Người mua trả góp điêu đứng trong cơn bão lãi suất (Bài 4): Buồn cảnh mua nhà bán sức khỏe

Thứ bảy, 25/03/2023-07:03
Ngày mới của tôi bắt đầu từ 4 giờ sáng và không có giờ kết thúc. Tất cả cuộc sống cũng đảo lộn theo vì giấc mơ an cư giờ đang chuyển thành “gánh nặng” nợ lãi khi mua nhà.

LTS:

Tích cóp nhiều năm để mua được một căn nhà trả góp, nhưng gánh nặng trả nợ kéo dài sau đó mới thực sự là nỗi ám ảnh. Những tưởng, cuộc sống sẽ ổn định, mỗi tháng bóp mồm, bóp miệng một chút là có được căn nhà Hà Nội. Nhưng không... Khi khó khăn kinh tế leo thang, lãi suất tăng vọt thì giấc mơ đã trở thành một gánh lo đè nặng.

Bán hàng online, chạy thêm grab, làm thêm đủ thứ việc để có tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Nhiều người đã chọn cách này để “nuôi” tiếp giấc mơ an cư. Nhưng không phải ai cũng nghị lực như vậy. Nhất là khi kinh tế suy thoái, khủng hoảng kinh tế, thu nhập giảm sút, lãi suất ngân hàng tăng cao. Một số người đã phải bán nhà, bán tài sản để trả nợ vì không thể gồng nổi lãi suất đang thả nổi như hiện nay.

Bán nhà, bán tài sản để trút gánh nợ ngân hàng, chấm dứt những nỗi ám ảnh về tiền trả góp hàng tháng cũng đồng nghĩa với việc họ chấp nhận quay trở về điểm xuất phát. Đó thật sự không phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng có lẽ trong điều kiện hiện tại, nhiều trong số họ không có sự lựa chọn nào khác.

Những câu chuyện, những mảnh đời mà chúng tôi ghi lại trong tuyến bài: “Người mua trả góp quay cuồng trong cơn bão lãi suất”, như tiếng lòng của rất nhiều gia đình trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ thiết thực hơn từ cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng cho những gia đình quá khó khăn với câu chuyện mua nhà trả góp.

Làm tất cả chỉ để…có nhà

“Nhiều khi nghĩ mình có quá cố chấp không khi cứ cố gắng bán sức lao động để có một căn nhà của riêng mình”, chị Thanh (35 tuổi – nhân viên văn phòng ở Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ sau 2 năm cày cuốc đủ đường để trả nợ mua nhà.

Chị Thanh nói, khi quyết định mua nhà, vợ chồng chị cũng cân đo đong đếm nhiều mới quyết định mua. Thời điểm cách đây 3 năm, vợ chồng chị có tìm hiểu về các dự án nhà ở xã hội vì có gói lãi suất ưu đãi. Thế nhưng, nhà ở xã hội xây mới giá tưởng rẻ khi có hơn 1 tỷ đã có nhà nhưng tiền “chênh” lên tới 300 đến 400 triệu đồng. Liều mình mua qua môi giới, bỏ tiền để “chắc suất” nhưng cuối cùng vợ chồng chị vẫn mua “hụt”, môi giới trả lại tiền vì hết suất. 


Từ nhân viên văn phòng, chị Thanh làm việc không có giờ nghỉ để kiếm thêm tiền trả lãi khi lãi suất ngân hàng ngày càng tăng cao. Anh NVCC
Từ nhân viên văn phòng, chị Thanh làm việc không có giờ nghỉ để kiếm thêm tiền trả lãi khi lãi suất ngân hàng ngày càng tăng cao. Anh NVCC

