"Méo mặt" khi góp cả chục triệu đồng cải tạo không gian chung chung cư

Thứ ba, 14/03/2023-08:03
Xây dựng môi trường sống sạch sẽ, an toàn, văn minh và đoàn kết luôn là mục tiêu của các cộng đồng dân cư, điều này được đa số cư dân đồng tình hưởng ứng. Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc đóng góp cả chục triệu để sửa chữa chung cư là khoản tiền không hề nhỏ.

Sống ở chung cư là lựa chọn ngày càng phổ biến của người dân ở các thành phố lớn. Ở những khu chung cư bình dân có chất lượng không cao nên sau một thời gian sử dụng công trình bắt đầu xuống cấp. Vì vậy, nhu cầu sửa chữa, cải tạo là tất yếu. Mặc dù cộng đồng dân cư ở chung cư khá đồng đều về độ tuổi và thu nhập nhưng để cải tạo, sửa chữa những khu vực chung lại không dễ dàng vì khó đạt đồng thuận của tập thể.

Người sẵn sàng...

Mới đây, vấn đề cải tạo hành lang chung tại các tầng của một số tòa nhà thuộc khu HH Linh Đàm đang nhận được nhiều ý kiến của các cư dân. Theo lời kể của một số cư dân thuộc khu đô thị này, do chất lượng của lớp vữa trát trên tường không tốt nên sau khoảng chục năm sử dụng đã bị bong tróc. Vì nhiều lý do, việc sửa chữa này không được triển khai đồng bộ trong toàn bộ tòa nhà mà mang tính tự phát ở các tầng. Chính vì vậy, những hạng mục sửa chữa này không được sử dụng quỹ bảo trì mà các căn hộ phải tự đóng góp.


Một số sảnh chung cư được người dân đồng thuận đóng góp đã được sửa sang sạch đẹp
Một số sảnh chung cư được người dân đồng thuận đóng góp đã được sửa sang sạch đẹp

Theo ghi nhận của PV, một số tầng thuộc khu đô thị HH Linh Đàm đã tiến hành cải tạo hành lang và sảnh thang máy từ những năm 2019-2020 nhờ đạt được sự đồng thuận của tất cả các hộ dân trong tầng. Nhờ được cải tạo, những bức tường bong tróc, xỉn màu, cáu bẩn đã được khoác tấm áo mới từ gạch ốp hoặc sơn mới sạch đẹp.

Việc sửa chữa, cải tạo này sẽ không có gì đáng nói nếu nó phù hớp với điều kiện, hoàn cảnh của những hộ dân ở đây và nhận được sự đồng thuận của mọi người.

Theo anh Quang Vinh (cư dân tầng 10 tòa HH3C cho biết, cách đây 2 năm, sảnh thang máy và hành lang có dấu hiệu xuống cấp nên tầng anh có bàn nhau góp tiền để sửa chữa lại hành hang. Anh Quang Vinh cho biết, việc sửa chữa không gian chung được chia làm 2 đợt 1 đợt sơn sửa tường, ốp đá hành lang, sảnh thang máy mỗi hộ đóng 6 triệu đồng. Đợt thứ hai là sửa chữa lại sàn cả hai bên hành lang, mỗi hộ đóng 4 triệu đồng. Vì không phải ai cũng dư tài chính để đóng một lúc 10 triệu đồng nên tầng anh đã chia đợt để mọi người đều có thể tham gia. Anh Vinh cũng cho hay, từ khi sơn sửa lại hành lang, không gian chung được sạch sẽ, thoáng mát, giá trị căn hộ cũng tăng hẳn. 

Cùng quan điểm trên, anh Huy ở tòa HH3C cho rằng đến ở quê khi làm đường chung, mọi người đều sẵn sàng đóng góp để có ngõ xóm sạch đẹp. Ở Thủ đô, thì hành lang cũng là nơi mình tiếp xúc nhiều nhất, nếu có được không gian sạch sẽ, thoáng đãng thì ai cũng sẽ vui vẻ, thoải mái khi trở về nhà. Nói về phương án đóng góp, anh Huy cho biết với những nhà kinh tế eo hẹp ở tầng anh được chia nhỏ đợt đóng góp. Vì việc cải tạo không gấp nên tầng anh dành 3-4 tháng để mọi người đóng góp dần. Mỗi tháng mỗi hộ đóng khoảng 2 triệu đồng cho trưởng tầng và khi đủ thì triển khai. Cách làm này được cả tầng anh hưởng ứng.

