Hàng loạt ông lớn địa ốc lấn sân BĐS công nghiệp: Tia sáng hiếm hoi thời khó khăn

Thứ tư, 26/10/2022-07:10
Trong thời điểm thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều ông lớn trong lĩnh vực địa ốc rẽ ngang, đầu tư sang phân khúc bất động sản công nghiệp. Đây được xem là “ngôi sao hi vọng” của các doanh nghiệp khi thị trường bất động sản được dự báo sẽ đối mặt với những khó khăn chồng chất.

Ồ ạt đầu tư BĐS công nghiệp

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển bất động sản hàng đầu thế giới. Trong số đó không thể kể đến phân khúc bất động sản công nghiệp. Thời gian qua, phân khúc bất động sản này không chỉ được giới đầu tư trong nước quan tâm mà nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng coi bất động sản công nghiệp là một miếng bánh lớn, có tiềm năng sinh lời cao. Không ít tập đoàn nước ngoài đổ cả tỷ USD mua đất ở những vị trí có thể hình thành khu công nghiệp.


Bất động sản công nghiệp đang được nhiều đại gia săn đón.
Bất động sản công nghiệp đang được nhiều đại gia săn đón.

Theo một số chuyên gia, việc các trục đường lớn, đường cao tốc, cảng biển trong những năm qua được dần hoàn thiện chính là bệ đỡ cho thị trường bất động sản phát triển. Đường mở đến đâu, bất động sản phát triển tới đó. Cảng biển, đường cao tốc xuất hiện ở đâu, nơi đó mọc lên những khu công nghiệp lớn. Và, những mảnh đất cằn cỗi hoặc sình lầy mọc lên những nhà máy, công xưởng với hàng nghìn công nhân làm việc.

Chẳng ai có thể phủ nhận được tiềm năng phát triển của bất đống sản công nghiệp. Chính vì thế, nhiều tập đoàn địa ốc lớn trong nước đã lấn sân sang đầu tư bất động sản công nghiệp. Mới đây, Tập đoàn CEO vốn được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản nhà ở đã quyết định lấn sân sang bất động sản công nghiệp. Theo đó, chiến lược phát triển mới giai đoạn 2022-2026 của Tập đoàn CEO cho thấy, doanh nghiệp này sẽ tham gia đầu tư các dự án bất động sản khu công nghiệp, logistics…

Để hiện thực hóa chiến lược này, CEO đã thành lập Ban quản lý Khu công nghiệp. Đây được xem là bước đi đầu tiên của doanh nghiệp này. Thông tin từ CEO cho thấy, Tập đoàn này chú trọng phát triển các dự án khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng an sinh xã hội tốt, trách nhiệm với môi trường, ứng dụng công nghệ và hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư, phát triển xanh - bền vững…. Việc phát triển này được xem là phù hợp với xu hướng phát triển khu công nghiệp và nhà xưởng xanh, nhà kho 4.0 hiện đại. Hiện nay, phát triển các công trình xanh được xem là “bài” để hút đầu tư rất hiệu quả. Bởi ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng như Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt.

Tại KCN Nam Cầu Kiền, hệ thống các nhà máy được xây dựng theo xu hướng kinh tế tuần hoàn và chuẩn xanh. Tại đây, vấn đề an ninh rất tốt, hệ thống cây xanh, hạ tầng được đầu tư bài bản. Chính vì thế, tỷ lệ lấp đầy tại KCN này luôn duy trì ở mức cao.

Cũng tương tự Tập đoàn CEO, Tập đoàn Hòa Phát hầu như chỉ được biết đến với việc sản xuất thép. Tuy nhiên, gần đây, doanh nghiệp này cũng chuyển kế hoạch phát triển thêm bất động sản công nghiệp. Rất dễ để thấy điều này khi Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật rộng 600 ha tại Phố Nối A; Yên Mỹ II (Hưng Yên) giai đoạn 1: 97,5ha; Khu công nghiệp Hòa Mạc – Hà Nam (131ha). Chưa dừng lại ở đó, Tập đoàn Hòa Phát cũng đang đề xuất đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Ninh Xuân tại thị xã Ninh Hoà, Khánh Hoà với quy mô 1.300ha.

Tại phía Nam, Công ty CP Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt cũng đang làm chủ đầu tư của nhiều dự án lớn về khu công nghiệp. Hiện nay, công ty này đang sở hữu dự án tại Dung Quất, Quảng Ngãi với quy mô hơn 1.150 ha, dự kiến được khởi công năm 2023. Ngoài ra là dự án khu công nghiệp tại Đồng Tháp với quy mô trên 1.000 ha. Công ty này là công ty con của Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt, chuyên cung cấp ra thị trường những sản phẩm bất động sản nhà ở.

