Để "giấc mơ an cư" sớm trở thành hiện thực

Thứ tư, 18/05/2022-08:05
Các gói vay ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ đang tạo cú hích mới cho cuộc đua xây nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp nóng trở lại. Tuy nhiên, ngoài sự mong mỏi của người dân, sự vào cuộc của doanh nghiệp, vẫn cần nhiều "cú hích" hơn nữa để giấc mơ an cư đến gần hơn với những người có thu nhập thấp.

Người dân “nửa mừng nửa lo”

Trong đại hội cổ đông thường niên của Vinhomes mới đây, ông Phạm Thiếu Hoa – Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho biết, trong năm năm tới doanh nghiệp này sẽ tập trung xây dựng khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội tập trung tại khu vực vùng ven những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… trong đó, ưu tiên trước khu vực lân cận TP.HCM và Hà Nội.


Trong quý I/2022 cả nước chỉ cấp phép mới cho 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 1.200 căn tại Lạng Sơn, Phú Thọ và Quảng Ninh
Trong quý I/2022 cả nước chỉ cấp phép mới cho 3 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 1.200 căn tại Lạng Sơn, Phú Thọ và Quảng Ninh

Theo đó, các dự án nhà ở xã hội của Vinhomes sẽ mang thương hiệu Happy Home, quy mô mỗi dự án từ 50 – 60ha. Những dự án này nằm tách biệt khỏi các dự án nhà ở thương mại hoặc là các khu đất nhà ở xã hội trong các đại dự án của Vinhomes. Dự kiến giá bán căn hộ Happy Home sẽ dao động từ 300 – 950 triệu đồng mỗi căn.

Vinhomes hứa hẹn sẽ giúp “nâng tầm” nhà ở xã hội với hệ sinh thái đầy đủ tiện ích trong các dự án Happy Home như công viên, khu vui chơi trẻ em, sân chơi thể thao…

Ngay sau khi thông tin về Happy Home được truyền tải, nhiều người cho biết không thể tin được sắp tới sẽ có những căn nhà giá chỉ từ 300 triệu đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh giá nhà đang tăng rất cao, ngay cả khu vực vùng ven TP.HCM hay Hà Nội.

Anh Trung Anh (quê Thái Bình) cho biết, với mức giá chỉ từ 300 triệu gia đình anh hoàn toàn có thể biến ước mơ có nơi an cư trở thành hiện thực đồng thời anh cũng mong muốn được mua nhà một cách công khai để các gia đình có thu nhập vừa phải có cơ hội nộp hồ sơ mua nhà.

Còn theo anh Nguyễn Thuận (TP. Thủ Đức), thông tin những doanh nghiệp lớn như Vinhomes xây dựng nhà ở xã hội sẽ giúp người dân yên tâm hơn về chất lượng của loại nhà này. Ngoài ra, với giá nhà từ 300 – 900 triệu ở những vị trí cách xa nội thành khoảng 15km sẽ giải quyết được nhu cầu an cư cho hàng triệu người lao động thu nhập thấp.

Tuy nhiên, anh Thuận lo lắng, thực tế thời gian qua đã có rất nhiều dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp nhưng khi vào ở lại toàn người giàu. Một số khác thì được gom lại rồi sau đó sang lượng lại với mức giá cao hơn nhiều lần.

Do đó, để nhà ở xã hội đến được đúng đối tượng, anh Thuận cho rằng cần phải có thêm những quy định chặt chẽ khi xét duyệt hồ sơ, điều khoản ràng buộc như cấm sang nhượng trong bao nhiêu năm, thu hồi lại căn hộ khi sai đối tượng, thậm chí xử lý nghiêm theo pháp luật khi cố tình đầu cơ, trục lợi nhà ở xã hội.

Cần nhiều hơn nữa...

Trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu. Riêng TP.HCM, mục tiêu từ 2021 đến 2025, thành phố sẽ xây trên 35.000 căn nhà ở xã hội.


Nhiều doanh nghiệp ngần ngại đầu tư nhà ở xã hội vì xin dự án khó, pháp lý phức tạp mà lợi nhuận không cao.
Nhiều doanh nghiệp ngần ngại đầu tư nhà ở xã hội vì xin dự án khó, pháp lý phức tạp mà lợi nhuận không cao.

Theo thống kê, cả nước hiện có 7 triệu lao động cần an cư, nhưng số lượng nhà ở mới đáp ứng 30% nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay cuộc đua xây dựng nhà ở xã hội đang bắt đầu "nóng" trở lại khi gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ 2% lãi vay thương mại vừa được Chính phủ "tung ra" trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023.

Thực tế, chỉ trong hơn 4 tháng đầu năm, hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được nhiều doanh nghiệp khởi công hoặc lên kế hoạch xây dựng trên khắp cả nước.

Trong đó, có nhiều ông lớn trong ngành bất động sản như Vinhomes, Tập đoàn Hòa Bình, Becamex IDC, Tổng công ty Viglacera, Tập đoàn APEC, Tập đoàn Nam Long, địa ốc Sài Gòn, Hoàng Phúc, TTC Land... Ngoài ra có một số doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)...

