Thị trường chứng khoán hôm nay 27/6: Cổ phiếu blue-chips kéo VN-Index lấy lại mốc 1.200 điểm

Thứ hai, 27/06/2022-16:06
Thị trường chứng khoán hôm nay đã chiếm lại mốc tâm lý quan trọng 1.200 điểm sau 5 ngày đánh mất nhờ sự bứt phá của cổ phiếu tài chính, bất động sản, thép... Tuy nhiên, thanh khoản cạn kiệt cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa được cải thiện.

VN-Index lấy lại mốc 1.200 điểm

Theo Tin nhanh chứng khoán, sự hào hứng của thị trường chứng khoán thế giới đã tác động tích cực đến chứng khoán Việt Nam trong phiên đầu tuần hôm nay. Bộ ba "băng, chứng, thép" đã lâu rồi mới đồng loạt nổi sống trong cùng một phiên, dù nhóm ngân hàng có vẻ khá lưỡng lự, không bứt tốc đáng kể như nhóm thép và nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán.

Kết phiên, VN-Index tăng 17,34 điểm (+1,46%) lên 1.202,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 526,95 triệu đơn vị, giá trị 12.315,3 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và gần 21% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 24/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 97,22 triệu đơn vị, giá trị 2.557,6 tỷ đồng.


Diễn biến chỉ số VN-Index trong phiên hôm nay 27/6. Nguồn TradingView
Diễn biến chỉ số VN-Index trong phiên hôm nay 27/6. Nguồn TradingView

Chốt phiên, sàn HNX có 145 mã tăng và 51 mã giảm, HNX-Index tăng 4,5 điểm (+1,63%) lên 280,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,4 triệu đơn vị, giá trị gần 962 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,46 triệu đơn vị, giá trị 78,63 tỷ đồng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,04 điểm (+1,2%), lên 88,14 điểm với 196 mã tăng và 107 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,82 triệu đơn vị, giá trị 685 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,3 triệu đơn vị, giá trị 110,64 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán và thép dậy sóng

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò dẫn dắt xu hướng của thị trường. Trong đó, rổ VN30 đã tăng đến 21,2 điểm (1,72%) với 26/30 mã tăng giá, thậm chí một số mã đã tiến sát giá trần.

Xét theo từng nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản gây ấn tượng với sự dẫn dắt của Novaland (NVL). Theo đó, cổ phiếu của đại gia bất động sản này giằng co quanh mốc tham chiếu trong suốt phần lớn thời gian giao dịch nhưng bất ngờ được kéo trong phiên ATC, tăng 6,5% lên 78.800 đồng và là mã có tác động tích cực nhất thị trường.


Top cổ phiếu tác động lớn nhất lên chỉ số. Nguồn VNDirect
Top cổ phiếu tác động lớn nhất lên chỉ số. Nguồn VNDirect

Bên cạnh đó, VRE cũng tăng 4,36%, KBC tăng 6,31%, DIG tăng 3%, SZC tăng 4,93%, HBC tăng 3,17%, HDC tăng 3,16%; TCH, DXS, FLC, TCD, HTN đều tăng kịch biên độ. Số ít cổ phiếu đi ngược thị trường phải kể đến VIC giảm 1,07% trong khi ITA giảm kịch sàn.

Cổ phiếu ngành thép cũng tại bất ngờ lớn khi HSG của Hoa Sen chuyển từ giá đỏ lên biên độ cao nhất cho phép tại 17.000 đồng, HPG của Hòa Phát cũng tăng 5% lên mức 22.900 đồng, NKG của Nam Kim và TLH của Thép Tiến Lên đã sát giá trần.

Cổ phiếu chứng khoán trở lại với nhiều mã nhuộm sắc tím. Trong đó phải kể đến các mã đầu ngành mạnh mẽ nhất là VND và HCM tăng hết biên độ, bên cạnh còn có VIX, FTS, CTS, ORS, BSI cũng đạt mức giá trần. SSI và VCI cũng đã sát mức giá cao nhất trong biên độ dao động.

Cổ phiếu ngân hàng đa phần ghi nhận sắc xanh, trong đó nổi bật là VPB tăng 2,66%, CTG tăng 3,43%, TPB tăng 2,69%. LPB gây bất ngờ khi giảm tới 4,55%.