Mua nhà xây mới không thành, vợ chồng chị Thanh tìm tới những dự án đã vận hành. Các dự án này bắt buộc phải mua lại từ người đã sở hữu nhà. Thế nhưng, nếu mua hình thức này, vợ chồng chị phải bỏ một số tiền lớn và chấp nhận trả tiếp số tiền chủ nhà còn vay ngân hàng. Số tiền ban đầu phải bỏ ra tới hơn 1 tỷ đồng, số tiền vay còn lại khoảng 300-400 triệu trả theo tháng, tính ra mỗi tháng vợ chồng chị trả thêm khoảng 5 triệu đồng trong 15-20 năm. Với mức trả khoảng 5 triệu/ tháng anh chỉ có thể lo được nhưng hơn 1 tỷ đồng phải bỏ ra ban đầu nằm ngoài sức của anh chị. Trong khi mọi giấy tờ thủ tục chỉ qua công chứng bởi chủ nhà ở xã hội không được phép chuyển nhượng dự án trong 5 năm nên vợ chồng chị Thanh đã ngậm ngùi chuyển hướng mua nhà ở thương mại. Lý do bởi, với các dự án đang bắt đầu mở bán, vợ chồng chị chỉ phải nộp đầu vào khoảng 50 triệu đồng và sau đó đóng theo tiến độ, ngân hàng hỗ trợ giải ngân tới 70% giá trị nhà, hưởng ân hạn lãi suất 24 tháng. 

Thời điểm năm 2019 khi gia đình chị Thanh quyết định mua căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 55m2 với giá 1,8 tỷ đồng, vợ chồng chị đặt cọc 50 triệu đồng và sau đó trả theo tiến độ được 30% căn hộ, vay tối đa 70% căn hộ trong 35 năm. Năm 2020, gia đình chị Thanh chính thức nhận nhà và hưởng ân hạn lãi suất tới 24 tháng. Giữa năm 2022, ân hạn lãi suất căn hộ của mình đã hết, chị Thanh mới thật sự “ngã ngửa” khi bước vào cuộc sống “cày tiền nuôi bank”.

“Tháng đầu tiên đóng 11% tiền lãi cộng với gần 3 triệu đồng tiền gốc, tổng là hơn 15 triệu. Vài tháng sau, lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng, với số tiền 1,2 tỷ đồng còn nợ, với lãi suất 13% tính sơ mỗi tháng riêng tiền lãi cũng hoa mắt chóng mặt. Nếu tháng nào cũng đóng như vậy, không biết mình “trụ” được đến bao giờ”, chị Thanh ngán ngẩm chia sẻ.


Chồng chị Thanh cũng bị "lôi" vào kinh doanh để có thêm tiền trang trải. Ảnh NVCC
Chồng chị Thanh cũng bị "lôi" vào kinh doanh để có thêm tiền trang trải. Ảnh NVCC

Tìm đủ mọi mối quen, chị Thanh vay được 200 triệu để giảm số tiền gốc còn nợ ở ngân hàng để giảm bớt số tiền phải đóng mỗi tháng chị vẫn phải đóng tới hơn 11 triệu đồng mỗi tháng. 

“Ở kiểu này không khác gì đi thuê nhà giá cao em ạ. Mỗi ngày từ trên giường bong xuống đất đã mất ít nhất 500 nghìn đồng tiền nhà. Đi làm đủ được tiền nhà thì chi tiêu gia đình, học hành con cái phải dè xẻn tối đa. Nhiều nghĩ sao có nhà mà khổ quá”, chị Thanh chia sẻ. 

Buông bỏ cũng không xong

Không muốn bán nhà, chị Thanh đã xoay sở đủ kiểu để có tiền trả lãi hàng tháng. Chị Thanh kể, vợ chồng chị làm nhân viên văn phòng, 1 tháng cố gắng thu nhập cả hai được khoảng 40 triệu đồng. Đáng lẽ ra với số tiền lương cố định này, vợ chồng chị có thể có cuộc sống dễ thở tại thành phố. Thế nhưng mua nhà, số tiền lương của chồng dùng để trả lãi ngân hàng và chi tiêu cá nhân, lo các khoản nên nội như giỗ chạp, cưới hỏi,… Còn số tiền lương của chị dùng để lo tiền học hành cho 2 con, chi tiêu trong gia đình và lo bên ngoại. 

