Chuyên gia đánh giá tác động về sự sụp đổ của SVB, kỳ vọng Fed dừng tăng lãi suất trong quý II/2023

Thứ tư, 15/03/2023-09:03
Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ sẽ gây ra tác động đối với thị trường tài chính toàn cầu và cả Việt Nam nhưng không nhiều.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó tăng lãi suất sau vụ SVB và Signature Bank

Ngày 10/3 vừa qua, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) đã quyết định chấm dứt hoạt động của Silicon Valley Bank (SVB) ngay trong phiên giao dịch ngày 10/3, do khách hàng ồ ạt rút tiền khiến giá cổ phiếu SVB mất giá 60% trong 2 phiên liên tiếp và bị rơi vào trạng thái chấm dứt giao dịch.

TS. Cấn Văn Lực,Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, việc sụp đổ của SVB có gây ra tác động đối với thị trường tài chính toàn cẩu cũng như Việt Nam nhưng không nhiều.


TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia

SVB có hoạt động tại các nước như Anh, Đức, Đan Mạch, Trung Quốc, Israel, song chuyên gia cho rằng việc đóng cửa của ngân hàng này có thể sẽ khó gây ra hậu quả lan truyền trên thị trường tài chính khi đã được FDIC can thiệp từ sớm và SVB là một ngân hàng đặc thù, với nhóm khách hàng ngách.

Về tác động trực tiếp, chỉ số chứng khoán toàn cầu đã và đang sụt giảm và biến động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn việc huy động vốn của các công ty công nghệ và startups toàn cầu sẽ khó khăn hơn, thậm chí bị đánh giá là rủi ro hơn, nên có thể sẽ phải trả lãi suất cao hơn.

Về tác động gián tiếp, ông Cấn Văn Lực nhận định, sự cố SVB có thể khiến Fed xem xét và điều chỉnh nhẹ kế hoạch điều hành lãi suất của mình trong thời gian tới. Điều này có thể sẽ tác động đến chính sách tỷ giá, tiền tệ của Việt Nam.

Đưa ra chia sẻ cụ thể về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: "Sau vụ sụp đổ của SVB, nhiều khả năng Fed sẽ phải điều chỉnh kế hoạch tăng lãi suất theo hướng tăng ít hơn và có thể dừng lại trong quý II/2023".

Nguyên nhân do thị trường tài chính đang bị xáo trộn, sự sụp đổ của SVB đã làm rúng động nước Mỹ và cả thị trường tài chính toàn cầu. Các thị trường chứng khoán lao dốc, giá vàng bật tăng và ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia phải trấn an dư luận.

Vì vậy, trong bối cảnh này việc Fed tăng mạnh lãi suất sẽ khiến thị trường tài chính hứng chịu thêm một cú sốc mới. Do đó, nhiều khả năng Fed sẽ giảm bớt mức tăng trong các đợt tăng lãi suất tiếp theo dù trước đó Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có những tuyên bố cứng rắn về việc tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát.


Ngày 10/3, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của Silicon Valley Bank (SVB)
Ngày 10/3, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của Silicon Valley Bank (SVB)

Tương tự, giới chuyên gia quốc tế cũng nhận định rằng, có thể Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 3 thay vì tăng 25 điểm cơ bản như nhận định trước đó.

Theo Ngân hàng Goldman Sachs, Fed có thể sẽ không tăng lãi suất sau 2 vụ sụp đổ ngân hàng của Silicon Valley Bank và Signature Bank xảy ra vào cuối tuần vừa qua. Nhà băng này đã từ bỏ dự báo Fed tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 22/3 tới và cho rằng sẽ không có đợt nâng nào. Trước đó, Goldman Sachs đưa ra dự báo rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 4,75-5%/năm trong cuộc họp tháng 3 này.

Những nguyên nhân khiến SVB phá sản

Phân tích về những nguyên nhân khiến SVB phá sản, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, ngoài rủi ro từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thì sự sụp đổ của SVB còn xuất phát từ mô hình hoạt động và sự thiếu bền vững. Theo đó, chuyên gia đưa ra 4 nguyên nhân khiến ngân hàng này phải đóng cửa là:

Thứ nhất là mô hình hoạt động có vấn đề, cụ thể là ngân hàng này tập trung quá nhiều vào một số ít lĩnh vực đó là đổi mới sáng tạo, công nghệ, dịch vụ sức khỏe, trong khi đây là những lĩnh vực có nhiều rủi ro, biến động nhanh khi nền kinh tế xuất hiện sự điều chỉnh, suy giảm tăng trưởng từ thời điểm đầu năm 2022 đến nay.

Thứ hai là hoạt động thiếu bền vững. Chức năng chính của một ngân hàng thương mại là huy động vốn, phần lớn trong đó đến từ tiền gửi người dân, thường chiếm khoảng 60-65%, còn lại là tiền gửi tổ chức, doanh nghiệp để cho vay hầu hết ngành nghề, lĩnh vực.

