Thị trường chứng khoán chứng kiến “cú rơi mạnh”, nhà đầu tư nên hành rộng ra sao?

Thứ ba, 16/04/2024-11:04
Đưa ra chiến lược hành động trong thời điểm này, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài và quan sát. Việc bắt đáy lúc này như “bắt dao rơi”.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại phiên giao dịch đầu tuần đầy sóng gió. Cú lao dốc của hàng loạt cổ phiếu đã xóa sạch toàn bộ thành quả tăng điểm của VN-Index trong gần 2 tháng qua. Kết phiên 15/4, VN-Index giảm sâu gần 60 điểm (tương đương 4,7%), qua đó lùi về mốc 1.216 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm qua, kể từ tháng 5/2022. Thanh khoản thị trường cũng tăng đột biến với giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE vượt 30.000 tỷ đồng.

Phiên lao dốc bất ngờ này đã khiến nhiều nhà đầu tư choáng ngợp chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư quay cuồng chốt lời để bảo vệ thành quả, trong khi nhiều người vội vã bán ra khi danh mục thua lỗ đã mua đuổi trong những nhịp tăng. Sau nhịp giảm sâu, nhà đầu tư sẽ hoang mang không biết nên hành động như thế nào?

Diễn biến chỉ số VN-Index
Diễn biến chỉ số VN-Index

Nhà đầu tư nên hành động ra sao sau phiên giảm sốc?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán KIS cho rằng, sau phiên giảm mạnh vừa qua, thị trường chứng khoán đã xác nhận xu hướng điều chỉnh ngắn hạn. Khối lượng gia tăng đột biến trong phiên giảm mạnh hàm ý bên bán đang chiếm ưu thế, đồng thời cũng cho thấy dòng tiền đang dần nhập cuộc. Trước đó, việc thanh khoản sụt giảm chỉ thể hiện dòng tiền đang nằm trên tài khoản nhà đầu tư chờ cơ hội giải ngân trở lại chứ không có nghĩa là dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường.

Vị chuyên gia dự báo, trong 1-2 phiên tiếp theo thị trường có thể xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật, nhưng rủi ro là khá lớn để có thể mở những vị thế mới. Trong ngắn hạn, VN-Index có thể tiếp tục điều chỉnh về vùng 1.150-1.200 điểm sau đó tích lũy quanh vùng này và bật tăng trở lại. Còn trường hợp chỉ số chính giảm sâu hơn nữa rất khó diễn ra do các yếu tố cơ bản vẫn đang hỗ trợ thị trường.

Đưa ra chiến lược hành động trong thời điểm này, vị chuyên gia KIS cho rằng nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài và quan sát. Việc bắt đáy lúc này như “bắt dao rơi”. Bởi đây là hành động nguy hiểm không dành cho đại đa số nhà đầu tư mà chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh xu hướng giảm có thể tiếp diễn và rủi ro tăng cao khi thị trường chưa đảm bảo sẽ đảo chiều trở lại, việc mở vị thế mua mới có thể dẫn đến thua lỗ lớn. Do đó, việc mua vào khi thị trường đã xác lập xu hướng tăng sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro, bởi cổ phiếu giá thấp vẫn có thể thấp hơn nữa.

Mặc dù thị trường đang tiềm ẩn rủi ro trong ngắn hạn, nhưng ông Hiếu cho rằng nhà đầu tư cũng cần nhìn vào bức tranh trong dài hạn. Cụ thể, xu hướng tăng của thị trường vẫn đang được củng cố bởi các yếu tố vĩ mô như sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, dòng vốn FDI hay chính sách tài khóa mở rộng.

Do đó, nhịp điều chỉnh này được xem là cơ hội giải ngân cho những vị thế trung và dài hạn. Vấn đề là nhà đầu tư biết chọn thời điểm phù hợp để giải ngân. Vị chuyên gia cho biết, thời điểm đó có thể xuất hiện khi thị trường có những tín hiệu đảo chiều hoặc dòng tiền lớn trở lại khi thanh khoản tăng mạnh.

