Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội, những nút thắt không dễ cởi

Thứ ba, 03/01/2023-08:01
Mới đây UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra dự thảo về cải tạo nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố và tiến hành lấy ý kiến người dân từ ngày 15/12/2022. Trong đó, đáng chú ý có nội dung về mức bồi thường tối đa gấp 2 lần diện tích căn hộ cũ được ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ.

Những nút thắt tưởng nhỏ nhưng khó cởi

Sau hàng thập kỷ, Hà Nội vẫn chưa thể tháo gỡ những nút thắt để tiến hành cải tạo những khu tập thể cũ đã xuống cấp, gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như an toàn của người dân. Mặt khác, những khu nhà chung cư cũ được xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước với công nghệ và vật liệu “thô sơ”, chủ yếu là gạch với vôi vữa cùng các tấm bê tông đúc sẵn lại ít được bảo trì khiến nhiều khu nhà bị xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó là tình trạng cơi nới vô tội vạ không chỉ gây mất an toàn mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan của thành phố.


Những khu tập thể cũ đã xuống cấp với "hệ thống" chuồng cọp ở phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội
Những khu tập thể cũ đã xuống cấp với "hệ thống" chuồng cọp ở phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội

Chủ trương đã có nhưng việc thực hiện cải tạo nhà chung cư cũ gặp nhiều khó khăn khó tháo gỡ, chủ yếu vẫn là vấn đề lợi ích của người dân và nhà đầu tư. Theo ý kiến của một số hộ dân khi được hỏi về các vấn đề liên quan đến việc di dời và cải tạo lại nhà chung cư cũ, đa phần các hộ dân ở các tầng phía trên đều đồng ý và mong muốn khu tập thể được cải tạo hoặc xây mới. Tuy nhiên, trái ngược với các ý kiến trên, các hộ dân ở tầng 1 đa phần lại không muốn phải di dời và cải tạo.

 

Tầng 1 ở các khu tập thể cũ luôn là vị trí đắc địa để kinh doanh khiến cư dân không muốn cải tạo lại
  Tầng 1 ở các khu tập thể cũ luôn là vị trí đắc địa để kinh doanh khiến cư dân không muốn cải tạo lại

Nguyên nhân của vấn đề trên là do vị trí tầng 1 có vị trí kinh doanh tốt, nếu cải tạo lại có thể khiến họ không còn được sở hữu những vị trí này nữa. Ngoài ra, một số hộ dân đòi hỏi hệ số K phải cao hơn các tầng khác, thậm chí có hộ yêu cầu phải được đền bù với hệ số K=3 hoặc hơn thế. Đòi hỏi này có phần khó khăn đối với phía chủ đầu tư, nhất là những khu tập thể nằm trong khu vực nội đô, hiện bị khống chế chiều cao nên khó đảm bảo lợi nhuận cho họ.


Phần tầng 1 của các khu chung cư cũ được người dân cơi nới để kinh doanh
Phần tầng 1 của các khu chung cư cũ được người dân cơi nới để kinh doanh

Hai vợ chồng anh Bắc ở tầng 1 tòa D5 khu tập thể Giảng Võ , Ba Đình, Hà Nội hiện đang bán hàng phở. Do ở tầng 1 nên gia đình anh cơi nới đươc khá nhiều, toàn bộ phần diện tích bán hàng là phần được cơi nới. Chưa hết, những ngày tạnh ráo, anh chị vẫn kê bàn ghế ra phần sân chung của khu để bán hàng. Công việc bán phở đem lại nguồn thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng, đảm bảo chi tiêu cho cả gia đình. Nếu tiến hành cải tạo, công việc hàng ngày không thể duy trì, đồng nghĩa với nguồn thu nhập trên bị hụt đi sẽ gây khó khăn cho cả gia đình.

Vì vậy, khi nói về việc cải tạo lại khu chung cư này, cả hai vợ chồng đều tỏ ra không đồng tình. Nếu cải tạo, xây dựng lại, phía chủ đầu tư vẫn phải trả lại phần diện tích tầng 1 cho gia đình. Đồng thời chi trả và hỗ trợ chi phí chỗ ở và mặt bằng kinh doanh trong thời gian thi công dự án.


