Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản kiến nghị làm rõ trách nhiệm điều tiết nguồn cung

Thứ tư, 19/04/2023-07:04
Sau khi nghiên cứu các quy định tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản cho rằng dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phê duyệt chủ trương đầu tư, bổ sung hoặc hạn chế nguồn cung dự án để điều tiết thị trường bất động sản.

Việc ém nhẹm thông tin tạo điều kiện cho các đối tượng đầu cơ thu gom đất đai

Ông Nguyễn Đức Lập phân tích: Trong dự thảo Luật cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm minh bạch thông tin, tiến độ thực hiện quy hoạch và kế hoạch thực hiện dự án bất động sản. Với thị trường bất động sản, việc thiếu minh bạch thông tin quy hoạch là nguồn cơn tạo nên các “cơn sốt ảo”, đẩy giá quá cao so với thực tế. Chưa kể, việc thao túng, ém nhẹm thông tin tạo điều kiện cho các đối tượng đầu cơ thu gom đất đai, chờ đến thời điểm công bố quy hoạch, tổ chức truyền thông rầm rộ để “tạo sóng”, bán hàng đã thường xuyên xảy ra. Do vậy việc này đòi hỏi Luật Kinh doanh bất động sản cần xâu chuỗi các quy định theo Luật Quy hoạch, Luật Đất đai để thống nhất quy định về minh bạch hóa thông tin trong lĩnh vực này, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản cũng cho rằng, dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm phê duyệt chủ trương đầu tư, bổ sung hoặc hạn chế nguồn cung dự án bất động sản nhằm điều tiết thị trường bất động sản tại các cơ quan chức năng.


Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản.
Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản.

Cụ thể, việc phát triển thị trường bất động sản bền vững đòi hỏi phải dựa trên tình hình thực tế, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch chung được duyệt tại mỗi địa phương. Với thị trường nhà ở, cần dựa trên các chỉ tiêu về gia tăng dân số, chỗ ở, việc làm, đô thị hóa, thực trạng nhu cầu phát triển nhà ở… làm cơ sở phê duyệt dự án mới. Không để tình trạng phê duyệt hàng loạt dự án nhà ở chỉ để đầu tư và đầu cơ.

“Với các bất động sản thương mại, sản xuất hay kinh doanh dịch vụ… cũng cần dựa vào những nguyên tắc nêu trên”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Khi “người người, nhà nhà" làm môi giới bất động sản

Tiếp tục phân tích về các quy định trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản đánh giá Dự thảo Luật lần này đã có bước tiến quan trọng khi gom các nhà môi giới vào hoạt động tập trung tại các sàn giao dịch bất động sản hoặc các tổ chức môi giới bất động sản để hạn chế tình trạng nhiễu loạn thị trường, tránh “người người, nhà nhà" làm môi giới bất động sản. Các quy định mới sẽ yêu cầu cả sàn giao dịch và tổ chức môi giới đều phải chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ về thông tin thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Lập cần bổ sung trách nhiệm niêm yết thông tin bất động sản đang giao dịch tại tổ chức môi giới minh bạch và công khai như trên sàn giao dịch.


Chuyên gia cho rằng, việc ém nhẹm thông tin đang tạo điều kiện cho các đối tượng đầu cơ thu gom đất đai.
Chuyên gia cho rằng, việc ém nhẹm thông tin đang tạo điều kiện cho các đối tượng đầu cơ thu gom đất đai.

Nói thêm về vai trò của sàn giao dịch bất động sản và tổ chức môi giới, ông Nguyễn Đức Lập đánh giá đây như là các trung gian triển khai hoạt động marketing, phân phối sản phẩm ra thị trường. Các chủ đầu tư dù muốn hay không thì đều phải xây dựng bộ phận marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng cho mình. Do đó, việc thành lập sàn giao dịch bất động sản không hề làm tăng thêm chi phí đáng kể khi giao dịch qua sàn. Chủ đầu tư nếu thấy cần có thể tự thành lập sàn giao dịch với điều kiện người quản lý sàn phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và qua một khóa đào tạo căn bản về quản lý sàn.

