Ngân hàng Nhà nước thận trọng room tín dụng năm 2023 

Thứ tư, 28/12/2022-08:12
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế. 

Điều hành tín dụng phù hợp

Theo thuongtruong.com.vn, tại buổi họp báo "Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023", tổ chức vào ngày 27/12, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay đạt khoảng 13%, trong đó huy động vốn chỉ tăng 6%. 

Như vậy, nếu theo kế hoạch tăng trưởng tín dụng đặt ra từ đầu năm là 14% thì room tín dụng vẫn thừa 1% (chưa kể room tín dụng được nới thêm 1,5 - 2%). Phó Thống đốc cho biết, nguyên nhân nới room tín dụng toàn hệ thống không chỉ vì sức ép của doanh nghiệp mà phần lớn là do sức ép của tình hình kinh tế thế giới tới kinh tế Việt Nam được giảm bớt, các chỉ tiêu lớn về vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, thanh khoản được bảo đảm, đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng. 

Ông Tú phát biểu tại buổi họp: “Điều hành chính sách tiền tệ không phải năm nào chỉ biết năm đó mà phải tính toán cho độ trễ dài hạn 2-3 năm nên việc đưa ra hạn mức tín dụng phải thận trọng”.


Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo. 
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo. 

Về cơ chế điều hành tín dụng, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong năm 2022 lạm phát của Việt Nam có khả năng dưới 4% nhưng lạm phát lõi cơ bản thì tăng nhanh và đang ở mức đáng quan ngại. Lạm phát lõi của tháng 1/2022 chỉ tăng 0,66% nhưng đến tháng 11 chỉ số đã tăng hơn 4,82%, dự kiến trong tháng 12 có thể tăng hơn 5%. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua, gây sức ép lên việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2023. 

Bên cạnh đó, độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá lớn bởi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay chiếm gần 190% GDP, do đó những thay đổi của kinh tế thế giới sẽ tác động rất mạnh tới Việt Nam. Đặc biệt khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn giữ kế hoạch tăng lãi suất điều hành vào năm 2023 và duy trì mặt bằng lãi suất cao trong năm tiếp theo nhằm đối phó với lạm phát. 

“Với nền kinh tế có độ mở cao như vậy, áp lực lên tỷ giá rất lớn. Chính vì vậy, chỉ tiêu tín dụng năm 2023 được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc thận trọng. Quan điểm xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát”, ông Quang khẳng định.

Nhận định của Ngân hàng Nhà nước cho rằng Việt Nam tiếp tục là một trong những nước có tỷ lệ đòn bẩy tín dụng cao nhất trên thế giới, với tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP lên tới 124%). Nếu tốc độ tăng trưởng tín dụng hơn 12%/năm kéo dài trong các năm tiếp theo thì tín dụng luôn tăng trưởng gấp đôi GDP, dẫn đến tỷ lệ đòn bẩy tín dụng càng cao, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng. 


Tín dụng trong năm 2023 tiếp tục ưu tiên cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa.
Tín dụng trong năm 2023 tiếp tục ưu tiên cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa.

Hoạt động điều hành tín dụng năm 2022 được bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cơ cấu tín dụng tiếp tục được tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Còn đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán được kiểm soát. 

Về kế hoạch tín dụng năm 2023, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khó lường do đó kinh tế trong nước sẽ đối mặt với những thuận lợi và thách thức đan xen. 

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch. Trong đó, ưu tiên vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Liên quan đến tín dụng cho bất động sản, tại buổi họp báo, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro ở nhóm khách hàng dự án lớn, phân khúc cao cấp. 

“Cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân; các dự án nhà ở sắp hoàn thành xây dựng và bàn giao, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.


Tiếp tục kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.
Tiếp tục kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.

Về vấn đề nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước quyết liệt triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra và nâng cao hiệu quả giám sát an toàn vĩ mô và vi mô; đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng. 

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt và bền vững.

Về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số để áp dụng các mô hình kinh doanh mới và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiện ích, an toàn đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Khó giảm lãi suất 

Vấn đề lãi suất trong năm 2023 là mối quan tâm nhất của doanh nghiệp hiện nay. Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 2 lần tăng lãi suất điều hành, đẩy lãi suất huy động và cho vay tăng mạnh. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2022, mặc dù bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và chịu nhiều áp lực lạm phát trong nước nhưng cơ quan điều hành vẫn tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất. Đến tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu và đồng USD tăng mạnh gây áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lạm phát buộc Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành 2 lần. 


Dự báo trong năm 2023 khó giảm lãi suất điều hành.
Dự báo trong năm 2023 khó giảm lãi suất điều hành.

Thông tin thêm tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, năm 2022 là năm đặc biệt bởi toàn bộ dự báo đánh giá về kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gần như đảo lộn trong bối cảnh có nhiều cú sốc, diễn biến khó lường như cuộc chiến Nga - Ukraine, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt chính sách tiền tệ, điển hình như Fed đã có 7 lần tăng lãi suất liên tục lên gần 5%, là mức tăng cao nhất trong 40 năm qua tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các biến động vĩ mô toàn cầu này đã gây ảnh hưởng lớn đến bức tranh kinh tế của Việt Nam. 

Ông Quang dự báo, năm 2023 kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái trầm trọng hơn, mặt bằng lạm phát cao và lãi suất còn tiếp tục duy trì, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu cao. 

“Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng”, ông Phạm Chí Quang cho biết.

Tuy nhiên, nhận định mức độ tăng lãi suất năm 2023 của thế giới sẽ không có những diễn biến mạnh mẽ như năm 2022, nhưng điều Ngân hàng Nhà nước đáng lo ngại nhất là lạm phát lõi trong nước có dấu hiệu tăng đáng quan ngại. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ tỷ giá, tín dụng, lãi suất năm 2023 một cách thận trọng để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ kinh tế phục hồi và đảm bảo an toàn hệ thống. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

7 trường hợp sắp không được cấp sổ đỏ, người dân cần nắm chắc trong tay

Quy định mới về tách thửa đất người dân cần biết

Từ năm 2025, Luật Đất đai bỏ trường hợp người sử dụng đất là hộ gia đình

Thủ tướng chỉ thị triển khai điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, thúc đẩy tăng trưởng

Đề xuất Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm hơn 6 tháng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Tin mới cập nhật

Giải bài toán dự án treo từ Luật Đất đai mới thế nào?

28 phút trước

Nhà phố, biệt thự TP.HCM cán mốc 450 triệu đồng/m2

1 giờ trước

TS Nguyễn Văn Phụng: Gấp rút cải thiện chất lượng để nâng hạng thị trường chứng khoán

2 giờ trước

Gen Z bật mí cách xoay sở với mức lương 7 triệu đồng/tháng ở Thủ đô: Vẫn có tiền gửi về quê, tiết kiệm mua nhà

3 giờ trước

Khối ngoại tích cực thoái vốn tại Vinasun

3 giờ trước