Điều gì khiến đất Bình Phước hay bị "tạo sóng" gây sốt ảo?

Thứ năm, 29/09/2022-15:09
​​​​​​​Không khởi sắc về giao dịch, hoạt động đầu tư lẻ tẻ, thiếu những dự án lớn, nhưng cứ vài tháng thị trường bất động sản Bình Phước lại tạo sóng. Điều gì đã khiến nơi đây hay dậy sóng và sốt ảo?

Muôn kiểu chiêu trò

Hồi đầu năm 2022, mạng xã hội được dịp sửng sốt bởi clip chốt cọc lia lịa như “hội chợ” mua đất vậy diễn ra ở Lộc Ninh (Bình Phước).

Đoạn video được cho là quay lại cảnh nhà đầu tư chốt cọc lia lịa, nhanh như chớp tại một khu vực bán đất nền. Trong đoạn clip dài hơn 4 phút, một nhóm người môi giới bất động sản tay cầm cặp da và sổ đỏ chạy đi chạy lại thông báo các lô đất đã có khách cọc. Đặc biệt, nhóm người này còn dựng rạp, sử dụng loa thùng mở nhạc lớn khiến bầu không khí tại buổi mua bán đất trở nên nhộn nhịp không khác gì một lễ hội.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút, người cầm micro đứng ở bãi đất trống liên tục thông báo về việc có khách chốt cọc lô đất. Người này liên tục thông báo trên loa công suất lớn về việc: “Lô nào cọc rồi thì nhớ báo rõ để tránh cọc chồng chéo lên nhau”.

Trong đoạn clip, nhóm môi giới thông báo cọc đất cũng giới thiệu đang bán “dự án Lộc Khánh” và liên tục nói về những tiềm năng đầu tư sinh lời của dự án. Chỉ trong khoảng hơn 4 phút, hàng chục lô đất được nhóm người này thông báo đã có khách đặt cọc khiến nhiều người xem không khỏi giật mình.


Công ty tổ chức chốt cọc lia lịa đã bị xử phạt 100 triệu đồng
Công ty tổ chức chốt cọc lia lịa đã bị xử phạt 100 triệu đồng

Sau khi clip này đăng tải, cộng đồng mạng lẫn giới đầu tư BĐS đã nhanh chóng vạch trần chiêu trò của công ty bất động sản. Không chỉ bị vạch trần, công ty tổ chức việc chốt cọc lia lịa đó cũng bị cơ quan chức năng tuýt còi.

Ngay sau đó, UBND huyện Lộc Ninh đã có quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH Địa ốc Nam Khương vì đã vi phạm Nghị định 16 của Chính phủ. Theo quyết định xử phạt, công ty Địc ốc Nam Khương buộc phải nộp phạt số tiền 100 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi “kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản” được quy định tại Điều 59 Nghị định số 16 của Chính phủ ngày 28/1/2022 quy định xử phạt hành chính về xây dựng.

Nhiều tháng qua, thị trường bất động sản cả nước nói chung và Bình Phước nói riêng diễn ra ảm đạm, thậm chí nhiều nơi không có giao dịch. Thế nhưng mới đây, trên mạng lại xuất hiện clip tổ chức mua bán, chốt đất nền diễn ra như hội chợ. Clip này diễn ra khá giống với kịch bản của hồi đầu năm khi người chốt đất nhanh như mua mớ rau ngoài chợ.

Đoạn clip khoảng 40 giây, quay lại cảnh hàng chục người đi ôtô tập trung trong khu đất một bên trồng điều, một bên trồng cao su. Tại khu vực xảy ra vụ việc được xác định là đất nông nghiệp, một con đường đất và một con đường mới đổ đá 1x2.

Trong đoạn clip trên xuất hiện nhóm được cho là nhân viên môi giới cầm bản đồ khu đất liên tục chạy đi chạy lại. Một số người liên tục báo thông tin các lô đất đã chốt mua. “10 bên Lucky cọc nha, 11 bên em cọc rồi nha. ok... hết rồi”.

