Để gọi vốn thành công trong, startup cần chuẩn bị những gì?

Thứ ba, 23/05/2023-07:05
“Mùa đông gọi vốn” chưa có dấu hiệu kết thúc, các quỹ đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng trước những biến động, do đó, các startup cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để có thể gọi vốn thành công trong bối cảnh hiện nay.

“Mùa đông gọi vốn” đã đến, startup thêm khó khăn

Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư Công nghệ Việt Nam do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures thực hiện, sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm mạnh 56% do ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu.

Sự ảnh hưởng này diễn ra đặc biệt rõ rệt vào nửa cuối năm 2022 với giá trị đầu tư giảm 65% vì khủng hoảng trong ngành công nghệ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, số lượng thương vụ tăng lên vào nửa cuối năm, cho thấy hoạt động đầu tư vẫn diễn ra đều đặn dù giá trị đầu tư giảm.

Hầu hết các vòng gọi vốn đều giảm cả về số lượng và giá trị thương vụ. Tuy nhiên, giá trị đầu tư trong các vòng gọi vốn từ 10-50 triệu USD tăng nhẹ, cho thấy các công ty đã huy động được vòng Pre-Series A và Series A năm trước đã bước sang giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Các thương vụ trị giá hơn 50 triệu USD giảm mạnh, điều đó dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về tổng giá trị đầu tư trong năm 2022.


Vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm mạnh 56% do ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu trong năm qua
Vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm mạnh 56% do ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu trong năm qua

Có thể thấy, “mùa đông gọi vốn” kéo dài từ giữa năm ngoái và đến nay chưa có dấu hiệu kết thúc khi các quỹ đầu tư và nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng trước những biến động của kinh tế, chính trị thế giới. Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Trong đó, số lượng quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ giảm nhẹ.

Ngoài ra, các quỹ Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu và trở thành nhóm nhà đầu tư tích cực nhất, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái Việt Nam với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng đối với các công ty khởi nghiệp trong nước.

Chuẩn bị gì để gọi vốn thành công?

Báo cáo cho thấy, 1.5 tỉ USD là số vốn được cam kết dành cho các startup Việt Nam từ 41 quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Mỹ, và Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025.

Tuy vậy, dù cơ hội lớn nhưng việc gọi vốn đối với start-up là không hề dễ dàng. Shark Nguyễn Mạnh Dũng từng chia sẻ với báo giới rằng, trung bình với khoảng 100 dự án tiếp xúc, nhà đầu tư sẽ quyết định lựa chọn rót vốn vào 3 công ty. Đây cũng là tỷ lệ chọn lọc phổ biến của thị trường thế giới.

Vậy, mỗi startup làm sao có thể “đánh bại” ít nhất 30 doanh nghiệp khác để thuyết phục nhà đầu tư lựa chọn công ty của mình. Bên cạnh ý tưởng, chiến lược kinh doanh thì con người là yếu tố được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất. Đặc biệt với những trường hợp startup gọi vốn ở giai đoạn đầu, chưa có báo cáo tài chính hay doanh số bán hàng rõ nét để chứng minh năng lực với nhà đầu tư.

Chia sẻ về kinh nghiệm gọi vốn, bà Tôn Nữ Xuân Quyên – Founder & CEO BluSaigon – người từng gây ấn tượng khi gọi vốn thành công 4 tỉ đồng tại Shark Tank Việt Nam cho biết, doanh nghiệp cần chuẩn bị kĩ lưỡng cả 3 giai đoạn: Trước trong và sau khi gọi vốn.

“Trước khi gọi vốn, mình là người 3 không, tức là không có mối quan hệ, không có tài chính lớn và không có đội ngũ, ban bệ hỗ trợ như nhiều người vẫn nghĩ. Tôi làm một mình từ đầu đến cuối”, bà Quyên nói.

Theo bà Quyên, doanh nghiệp cần phải chú ý, thường xuyên theo dõi các thông tin về các cuộc thi hoặc các chương trình gọi vốn; hoặc đăng ký để thông tin của các chương trình này gửi email về cho mình hàng ngày. Ngoài ra, cần chuẩn bị kỹ kế hoạch kinh doanh.

“Chúng ta phải chia sẻ câu chuyện của mình, ví dụ chúng ta bán sản phẩm gì, giải quyết vấn đề gì của thị trường, bán qua kênh nào, tình hình tài chính, kinh doanh ra sao, bán cho ai…?

Vấn đề bán cho ai khá quan trọng. Nếu chúng ta nói rằng nhắm đến bán cho tất cả mọi người, bán cho mọi đối tượng thì có nghĩa bạn đang không biết bạn bán cho ai. Thậm chí, có những người rất thích sản phẩm của bạn nhưng họ không mua, nhưng lại có những người dù không thích sản phẩm của mình nhưng họ mua. Người mua là đối tượng bán hàng của mình. Đây là thông tin bạn cần phải cung cấp cho bên gọi vốn”, bà Quyên nói.

Cũng theo bà Quyên, doanh nghiệp cần chuẩn bị báo cáo tài chính khi đi gọi vốn. Điều này sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp, kĩ lưỡng của lãnh đạo doanh nghiệp.


Bà Tôn Nữ Xuân Quyên – Founder & CEO BluSaigon trong một lần gọi vốn
Bà Tôn Nữ Xuân Quyên – Founder & CEO BluSaigon trong một lần gọi vốn

Một yếu tố nữa, theo bà Xuân Quyên, doanh nghiệp phải đúng giờ, chú ý quan sát không gian để xem có đầy đủ các công cụ để mình trưng bày sản phẩm hay trình chiếu hay không.

