ và bài toán khó trong thu hồi nợ

1 giờ trước

Gen Z cùng tư duy đầu tư hiệu quả: Luôn học hỏi từ người giỏi, tìm sự trợ giúp từ những người đồng điệu

1 giờ trước