Chủ đầu tư nhiều dự án tiếp tục giảm mạnh giá bán để "cứu mình"

Thứ ba, 07/03/2023-08:03
Trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn kéo dài, nhiều chủ đầu tư dự án đang tự cứu mình bằng cách giảm mạnh giá bán, tăng khuyến mãi, chiết khấu để thu hút khách mua.

Tiếp tục tăng chiết khấu, hướng đến khách hàng sẵn tiền

Những tháng đầu năm, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, một phần do một số nhà đầu tư đang lựa chọn phương án gửi tiền ngân hàng, nghe ngóng diễn biến tiếp theo của thị trường.

Khác với trước đây, các dự án bất động sản đều có chiết khấu cho người mua nhà, nhưng thông thường chỉ ở mức 5 - 10%. Tuy nhiên, đứng trước khó khăn về vốn tín dụng, vốn trái phiếu và vốn huy động từ khách hàng, nhiều chủ đầu tư đang triển khai dự án liền đưa ra chính sách bán hàng hấp dẫn, chiết khấu cao 20% đến 40% để kích cầu thị trường. Tuy nhiên, chính sách chiết khấu cao này chỉ hướng tới khách hàng có sẵn tiền, có thể thanh toán ngay 95% giá trị sản phẩm.

Từ đầu tháng 2 đến nay, một số doanh nghiệp địa ốc bắt đầu ra mắt những sản phẩm bất động sản mới kèm theo các chính sách bán hàng ưu đãi lớn nhằm kích cầu thị trường.

Chẳng hạn, căn hộ chung cư Hinode City tại quận Hai Bà Trưng - Hà Nội hiện cũng đang có mức chiết khấu tối đa lên tới 20% nếu khách hàng thanh toán trước 95%. Ngoài mức chiết khấu cao, khi khách hàng mua nhà còn được tặng phần quà trị giá 66 triệu đồng. Tương tự, dự án Hanoi Melody Residences tại quận Hoàng Mai - Hà Nội cũng đang chào bán với chiết khấu lên tới 38% khi người mua nhà chấp nhận thanh toán trước 95% giá trị căn hộ.

Bên cạnh đó, các dự án nhà phố, biệt thự cũng áp dụng chính sách bán hàng ưu đãi. Điển hình Trần Anh Group đang triển khai chính sách khách hàng khi mua nhà tại dự án Phúc An Asuka chỉ cần đóng 12% bước đầu, mỗi tháng đóng 0,5% (khoảng 7 triệu đồng) là có thể sở hữu nhà ở. 

Hay chủ đầu tư chung cư Masteri West Heights Tây Mỗ tại quận Nam Từ Liêm - Hà Nội cũng áp dụng chiết khấu tới hơn 13,5% cho khách hàng thanh toán sớm 95% giá trị căn hộ bằng tiền tự có. Tại quận Long Biên  - Hà Nội, một dự án bất động sản mang tên Bình Minh Garden cũng đang nhộn nhịp quảng cáo mức chiết khấu lên tới 21,5% với điều kiện khách hàng trả thẳng 95% giá trị căn hộ. Nếu khách hàng lựa chọn vay ngân hàng để thanh toán thì mức chiết khấu khoảng 11,5% và lãi suất được miễn trong vòng 18 tháng.

Ngoài ra, các chương trình ưu đãi về lãi suất cũng được nhiều doanh nghiệp chú trọng, tại TP.HCM, Nam Long Group đang duy trì chính sách ưu đãi lãi suất vay với hai dự án Akari City (Bình Tân) và Mizuki Park (Bình Chánh). Theo đó, khi khách hàng mua căn hộ Akari City giai đoạn 2 được lựa chọn hai hình thức thanh toán linh hoạt. Hình thức một là áp dụng lãi suất 0% và ân hạn nợ gốc trong 18 tháng. Hình thức hai là áp dụng mức lãi suất ổn định 6% và ân hạn nợ gốc kéo dài trong 2 năm. Ngoài ra, khi khách nhận bàn giao nhà, chủ đầu tư cũng miễn phí quản lý trong 2 năm đầu.


