Siêu dự án đường Vành đai 3 mở “cánh cửa” phát triển đô thị vệ tinh cho TP Hồ Chí Minh 

Thứ ba, 31/05/2022-23:05
Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XV này, Chính phủ sẽ trình chủ trương đầu tư, xây dựng dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những dự án hạ tầng giao thông quan trọng, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển đô thị, khu công nghiệp vào quỹ đất dọc hai bên đường.

Giải tỏa áp lực chi phí logistics

Theo Báo Đầu tư, Tờ trình số 1666 của UBND TP Hồ Chí Minh gửi tới Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 76,3 km đi qua 4 tỉnh, thành phố. Trong đó đoạn qua TP Hồ Chí Minh dài nhất với 47,5 km, tiếp theo là Đồng Nai 11,2 km, Bình Dương 10,7 km và Long An 6,8 km. Vành đai 3 có điểm đầu giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Điểm cuối của dự án giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành, thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Tuyến đường này được đầu tư là đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế tối đa 100km/giờ. Dự án được phân kỳ đầu tư theo nhu cầu vận tải và sự phát triển đô thị hai bên đường. Bên cạnh tuyến đường chính, dự án sẽ đầu tư đường song hành hai bên qua khu đô thị khu dân cư với quy mô 2-3 làn xe. 
Dự án có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 31.380 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 14.322 tỷ đồng; còn lại là ngân sách địa phương. Dự án được dự kiến thực hiện trong vòng 6 năm, từ 2022 đến năm 2027.


Sơ đồ vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Sơ đồ vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Với tổng mức đầu tư dao động ở mức 3 tỷ USD, dự án này phải trình Quốc hội xem xét, phê duyệt. Đây được xem là siêu dự án đường bộ khu vực phía Nam, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Theo như Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thì dự án này sẽ  tạo ra một trục giao thông chiến lược, nối kết và lan tỏa, tạo tiền đề tháo gỡ các điểm nghẽn để thành phố cũng như các tỉnh, thành trong khu vực phát triển trong thời gian tới.

Trong báo cáo, UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng việc đầu tư đường vành đai 3 là rất cấp thiết vì hiện nay các tuyến đường, cao tốc cửa ngõ TP Hồ Chí Minh như: Quốc lộ 22, 13, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành luôn diễn ra tình trạng quá tải, đặc biệt là thời gian cao điểm. Trong khi đó, theo tiến độ, sân bay Long Thành sẽ được hoàn thành và đi vào sử dụng trong năm 2025, cùng đó sân bay Tân Sơn Nhất cũng được nâng cấp lên công suất 50 triệu khách một năm, cùng sự gia tăng dân số sẽ gây áp lực lớn tới hạ tầng giao thông của TP Hồ Chí Minh.

Do đó, đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ làm chức năng tiếp nhận, đồng thời giải tỏa các luồng xe quá cảnh từ các tỉnh. Các phương tiện sẽ không cần đi qua khu vực trung tâm, đông dân cư, góp phần cải thiện tình trạng giao thông hiện nay của thành phố đông dân nhất cả nước.

Theo tính toán, giao thông theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và ngược lại qua khu vực TP Hồ Chí Minh sẽ có thể đi qua cao tốc Bến Lức - Long Thành để tiếp cận cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Đối với hướng từ quốc lộ 13, quốc lộ 22 có thể tiếp cận khu vực cảng phía Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh qua đoạn Nhơn Trạch Tân Vạn. Đường vành đai 3 cũng tạo thêm một hướng kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành.


Dự án vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và địa phương. Ảnh minh họa.
Dự án vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và địa phương. Ảnh minh họa.

Đối với vùng kinh tế phía Nam, đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có vai trò kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á, kết nối trực tiếp cảng cạn (ICD) Long Bình với ICD Củ Chi, ICD khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh với ICD An Sơn (Bình Dương), giúp giảm chi phí logistics, giảm chi phí vận tải và thời gian lưu thông của các phương tiện vận tải. Đặc biệt, khi tuyến đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh hoàn thành sẽ nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp đến các cảng, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút các nhà đầu tư.

Tạo đột phá, phát triển đô thị vệ tinh

Sở dĩ UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị sớm đầu tư đường vành đai 3 vì dự án này không chỉ giúp giảm chi phí logistics, tạo động lực phát triển kinh tế mà còn tạo đột phá phát triển các đô thị vệ tinh, giúp phân bố lại dân cư cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. 

Về phát triển đô thị, khi đường vành đai 3 hoàn thành sẽ mở ra hướng phát triển cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai); khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TP Hồ Chí Minh); khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An); Thành phố Thuận An (Bình Dương); Thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, dự án sẽ giúp phát triển các khu vực nông thôn như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh của TP Hồ Chí Minh và Bến Lức (Long An).


Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện phát triển các đô thị vệ tinh của TP.
Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện phát triển các đô thị vệ tinh của TP.

Tuyến vành đai 3 TP Hồ Chí Minh khi hoàn thành sẽ tạo tiền đề cho các tỉnh mời gọi đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần điều tiết, phân bố dân cư giảm áp lực của khu vực nội đô TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Khi làm dự án này TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đã đề xuất một loạt cơ chế chưa có tiền lệ để đẩy nhanh việc xây dựng, trong đó có đề xuất đấu giá quỹ đất dọc hai bên đường để có nguồn vốn xây dựng dự án. Với chiều dài 76 km và đi bao quanh TP Hồ Chí Minh việc bán đấu giá các quỹ đất dọc hai bên đường là hoàn toàn khả thi để làm khu đô thị, khu công nghiệp.

Nói về quá trình chuẩn bị đầu tư đường vành đai 3, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, trước đây dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, sau khi tính toán thấy không hiệu quả nên chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách thông qua đấu giá quỹ đất hai bên đường. Chủ tịch TP Hồ Chí Minh nhận định, việc xây dựng dự án đường vành đai 3 là động lực phát triển không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh mà cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho ý kiến về dự án này, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần làm rõ hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư công. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp thứ 3, khóa XV Quốc hội sẽ xem xét ba dự án cao tốc khác do Chính phủ trình. Do đó, nếu dồn vốn vào dự án này thì các dự án khác sẽ “đói vốn”.

Được biết, trong quá trình triển khai dự án, khâu khó nhất là giải phóng mặt bằng. Trong đó, tập trung ở khu vực TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Tuy nhiên, đến nay các tỉnh, thành đã đề xuất cơ chế, tạo ra sự thông thoáng, đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như tiến độ thực hiện dự án khi được Quốc hội thông qua. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Loạt chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Quy định mới nhất về căn cứ tính tiền sử dụng đất theo Luật đất đai 2024

Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Tin mới cập nhật

Thị trường ấm lên, nghề môi giới bất động sản “nóng” trở lại

23 phút trước

Căn hộ chung cư cho thuê sẽ tạo dòng tiền lớn

1 giờ trước

Ba điểm sáng của thị trường bất động sản phía Nam

6 giờ trước

Cách chọn hướng nhà, hướng phòng làm việc “đại cát, đại lợi” cho gia chủ tuổi Dậu

7 giờ trước

Thị trường ấm lên, giới đầu tư đi “săn” đất nền

9 giờ trước