Dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt mức cao của thế giới

Thứ năm, 20/10/2022-20:10
Kể từ đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực bất chấp nền kinh tế của các khu vực và trên thế giới gặp khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất trong 9 tháng kể từ năm 2011 tới nay. 

Vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra

Theo thuenhanuoc.vn, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Một trong những nội dung nổi bật của báo cáo là tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp gây ra nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, ước tính cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. 

GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, đất là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022, đặc biệt trong quý III/2022 GDP tăng 13,67%. 
Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, có 44/63 tỉnh, thành phố ghi nhận tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt trên 6%. 

"Ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu", báo cáo của Uỷ ban Kinh tế nêu.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, trong 9 tháng đầu năm 2022, ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới. Tính bình quân 9 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Ước tính cả năm CPI tăng khoảng 4%, đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm. 

Cũng trong 9 tháng đầu năm, đã có hơn 163.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, đây là mức cao nhất trong giai đoạn cùng kỳ từ trước đến nay, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, thuộc 15/17 ngành, đặc biệt phục hồi mạnh mẽ trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. 

Theo ông Vũ Hồng Thanh, trong bối cảnh Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất ở mức độ lớn với tần suất cao, trên thị trường thế giới USD tăng giá, nhiều đồng tiền mất giá lớn so với USD. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD trong 9 tháng chỉ tăng 4,8%, VND được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. 

"Thanh khoản thị trường tiền tệ được bảo đảm, sẵn sàng cung ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát. Điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát", báo cáo cho biết.


Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Thu ngân sách Nhà nước trong 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong 9 tháng đã thực hiện được hơn 60 nghìn tỷ đồng, trong đó, số tiền miễn thuế, phí, lệ phí khoảng 40 nghìn tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch năm 2022; giải ngân cho vay hỗ trợ tạo việc làm 7 nghìn tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2022.

Quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá sâu, kỹ hơn một số vấn đề. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ triển khai quyết liệt, song kết quả còn khiêm tốn. Tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn khá thấp, mới đạt 20% tổng số vốn của Chương trình (tính đến ngày 28/9/2022).

Ủy ban Kinh tế đánh giá tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tiếp tục chậm. Tính đến ngày 30/9/2022, ước giải ngân vốn đầu tư công là 253.148,12 tỷ đồng, mới chỉ đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Dự kiến tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt mức cao của thế giới - ảnh 3

Mặc dù tình hình lạm phát được kiểm soát, nhưng trong giai đoạn nửa đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng liên tục đạt mức kỷ lục, khiến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. 

Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, một trong các chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu…

Kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. 

Theo đó, chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt hơn và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế, đồng thời thận trọng với rủi ro lạm phát. 
"Việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán để kiểm soát lạm phát, hạn chế rủi ro tài chính", báo cáo của Uỷ ban kinh tế nêu.


Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, cần duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, đặc biệt là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vàng. Cần lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng.

"Đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, xử lý thực chất và hiệu quả các ngân hàng yếu kém, chú trọng tăng cường tiềm lực cho hệ thống các ngân hàng thương mại bằng các giải pháp tăng vốn, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước", Uỷ ban Kinh tế đề nghị.

Về chính sách tài khóa, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần phải phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với liều lượng phù hợp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ủy ban Kinh tế cho rằng, dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn còn, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải đảm bảo có hướng đích và có mục tiêu. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Loạt chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Quy định mới nhất về căn cứ tính tiền sử dụng đất theo Luật đất đai 2024

Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Tin mới cập nhật

Gen Z cùng xu hướng học đầu tư chứng khoán, quyết không để tiền nhàn rỗi

10 giờ trước

Sáng cửa thuê, mua nhà ở xã hội

12 giờ trước

Việt Nam phát triển thương mại điện tử chưa bền vững

13 giờ trước

Trợ lực nào cho cổ phiếu bất động sản tăng giá?

16 giờ trước

Các nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng ra sao nếu Mỹ cấm TikTok?

17 giờ trước