Chuyên gia VPBankS: VN-Index đang bước vào con sóng lớn thứ 4 trong lịch sử

Thứ sáu, 29/03/2024-10:03
Vị chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn phục hồi, thị trường có thể xuất hiện bẫy giảm giá, nhưng “con sóng” lớn của thị trường chứng khoán vẫn đang tiếp tục diễn ra trong khoảng 2 năm tới.

Định giá chứng khoán Việt Nam tương đối hấp dẫn

Chỉ số VN-Index đã miệt mài đi lên trong suốt 5 tháng qua với mức tăng hơn 200 điểm lên những vùng điểm cao mới. Câu hỏi lớn được nhà đầu tư đặt ra lúc này là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến ra sao với những biến số vĩ mô như tỷ giá tăng cao, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, triển vọng tăng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam hay việc chứng khoán Mỹ và Nhật Bản điều chỉnh sau giai đoạn thăng hoa?

Nhận định về bối cảnh thị trường, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho rằng, trong chu kỳ nới lỏng tiền tệ, thị trường chứng khoán sẽ đi lên trong 1-2 năm tới. Ngoài câu chuyện chính sách nới lỏng và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán cũng sẽ là yếu tố dẫn dắt đà tăng của thị trường.


Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS

Minh chứng là niềm tin trên thị trường đã trở lại và dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán. Khởi đầu năm 2023, thanh khoản trung bình chỉ ở mức 13.000-14.000 tỷ đồng/phiên, trung bình cả năm khoảng 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2024 đã chứng kiến nhiều phiên giao dịch 1-2 tỷ USD xuất hiện.

Trên thực tế, dòng tiền rục rịch tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2022, dựa trên kỳ vọng phục hồi nền kinh tế và kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu. Các chuyên gia trong lĩnh vực dự báo thanh khoản trung bình năm 2024 ước tính ở kịch bản cơ sở thanh khoản sẽ đạt khoảng 23.400 tỷ đồng, cao nhất có thể đạt trên 32.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, tiền gửi tại các công ty chứng khoán cũng tăng lên trong các quý cuối năm 2023. Xu hướng này cho thấy niềm tin đã phục hồi trở lại khi tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện.

Có thể thấy, lợi nhuận các doanh nghiệp đã tạo đáy và tăng trưởng trong giai đoạn 2024-2025 trên nền thấp. Trong đó, các nhóm doanh nghiệp chứng khoán, công nghệ thông tin và ngân hàng được cho sẽ phục hồi sớm, trong khi đó, bất động sản đã chững lại nhưng sẽ bật tăng mạnh trong thời gian tới.


Định giá chứng khoán vẫn hợp lý để thu hút dòng tiền.
Định giá chứng khoán vẫn hợp lý để thu hút dòng tiền.

Hiện tại, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh về mức thấp hơn trung bình 10 năm. Cụ thể, sau khi lên mức P/E 17.x lần tại vùng đỉnh tháng 9/2023, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh trở lại và định giá trở về mức hấp dẫn hơn khi đang giao dịch ở mức 15,4 lần, thấp hơn mức trung bình 10 năm (16,6 lần). Với dự báo lợi nhuận năm 2024 tiếp tục phục hồi, mức định giá trên được đánh giá chưa đắt và vẫn là cơ sở để hút dòng tiền tham gia trở lại.

Thậm chí, nếu so với các thị trường chứng khoán trong khu vực và Emerging Market, thì định giá thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối hấp dẫn. Nếu định giá theo P/E forward và P/B của Việt Nam vẫn đang ở mức hấp dẫn, thấp hơn nhiều so với khu vực MSCI Emerging hay một số quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, ROE của Việt Nam cũng nằm trong các quốc gia có ROE cao, đồng thời P/E cũng ở mức hấp dẫn.

VN-Index đang bước vào con sóng lớn thứ 4 trong lịch sử

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước qua sóng điều chỉnh mạnh của năm 2022 và chuyển sang giai đoạn tích lũy và hồi phục trong năm 2023. Năm 2024, xu hướng của thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc hơn khi được hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tiếp tục được duy trì với lãi suất điều hành và lãi suất ngắn hạn đang giảm dần, lợi suất trái phiếu giảm, các gói hỗ trợ kích cầu kinh tế được tung ra.

Vị chuyên gia đến từ VPBankS nhận định đây là giai đoạn sóng lớn thứ 4 trong lịch sử của thị trường chứng khoán. Nhìn lại thị trường năm 2007 có sóng WTO, năm 2017 có sóng thoái vốn, năm 2021 diễn ra sóng Covid và hiện tại sẽ là sóng Emerging. Theo chuyên gia, con sóng lớn của thị trường chứng khoán sẽ diễn ra trong năm nay và năm sau.


VN-Index đang bước vào con sóng lớn thứ 4 trong lịch sử thị trường chứng khoán.
VN-Index đang bước vào con sóng lớn thứ 4 trong lịch sử thị trường chứng khoán.

Tuy vậy, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng, trong giai đoạn phục hồi này, thị trường có thể sẽ xuất hiện bẫy giảm giá, nhịp điều chỉnh sâu. Chuyên gia cho biết, VN-Index hiện đang kiểm nghiệm lại vùng kháng cự mạnh và có khả năng xuất hiện những nhịp điều chỉnh khi nhóm chứng khoán, ngân hàng tái định giá. Tuy nhiên, giai đoạn thị trường giảm 7-10% sẽ mở ra vị thế mua cũng như nắm giữ tốt cho cả nhà đầu tư ngắn và trung hạn. Tổng thể năm 2024 sẽ có xu hướng “sóng gối sóng”. Sau nhịp “chỉnh cân bằng”, các nhóm ngành sẽ có nhiều cơ hội để hồi phục và tăng giá trở lại.

