“Nhà ở công nhân là vấn đề muôn thuở nhưng vẫn còn nhiều bất cập”

Thứ năm, 02/02/2023-07:02
Đại diện liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố cho rằng, nhà ở công nhân là vấn đề muôn thuở, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Kiến nghị hỗ trợ nhu cầu thiết yếu của công nhân khu công nghiệp

Tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 1/2/2023, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà cho hay, Bắc Ninh hiện có 12/16 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với hơn 330 nghìn công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Trong đó, có hơn 75% là lao động ngoại tỉnh cùng gần 100 nghìn công nhân lao động có nhu cầu về nhà ở.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, 2/3 số con nhỏ của công nhân lao động, chiếm khoảng 50 nghìn trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học phải gửi về quê nhờ ông bà, người thân chăm sóc. 2/3 tổng thu nhập hàng tháng của công nhân lao động các khu công nghiệp phải gửi về quê hỗ trợ gia đình, người thân và nuôi con nhỏ.

Nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch 22 dự án nhà ở công nhân. Tuy nhiên, mới chỉ có 7 dự án nhà ở công nhân đi vào hoạt động, số căn đã bán và cho thuê của các dự án đạt từ 10-50%. Vẫn còn khoảng 100 nghìn công nhân đang phải thuê trọ trong các khu dân cư, nhiều khu chất lượng và an ninh chưa được bảo đảm.


Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 1.2.2023
Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 1.2.2023

“Trên thực tế, nhu cầu mua nhà ở xã hội của công nhân lao động chủ yếu tập trung vào nhóm lao động quản lý, thu nhập cao, việc làm ổn định. Nhu cầu thuê nhà ở tập trung ở nhóm công nhân lao động trực tiếp, có mức thu nhập thấp đến trung bình khá, hay thay đổi việc làm hoặc sống cùng gia đình, người thân”, bà Nguyễn Thị Vân Hà nói. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Chính phủ khi duyệt quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất cần quan tâm quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa-thể thao, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế… nhằm giải quyết những nhu cầu thiết yếu của công nhân lao động khu công nghiệp.

Đặc biệt, nhà nước cần đầu tư một phần ngân sách xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Cần có chính sách hỗ trợ công nhân lao động tiền thuê nhà ở, thông qua các hình thức: Hỗ trợ trực tiếp người lao động thuê nhà ở của các dự án nhà ở công nhân hoặc hỗ trợ thông qua doanh nghiệp khi thuê lại các dự án nhà ở công nhân, cho công nhân của họ ở theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, cần có quy định nếu doanh nghiệp không bố trí được nhà ở cho công nhân, phải hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà, tối thiểu 500 nghìn đồng/tháng/người, được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.


Nhà ở xã hội vẫn là ước mơ xa vời đối với nhiều gia đình công nhân, người lao động.
Nhà ở xã hội vẫn là ước mơ xa vời đối với nhiều gia đình công nhân, người lao động.

Tạo cơ chế giúp người lao động “an cư lạc nghiệp”

Tại hội nghị, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất". Coi chăm lo phúc lợi xã hội về nhà ở cho công nhân lao động là một yêu cầu cấp thiết cần được quy định thành chế định riêng trong luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, cần bố trí thêm ngân sách nhà nước để chăm lo về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Có cơ chế cho phép doanh nghiệp đông công nhân, lao động được phép mua hoặc thuê mua đối với các dự án nhà ở để cho chính công nhân, lao động doanh nghiệp đó mua hoặc thuê mua, góp phần "an cư lạc nghiệp".

Trước mắt, trong khi chưa sửa đổi các luật, đề nghị Chính phủ giao Tổng Liên đoàn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để giải quyết kịp thời các bức xúc hiện nay do các vướng mắc liên quan đến chồng chéo, khoảng trống của pháp luật.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang lắng nghe ý kiến của các đơn vị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang lắng nghe ý kiến của các đơn vị.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý phải chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, thực chất, mang lại hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được, đáp ứng những nhu cầu thiết thực của công nhân, người lao động.

Trước hết, Thủ tướng đề nghị tăng cường tạo công ăn, việc làm cho công nhân, người lao động thông qua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn liên quan các thị trường, hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn; đồng thời nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng cho công nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.

Nhấn mạnh vai trò của “an cư lạc nghiệp” đối với công nhân, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp triển khai, thực hiện có hiệu quả.

Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của Bộ Xây dựng, trong năm 2022 các dự án bất động sản mới được cấp phép tiếp tục giảm so với các năm 2021 khiến nguồn cung bất động sản, nhà ở, đặc biệt nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp vẫn còn hạn chế.

Trong đó, về dự án nhà ở xã hội, thống kê từ sở xây dựng các địa phương cho thấy trên cả nước có 9 dự án được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai theo thông báo của các sở xây dựng.

Với dự án nhà ở công nhân, trong năm 2022, trên cả nước mới có 2 dự án được cấp phép mới với quy mô 1.729 căn hộ; 1 dự án với 32 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 4 dự án với 2.328 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Nguyên Hằng
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Loạt chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Quy định mới nhất về căn cứ tính tiền sử dụng đất theo Luật đất đai 2024

Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Tin mới cập nhật

Doanh nghiệp bất động sản cần một cơ chế thông thoáng hơn

9 giờ trước

Động lực từ Fintech

9 giờ trước

Thị trường IPO London phục hồi chậm do đâu?

9 giờ trước

Động lực phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng đến từ đâu?

1 ngày trước

Blockchain, trí tuệ nhận tạo sẽ giúp định hình tương lai theo cách "không thể tưởng tượng nổi"

2 ngày trước