Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I/2024: Vẫn duy trì tăng trưởng

Thứ sáu, 10/05/2024-16:05
00:00/00:00
Nam miền bắc
Theo SSI Research, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2024 vẫn duy trì đà tăng trưởng, nhưng tốc độ đã chậm lại. Tuy nhiên, đơn vị phân tích này cũng nhìn nhận, có thể lợi nhuận của các doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bước sang giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.

Doanhnhan.vn dẫn lại báo cáo thông tin tổng hợp lợi nhuận sau thuế toàn sàn (tính đến ngày 6/5 là 1.059 doanh nghiệp) tăng 6,6% so với cùng kỳ, đồng thời tăng 3,4% so với quý gần nhất đã ghi nhận lợi nhuận cao nhất trong vòng 7 quý và chỉ thấp hơn so với 2 quý đầu năm 2022.

Theo đơn vị phân tích, so với mức tăng 35,3% trong quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng trong quý đầu năm nay đã chậm lại đáng kể vì mức nền so sánh đã cao dần. Lợi nhuận hiện đang đi vào giai đoạn phục hồi, tăng trưởng ổn định hơn sau giai đoạn biến động mạnh kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

So với mức tăng 35,3% trong quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng trong quý đầu năm nay đã chậm lại đáng kể vì mức nền so sánh đã cao dần. (Ảnh: SSI Research)
So với mức tăng 35,3% trong quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng trong quý đầu năm nay đã chậm lại đáng kể vì mức nền so sánh đã cao dần. (Ảnh: SSI Research)

Từ kết quả tổng hợp có thể thấy, đã có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành. Đặc biệt, có những nhóm ngành đã ghi nhận sự phục hồi từ mức đáy như Bán lẻ (tăng 367% so với cùng kỳ năm trước) và du lịch, giải trí (so với cùng kỳ tăng 1.031%). Nhóm tăng trưởng ổn định bao gồm ngân hàng (so với cùng kỳ đã tăng gần 10%), công nghệ thông tin (tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước).

Ngoài ra, nhóm duy trì quán tính phục hồi tích cực gồm có: Dịch vụ tài chính (tăng 103% so với cùng kỳ), tài nguyên (so với cùng kỳ đã tăng 208%), viễn thông (tăng 95%) và xây dựng (tăng 125%). Nhóm vẫn chưa quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng gồm có: Nhóm chưa quay lại quỹ đạo tăng trưởng như: Bất động sản (giảm 61,6%) và điện, nước, xăng dầu & khí đốt (so với cùng kỳ đã giảm gần 50%).

Mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường qua các quý, ngoại trừ nhóm Ngân hàng và Vingroup. (Ảnh: SSI Research)
Mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường qua các quý, ngoại trừ nhóm Ngân hàng và Vingroup. (Ảnh: SSI Research)

Ngành ngân hàng: Duy trì tăng trưởng nhưng tốc độ chậm

So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết trong quý I/2024 đã tăng nhẹ 9,6% và chiếm 49,2% tổng lợi nhuận trên toàn sàn. Tín dụng tăng trưởng yếu (tăng nhẹ 25 so với đầu năm) đã khiến NIM trong kỳ tiếp tục gặp áp lực khi giảm 8 điểm cơ bản so với quý liền trước. Trong khi đó, chất lượng tài sản tiếp tục giảm xuống dù quý IV/2023 đã có sự cải thiện.

Cụ thể, tỷ lệ nợ nhóm 2 cùng với nợ xấu trên tổng dư nợ ban đầu lần lượt được ghi nhận ở mức 2,23% (tăng 24 điểm cơ bản so với quý cuối năm ngoái) và 1,94% (tăng 23 điểm cơ bản so với quý IV/2023, gần ngang mức đỉnh tại quý III/2023 là 1,98%). 

Đáng chú ý, khoản thu nhập từ kinh doanh ngoại hối đã san sẻ một phần cho sự sụt giảm mạnh của hoạt động phân phối bảo hiểm cũng như thu hồi nợ xấu. Quý I/2024, việc kiểm soát tốt chi phí hoạt động đã mức CIR (tỷ lệ chi phí/thu nhập) là 30,7% (quý I/2023 là 31% và quý IV/2023 là 26%) cũng là một yếu tố hỗ trợ đáng kể cho kết quả kinh doanh của các ngân hàng.

Những cái tên dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm nay gồm có: TCB (tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước), HDB (so với cùng kỳ tăng 46,5%), VPB (tăng 90,4%) và LPB (tăng 85% so với cùng kỳ); chủ yếu là nhờ tăng trưởng tín dụng vượt trội (TCB và HDB) cùng với chi phí dự phòng thấp hơn so với con số dự kiến (VPB).

So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết trong quý I/2024 đã tăng nhẹ 9,6% và chiếm 49,2% tổng lợi nhuận trên toàn sàn.
So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết trong quý I/2024 đã tăng nhẹ 9,6% và chiếm 49,2% tổng lợi nhuận trên toàn sàn.