Đồng lòng mua nhà nên ban đầu, phân chia rõ ràng nên anh chị cũng cố gắng lo phần chi tiêu của mình. Thế nhưng, lãi suất ngân hàng mỗi tháng một cao, phần lương của chồng chị Thanh mỗi tháng chi cho khoản mua nhà ngày càng cao, đồng nghĩa các khoản chi tiêu khác bị co hẹp lại. Thấy mua nhà của mình nhưng bỏ số tiền hàng tháng quá lớn, chồng chị Thanh đòi bán nhà để đi thuê cho “dễ thở”. Vợ chồng lục đục, cãi vã nhau vì chuyện bán nhà – giữ nhà. Để cố giữ “tổ ấm” cho hai con chị Thanh đã phải dấn thân đi buôn bán thêm để kiếm thêm tiền phụ chồng trả lãi ngân hàng.

“Trước đây, 6 giờ 30 sáng mình mới bắt đầu môt ngày mới, lo cho 2 con rồi đưa con đi học, mình đi làm, 8 giờ có mặt ở công sở, chiều 5 giờ về đón con. Nhưng giờ một ngày của mình giờ bắt đầu từ 4 giờ sáng. Mình bán thêm đồ ăn sáng trong chung cư. 4 giờ phải dậy để nấu cháo, làm nhân bánh mì để kịp phục vụ cư dân. 6 giờ bắt đầu có đơn, mình lại tất bật làm rồi đi ship. Việc đánh thức 2 con, cho con ăn, đưa con đi học chồng mình phải đảm nhiệm hết. Còn mình bán hàng tới gần 8 giờ là lục đục thay đồ để đến công ty. Có khi vội, ăn mặc lôi thôi, tay chân vẫn vương mùi cháo, mùi bánh mì vẫn phải chạy đi làm cho kịp giờ”, chị Thanh kể lại.

Không chỉ bán hàng thêm buổi sáng, chị Thanh còn kiếm thêm mối bán sữa bỉm thực phẩm chức năng vào buổi tối. Mùa nào thức nấy, cứ có đơn là chị… lên đường. Con cái cũng không còn nhiều thời gian chăm chút như trước mà phó mặc hết vào chồng. Có khi, đơn hàng nhiều, chị lôi cả chồng vào đi ship cho kịp. Có những ngày 11 giờ đêm, con đã ngủ, vợ chồng vẫn hì hục sắp đơn để đi ship cho khách hàng. Trở về nhà, mệt không buồn nói, tình cảm vợ chồng cũng không còn mặn nồng mà chỉ xoay quanh cơm áo gạo tiền. 

“Chồng mình nói, tiền cũng cần, nhà cũng cần nhưng sức khỏe cần hơn. Đừng vì mua nhà mà bán sức khỏe, sau này bán nhà để mua sức khỏe đó. Nhưng mình kệ, giờ còn trẻ, còn sức khỏe, cố gắng một chút để con cái có nhà để ở mình vẫn cố được”, chị Thanh nói.


Gia đình chị Thanh không thể thống kê một ngày làm việc bao nhiêu giờ vì quá nhiều áp lực đè nặng. Ảnh NVCC
Gia đình chị Thanh không thể thống kê một ngày làm việc bao nhiêu giờ vì quá nhiều áp lực đè nặng. Ảnh NVCC

Thấy buôn bán cố gắng nhưng vẫn ít đơn, xem được quảng cáo về khóa học miễn phí để kinh doanh online hiệu quả, thấy phù hợp, chị Thanh đăng kí học 2 buổi để học bí kíp tăng đơn. Thế nhưng tăng đơn đâu chẳng thấy, chị mất trắng 2 triệu đồng đăng kí khóa học để rồi… tiền mất tật mang. 

“Thầy giáo khóa học ban đầu chia sẻ các thông tin về các “capo thủ” bán hàng doanh thu cả trăm triệu mỗi tháng, nghe thấy ham nên tôi kiên trì tham gia. Cuối buổi học, nhân viên của hệ thống có thông báo buổi học không thu học phí và thầy giáo sẽ giúp học viên bán hàng hiệu quả hơn, học viên cần nộp khoản tiền cam kết là 2 triệu đồng để đảm bảo làm theo các hướng dẫn để tăng đơn. Nếu làm đủ theo hướng dẫn, sau thời gian quy định trung tâm sẽ hoàn lại số tiền trên. Nghe thấy cũng hợp lý nên tôi đã nhanh chóng chuyển khoản số tiền để mong có người dạy mình kinh doanh online một cách bài bản. Ai ngờ, như bị…lừa”, chị Thanh nói.