Vị chuyên gia KIS cho rằng nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài và quan sát. Việc bắt đáy lúc này như “bắt dao rơi”. (Ảnh minh họa)
Vị chuyên gia KIS cho rằng nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài và quan sát. Việc bắt đáy lúc này như “bắt dao rơi”. (Ảnh minh họa)

Cũng đưa ra nhận định về xu hướng thị trường, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo trong trường hợp xấu nhất, chỉ số VN-Index có thể về ngưỡng 1.200-1.210 điểm. Với việc giảm sốc trong một phiên giao dịch, ông Minh cho rằng dòng tiền bắt đáy sẽ sớm nhập cuộc, bởi cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn cũng như lượng dòng tiền đứng ngoài chờ cơ hội tham gia thị trường cũng rất lớn.

Vị chuyên gia đến từ Yuanta Việt Nam cho rằng, VN-Index khó có khả năng “thủng” 1.200 điểm vì rủi ro chưa đủ lớn để kích hoạt xu hướng giảm sâu như vậy. Với những nhà đầu tư vẫn đang giữ cổ phiếu, nếu không áp lực margin thì không nên bán tháo. Còn những nhà đầu tư có tiền mặt cao thì chưa nên vội giải ngân mà thay vào đó nên chờ đợi nhịp cân bằng tại vùng 1.200-1.210 điểm để mua thăm dò với tỷ trọng thấp.

Cú “trượt chân” đã được dự báo trước?

Trong quá khứ, Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng từng trải qua nhiều phiên biến động mạnh với mức giảm thậm chí còn sâu hơn phiên 15/4 vừa qua. từ khi biên độ HoSE trở lại mức +/-7% đầu năm 2013 đến nay, chỉ số VN-Index đã ghi nhận 24 lần giảm trên 4% trong 1 phiên, hầu hết tập trung trong giai đoạn 2020-2022, sau khi đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên thị trường tài chính toàn cầu.

Đặc biệt, trong 23 lần giảm mạnh trước đó, chứng khoán Việt Nam có xác suất phục hồi sớm tương đối cao. Thống kê cho thấy, VN-Index đã có 15/23 lần tăng điểm trở lại sau phiên giảm hơn 4%, tương đương với xác suất 65%. Nếu xét khung thời gian dài hơn, chỉ số chính cũng có 14/23 lần tăng điểm vào tuần giao dịch (5 phiên) ngay sau phiên giảm mạnh.

Những lần VN-Index giảm mạnh trên 4% kể từ 2013 đến nay
Những lần VN-Index giảm mạnh trên 4% kể từ 2013 đến nay

Còn giai đoạn từ 2020 đến giữa năm 2022, với dòng tiền từ làn sóng nhà đầu tư mới không ngừng đổ vào thị trường chứng khoán, VN-Index đã gượng dậy khá nhanh trong mỗi cú trượt chân. Trong khoảng thời gian này, chỉ số thường bật tăng khá mạnh trở lại trong phiên liền sau đó và tuần giao dịch ngay sau phiên giảm sâu.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong nửa cuối năm 2022 khi những sóng gió ập tới với thị trường chứng khoán. Thậm chí, VN-Index còn giảm hơn 4% trong 2 phiên liên tiếp vào ngày 12-13/5/2022. Hay như năm 2023 vừa qua, dù có nhiều biến động khó lượng nhưng nhìn chung thị trường chứng khoán Việt Nam đều phục hồi khá nhanh sau phiên giảm mạnh trên 4%.

Nhìn chung, các dữ liệu quá khứ chỉ mang tính tham khảo do bối cảnh từng thời kỳ là khác nhau. Rất khó để dự đoán chính xác biến động của thị trường trong các phiên tới. Trên thực tế, việc thị trường điều chỉnh thời điểm này có lẽ không gây bất ngờ cho giới đầu tư, nhiều chuyên gia đã dự báo trước về điều này. Bất ngờ có lẽ là tốc độ giảm có phần hơi sốc.