Cụ thể, tại Hà Nội, HUD chuẩn bị làm dự án nhà ở xã hội Vân Canh, Hoài Đức với tổng diện tích sàn hơn 53.000 m2, 463 căn hộ. Ngay trong năm 2022, doanh nghiệp này đồng loạt khởi công 5 dự án với tổng diện tích sàn hơn 230.000 m2, gần 2.500 căn hộ.

Liên doanh Công ty BIC và Him Lam cũng đang triển khai xây dựng hạ tầng của 3 tòa (CT1, CT2, CT3) cao 22 tầng với khoảng 1.900 căn hộ tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên).

Tại tỉnh Bình Dương, giữa tháng 3, Tổng công ty Becamex IDC đã khánh thành khu 2 nhà ở xã hội Định Hòa và động thổ các dự án nhà ở xã hội ở những khu vực đông công nhân lao động.

Dự kiến trong giai đoạn từ nay đến 2023, doanh nghiệp này tiếp tục xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo tại khu VietSing (TP Thuận An), khu Định Hòa (TP Thủ Dầu Một), khu Mỹ Phước (thị xã Bến Cát), khu Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) với mức đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng.

Không chỉ có các dự án đã khởi công, hàng loạt doanh nghiệp cũng cho biết đang có kế hoạch đầu tư dự án nhà ở xã hội quy mô lớn.

Mới đây, Vinhomes cũng công bố kế hoạch xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội. Sự vào cuộc của nhiều doanh nghiệp được kì vọng giúp giải khát phần nào nhu cầu nhà ở của tầng lớp lao động thu nhập thấp tại các đô thị. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực. Do đó, cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp chung tay đầu tư nhà ở xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đánh giá thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội - 2 phân khúc đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người dân.


Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA).
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA).

Theo ông, hiện nay doanh nghiệp chưa mặn mà với phân khúc này vì vướng nhiều quy định, thủ tục như: Thủ tục xác định giá bán, tiền sử dụng đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép dự án...

"Việc khấu trừ chi phí giải phóng mặt bằng xây dựng dự án chỉ bằng 20-25% so với chi phí thực doanh nghiệp bỏ ra. Do đó, lợi nhuận định mức 10% trong phát triển nhà ở xã hội không đủ để bù đắp cho chính dự án đó", ông Châu nói.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, không phải doanh nghiệp không mặn mà đầu tư nhà ở xã hội mà do có nhiều nguyên nhân khiến cho họ dù có muốn cũng không thể làm được.

Chẳng hạn, thời gian thủ tục xin xét duyệt dự án quá nhiêu khê, kéo dài nhiều năm khiến cho chi phí phát sinh. “Một dự án từ khi xin xét duyệt cho đến khi được cấp phép có khi kéo dài vài năm. Mọi chi phí đều phát sinh, giá nguyên vật liều đầu vào đã tăng cao khiến mức giá bán căn hộ cũng phải đội lên”.

Theo vị giám đốc này, để thu hút doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn, cũng như hoạt động phân phối...

Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ dành cho người lao động cần chú ý đến hai yếu tố là quỹ đất và thời gian thực hiện.

Về quỹ đất nếu để doanh nghiệp “tự bơi” thì sẽ rất khó vì giá đất đã cao và tốn nhiều thời gian cho thủ tục. Thay vào đó, chính quyền thành phố có quỹ đất sẵn giao cho các doanh nghiệp thực hiện sẽ hiệu quả hơn.

Quỹ đất thích hợp để xây dựng nhà giá rẻ là các khu vực vùng ven. Tuy nhiên, để phát triển dự án ở những khu vực xa trung tâm thì cần đảm bảo được những yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật (đường xá, giao thông…) và hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế…). Khoảng cách đi lại giữa nơi làm việc và nơi sinh sống cũng là điều cần phải tính toán, nhằm đảm bảo đời sống an sinh, đi lại, công việc của người dân.

Yếu tố thứ hai là thời gian thực hiện với trọng tâm là các vấn đề pháp lý. Theo đó, việc cấp phép, phê duyệt cần phải thần tốc thì mới thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Hà Nội: Nhu cầu nhà ở tiếp tục bị dồn nén khi nguồn cung ít ỏi

Meey 3D - Nền tảng cung cấp giải pháp 3D trong giao dịch bất động sản

Meey Group ra mắt Học viện đào tạo ứng dụng công nghệ số cho nghề bất động sản

"Cửa sáng" cho chủ đầu tư nhà ở thương mại

Thuê nhà rồi cho thuê lại: Kênh đầu tư này liệu còn hot?

Nhà đầu tư đất nền như "ngồi trên đống lửa"

Lộ diện điểm nghẽn cản trở sự hồi phục của thị trường địa ốc

Luật Đất đai (sửa đổi): Tiếp cận nhiều hơn với nguyên tắc thị trường

Tin mới cập nhật

Hà Nội: Nhà tập thể cũ được đẩy giá gần nửa tỷ đồng chỉ sau 1 tháng

22 giờ trước

Ủy quyền sử dụng đất là gì? Mẫu giấy tờ ủy quyền sử dụng đất chuẩn nhất năm 2024

22 giờ trước

Nam Long (NLG) báo lỗ 65 tỷ đồng trong quý I/2024

23 giờ trước

Bất động sản sẽ là "kênh dẫn vốn" kiều hối tốt trong thời gian tới

23 giờ trước

Fed giữ nguyên lãi suất lần thứ 6

1 ngày trước