Cổ phiếu đầu cơ tiếp tục thăng hoa trong phiên đầu tuần. Cụ thể, nhóm FLC Group có chuỗi tăng trần 3 phiên liên tiếp. Nhóm Louis cũng quay lại mức giá trần, họ Apec tăng khoảng 6%, nhóm Gelex đã xuất hiện sắc tím, cổ phiếu của bầu Đức và nhóm Tasco cũng tăng đến mức tối đa...

Bên cạnh sự bứt phá của hầu hết các nhóm ngành quan trọng thì vẫn xuất hiện một số mã đi ngược xu hướng. Trong đó phải kể đến VIC của Vingroup kết phiên giảm 1,1% về 73.800 đồng hay VNM của Vinamilk mất 0,6% xuống 71.100 đồng.


Rất nhiều cổ phiếu kịch trần chiều nay trên HoSE. Nguồn Vietstock
Rất nhiều cổ phiếu kịch trần chiều nay trên HoSE. Nguồn Vietstock

Ngoài ra, bộ đôi cổ phiếu phân bón DPM và DCM bất ngờ lao dốc về giá sàn. Cổ phiếu khu công nghiệp ITA của Tân Tạo cũng bị bán tháo ngay từ đầu và kết phiên vẫn chất sàn hơn 17 triệu đơn vị sau tin đồn về việc không công bố thông tin.

Diễn biến ngược chiều với sự khởi sắc của thị trường chung được đánh giá xuất phát từ sự hạ nhiệt của giá phân bón. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá ure trong nước vào giữa tháng 6/2022 đã giảm khoảng 2 triệu đồng/tấn so với đầu năm.

Trong đó, giá ure Phú Mỹ và ure Cà Mau bán buôn cho các đại lý từ mức 17 triệu đồng/tấn vào hồi đầu năm thì đến nay đã giảm xuống còn 15 triệu đồng/tấn. Giá bán lẻ nhiều loại phân bón như Ure, DAP, NPK, Kali... đã giảm ít nhất từ 20.000-50.000 đồng/bao 50kg so với cùng kỳ năm trước.

Dù có độ trễ nhất định nhưng giá ure tại thị trường Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng bởi xu hướng giảm giá trên thế giới. Thực tế, giá ure thế giới dù phục hồi so với thời điểm giữa tháng 5 nhưng đã thấp hơn khoảng hơn 30% sau khi đạt đỉnh vào trung tuần tháng 4 trước đó.

Cổ phiếu bán lẻ phân hóa khi MWG và FRT giảm lần lượt 0,56% và 1,87% nhưng PNJ tăng tới 6,15%.

Nhìn chung, độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên mua với sắc xanh áp đảo. Kết phiên, toàn sàn có 681 mã tăng giá, đối nghịch với 274 mã giảm giá và 151 đứng tại tham chiếu.

Mặc dù thị trường đi lên mạnh mẽ nhưng chủ yếu do không còn áp lực bán quá lớn, gây ra quan ngại rất lớn về phiên đi lên của thị trường. Thanh khoản toàn sàn chỉ đạt 14.178 tỷ đồng, riêng khớp lệnh sàn HoSE tiếp tục có phiên thứ 3 liên tiếp dưới mức 10.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay cũng giảm tần suất mua vào và tăng cường bán ra. Cuối phiên sáng khối này mua ròng 299,1 tỷ đồng tại HoSE nhưng kết phiên còn 250,6 tỷ đồng. DGC xuất hiện bán ròng lớn 78,1 tỷ, NVL từ -18 tỷ buổi sáng vọt lên -77,7 tỷ đồng cuối phiên. VNM, DCM cũng bị bán ròng thêm.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Hot girl 9x Hà Nội từng bị phản đối vì mở tiệm nail, hiện là bà chủ chuỗi Nailroom hoành tráng, còn lấn sân sang kinh doanh căn hộ cho thuê

Tin mới cập nhật

ĐHĐCĐ Sacombank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.600 tỷ đồng, chưa chia cổ tức

8 giây trước

Giải mã “cơn khát” trung tâm dữ liệu AI

12 phút trước

Các thương hiệu quốc tế tăng tốc tìm kiếm mặt bằng, thị trường bán lẻ Việt Nam dần sôi động

14 phút trước

Nhiều “chất xúc tác” tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán

14 phút trước

ĐHĐCĐ Vinamilk: Kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 9.300 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 38,5%

14 phút trước