“Cái được lớn hơn là người mua bất động sản có thêm một "lớp bảo vệ" và một kênh chịu trách nhiệm trong giao dịch. Để làm việc này, trong dự thảo Luật có thể xem xét bổ sung Hợp đồng mẫu khi giao dịch bất động sản qua sàn”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc bắt buộc giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai qua sàn là điều cần thiết để bảo đảm an toàn cho người mua loại bất động sản nhiều rủi ro này, bởi thực tế cho thấy, một số chủ đầu tư có hành vi lừa đảo, bán một bất động sản cùng lúc cho nhiều người. Nếu giao dịch qua sàn sẽ hạn chế được việc này khi đi kèm với quy định rõ trách nhiệm bồi thường của sàn giao dịch. Nếu không giao dịch qua sàn thì phải bắt buộc giao dịch qua công chứng, chứng thực đối với loại hình sản phẩm này.


Giao dịch qua sàn bất động sản sẽ hạn chế được các rủi ro.
Giao dịch qua sàn bất động sản sẽ hạn chế được các rủi ro.

Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Lập kiến nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể việc tiếp cận hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản dành cho các chủ đầu tư và người dân. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng đối với các nhà phát triển dự án, chủ đầu tư khi tham gia thị trường. Việc tiếp cận các chỉ số cơ bản của thị trường, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ số hiện trạng về nhà ở, phát triển hạ tầng… sẽ giúp chủ đầu tư triển khai đầu tư và bổ sung nguồn cung phù hợp hơn cho thị trường.

Cần quan tâm đến phân khúc “gây bất ổn nhiều nhất cho thị trường”

Ông Nguyễn Đức Lập cũng thông tin, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 đã thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ (trực tiếp là Bộ Xây dựng) để thể chế hóa những nội dung tại Nghị quyết 18-NQ/TW. Nhiều bất cập, thiếu sót tại Luật hiện hành hay sự chồng chéo giữa các quy định trước đây đã được thống nhất thành các quy định cụ thể.

Theo đó, một xu thế trên thị trường bất động sản phát triển sôi nổi thời gian qua dưới tên gọi “bất động sản vùng ven” được nhiều nhà đầu tư tham gia, tạo nên các "cơn sốt ảo" trên thị trường bất động sản đã phản ánh sự phát triển mạnh mẽ nguồn cung này. Thực tế cho thấy, đây là phân khúc gây bất ổn nhiều nhất cho thị trường, song đáng tiếc lại chưa có quy định rõ ràng cho vấn đề này. Cụ thể, trong dự thảo Luật, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm xây dựng dữ liệu về giá thị trường bất động sản.

Dữ liệu này cần có sự liên thông và đấu nối với dữ liệu giá theo Luật Đất đai, bởi giá bất động sản biến động trên cơ sở biến động giá quyền sử dụng đất là chủ yếu. Mọi chủ thể tham gia thị trường từ bên mua, bên bán, các trung gian dịch vụ như môi giới, sàn giao dịch bất động sản đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, phòng công chứng, các cơ quan nhà nước… đều phải có nghĩa vụ cung cấp dữ liệu này để làm cơ sở xây dựng biểu giá thị trường. Khi dữ liệu lớn, đa nguồn sẽ giúp xây dựng cơ sở dữ liệu tốt hơn.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

7 trường hợp sắp không được cấp sổ đỏ, người dân cần nắm chắc trong tay

Quy định mới về tách thửa đất người dân cần biết

Từ năm 2025, Luật Đất đai bỏ trường hợp người sử dụng đất là hộ gia đình

Thủ tướng chỉ thị triển khai điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, thúc đẩy tăng trưởng

Đề xuất Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm hơn 6 tháng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Tin mới cập nhật

TikTok bất ngờ thử nghiệm video 60 phút, lấn sang “sân chơi” của cả YouTube và Netflix

51 phút trước

Tăng trưởng tín dụng ngân hàng có đang phụ thuộc vào bất động sản?

55 phút trước

AI đã "thay đổi cuộc chơi" tài chính số như thế nào?

1 giờ trước

Các startup công nghệ cần làm gì để duy trì “cạnh tranh” trong bối cảnh kinh tế nhiều bất định?

1 giờ trước

Hàng chục tỷ cổ phiếu sắp được đổ ra thị trường

1 giờ trước