Tuy nhiên, SVB chủ yếu nhận tiền gửi từ các doanh nghiệp công nghệ hay các quỹ đầu tư mạo hiểm. Những nguồn vốn này không ổn định, nên khi cần họ sẽ rút ra để thanh toán nghĩa vụ đáo hạn.

Thông thường, lượng tiền gửi này ít được mua bảo hiểm tiền gửi (do hầu như là của tổ chức chứ không phải của cá nhân), và khi được bồi thường cũng khá khiêm tốn (tối đa khoảng 250.000 USD theo pháp luật hiện hành của Mỹ) so với lượng tiền gửi của mỗi khách hàng cá nhân (lên tới hàng triệu USD). Đây cũng là lý do chỉ có khoảng 13% lượng tiền gửi của SVB là có bảo hiểm.


Ngoài rủi ro từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, sự sụp đổ của SVB còn xuất phát từ mô hình hoạt động và sự thiếu bền vững
Ngoài rủi ro từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, sự sụp đổ của SVB còn xuất phát từ mô hình hoạt động và sự thiếu bền vững

Thứ ba là khả năng phân tích, dự báo và quản lý rủi ro có vấn đề. Nguồn gốc vụ sụp đổ của SVB được cho là do hoạt động kinh doanh, chủ yếu là thua lỗ trong kinh doanh trái phiếu. 

Theo đó, với lượng tiền gửi của khách hàng trong giai đoạn 2020 - 2022 tăng mạnh, ngân hàng này đã mang đi đầu tư trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu được thế chấp bằng các khoản vay mua nhà với hy vọng lãi suất sẽ còn ở mức thấp lâu dài.

Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất nhanh để đối phó với lạm phát từ đầu năm 2022 đến nay đã khiến giá trị của những khoản đầu tư này giảm mạnh, bị chiết khấu nhiều hơn qua đó gây thua lỗ. Báo cáo thường niên cuối năm 2022 cho thấy, SVB đang nắm giữ hơn 90 tỷ USD trái phiếu, mặc dù không phải định giá lại thường niên nhưng theo ước tính giá trị chỉ còn khoảng 76 tỷ USD và khoản lỗ ghi nhận là 15 tỷ USD.

Bên cạnh đó, việc lãi suất tăng nhanh khiến dòng tiền đầu tư vào các công ty công nghệ và startups giảm dần, họ phải sử dụng tiền gửi tại SVB để trang trải các khoản phí gia tăng. SVB cũng buộc phải bán các trái phiếu này để có tiền chi trả, nhưng càng bán, càng lỗ, phải lựa chọn phương án phát hành thêm cổ phiếu để bù đắp. Nhu cầu huy động vốn cổ phiếu bất thường đã khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm, các doanh nghiệp gửi tiền lo ngại và họ đã đồng loạt rút tiền.

Thứ tư là khâu xử lý truyền thông và rủi ro thanh khoản không tốt, khiến cho không những không thuyết phục được khách hàng giữ lại tiền mà còn gây thêm bất an, khiến họ càng rút tiền nhanh hơn, nhà đầu tư thì xả bán cổ phiếu, khiến giá cổ phiếu lao dốc không phanh. Không chỉ vậy, việc một số quỹ đầu tư lớn khuyến nghị khách hàng rút tiền, đồng thời Tổ chức định hạng tín nhiệm Moody’s hạ tín nhiệm của SVB cũng làm đổ thêm dầu vào lửa.

Từ các nguyên nhân trên, TS. Cấn Văn Lực lưu ý: "Các tổ chức tài chính, ngân hàng là phải quan tâm đến cả hai vế trong hoạt động: Tăng trưởng trong tầm kiểm soát, đa dạng hóa và quản lý các loại rủi ro chính và phát triển bền vững".

Mặc khác, năng lực và hiệu quả của các cơ quan giám sát và cơ quan quản lý cũng rất quan trọng, cần quan tâm đến các rủi ro hệ thống, rủi ro liên thông giữa các thị trường tài chính. Đồng thời có sẵn cơ chế xử lý khủng hoảng để có thể phản ứng nhanh, trong đó các cơ quan thanh tra - giám sát cần độc lập hơn và vai trì bảo hiểm tiền gửi cũng cần rõ nét hơn.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Hot girl 9x Hà Nội từng bị phản đối vì mở tiệm nail, hiện là bà chủ chuỗi Nailroom hoành tráng, còn lấn sân sang kinh doanh căn hộ cho thuê

Tin mới cập nhật

Hà Nội: Nhu cầu nhà ở tiếp tục bị dồn nén khi nguồn cung ít ỏi

4 giờ trước

Tháng 4/2024, 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm

6 giờ trước

Hà Nội: Tài chính không đủ, nhiều người chấp nhận rủi ro mua chung cư không có sổ hồng

6 giờ trước

Tuổi Tuất hợp hướng nào? Mẹo phong thủy để chọn hướng nhà, hướng phòng mang lại may mắn, tài lộc

6 giờ trước

Doanh nghiệp bất động sản cần một cơ chế thông thoáng hơn

16 giờ trước