Trước khi “rơi” 60 điểm trong phiên vừa qua, chỉ số VN-Index đã có thời gian khá dài neo quanh vùng đỉnh 19 tháng. Do đó khó tránh khỏi áp lực chốt lời mạnh. Thêm nữa, những luồng thông tin tiêu cực như việc CPI của Mỹ cao hơn so với dự đoán tháng thứ 3 liên tiếp khiến lộ trình hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chậm lại, xung đột cũng đẩy thị trường hàng hóa tăng mạnh, áp lực lạm phát tiềm ẩn, tỷ giá leo thang tạo sức ép trong việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng,...

Trong báo cáo gần đây của Dragon Capital cho rằng chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục được nới lỏng, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước sẽ cân bằng hơn trong việc ổn định tỷ giá cũng như lãi suất. Sau mức giảm mạnh 70-90 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong các tháng sắp tới. Đội ngũ chuyên gia cho rằng đây được coi như một đợt “điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất” nhằm giảm bớt áp lực tỷ giá.

Trong một báo cáo đầu tháng 4, SGI Capital cũng cho rằng giai đoạn lãi suất và thanh khoản tốt nhất năm đã qua. Báo cáo của quỹ này nhấn mạnh một nhịp điều chỉnh và tích lũy là điều cần thiết để thị trường tìm lại điểm cân bằng cũng như phân bổ lại dòng tiền hợp lý hơn cho xu hướng tích cực dài hạn cùng đà phục hồi chung của nền kinh tế.

Tương tự, Mirae Asset nhận định rằng dư địa của xu hướng tăng đã phần nào thu hẹp khi chỉ số VN-Index tiến gần đến mốc 1.300 điểm, tương ứng mức P/E bình quân của 10 năm gần nhất. Công ty chứng khoán này cũng cho rằng thị trường chứng khoán đang tiềm ẩn rủi ro, khi mà bất kỳ giai đoạn điều chỉnh nào trong nhóm ngân hàng đều có thể gây áp lực giảm điểm cho chỉ số chính trong tháng 4 do tỷ trọng vốn hóa đáng kể của ngành.

Cũng dưới góc nhìn thận trọng, chuyên gia chứng khoán Lã Giang Trung đánh giá thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ điều chỉnh 12-15% từ vùng sát 1.300 điểm, trước khi tạo đáy ngắn hạn để tiếp tục đi lên vượt qua đỉnh cũ. Vị chuyên gia cho biết, thông thường những đợt thị trường uptrend khoảng 5-6 tháng sẽ có điều chỉnh, về mặt thời gian thị trường hiện tại cũng vừa đủ. Theo ông Trung, đây là sự điều chỉnh lành mạnh của thị trường./.

Nguyễn Minh Hằng
Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Thị trường ấm lên, nghề môi giới bất động sản “nóng” trở lại

Căn hộ chung cư cho thuê sẽ tạo dòng tiền lớn

Ba điểm sáng của thị trường bất động sản phía Nam

Cách chọn hướng nhà, hướng phòng làm việc “đại cát, đại lợi” cho gia chủ tuổi Dậu

Thị trường ấm lên, giới đầu tư đi “săn” đất nền

Chiến lược nào hiệu quả với nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2024?

Tháng 4/2024, 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm

Hà Nội: Tài chính không đủ, nhiều người chấp nhận rủi ro mua chung cư không có sổ hồng

Tin mới cập nhật

Thị trường ấm lên, nghề môi giới bất động sản “nóng” trở lại

4 giờ trước

Căn hộ chung cư cho thuê sẽ tạo dòng tiền lớn

6 giờ trước

Ba điểm sáng của thị trường bất động sản phía Nam

10 giờ trước

Cách chọn hướng nhà, hướng phòng làm việc “đại cát, đại lợi” cho gia chủ tuổi Dậu

12 giờ trước

Thị trường ấm lên, giới đầu tư đi “săn” đất nền

13 giờ trước