Góc nhìn chuyên gia: Những nhịp rung lắc có thể tiếp diễn, việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ là phù hợp

Thứ ba, 28/06/2022-00:06
Theo chuyên gia, việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ vẫn là một trong các ưu tiên của nhà đầu tư. Dù vậy, vẫn cần quan tâm hơn đến yếu tố định giá để hạn chế mua vào các cổ phiếu bắt đầu có mức định giá thiếu hợp lý.

Theo Nhịp sống kinh tế, trong tuần qua thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có những diễn biến tiêu cực, điều này cùng nhịp với diễn biến của nhiều thị trường chứng khoán thế giới. Theo đó, trong tuần qua, nhiều chỉ số lớn trên thế giới từ Mỹ, châu Âu, cho đến châu Á đều kiểm định lại vùng đáy tháng Năm.

Sang tuần giao dịch mới, các chuyên gia Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Phân tích khối KHCN CTCK MayBank KimEng (MBKE) đều đã có những chia sẻ góc nhìn về xu hướng thị trường.

Thị trường có thể phục hồi, mức kháng cự gần nhất là quanh 1.200 điểm và xa hơn là quanh 1.250 điểm

Đánh giá về thị trường tuần qua, trước tiên, ông Bùi Văn Huy, chuyên gia HSC cho rằng thị trường chứng khoán Việt đã kiểm định vùng đáy cũ quanh 1.155-1.160 điểm. Việc thị trường xuất hiện lực cầu ở vùng đáy cũ và nảy lên cũng là diễn biến rất bình thường. Với đà phục hồi của nhiều thị trường chứng khoán thế giới trong tuần qua, trong ngắn hạn, tác động từ bên ngoài có vẻ dịu đi chút ít. Do đó, thị trường có thể xuất hiện những nỗ lực phục hồi tiếp theo. Mức kháng cự gần nhất là quanh 1.200 điểm và xa hơn là quanh 1.250 điểm.

Tuy nhiên, về thanh khoản thị trường, chuyên gia nhận định rằng vẫn đang là một dấu hỏi rất lớn. Với mức thanh khoản hiện tại giá sẽ không thể tăng bền, lực cầu phải thực sự trở lại thị trường mới có nhiều cơ hội. Hiện tại, khi các thông tin tiêu cực tạm thời lắng xuống trong ngắn hạn, giá phục hồi chủ yếu do tiết cung.

Một số nguyên nhân khiến thanh khoản sụt giảm có thể kể đến như do tài khoản nhà đầu tư thua lỗ nặng và giảm margin. 

Ngoài ra, việc siết chặt thị trường trái phiếu, một số doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn, điều này khiến nhiều doanh nghiệp không tìm ra nguồn cân đối. Từ thực tế nghề nghiệp, ông Huy nhận thấy nhiều cổ đông lớn của các doanh nghiệp lớn tìm nguồn vay thế chấp cổ phiếu thay thế để bù vào.

Bên cạnh đó, việc dòng tiền trở lại sản xuất kinh doanh cũng như chuyển kênh đầu tư khi thị trường chứng khoán không thuận lợi cũng khiến dòng tiền giảm đáng kể. Đáng chú ý, mặc dù số lượng tài khoản mới vẫn lập kỷ lục, nhưng vị chuyên gia chỉ ra rằng dòng tiền gia nhập không nhiều, chủ yếu do nhà đầu tư chuyển công ty chứng khoán do một số mới vào hoạt động hoặc mở rộng.

Ông Huy cho rằng, dòng vốn mua ròng của khối ngoại trong thời gian qua xuất phát từ ETFs. Thời gian qua, ETFs đã trở thành xu hướng trên toàn thế giới và cũng không bất ngờ khi xu hướng này rất được ưa chuộng trên thị trường Việt Nam.