Ngược lại, lợi nhuận sau thuế của VCB lại giảm 4,5% so với cùng kỳ, BID tăng nhẹ 6,4% và CTG tăng 3,5%, MBB so với cùng kỳ đã giảm 11,2%, lợi nhuận của ACB giảm 5,6%. Đây là những nhà băng có mức tăng trưởng chậm hoặc giảm nhẹ trong quý đầu năm nay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu cộng thêm NIM chịu áp lực.

Ngành bất động sản: Mức tăng trưởng giảm mạnh

So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của ngành bất động sản đã giảm mạnh gần 62%. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh từ mức 21,9% xuống còn 16,2% vì chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý đồng loạt tăng lên. 

Trong quý I/2024, doanh thu của "ông lớn" Vinhomes đã giảm mạnh 72% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế cũng lao dốc 92,4% đã tác động mạnh đến lợi nhuận chung của toàn ngành.

So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của ngành bất động sản đã giảm mạnh gần 62%.
So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của ngành bất động sản đã giảm mạnh gần 62%.

Nếu loại trừ Vinhomes, tổng lợi nhuận toàn ngành bất động sản trong quý đầu năm nay đã tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng doanh thu vẫn giảm 21,6%. Đóng góp tích cực vào mức tăng chung của toàn ngành gồm có: Vingroup (tăng 126%), IDC (tăng 355%) và DXG (tăng 166%), ngoài ra còn có TCH (tăng 117%), CRV (tăng 134%) và AGG (tăng gấp 17 lần cùng kỳ).

Các nhóm ngành phục hồi trở lại

So với cùng kỳ năm trước, ngành bán lẻ quý I/2024 đã tăng mạnh 367% nhờ mức tăng trưởng ấn tượng của 2 doanh nghiệp đầu ngành là MWG cùng FRT. Cụ thể, MWG đã lấy lại mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong 6 quý và tăng 41 lần so với cùng kỳ năm trước; trong khi FRT đã lãi trở lại sau 3 quý liên tiếp thua lỗ, so với cùng kỳ đã tăng 28 lần.

Biên lợi nhuận gộp của nhóm ngành bán lẻ cũng được cải thiện đáng kể, từ mức 15,4% lên 17,5%. Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng đã giảm từ mức 6,6% dư nợ xuống còn 3,9% dư nợ.

Sau chuỗi thời gian dài chìm trong thua lỗ, ngành du lịch và giải trí đã phục hồi trở lại trong quý đầu năm nay. Doanh thu thuần theo quý của HVN được ghi nhận ở mức cao kỷ lục với mức tăng 19% so với cùng kỳ năm trước nhờ sự phục hồi mạnh cả về thị phần lẫn giá vé, cộng thêm khoản thu nhập đột biến từ hoạt động xóa nợ của công ty con Pacific Airlines.

Cũng trong kỳ này, một số doanh nghiệp khác trong ngành cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng như: VJC (tăng 212%), ACV (tăng 78%), SCS (tăng 30%) và AST (tăng 46%).

Một số nhóm ngành duy trì tăng trưởng tích cực

Theo báo cáo của SSI Research, ngành dịch vụ tài chính so với cùng kỳ năm trước đã tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 103%, đưa lợi nhuận sau thuế đạt đỉnh kể từ quý II/2022. Hiệu quả hoạt động đã được cải thiện đáng kể trong bối cảnh doanh thu ổn định, lợi nhuận sau thuế tăng 36,1% chủ yếu là nhờ biên lợi nhuận gộp đã tăng từ mức 52,6% lên 60,9%.

So với cùng kỳ, ngành tài nguyên cơ bản trong quý I/2023 có lợi nhuận sau thuế tăng 208% nhưng doanh thu chỉ nhích nhẹ 5,8%. Đứng đầu về mức độ tăng trưởng chính là nhóm thép với các đại diện tiêu biểu như HPG tăng 648%, NKG tăng 405% và SMC tăng 759%); tiếp đến là nhóm Gỗ với ACG tăng 124% và PTB tăng 44%. Ngược lại, MSR trong quý đầu năm nay tiếp tục lỗ 702 tỷ đồng.

Quý I/2024, ngành viễn thông ghi nhận mức tăng trưởng 95% so cùng kỳ năm 2023. Mức tăng ấn tượng này chủ yếu được đóng góp từ mức tăng mạnh mẽ lên đến 175% của VGI (do mức tăng trưởng khả quan từ những thị trường nước ngoài).

So với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của ngành xây dựng cũng tăng 125% nhờ sự cải thiện của hàng loạt các doanh nghiệp trong ngành như HBC, VCG, CII, LCG, VGC và CTD. Doanh thu so với quý I/2023 đã tăng 26%; khi chi phí quản lý và chi phí lãi vay kéo nhau giảm mạnh giúp lợi nhuận ngành được cải thiện.

Ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Quý đầu năm nay, biên lợi nhuận gộp của nhóm ngành phi tài chính đã có sự cải thiện tích cực và đạt mức 14,9%, trong khi cùng kỳ năm trước là 14,4% và quý IV/2023 là 13,8%.

Đồng thời, biên lợi nhuận ròng trung bình cũng tăng lên 5,9%, đạt mức đỉnh trong 7 quý gần đây. Những ngành có mức cải thiện tốt nhất trong quý này là du lịch và giải trí, viễn thông, thực phẩm và đồ uống, bán lẻ, ô tô và phụ tùng.

Quý đầu năm nay, biên lợi nhuận gộp của nhóm ngành phi tài chính đã có sự cải thiện tích cực và đạt mức 14,9%.
Quý đầu năm nay, biên lợi nhuận gộp của nhóm ngành phi tài chính đã có sự cải thiện tích cực và đạt mức 14,9%.
Biên lợi nhuận ròng trung bình cũng tăng lên 5,9%, đạt mức đỉnh trong 7 quý gần đây.
Biên lợi nhuận ròng trung bình cũng tăng lên 5,9%, đạt mức đỉnh trong 7 quý gần đây.

Từ mức đỉnh 7,8% của quý II/2023, tỷ lệ chi phí lãi vay trên tổng vay nợ của nhóm phi tài chính cũng đã giảm mạnh về mức 5,8%. Theo đó, tổng chi phí lãi vay cũng đã giảm từ mức 19.700 tỷ đồng trong quý II/2023 xuống còn 15.200 tỷ đồng trong quý I/2024 dù tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã có sự tăng nhẹ.

Theo đơn vị phân tích, thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất hiện nay đang ngày càng giảm, thể hiện tác động tích cực giúp giảm bớt áp lực lãi vay lên các doanh nghiệp. Hệ số thanh toán lãi vay tăng trưởng tích cực, trung bình trong quý I/2024 ở mức 4,74 lần trong khi quý IV/2022 chỉ ở mức 3,21 lần.

So với quý trước, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ổn định ở mức 0,62 lần, trong khi lợi nhuận ngày càng tăng dần cũng giúp cải thiện sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp. Theo đó, ROE nhóm phi tài chính đã cải thiện từ mức 8,2% trong quý I/2023 lên 10,6% trong kỳ này.

Từ mức đỉnh 7,8% của quý II/2023, tỷ lệ chi phí lãi vay trên tổng vay nợ của nhóm phi tài chính cũng đã giảm mạnh về mức 5,8%.
Từ mức đỉnh 7,8% của quý II/2023, tỷ lệ chi phí lãi vay trên tổng vay nợ của nhóm phi tài chính cũng đã giảm mạnh về mức 5,8%.
Ảnh: SSI Research
Ảnh: SSI Research

Theo nhận định của SSI, dù một số ngành như bất động sản, điện, nước, xăng dầu và khí đốt trong quý đầu năm nay vẫn đang trong chu kỳ giảm; song phần lớn những ngành còn lại đều đang từng bước phục hồi và ghi nhận sức khỏe tài chính ngày càng cải thiện. Đơn vị phân tích này dự đoán, có thể lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý I/2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, bước sang giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn./.

Nguyễn Thị Thùy
Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Chứng khoán Mỹ tạo hiệu ứng tích cực, VN-Index có khả năng vượt đỉnh ngắn hạn lên 1.300 điểm

TP.HCM sẽ thiếu nguồn cung nhà ở trầm trọng trong năm 2024

Chuyên gia nói gì khi thế hệ Gen Z chạy đua theo xu hướng “tiết kiệm ồn ào”?

Chờ Nghị định 24 sửa đổi để ổn định thị trường vàng

Loạt doanh nghiệp chốt quyền cổ tức tuần này (từ 20-24/5): Tỷ lệ tiền mặt cao nhất lên đến 350%

Làn sóng FDI thứ 4 dồn dập vào Việt Nam, những doanh nghiệp nào được hưởng lợi?

Kinh tế tăng trưởng với nhiều điểm tích cực

Open API - chìa khóa mở ra hệ sinh thái số ngân hàng

Tin mới cập nhật

TP.HCM sẽ thiếu nguồn cung nhà ở trầm trọng trong năm 2024

9 giờ trước

Chứng khoán Mỹ tạo hiệu ứng tích cực, VN-Index có khả năng vượt đỉnh ngắn hạn lên 1.300 điểm

9 giờ trước

Chuyên gia nói gì khi thế hệ Gen Z chạy đua theo xu hướng “tiết kiệm ồn ào”?

9 giờ trước

Chờ Nghị định 24 sửa đổi để ổn định thị trường vàng

9 giờ trước

Loạt doanh nghiệp chốt quyền cổ tức tuần này (từ 20-24/5): Tỷ lệ tiền mặt cao nhất lên đến 350%

10 giờ trước