Đề xuất doanh nghiệp được mua nhà ở xã hội: Người lao động nói gì?

Thứ ba, 02/08/2022-08:08
Có ý kiến cho rằng, đối với loại hình nhà ở xã hội, nhà nước nên mở rộng đối tượng được mua. Theo đó, các tổ chức trong đó có doanh nghiệp cũng được mua để cho công nhân mua, thuê lại. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, nếu đề xuất này được thông qua, liệu những căn nhà ở xã hội có đến được đúng tay đối tượng.

Doanh nghiệp mua nhà ở xã hội rồi cho thuê

Sáng 1/8, Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đã được diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng, vấn đề chăm lo, giải quyết nhà ở cho người dân, công nhân thu nhập thấp luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhưng, nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, công nhân. Vấn đề nhà ở đối với các công nhân vẫn là vấn đề cấp bách. Bên cạnh đó, chính sách và việc thực thi chính sách về loại hình nhà ở này vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo, tính đến nay, nhà ở xã hội đã hoàn thành hơn 300 dự án với quy mô khoảng trên 155.000 căn, tổng diện tích gần 7,8 triệu m2. Hiện nay, cả nước đang triển khai hơn 400 dự án, quy mô khoảng trên 450.000 căn, tổng diện tích gần 22,8 triệu m2. Chính tư lệnh ngành xây dựng cũng phải thừa nhận rằng, chúng ta vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.




Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Sun Group đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Sun Group đề xuất mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội.

Tại hội nghị này, nhiều người khá bất ngờ trước đề xuất của ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group về việc mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Trong đó, ông trường đề xuất cho phép tổ chức (trong đó có các doanh nghiệp) được mua nhà ở xã hội để cho công nhân, người lao động thu nhập thấp mua lại, thuê lại. Bên cạnh đó, vị này cũng đề xuất doanh nghiệp được phép đóng tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% nhà ở xã hội. Nhà nước  phân quyền cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Việc doanh nghiệp thực hiện nhà ở xã hội hiện nay không hiếm. Đây không chỉ là một sản phẩm phục vụ người lao động thấp, phục vụ mục đích kinh doanh của doanh nghiệp mà còn thể hiện trách nhiệm với xã hội của các doanh nghiệp. Bởi trên thực tế, việc xây nhà ở xã hội với thủ tục pháp lý tương đối lâu và lợi nhuận chỉ bằng 1/3 so với xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp đề xuất được mua lại nhà ở xã hội thì nay mới chứng kiến lần đầu tiên.

Bởi những căn nhà ở xã hội này được xây với nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư nên giá bán cũng ở mức bình dân để những người lao động có thể với tới được. Hơn nữa, việc xét chọn các đối tượng được đăng ký mua nhà ở xã hội cũng rất khắt khe. Thực tế cho thấy, tại một số dự án nhà ở xã hội, những người đủ tiêu chuẩn mua loại hình nhà ở này cũng phải xếp hàng, bốc thăm để tìm kiếm sự may mắn. Chính vì thế, khi doanh nghiệp đề xuất mua lại nhà ở xã hội rồi bán, cho công nhân thuê lại cũng nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều.

Một số ý kiến cho rằng, với việc cho doanh nghiệp mua lại nhà ở xã hội sẽ giúp cho các công nhân gắn bó với doanh nghiệp hơn. Đây cũng là cách để chủ doanh nghiệp tri ân đối với các lao động nỗ lực, cố gắng. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo lắng bởi không biết được, khi bán cho doanh nghiệp, những căn nhà ở xã hội này có đến đúng tay người cần.

Người thu nhập thấp nói gì?

Vừa đọc báo thông tin về việc doanh nghiệp đề xuất mua nhà ở xã hội, anh Nguyễn Văn Ân (công nhân khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai, Hà Nội) nói rằng, đây là vấn đề tương đối nhạy cảm đối với các doanh nghiệp và người dân. “Một doanh nghiệp có đến cả ngàn lao động, công nhân, toàn những người đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội. Tôi giả sử nếu bây giờ một doanh nghiệp mua được 100 căn nhà ở xã hội thì sẽ bán lại cho ai, cho ai thuê. Bởi chắc chắn tất cả mọi người đều có nhu cầu. Khi đó, liệu có tình trạng xin – cho, cảm tính, ưu ái bên này bên kia không. Ai sẽ là người giám sát việc này”, anh Ân lo ngại.




Nhiều lao động vẫn chưa thể với tới giấc mở nhà ở xã hội. Ảnh Báo Đại đoàn kết.
Nhiều lao động vẫn chưa thể với tới giấc mở nhà ở xã hội. Ảnh Báo Đại đoàn kết.