ETFs vẫn sẽ hút tiền và là xu hướng trong thời gian tới
ETFs vẫn sẽ hút tiền và là xu hướng trong thời gian tới

"Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, ETFs không tạo lập danh mục hay mua/bán dựa trên cơ bản doanh nghiệp mà chỉ mô phỏng theo các chỉ số, các tiêu chí đã được định trước. Do đó dòng vốn ETFs mang tính đầu cơ cao và cũng rất khó dự đoán. Tôi tin là ETFs vẫn sẽ hút tiền và là xu hướng trong thời gian tới, nhưng để làm đại diện hoàn toàn cho xu hướng khối ngoại thì có lẽ là chưa", vị chuyên gia cho biết.

Đối với dòng vốn từ Hàn Quốc (Quỹ Kim mới cho ra mắt quỹ ETF) cá nhân ông cho rằng sẽ không quá đột biến vì Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường xấu nhất châu Á, do đây là một trong những quốc gia đầu tiên thắt chặt tiền tệ. Đồng thời, dòng vốn từ Hàn Quốc đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không quá mạnh như giai đoạn 2017-2020. Trong rổ ETF mới này, cổ phiếu Ngân hàng chiếm tỷ trọng chủ yếu, tuy nhiên cần quan sát thêm về lượng tiền huy động mới có thể biết được các tác động đến nhóm này. Đơn giản bởi các cổ phiếu ngân hàng đều có thanh khoản khá cao.


 
 

Về sự luân chuyển nhóm ngành, vị chuyên gia cho rằng các nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ, ít chịu tác động bởi lạm phát và suy thoái kinh tế sẽ diễn biến tốt hơn so với thị trường chung. Cần lưu ý, ở đây, ông Huy nhấn mạnh "diễn biến tốt hơn" chứ không phải chắc chắn có lợi nhuận. Trên thị trường, nhiều thời điểm ngay cả những nhóm cổ phiếu phòng thủ cũng bị bán. Do đó, khi tham gia vào các cổ phiếu phòng thủ, nhà đầu tư cần quan sát các yếu tố tác động đến thị trường và xác định thời điểm để tham gia cho phù hợp.

Vị chuyên gia này cũng nhận định rằng, những ngày cuối tháng 6 (cuối quý 2), mùa kết quả kinh doanh đang đến gần cũng là một yếu tố đáng xem xét.

"Cá nhân tôi thấy có một số cổ phiếu hưởng lợi từ thị trường hàng hóa và chiến tranh Nga – Ukraine như Thủy sản, Hóa chất, Dầu khí, Phân bón,…khả năng sẽ có đột biến, tương tự như quý 1/2022. Mùa kết quả kinh doanh là cơ hội để thị trường phân hóa và có những câu chuyện riêng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được quên rằng thị trường đã suy yếu như thế nào khi bối cảnh xấu như mùa KQKD quý 1 diễn ra", ông Huy quan điểm.

Nhà đầu tư cần có chiến lược thận trọng và linh hoạt, việc lựa chọn cổ phiếu phòng thủ là phù hợp

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Giám đốc Phân tích khối KHCN CTCK MayBank KimEng (MBKE), tuần qua VN-Index đã có khởi đầu nhiều khó khăn nhưng phản ứng bật tăng tương đối tại cùng đáy trước đó (quanh 1.160 điểm) là phản ứng cần ghi nhận. Tuy nhiên, việc bật tăng nhưng lại đi kèm khối lượng giao dịch ở mức thấp đã cho thấy kết quả hồi phục xảy ra chủ yếu do bên bán không sẵn lòng hành động nhiều ở vùng giá thấp. Ông Lâm cũng cho rằng, diễn biến tuần vừa qua vẫn là một sự cải thiện nhỏ dành cho chỉ số, tâm lý thị trường đã tốt hơn đôi chút. 

Trong bối cảnh các rủi ro, đặc biệt trên bình diện thế giới vẫn đang ở mức khó lường cùng việc nhà đầu tư cá nhân đã phải trải qua nhiều cú sốc lớn về tâm lý sau giai đoạn giảm mạnh kể từ đầu tháng 4, chắc chắn mức độ tham gia của bộ phận nhà đầu tư đặc biệt là nhóm khách hàng cá nhân sẽ có sự giảm sút đáng kể. Theo đó, sự hoài nghi và thận trọng về tương lai ngắn hạn của thị trường là rất lớn. Do đó, hiện tượng thanh khoản thấp có thể sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới cho đến khi có thêm các tín hiệu khởi sắc rõ nét hơn.