Ví dụ mình đến với chương trình Sharktank, ở trường quay có cả đội ngũ để giúp doanh nghiệp sơn, trang trí và trưng bày sản phẩm. Thậm chí, có cả đội ngũ tư vấn xem việc trưng bày thế này có đẹp hay không, phù hợp hay không; nếu kệ màu trắng họ thấy không phù hợp, họ sẽ tư vấn sang màu đen và họ sơn lại cho mình, rất kỹ lưỡng.

Rèn luyện kĩ năng đàm phán

Theo bà Quyên, một vấn đề rất quan trọng là cần luyện tập kịch bản và viết ra chi tiết thông tin cần trình bày, bởi khi lên trình bày thì rất dễ bị “khớp”.

“Tôi cũng viết và trả lời khoảng 81 câu hỏi thường gặp và học thuộc. Ngoài ra, tôi cũng xem lại rất nhiều chương trình cũ của Việt Nam và nước ngoài để học cách đàm phán. Thực sự tôi rất dở về đàm phán, nhất là các nhà đầu tư đều là doanh nghiệp lớn mình rất kính trọng. Tuy nhiên, họ là người làm việc chung với mình, mình dù tôn trọng nhưng không nhất thiết phải nhận phần thiệt quá nhiều về mình. Do đó, các start-up cần phải rèn luyện kĩ năng đàm phán tốt khi gọi vốn”, bà Quyên nói.

Khi gọi vốn thành công hoặc sau khi lên sóng, bà Quyên cho rằng doanh nghiệp cần chăm sóc khách hàng thật tốt để khách hàng đến rồi vẫn ở lại với doanh nghiệp.

“Tôi từng có bài học sâu sắc về vấn đề này khi khởi nghiệp bán đồ ăn trước kia, đó là có một bạn rất giỏi marketing, ngày khai trương doanh số lên rất lớn, nhưng 1-2 tháng sau thì doanh số tụt thảm hại. Lý do là khách hàng đến với mình rất nhiều nhưng sự phục vụ chậm, tư vấn không hài lòng khách hàng… thì khách hàng không bao giờ trở lại với mình”, bà Quyên nêu.


Đàm phán với nhà đầu tư là kỹ năng rất quan trọng, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý
Đàm phán với nhà đầu tư là kỹ năng rất quan trọng, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý

Còn với anh Phạm Chí Nhu – Founder của Coolmate, ông cho rằng điều quan trọng nhất là phải hiểu doanh nghiệp của mình kỹ lưỡng, thậm chí đến tận ‘chân tơ, kẽ tóc’, để khi các nhà đầu tư hỏi gì thì cũng phải trả lời được. Lúc lên thuyết trình người gọi vốn phải bản lĩnh, tự tin.

Ngoài ra, ông Nhu cũng cho rằng “nếu mình nghĩ những con số mà mình đề nghị đầu tư đúng và xứng đáng thì phải theo bảo vệ đến cùng”.

Đồng quan điểm, đại diện một start-up cũng cho rằng trước khi gọi vốn, founder cần tìm hiểu thật kỹ về nhà đầu tư dự định gặp, bởi mỗi nhà đầu tư đều có phong cách, "khẩu vị" đầu tư riêng. Nếu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, định hướng tương đồng thì mới có thể phát triển được. Ngoài ra, nhà đầu tư cần nắm rõ được hướng đi của bạn và kế hoạch dài hạn của dự án đó. Do đó, founder phải trình bày cụ thể số vốn cần thiết cho dự án của mình và bao nhiêu phần trăm cổ phần, mục đích sử dụng số vốn đó thế nào?

Trong báo cáo đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư cho biết vẫn tiếp tục giải ngân vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhờ vào niềm tin dài hạn và các cơ hội đột phá có thể được tạo ra trong giai đoạn khủng hoảng. Một số nhà đầu tư tập trung vào các ngành mới nổi và khuyến khích các công ty khởi nghiệp luôn giữ tâm thế vững vàng trước thách thức.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào các yếu tố kinh doanh cốt lõi, gọi vốn một cách chiến lược, và thích ứng kịp thời với những thay đổi trong thực tế. Họ chia sẻ góc nhìn chung rằng các công ty khởi nghiệp có thể tận dụng thách thức hiện tại như một cơ hội để đổi mới và cải tiến.

Thanh Long
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Phó tổng giám đốc Sacombank đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch của Bamboo Airways

Sau 4 tháng rời Bamboo Airways, ông Nguyễn Minh Hải trở thành CEO của Vietravel Airlines

Ông Phan Đình Điền trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB

Thaiholdings có Tổng giám đốc mới

Nhân sự cấp cao của Chứng khoán VNDirect lại có sự thay đổi chéo, bà Phạm Minh Hương trở lại ghế chủ tịch

Lãnh đạo Petrocons trở thành Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN

LDG bổ nhiệm ba tân Phó Tổng Giám đốc

Bloomberg: Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm gần 40 tỷ USD sau khi VinFast niêm yết, lọt Top 30 người giàu nhất thế giới?

Tin mới cập nhật

Xây dựng Hòa Bình (HBC) báo lãi hơn 57 tỷ đồng quý I/2024 sau 5 quý liên tiếp thua lỗ

4 giờ trước

Chuyên gia lý giải chuyện giá căn hộ Hà Nội tăng như “lên đồng”

4 giờ trước

Trung Quốc “mở đường” cho doanh nghiệp IPO tại Mỹ sau thời gian 2 năm gián đoạn

8 giờ trước

Chuyên gia Savills: Người mua nhà cần thận trọng trước “đòn tâm lý” của môi giới bất động sản

8 giờ trước

Nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á

12 giờ trước