Theo ghi nhận của Pv, một số tầng thuộc khu đô thị HH Linh Đàm đã tiến hành cải tạo hành lang và sảnh thang máy từ những năm 2019-2020 nhờ đạt được sự đồng thuận của tất cả các hộ dân trong tầng. Nhờ được cải tạo, những bức tường bong tróc, nở noét xấu xí đã được khoác tấm áo mới từ gạch ốp hoặc sơn mới sạch đẹp.


Dự toán kinh phí tại một tầng chung cư HH Linh Đàm
Dự toán kinh phí tại một tầng chung cư HH Linh Đàm

Theo chị Phương Anh, một cư dân tại tầng 20 của một tòa thuộc khu HH Linh Đàm cho biết: “Tầng chúng tôi đã ốp lại sảnh thang máy và sơn lại tường khu vực hành lang chung từ năm 2019. Mỗi hộ đóng góp 5 triệu đồng, những hộ khó khăn được đóng làm hai lần. Những việc anh em trong tầng làm được thì ko thuê ngoài (bê gạch, dọn dẹp, nẹp góc…), làm xong cả tầng bỏ bia ra nhậu. Vừa tiết kiệm tiền thuê vừa thắm tính làng nghĩa xóm”.

Tương tự, tầng của chị Huyền mỗi hộ dân chỉ đóng 3 triệu đồng. Số tiền đóng góp thu được không nhiều nên phương án sửa chữa là sơn lại tường và ốp lại gạch khu vực sảnh thang máy. Theo chị Huyền chia sẻ, do trong tầng có một số hộ khó khăn nên việc phải đóng số tiền lớn sẽ khó đạt được sự đồng thuận của tất cả. Vì vậy, cả tầng đã thống nhất.

...Kẻ "méo mặt"

Trên thực tế, không chỉ riêng khu chung cư HH Linh Đàm người dân phải tự bỏ tiền túi ra để sửa chữa lại không gian chung. Khảo sát của phóng viên tại một số chung cư như VP5 - VP6, một số tầng tại đây cũng đóng góp để sang sửa lại không gian chung của tầng. Bên cạnh việc hưởng ứng, thì không ít ý kiến phản đối. Lý do số tiền đóng góp quá lớn không phải ai cũng đủ sức để tham gia. Không tham gia thì bị hàng xóm "bè bỉu", tham gia thì "méo mặt". 


Nhiều sảnh hành lang đã xuống cấp, người dân kêu gọi đóng góp để sửa chữa nhưng vì không đạt đồng thuận nên vẫn giữ nguyên hiện trạng.
Nhiều sảnh hành lang đã xuống cấp, người dân kêu gọi đóng góp để sửa chữa nhưng vì không đạt đồng thuận nên vẫn giữ nguyên hiện trạng.

Chị Phương một cư dân tòa VP5 cho biết, tầng của chị thống nhất mỗi hộ đóng gần 10 triệu đồng để sửa chữa các hạng mục ở khu vực sảnh và hành lang chung. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình chị không tham gia đóng góp.

Nguyên nhân được chị Phương đưa ra là, tường khu vực hành lang chung bị bong tróc và bẩn là do các cháu nhỏ đá bóng, trượt patin, … gây ra. Nhà chị không có trẻ nhỏ và tuyệt đối tôn trọng không gian chung vì thế không có trách nhiệm đóng góp số tiền trên. Do không đồng ý đóng góp để sửa chữa khu vực sảnh và hành lang chung nên gia đình chị nhận được sự lạnh nhạt, thậm chí cạnh khóe của mọi người. Thậm chí, nhiều người còn chỉ trích chị và cho rằng, nếu mọi người đều như chị thì làm sao việc sửa chữa có thể thực hiện được. Thậm chí, có người gay gắt nói chị Phương sống cá nhân không có tinh thần cộng đồng chung.


Theo người dân tại HH Linh Đàm cho biết, tòa nhà chỉ chịu trách nhiệm sửa chữa phần đá lát nền hành lang khi xuống cấp, còn việc sửa sang không gian khác thì người dân tự bàn bạc và đóng góp.
Theo người dân tại HH Linh Đàm cho biết, tòa nhà chỉ chịu trách nhiệm sửa chữa phần đá lát nền hành lang khi xuống cấp, còn việc sửa sang không gian khác thì người dân tự bàn bạc và đóng góp.