Sự việc trên khiến dư luận xôn xao và bất ngờ, bởi thời gian qua thị trường bất động sản Bình Phước rất trầm lắng, giao dịch nhỏ giọt. Vậy nên, ngay sau đó nhiều người đều nhận ra rằng đây chỉ là lặp lại chiêu trò chốt cọc lia lịa, tạo sóng thị trường như hồi đầu năm.

Được biết, đoạn clip trên do một nhóm môi giới quay tại huyện Đồng Phú (Bình Phước). Clip xuất hiện tại thời điểm thị trường trầm lắng khiến nhiều người không khỏi buồn cười.

Theo tìm hiểu của PV, không chỉ năm 2022 khu vực Bình Phước mới có các chiêu trò tạo sóng, gây sốt thị trường như vậy. Năm 2018, một chủ đầu tư bán dự án tại Đồng Xoài với khoảng 9-10 đợt mở bán. Mỗi lần mở bán, CĐT này cho các sàn vào “tạo sóng” bằng cách tại sự kiện mở bán, các sàn ùa nhau lên tranh suất cho khách của mình, tạo cảnh xô lấn, thậm chí dẫm đạp lên nhau để tranh suất.

Anh Nguyễn Hoàng Tùng, một môi giới bất động sản lâu năm phân tích, những sự kiện như vậy thu hút khá nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Có thể mục đích ban đầu của khách hàng chỉ là tham quan, nhưng khi nhìn thấy cảnh chốt cọc lia lịa thì không tránh khỏi sốt ruột. Nhiều người dễ bị cuốn vào vòng xoáy đó và xuống tiền cọc ngay tại sự kiện, mặc dù ban đầu chưa có ý định đầu tư.

Anh Quang, một nhà đầu tư mới vào thị trường từng kể lại câu chuyện. này khi bị “lừa” bởi chính việc “tạo sóng” ảo của môi giới. Vì thấy cảnh nóng sốt, mua bán dồn dập từ phía môi giới và khách hàng, mà sau này anh Quang mới biết những khách hàng đó chính là khách mồi, hoặc môi giới đóng làm khách hàng đến dự sự kiện. Sau đó, anh đã “xuống tiền” mua 2 nền đất tại Bình Phước vì chứng kiến không khí mua bán dồn dập tại lễ mở bán. Thế nhưng, sau đó 3 năm nhà đầu tư này bán chênh lên được 5% so với giá mua vào, nhưng cũng khá “trầy trật” mới bán ra được.

Nhận diện các chiêu “lùa gà”

Dư luận, nhà đầu tư không lạ gì các chiêu tạo sóng, gây sốt ảo của môi giới, tuy nhiên cũng không ít người bị cuốn theo như phân tích ở trên.

Trước thực trạng này, các chuyên gia bất động sản cùng chung nhận định, các chiêu “lùa gà” không còn lạ lẫm với thị trường. Đây vốn là chiêu trò các công ty địa ốc đưa ra mỗi khi chuẩn bị tung ra sản phẩm mới nhằm dẫn dụ khách hàng. Hoặc là chiêu “hâm nóng” thị trường sau những ngày ảm đạm.


Các chuyên gia cảnh báo những chiêu "lùa gà" của công ty, sàn bất động sản
Các chuyên gia cảnh báo những chiêu "lùa gà" của công ty, sàn bất động sản

Chị Nguyễn Quỳnh Anh, một nhà đầu tư bất động sản có thâm nhiên đánh giá, những chiêu “lùa gà” chỉ hiệu quả với nhà đầu tư “gà mờ” thôi. Bởi nếu có kinh nghiệm, nhà đầu tư sẽ phân tích, đánh giá một cách kỹ càng rồi mới xuống tiền.

Theo chị Quỳnh Anh, thời điểm hiện tại, ở một vùng như Đồng Phú (Bình Phước) thì rất khó sôi động được. Bởi room tín dụng vừa mở, mà không hẳn chỉ dành cho bất động sản cho nên khó để bùng nổ giao dịch ở đây được.

Thêm nữa, chiêu trò môi giới hô hào, chạy đi chạy lại chốt cọc đã tái diễn nhiều lần, nên nhà đầu tư sẽ không khó để nhận diện.