Theo anh Ân, bất cứ công nhân, người lao động nào cũng muốn an cư, lạc nghiệp, tìm được một căn nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, việc cung không đủ cầu dẫn đến việc nhiều người vẫn phải ở thuê, ở trọ. Anh Ân cũng đã đăng ký một vài dự án nhà ở xã hội tại một số quận, huyện tuy nhiên vẫn chưa thể tìm được “tổ ấm’ cho mình.

Anh Ân tâm sự:”Việc mua nhà ở xã hội sẽ được hưởng các ưu đãi của nhà nước. Nếu doanh nghiệp được mua, họ không bán mà chỉ cho thuê để thu tiền thì sao. Điều này chẳng khác nào các công nhân đi thuê trong thời gian qua. Người lao động cần một chỗ ở ổn định, lâu dài chứ không phải đi thuê trọ”.

Cùng quan điểm, chị Nông Thị Thanh Tuyền (quê Tuyên Quang), hiện đang làm việc tại một công ty chuyên về nội thất tại quận Hà Đông cho rằng, các cơ quan chức năng chỉ cần đẩy mạnh việc xây dựng các căn hộ nhà ở xã hội. Còn việc bán thì vẫn áp dụng theo quy định từ trước chứ không nên mở rộng đối tượng bán thêm cho doanh nghiệp. Bởi không biết khi vào tay doanh nghiệp, các căn nhà ở xã hội có đến được tay những người có nhu cầu thực hay không. “Các doanh nghiệp nào cũng có người thân, con em. Ví dụ như có 10 căn, ông chủ doanh nghiệp mua được sau đó về phân cho con em mình (mặc dù đủ điều kiện mua nhà ở xã hội) sẽ dẫn đến bất công bằng. Vì thế, trong vấn đề này phải có cơ quan nhà nước đứng ra làm trọng tài, giám sát các đối tượng được mua chứ không để cho các doanh nghiệp chỉ định đối tượng mua”, chị Tuyền chia sẻ.

Dưới góc nhìn vĩ mô, ĐBQH khóa XIII, ông Trần Khắc Tâm cho rằng vấn đề phát triển nhà ở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành xây dựng đối với những người lao động. Việc thiếu nhà ở xã hội đã nói từ nhiều năm qua chứ không phải bây giờ. Việc Bộ Xây dựng cứ loay hoay với những căn nhà ở xã hội chưa triển khai hoặc triển khai dang dở khiến người dân sốt ruột.

Ông Trần Khắc Tam nói rằng, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm đến đời sống của người lao động, công nhân, người thu nhập thấp. Một trong số đó là việc đảm bảo cuộc sống cho công nhân, trong đó có nhà ở. Nhiều chính sách ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đã được Chính phủ đưa ra để thu hút các nhà đầu tư.

“Tôi thấy có nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt tay vào làm nhà ở xã hội như Vingroup, Him Lam…Đây đều là những doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản. Họ có đủ tiềm lực để xây dựng nhanh chóng loại hình này, mang lại sự ổn định cho công nhân. Tuy nhiên, rất hoan nghênh các doanh nghiệp trực tiếp xây dựng nhà ở xã hội chứ đề xuất cho doanh nghiệp mua lại nhà ở xã hội cần phải tính toán kỹ lưỡng. Bởi nhà ở xã hội xây nên được hưởng rất nhiều hỗ trợ của Nhà nước. Việc doanh nghiệp mua với giá hỗ trợ như thế nếu không khéo sẽ là mảnh đất của sự tiêu cực”, ông Tâm khẳng định.

Mã Tiến An
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Hà Nội: Nhu cầu nhà ở tiếp tục bị dồn nén khi nguồn cung ít ỏi

Meey 3D - Nền tảng cung cấp giải pháp 3D trong giao dịch bất động sản

Meey Group ra mắt Học viện đào tạo ứng dụng công nghệ số cho nghề bất động sản

"Cửa sáng" cho chủ đầu tư nhà ở thương mại

Thuê nhà rồi cho thuê lại: Kênh đầu tư này liệu còn hot?

Nhà đầu tư đất nền như "ngồi trên đống lửa"

Lộ diện điểm nghẽn cản trở sự hồi phục của thị trường địa ốc

Luật Đất đai (sửa đổi): Tiếp cận nhiều hơn với nguyên tắc thị trường

Tin mới cập nhật

Hà Nội: Nhà tập thể cũ được đẩy giá gần nửa tỷ đồng chỉ sau 1 tháng

8 giờ trước

Ủy quyền sử dụng đất là gì? Mẫu giấy tờ ủy quyền sử dụng đất chuẩn nhất năm 2024

8 giờ trước

Nam Long (NLG) báo lỗ 65 tỷ đồng trong quý I/2024

9 giờ trước

Bất động sản sẽ là "kênh dẫn vốn" kiều hối tốt trong thời gian tới

10 giờ trước

Fed giữ nguyên lãi suất lần thứ 6

13 giờ trước