Dự báo cho chỉ số VN-Index năm 2024, chuyên gia VPBankS cho ằng, chỉ số chính có thể đạt mốc cao nhất trong năm 2024 ở mức 1.326 -1.350 điểm (tăng 17% so với năm trước), vùng dao động chính của VN-Index quanh mốc 1.200 điểm (+/- 50 điểm). Mức thấp nhất trong năm nay có thể ở vùng hỗ trợ 1.100 điểm.

Dựa trên các phân tích về diễn biến của VN-Index, ông Sơn đưa ra 9 cổ phiếu có thể hưởng lợi từ việc nâng hạng mà nhà đầu tư có thể theo dõi vao gồm VCB, VHM, VIC, VNM, MSN, VRE, VJC và SSI. Theo chuyên gia, đây là những cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như có khả năng bứt tốc nhanh khi dòng vốn chủ động và thụ động cùng tham gia vào thị trường.

Còn trong ngắn hạn, những nhóm cổ phiếu được chuyên gia VPBankS khuyến nghị liên quan đến câu chuyện bán lẻ (thu nhập bình quân đầu người tăng, nền kinh tế phục hồi), bất động sản khu công nghiệp (làn sóng FDI đổ vào Việt Nam mạnh mẽ trong những năm gần đây); ngành thép (nhu cầu thép trên thế giới phục hồi); ngành chứng khoán (câu chuyện thị trường phát triển, nâng hạng và tăng vốn).

Ngoài ra, một nhóm ngành tâm điểm khác là ngân hàng với các luận điểm đầu tư như NIM 2024 kỳ vọng phục hồi ở hầu hết các ngân hàng lớn, thu nhập ngoài lãi sẽ phục hồi từ nền thấp của năm 2023, chất lượng tài sản được cải thiện. Về định giá, cả P/E và P/B đều chưa chạm mức trung bình từ 2013 nên ngành ngân hàng vẫn đang giao dịch ở mức tương đối hấp dẫn.

Trong thư gửi các nhà đầu tư, ông Petri Deryng - Nhà quản lý quỹ Pyn Elite Fund cho biết, chỉ số VN-Index đã đạt đỉnh hơn 1.500 điểm cách đây vài năm và hiện đang giao dịch thấp hơn mức đỉnh gần 20%. Từ tháng 11/2023, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đã dần ghi nhận xu hướng tăng. Sang năm 2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trở lại khi thị trường tiền tệ trong nước trở lại trạng thái bình thường từ cuối năm ngoái. Quỹ ngoại này dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ đạt 25% trong năm 2024.

Các nền tảng cơ bản cho đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ bất chấp những cản trở tạm thời hiện tại. Các quốc gia trong khu vực được mang ra so sánh với Việt Nam gồm có Thái Lan, Philippines và Indonesia. Các vị thế của nền kinh tế và điều kiện tăng trưởng trong dài hạn của Việt Nam là mạnh mẽ nhất so với các quốc gia trên.

Một nền kinh tế tăng trưởng vững chắc và ít rủi ro khi có dòng tiền nước ngoài chảy vào đầu tư công nghiệp thay vì nhập khẩu hàng tiêu dùng. Thực tế tại Việt Nam, vốn FDI đang chiếm hơn 4% GDP, đây là con số ấn tượng khi đánh giá các rủi ro đối với điều kiện kinh tế vĩ mô trong những năm tới.

Những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng năng lượng, giao thông, nhưng vẫn duy trì được nợ công/GDP ở mức thấp hơn nhiều so với giới hạn quy định. Ông Petri Deryng nhận định, xét trên triển vọng tăng trưởng dài hạn tích cực, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện thêm một số dự án đầu tư công với quy mô lớn mà không gây ra rủi ro tới tài chính quốc gia.

Lời khuyên mà vị chuyên gia đưa ra cho nhà đầu tư ở thời điểm này là hãy kiên nhẫn, chờ đợi thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt với sự hỗ trợ từ lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp; chờ đợi nhu cầu thị trường trung nước phục hồi hết công suất vào năm 2024-2025; chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chuyển sang giai đoạn cắt giảm lãi suất, cho phép các thị trường mới nổi có thêm dư địa để điều hành lãi suất. Cuối cùng là chờ đợi thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm bước tiến và được nâng hạng lên thị trường mới nổi./.

Theo: kinhdoanhvaphattrien.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Blockchain, trí tuệ nhận tạo sẽ giúp định hình tương lai theo cách "không thể tưởng tượng nổi"

Trung tâm thương mại TP.HCM "đắt" khách thuê

Cổ đông lo giá cổ phiếu giảm khi nhiều ngân hàng chia cổ tức

Hà Nội có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam: Gia đình 4 người chi 30 triệu/tháng vẫn thấy thiếu

Bí quyết tạo prompt nhằm tận dụng sức mạnh của chatbot AI

Các công ty chứng khoán gia tăng sức nóng "cuộc đua" tăng vốn

Gen Z cùng xu hướng học đầu tư chứng khoán, quyết không để tiền nhàn rỗi

Sáng cửa thuê, mua nhà ở xã hội

Tin mới cập nhật

Blockchain, trí tuệ nhận tạo sẽ giúp định hình tương lai theo cách "không thể tưởng tượng nổi"

5 giờ trước

Cổ đông lo giá cổ phiếu giảm khi nhiều ngân hàng chia cổ tức

14 giờ trước

Trung tâm thương mại TP.HCM "đắt" khách thuê

14 giờ trước

Hà Nội có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam: Gia đình 4 người chi 30 triệu/tháng vẫn thấy thiếu

14 giờ trước

Bí quyết tạo prompt nhằm tận dụng sức mạnh của chatbot AI

15 giờ trước