Sau khi nộp tiền, chị Thanh được hướng dẫn thời gian đăng bài và “văn mẫu”. Làm theo hướng dẫn 1 tuần nhưng không thấy hiệu quả, thắc mắc với giảng viên thì được trả lời, phải kiên trì làm theo thì mới có kết quả, nếu không làm theo thì trung tâm sẽ không hoàn lại số tiền 2 triệu đồng ban đầu. Nhiều lần phản hồi nhưng vẫn không nhận được sự trợ giúp, chị Thanh đành ngậm ngùi từ bỏ 2 triệu đồng để trở về với cách bán hàng truyền thống trên cách group cư dân.

“Cuộc sống nhiều khi thử thách mình quá. Con cái đã phải chuyển từ trường tư sang trường công để tiết kiệm chi phí. Mọi chi tiêu khác cũng bị cắt giảm. Có khi cả năm vợ chồng không dám mua một bộ quần áo mới. Quá mệt mỏi, mình đã thuận theo chồng bán nhà để đi thuê, dành tiền cho con cái có điều kiện học hành hơn”, chị Thanh chán nản kể.


Gia đình chị Thanh quá quen với việc đêm muộn phải đi ship hàng cho khách hàng.
Gia đình chị Thanh quá quen với việc đêm muộn phải đi ship hàng cho khách hàng.

Thế nhưng việc bán nhà không dễ như anh chị nghĩ. Đăng bán 3 tháng, có vài khách đến hỏi, người chê đắt, người chê “view” xấu, người chê nội thất. Có người thiện chí mua thì lại không giải ngân được gói vay vì ngân hàng hết room. 

Ngán ngẩm cố đăng hội nhóm, nhờ sale “đẩy hàng” từ tháng 10 năm 2022 đến nay vợ chồng chị Thanh vẫn chưa bán được nhà. Ngậm ngùi đóng lãi cao hàng tháng. Chị Thanh chia sẻ, mọi trật tự đảo lộn, cuộc sống vất vả quá sức chịu đựng của chị nhiều khi muốn nghỉ ngơi nhưng nghĩ, hôm nay chưa làm ra được 500 nghìn trả lãi ngân hàng thì chưa được nghỉ chị lại cố gồng lên lao vào công việc.

“Dậy từ tờ mờ sáng, làm việc với công suất cao, thiếu ngủ nên chị xuất hiện thêm chứng tiền đình và cổ vai gáy. Có lẽ cứ tiếp tục như thế này thì dù có bán đi tất cả cũng không mua lại được sức khỏe mà mình bỏ ra trong hai năm qua. Nhưng giờ bán không được, ở không xong, thực sự quá bế tắc”, chị Thanh nói. 

(Còn tiếp)

KHÁNH HÀ
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Vì sao lãi suất vay mua nhà thấp nhưng nhiều người vẫn e ngại chưa “xuống tiền”?

Loạt doanh nghiệp hoãn ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024

Kết quả kinh doanh quý I/2024: Nhóm ngành bất động sản ảm đạm

ĐHĐCĐ HAGL Agrico: Kế hoạch thua lỗ 4 năm liên tiếp, dự kiến đến năm 2028 sẽ lãi 2.450 tỷ đồng

Đất nền lại sốt ảo, cò đất tranh thủ thổi giá

Thương mại điện tử “lên ngôi”, các “đại gia” bất động sản cũng tham gia vào mảng hậu cần

Chu kỳ mới mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản

Chuyên gia gợi ý nhóm ngành có khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý II/2024

Tin mới cập nhật

Vì sao lãi suất vay mua nhà thấp nhưng nhiều người vẫn e ngại chưa “xuống tiền”?

1 giờ trước

Loạt doanh nghiệp hoãn ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024

2 giờ trước

Kết quả kinh doanh quý I/2024: Nhóm ngành bất động sản ảm đạm

3 giờ trước

ĐHĐCĐ HAGL Agrico: Kế hoạch thua lỗ 4 năm liên tiếp, dự kiến đến năm 2028 sẽ lãi 2.450 tỷ đồng

4 giờ trước

Đất nền lại sốt ảo, cò đất tranh thủ thổi giá

5 giờ trước