 

Cùng trong hoàn cảnh tương tự, anh Hùng (cư dân tòa HH2C Linh Đàm) cho biết, tầng nhà anh cũng có kêu gọi đóng góp để sửa chữa lại hành lang bao gồm ốp đá khu vực thang máy, sơn sửa dọc hành lang hai sảnh, sửa chữa đá lát lối đi, hệ thống đèn hành lang,… số tiền sơ bộ hết khoảng 160 -180 triệu đồng, chia cho 20 căn hộ mỗi căn hộ đóng khoảng trên dưới 8 triệu đồng. Anh Hùng cho biết việc đóng góp để sửa chữa, cải thạo không gian chung là tốt. Tuy nhiên, phương án thực hiện phải phù hợp với điều kiện chung của mọi người. Sống ở tập thể, một người vì mọi người, và ngược lại, mọi người vì một người. Ở những khu chung cư bình dân, chắc chắn không thể có 100% số hộ dân đều có điều kiện kinh tế khá giả. “Số tiền 8 triệu đồng không phải nhỏ ở thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, nhất là đối với những gia đình khó khăn. Vì vậy, thay vì đóng 8 triệu để sửa chữa, cải tạo đẹp nhiều hạng mục thì có thể đóng 5 triệu, thậm chí chia làm nhiều lần đóng và làm đơn giản để mọi người đều có thể tham gia đóng góp”, anh Hùng nêu ý kiến.

 

Theo anh Minh, một cư dân ở HH3B chia sẻ: “Năm vừa rồi tầng tôi cũng dự định ốp sảnh và hành lang. Sau khi lên dự toán, mỗi nhà phải góp khoảng 7 – 8 triệu. Tuy nhiên, số tiền trên quá sức với nhiều hộ dân nên khó nhận được sự đồng thuận của đa số người dân. Cuối cùng, cả tầng đổi phương án, chỉ ốp sảnh, còn hành lang thì sơn. Nhờ vậy, mỗi hộ chỉ phải góp 3 – 4 triệu, đỡ hơn được một nửa.

Theo khoản 1 Điều 107 Luật Nhà ở 2014 thì bảo trì chung cư bao gồm bảo trì phần sở hữu riêng và bảo trì phần sở hữu chung. Chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. 

Như vậy, phí bảo trì chung cư được hiểu là kinh phí được đóng góp từ chủ sở hữu nhà chung cư để thực hiện việc bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Trong đó, phần sở hữu riêng và chung của nhà chung cư được quy định tại Điều 100 Luật Nhà ở 2014 như sau:

* Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư bao gồm:

- Phần diện tích bên trong căn hộ bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó;

- Phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng cho chủ sở hữu nhà chung cư;

- Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc gắn liền với phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng.

* Phần sở hữu chung của nhà chung cư bao gồm:

- Phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng; nhà sinh hoạt cộng đồng của nhà chung cư;

- Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư bao gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật,

Hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp ga, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hỏa và các phần khác không thuộc phần sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư;

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó, trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt;

- Các công trình công cộng trong khu vực nhà chung cư nhưng không thuộc diện đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo nội dung dự án đã được duyệt bao gồm sân chung, vườn hoa, công viên và các công trình khác được xác định trong nội dung của dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt.

Tuy nhiên, tại nhiều chung cư hiện nay, cư dân vẫn đóng tiền bảo trì nhưng phần hành lang xuống cấp không được tu bổ kịp thời, nhiều người cũng cho rằng "chờ được vạ thì má đã sưng" nên đã chủ động đóng góp để cải tạo không gian sống của mình.

NGUYỄN TIẾN
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Hà Nội: Nhu cầu nhà ở tiếp tục bị dồn nén khi nguồn cung ít ỏi

Meey 3D - Nền tảng cung cấp giải pháp 3D trong giao dịch bất động sản

Meey Group ra mắt Học viện đào tạo ứng dụng công nghệ số cho nghề bất động sản

"Cửa sáng" cho chủ đầu tư nhà ở thương mại

Thuê nhà rồi cho thuê lại: Kênh đầu tư này liệu còn hot?

Nhà đầu tư đất nền như "ngồi trên đống lửa"

Lộ diện điểm nghẽn cản trở sự hồi phục của thị trường địa ốc

Luật Đất đai (sửa đổi): Tiếp cận nhiều hơn với nguyên tắc thị trường

Tin mới cập nhật

Lãi suất cho vay bất động sản thấp kỷ lục nhưng thị trường chưa thể hấp thụ

7 giờ trước

Hơn 78 triệu cổ phiếu TAR sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 21/5

7 giờ trước

Chuyên gia SGI Capital: Môi trường đầu tư đã kém thuận lợi hơn, nhà đầu tư cần kỷ luật và kiên nhẫn khi lựa chọn cơ hội xuống tiền

9 giờ trước

Giá vé máy bay chưa vượt khung quy định

9 giờ trước

Doanh nghiệp ngoài ngành tham gia “cuộc đua” dành quỹ đất khu công nghiệp

11 giờ trước