"Trong trạng thái thanh khoản thấp vẫn còn tiếp diễn, NĐT sẽ cần có chiến lược giao dịch thận trọng và linh hoạt. Thận trọng thể hiện qua việc NĐT khi tham gia giao dịch chỉ nên thực hiện với một mức tỷ trọng nhỏ và linh hoạt nương theo dòng tiền để hoán chuyển một cách nhanh chóng giữa các dòng cổ phiếu với nhau. Nhìn chung thì đây vẫn sẽ là giai đoạn chưa dễ dàng tạo lợi nhuận tốt cho các hoạt động giao dịch ngắn hạn", ông Lâm nhận định.

Mặt khác, việc quỹ ETF mới của KIM ra đời, ông Lâm đánh giá việc có thêm các quỹ ETFs sẽ là điều tốt cho thị trường, cung cấp cho nhà đầu tư thêm các lựa chọn. Trong hơn hai năm qua nhóm các quỹ ETFs cũng là nhóm thành công nhất trong việc huy động thêm tiền.


Nhà đầu tư cần có chiến lược giao dịch thận trọng và linh hoạt, việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ là phù hợp
Nhà đầu tư cần có chiến lược giao dịch thận trọng và linh hoạt, việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ là phù hợp

Đối với một giai đoạn nhiều rủi ro khó lường như hiện nay, ông Lâm cho rằng: "Cổ phiếu phòng thủ theo quan điểm của tôi là cổ phiếu của các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh vẫn tương đối ổn định và ít chịu ảnh hưởng từ các thay đổi trong môi trường kinh tế trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cổ phiếu phòng thủ cũng có thể hiểu là các cổ phiếu có diễn biến giá ổn định, ít có sự tương quan lớn đến chỉ số của thị trường".

Trong ngắn hạn, việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ vẫn sẽ là một trong các ưu tiên của nhà đầu tư khi tìm kiếm cổ phiếu. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn phải quan tâm hơn đến yếu tố quyết định giá để hạn chế mua vào các cổ phiếu bắt đầu có mức định giá thiếu hợp lý.

Xây dựng câu chuyện đầu tư cho giai đoạn sắp tới, ông Lâm đánh giá cao triển vọng của các nhóm ngành sau:

Nhóm Ngân hàng: Kết hợp với tình hình kinh doanh được dự báo vẫn sẽ khả quan của nhóm này trong các quý tới đây, ông Lâm đánh giá các cổ phiếu ngân hàng có thể là một lựa chọn an toàn với rủi ro giảm giá sẽ không còn lớn và tiềm năng ở mức cao.

Nhóm Khu công nghiệp: Ông Lâm cho biết quý 3 sẽ là giai đoạn phục hồi của ngành này. Việc Quốc hội vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án các đường cao tốc lớn sẽ là thông tin hỗ trợ tốt cho ngành.

Nhóm Bán lẻ, tiêu dùng: Mặc dù có một số lo ngại về lạm phát sẽ ảnh hưởng nhất định lên sức mua, cá nhân ông cho rằng kết quả quý 3 năm nay của nhóm bán lẻ sẽ vẫn ấn tượng, đặc biệt khi so sánh với nền kết quả thấp của quý 3 năm ngoái.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Hot girl 9x Hà Nội từng bị phản đối vì mở tiệm nail, hiện là bà chủ chuỗi Nailroom hoành tráng, còn lấn sân sang kinh doanh căn hộ cho thuê

Tin mới cập nhật

Trợ lực nào cho cổ phiếu bất động sản tăng giá?

2 giờ trước

Các nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng ra sao nếu Mỹ cấm TikTok?

3 giờ trước

Gen Z lần đầu tiên đi mua nhà cần chuẩn bị những gì?

3 giờ trước

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Vingroup sẽ không bao giờ buông bỏ VinFast vì đó là sứ mệnh, danh dự và tương lai

4 giờ trước

Người dân sẽ mất nhiều thời gian hơn để sở hữu được nhà ở

4 giờ trước