Quý I-2022, Vingroup cũng gia nhập với CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (VHIZ). Được biết, Vingroup cũng muốn mở rộng lĩnh vực này để đón đầu lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển này.

Tia sáng hiếm hoi thời bất động sản khốn đốn

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận cho rằng, hạ tầng chính là một trong số những động lực giúp phân khúc bất động sản công nghiệp có nhiều tiềm năng trong thời điểm này và nhiều năm tới.


Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy.

“Hiện nay, chúng ta đang dần hoàn thiện các tuyến cao tốc, hệ thống cảng biển trong đó có những cảng biển nước sâu và các sân bay. Quy luật bao lâu nay cho thấy, hạ tầng phát triển đến đâu kéo theo bất động sản phát triển đến đó. Đơn cử như tuyến cao tốc sẽ giúp khả năng kết nối giữa các khu công nghiệp với các thành phố lớn, các cảng biển tốt hơn. Điều này rất thuận tiện cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa”, chuyên gia Xuân Thủy chia sẻ.

Vị này dẫn chứng, việc cải thiện, xây dựng các dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Dây – Phan Thiết, Cao tốc Bắc – Nam, Cảng Thị Vải – Cái Mép, Cảng Gemalink là điều vô cùng cần thiết. Nó tạo sự kết nối thuận lợi giữa các khu công nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, khi xuất hiện nhiều sân bay thì bất động sản công nghiệp khu đó có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Đơn cử như tại Quảng Ninh có sân bay Vân Đồn đã kéo theo rất nhiều điểm tích cực cho địa phương từ hình ảnh đến bất động sản và khách du lịch.

Nhiều CEO bất động sản cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các ông lớn chọn bất động động sản công nghiệp là kênh đầu tư trong thời điểm hiện nay. Thứ nhất, hiện nay làn sóng đầu tư của khối FDI vào Việt Nam rất lớn và tăng theo quý. Họ đầu tư nhiều vào các nhà máy, kho bãi trong khu công nghiệp. Thứ hai, hiện nay giá bất động sản công nghiệp tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn một số nước cùng khu vực Đông Nam Á khoảng 20-25%. Chính vì thế, đây là kênh đầu tư sinh lời tiềm năng của các tập đoàn lớn.

CEO Vũ Trường Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Winhousing Việt  Nam cho rằng, một điều quan trọng nữa là nguồn cung của bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn rất lớn. Nhiều địa điểm có vị trí thuận lợi, hạ tầng phát triển tốt, đồng bộ nhưng vẫn chưa có bất cứ dự án nào. Đây là những địa điểm vàng mà nhiều người mong muốn được khai thác. Có lẽ, các tập đoàn lớn đã nhìn thấy điều này lên họ quyết lấn sân sang bất động sản công nghiệp. Thực tế cho thấy, chỉ cần xuất hiện một khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc khu kinh tế, bất động sản và cuộc sống người dân khu đó sẽ khởi sắc. Và, khi bất động sản công nghiệp khởi sắc thì các phân khúc bất động sản khác cũng sẽ xuất hiện như chung cư dành cho công nhân, đất nền…

An Tố Nhi
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Hà Nội: Nhu cầu nhà ở tiếp tục bị dồn nén khi nguồn cung ít ỏi

Meey 3D - Nền tảng cung cấp giải pháp 3D trong giao dịch bất động sản

Meey Group ra mắt Học viện đào tạo ứng dụng công nghệ số cho nghề bất động sản

"Cửa sáng" cho chủ đầu tư nhà ở thương mại

Thuê nhà rồi cho thuê lại: Kênh đầu tư này liệu còn hot?

Nhà đầu tư đất nền như "ngồi trên đống lửa"

Lộ diện điểm nghẽn cản trở sự hồi phục của thị trường địa ốc

Luật Đất đai (sửa đổi): Tiếp cận nhiều hơn với nguyên tắc thị trường

Tin mới cập nhật

Kịch bản phục hồi nào cho thị trường bất động sản giai đoạn mới?

45 phút trước

Công ty chứng khoán mở rộng danh mục, mua vào trái phiếu

1 giờ trước

Khách hàng “gen Z” quan tâm đến bất động sản sớm hơn

4 giờ trước

Khuyến nghị mua 3 mã cổ phiếu đầu ngành, lợi nhuận gấp nhiều lần lãi suất tiền gửi

5 giờ trước

Giải bài toán dự án treo từ Luật Đất đai mới thế nào?

6 giờ trước