Một góc tầng 1 vỏn vẹn gần 10 m2 được cho thuê gần 10 triệu đồng/tháng
Một góc tầng 1 vỏn vẹn gần 10 m2 được cho thuê gần 10 triệu đồng/tháng

Anh Công ở khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội có căn hộ tầng 1 tại tòa I1. Mặc dù gia đình anh đã có nhà riêng ở một chung cư gần đó, căn hộ tầng 1 ở khu tập thể gia đình anh đang cho thuê bán hàng. Với diện tích hơn 30m2 cả phần cơi nới đem lại thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng. Nếu cải tạo, xây mới khu nhà này, với hệ số bồi thường tối đa gấp 2 lần diện tích ban đầu không tính phần cơi nới thì nhà tôi chỉ được nhận lại căn hộ 40m2 mà lại trên tầng cao thì rất khó để chấp nhận. Chưa kể, so với số tiền hỗ trợ chi phí nhà ở trong thời gian thi công (giả xử là 3 năm khoảng 150 triệu đồng/4 người), gia đình anh cũng thất thu cả tỷ đồng trong thời gian thi công. Chưa kể, sau khi xây dựng xong, không đảm bảo gia đình anh được tái định cư ở tầng 1 như cũ hay phải lên tầng trên.

 Ngay khu tập thể G6A Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, là 1 trong số 4 khu tập thể thuộc mức độ D phải đập đi xây lại đợt đầu tiên trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời đã có quyết định di dời và cảnh báo của UBND phường Thành Công về việc tòa nhà đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn, mức độ nguy hiểm cấp độ D tại đơn nguyên 1 và 2, khả năng chịu lực của kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà đã xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể. Tuy nhiên, nhiều hộ dân cả ở các tầng trên cao và tầng 1 đều chưa chịu di dời.

Những cái chuồng cọp được cơi nới ra 2-3 m so với nguyên bản vẫn “y văn nguyên”. Các căn hộ tầng 1 vẫn ở và kinh doanh bình thường, không ai để ý đến tấm biển cảnh báo nguy hiểm của UBND phường kia. Nhiều hộ dân ở đây đều cho rằng, khu nhà vẫn rất tốt, chưa đến mức nguy hiểm nên không cần cải tạo hay di dời đi đâu cả.


Tấm biển cảnh báo của UBND phường được treo từ nhiều năm trước nhưng các hộ dân vẫn chưa di dời
Tấm biển cảnh báo của UBND phường được treo từ nhiều năm trước nhưng các hộ dân vẫn chưa di dời

Theo ý kiến của một số hộ dân ở đây, mức đền bù tái định cư tại chỗ của người dân được phía chủ đầu tư đưa ra gấp 1,5 lần so với diện tích cũ được ghi trên giấy chứng nhận quyển sử dụng là không thỏa đáng, nhất là đối với những hộ ở tầng 1. Với mức đền bù đó, các căn hộ có diện tích 30m2 sau này chỉ nhận lại được căn hộ 45 m2 không đủ cho gia đình 4 người ở. Nếu phải bỏ cả tỷ đồng để mua thêm phần diện tích dôi ra, nhiều người không thể có điều kiện. Trong khi đó, ở căn hộ cũ, họ có thể cơi nới thêm cũng bằng diện tích căn hộ mới.

Ngoài ra, đểcải tạo được các khu tập thể, chung cư cũ ở Hà Nội, khó nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, ngoài hệ số đền bù chưa làm thỏa mãn yêu cầu về lợi ích của đôi bên (người dân và chủ đầu tư) còn nằm ở vấn đề về quy định phải nhận đủ 100% cư dân đồng thuận mới có thể tiến hành là rất khó. Thực tế là dù các hộ ở tầng trên đồng ý nhưng các hộ tầng 1 không đồng ý thì kế hoạch vẫn chỉ dậm chân tại chỗ. Do đó, theo ý kiến của các chuyên gia, cần có quy định trên 80% số hộ cư dân đồng thuận là có thể tiến hành cải tạo lại. Như thế, nút thắt này mới có thể cởi.

Sợ đi rồi không hẹn ngày về

Không chỉ lo kế sinh nhai cho gia đình, nhiều hộ dân tỏ ra lo lắng nếu thời gian cải tạo bị kéo dài hơn dự kiến. Thực tế, tình trạng chậm tiến độ hoặc dự án treo đã xảy ra nhiều ở Việt Nam. Cá biệt, nhiều dự án đã chậm hàng thập kỷ dù mặt bằng đã được bàn giao.