Phối cảnh dự án Akari City.
Phối cảnh dự án Akari City.

Tương tự, từ tháng 2 đến nay, chủ đầu tư An Gia tung ra thị trường các sản phẩm cuối trong giỏ hàng căn hộ Westgate tại trung tâm hành chính huyện Bình Chánh. Đặc biệt, kèm theo đó đợt chào bán mới là chính sách mua nhà “3 không” gồm: không cần vay vốn ngân hàng, không có áp lực thanh toán và không chờ đợi nhận nhà. 

Theo đó, khi khách hàng chỉ cần thanh toán tối đa 30% là có thể sở hữu ngay căn hộ đã hoàn thiện. Hơn nữa, người mua Westgate cũng không phải thanh toán khoản tiền còn lại trong vòng 18 tháng sau khi nhận nhà, chủ đầu tư chiết khấu 1-3% cho khách hàng thân thiết.

Doanh nghiệp bất động sản nên làm gì để "tự cứu mình"?

Trong bối cảnh tín dụng bị kiểm soát, siết trái phiếu doanh nghiệp khiến nhiều chủ đầu tư dự án khát vốn trầm trọng nên huy động vốn từ khách hàng là kênh tối ưu nhất hiện nay.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset nhận định, tại TP.HCM, thị trường nhà phố và biệt thự đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động của việc siết tín dụng và nguồn cung khan hiếm.

Ngoài ra, còn có sự mất cân đối giữa các phân khúc bất động sản khi các sản phẩm cũng tập trung ở phân khúc cao cấp, trong khi các sản phẩm dưới 10 tỷ chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng nguồn cung.

Theo đánh giá của Mirae Asset, năm 2023 tình hình sẽ không có nhiều dấu hiệu cải thiện nếu Chính phủ không có nhiều thay đổi trong các chính sách định hướng. Có hai yếu tố chính có thể tác động tới giá nhà trong năm 2023. Một là áp lực trả lãi khiến nhiều người chủ sở hữu phải bán cắt lỗ, hai là chủ đầu tư chủ động giảm giá bán để kích cầu.


Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu.

Tại tọa đàm: "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần phải nâng cao trách nhiệm cùng tham gia với nhà nước, cùng với khách hàng, trái chủ để tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc hiện hữu. 

Doanh nghiệp bất động sản có thể giảm kỳ vọng lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn hiện nay, có thể giảm giá bán 45 - 50% hoặc chiết khấu sâu cho khách hàng để dự án có thanh khoản. Ngoài ra, với các dự án triển khai không phù hợp hoặc phía chủ đầu tư không đủ sức đầu tư tiếp thì có thể chuyển nhượng, tái cơ cấu, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, cần quyết đoán lựa chọn hướng phát triển đúng đắn để sớm vượt qua khó khăn. 

Đồng quan điểm, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nhận định, bên cạnh việc chờ đợi sự tháo gỡ khó khăn từ chính phủ, các doanh nghiệp bất động sản lúc này cũng cần phải hành động quyết liệt để tự tháo gỡ khó khăn cho chính mình. 

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Sau các phiên đấu thầu thành công, liệu giá vàng có bứt tốc trở lại?

Thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Người mua nhà lần đầu gặp khó vì giá “neo cao”

Vợ chồng Gen Z trả góp mua nhà 20 triệu đồng/tháng nhưng vẫn có tiền dư: Bí quyết chi tiêu là gì?

Nhìn lại quá trình phát triển của công nghiệp Việt Nam

Cổ phiếu "meme", “penny” dậy sóng trở lại 

Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam thu hút các “ông lớn” nước ngoài đầu tư

Doanh nghiệp càng nhỏ, mức độ khó khăn càng lớn

Tin mới cập nhật