"Dù là diễn nhưng có thực tế là người mua có mặt tại đó rất dễ bị tác động tâm lý. Khách hàng không khó rơi vào trạng thái sợ giỏ hàng bị chốt hết. Dù vậy, kết quả thực tế tất cả đều là giao dịch ảo, của những nhân viên công ty môi giới với nhau", vị đầu tư này chia sẻ.

Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia nhận định cuối năm có thể sẽ xuất hiện sốt tại nhiều khu vực ở phía Nam, nhưng giao dịch cũng không bùng nổ như mua mớ rau, con cá.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) thông tin, chiêu trò tạo sóng, gây sốt đất xuất hiện từ nhiều năm nay và gây nhiều hệ lụy tiêu cực.


Theo ông Lê Hoàng Châu, môi giới, đầu nậu là tác giả của những chiêu tạo sóng "lùa gà"
Theo ông Lê Hoàng Châu, môi giới, đầu nậu là tác giả của những chiêu tạo sóng "lùa gà"

Chủ tịch HoREA cho cho rằng, chính môi giới, đầu nậu đất nền là “tác giả” của những chiêu trò tạo sóng, gây sốt đất, thổi giá. Những người này sẽ thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá - thổi giá, lợi dụng tâm lý đám đông - hám lợi, cài “chim mồi” giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội “đục nước béo cò”, trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, “chống lưng” của cán bộ cơ sở.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cứ 10 người tham gia thị trường khi sốt đất thì có tới 8 người là chạy theo số đông, phần đông họ là nhà đầu tư tay ngang, sập bẫy sốt đất.

Thực tế tại các địa phương có nhiều điểm nóng như Bình Phước, Bình Ba (Bà Rịa - Vũng Tàu)…, nhiều miếng đất sang tay qua cả 6 - 7 người nhưng mới chỉ đặt cọc chứ chưa làm công chứng sang tên, chủ yếu là khách mua đất với mục đích lướt sóng. Môi giới dẫn khách vào đặt cọc nhưng ngay sau đó lại đưa khách mới vào đặt cọc cao hơn với mục đích thổi giá thị trường, đánh vào lòng tham của người mua.

Phần đông môi giới về vùng ven như Bình Phước để bán dự án là những người ít am hiểu địa bàn, đi theo dự án của CĐT. Bán xong dự án này, qua dự án khác và cũng “quên luôn khách hàng cũ” là điều dễ thấy. Có chăng, những môi giới này chỉ giữ lại “danh bạ” của khách hàng đã mua dự án cũ và liên tục gọi điện, mục đích chào mua dự án mới.

Các chuyên gia nhận định, việc sốt đất trên mạng như vừa xảy ra đa phần là tự phát, tự biên tự diễn của công ty bất động sản, môi giới. Vì vậy, nhà đầu tư nên cảnh giác, thận trọng và tìm hiểu kỹ trước khi quyết định xuống tiền.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Trợ lực nào cho cổ phiếu bất động sản tăng giá?

Các nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng ra sao nếu Mỹ cấm TikTok?

Gen Z lần đầu tiên đi mua nhà cần chuẩn bị những gì?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Vingroup sẽ không bao giờ buông bỏ VinFast vì đó là sứ mệnh, danh dự và tương lai

Người dân sẽ mất nhiều thời gian hơn để sở hữu được nhà ở

ĐHĐCĐ Vinamilk: Kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 9.300 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 38,5%

Nhiều “chất xúc tác” tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán

Các thương hiệu quốc tế tăng tốc tìm kiếm mặt bằng, thị trường bán lẻ Việt Nam dần sôi động

Tin mới cập nhật

Trợ lực nào cho cổ phiếu bất động sản tăng giá?

1 giờ trước

Các nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng ra sao nếu Mỹ cấm TikTok?

2 giờ trước

Gen Z lần đầu tiên đi mua nhà cần chuẩn bị những gì?

2 giờ trước

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Vingroup sẽ không bao giờ buông bỏ VinFast vì đó là sứ mệnh, danh dự và tương lai

3 giờ trước

Người dân sẽ mất nhiều thời gian hơn để sở hữu được nhà ở

3 giờ trước