Người dẫn vẫn cố bám trụ vì kế sinh nhai
Người dẫn vẫn cố bám trụ vì kế sinh nhai

Hiện nay, cư dân ở các khu tập thể cũ có một bộ phận không nhỏ là những người đã về hưu, thậm chí đã 70-80 tuổi. Mặc dù con cái đã có nhà riêng ở nơi khác nhưng các cụ vẫn muốn ở lại căn nhà đã gắn bó bao năm với mình. Mọi thứ đã trở lên quen thuộc nên những người già ở đây đều không muốn bị xáo trộn. Một số người cao tuổi dù thừa nhận chủ trương cải tạo lại nhà tập thể cũ của chính quyền là đúng và dù hệ số đền bù là 1,5 hay 2 đối với họ cũng không quan trọng. Tuy nhiên, họ lại không muốn cuộc sống bị thay đổi khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời.

Vợ chồng cụ Lành năm nay đã hơn 80 tuổi ở khu tập thể Thành Công chia sẻ: “Vợ chồng tôi sắp gần đất xa trời rồi, con cái đều có nhà riêng nhưng vì đã quen sống ở đây hơn 40 năm rồi nên không muốn chuyển đi đâu cả. Hàng ngày ra hồ tập thể dụng, trò chuyện cùng bạn bè, hàng xóm. Giờ mà xây lại, chủ đầu tư họ nói chỉ xây trong 3 năm là xong, cư dân sẽ lại về ở nhưng chắc gì vợ chồng tôi sống được 3 năm nữa để chờ về nhà mới. Hơn nữa, họ nói xây 3 năm là xong nhưng biết đâu lại kéo dài hàng chục năm thì sao? Chúng tôi đi rồi nhưng không hẹn ngày về! Thôi cứ để lớp già chúng tôi về với đất rồi muốn xây thế nào thì xây”.

Không có điều kiện như vợ chồng cụ Lành, vợ chồng cụ Lợi cũng ở cái tuổi 80 hàng ngày vẫn phải sống nhờ quán trà đá ở góc khu tập thể G23 Thành Công. Ông bà chỉ có một người con nhưng đã mất, hai vợ chồng ở trong căn hộ 20m2. Mặc dù cả hai cụ đều có lương hưu nhưng không thấm vào đâu so với chi phí ở thành phố, chưa kể tuổi già đau ốm thường xuyên. Vì vậy, hai vợ chồng cụ Lợi mởi quán trà đá ở góc nhà để có đồng ra đồng vào.


Đã quen với cuôc sống nơi đây, người già đểu tỏ ra không muốn cải tạo
Đã quen với cuôc sống nơi đây, người già đểu tỏ ra không muốn cải tạo

Nói về chuyện cải tạo lại nhà tập thể, cụ cho biết: “Hai vợ chồng tôi may thì sống được thêm dăm năm nữa, giờ họ đập đi xây mới vợ chồng tôi sống thế nào. Như bên G6A kia, họ hỗ trợ tiền nhà ở 1 triệu đồng/người/tháng, nhà tôi 2 người được 2 triệu biết thuê ở đâu? Không tiếp tục bán trà đá nữa, tiền đâu chúng tôi sống? Nhà tôi được 20m2, nếu xây mới thì tối đa chúng tôi nhận được căn hộ 40m2, hai vợ chồng già cũng chẳng cần rộng hơn nhưng mọi thứ sẽ bị đảo lộn hết. Bao năm nay chúng tôi sống như vậy quen rồi, nhà tuy cũ nhưng vẫn ở được, chưa cần sửa. ”.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Hà Nội: Nhu cầu nhà ở tiếp tục bị dồn nén khi nguồn cung ít ỏi

Meey 3D - Nền tảng cung cấp giải pháp 3D trong giao dịch bất động sản

Meey Group ra mắt Học viện đào tạo ứng dụng công nghệ số cho nghề bất động sản

"Cửa sáng" cho chủ đầu tư nhà ở thương mại

Thuê nhà rồi cho thuê lại: Kênh đầu tư này liệu còn hot?

Nhà đầu tư đất nền như "ngồi trên đống lửa"

Lộ diện điểm nghẽn cản trở sự hồi phục của thị trường địa ốc

Luật Đất đai (sửa đổi): Tiếp cận nhiều hơn với nguyên tắc thị trường

Tin mới cập nhật

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường chứng khoán vẫn tăng trưởng tốt

1 giờ trước

Nhà cung ứng Việt đang thu hút các doanh nghiệp FDI

1 giờ trước

Chat GPT có thể bị thay thế bằng 8 chatbot hiện đại

1 giờ trước

Giá chung cư dần bớt “ngáo”, nhiều căn trầy trật rao bán

2 giờ trước

Tham vọng đột phá doanh thu và câu chuyện hợp tác chiến lược giữa Nirva – Land và Meey Group

12 giờ trước