sapo-1686211522.jpg
 

 

Một trong những vấn đề xôn xao tại Quốc hội vừa qua là ngân quỹ nhà nước tồn dư khoảng 1 triệu tỉ đồng, đang gửi hệ thống ngân hàng. Các đại biểu cho rằng vấn đề này khá nhức nhối khi đất nước còn nghèo, thiếu vốn đầu tư phát triển nhưng lại gặp nghịch lý “có tiền mà không tiêu được”. Tình trạng này được ví von như “cục máu đông” gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế. Trước tình hình đó, các Đại biểu Quốc hội cho rằng, với việc nguồn vốn dư thừa rất lớn như vậy cần linh hoạt bố trí đưa vào nền kinh tế ngay để kích cầu.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đầu tư công là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế năm nay, nên cần nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ, kích cầu nền kinh tế vốn đang rất khó khăn.

 

sub-1-1686218555.jpg
 


Thưa ông, tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng tới giữa tháng 5 đã vượt 1 triệu tỉ đồng. Đây là nghịch lý khi có tiền mà không tiêu được. Ông nghĩ sao về điều này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện tồn dư ngân sách hơn 1 triệu tỉ đồng. Trong đó, 895.000 tỉ đồng trong số này được gửi Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0,8%/năm và số còn lại gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại. Đây là số tiền nhàn rỗi tạm thời và đã có nhiệm vụ chi, được Quốc hội phê chuẩn, bố trí vào các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia... Nguồn tiền tồn đọng vì chưa giải ngân hết chứ không phải để dùng cho việc khác. Tuy nhiên, tôi đồng tình với ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội rằng nên sử dụng linh hoạt số tiền này để có tác động tích cực đến nền kinh tế.
Chính phủ, Bộ Tài chính cần cân đối ngân sách làm sao để số tiền dự phòng tại Ngân hàng Nhà nước vừa đủ để đáp ứng nhu cầu xảy ra bất thường. Nhưng nếu để quá nhiều tiền, trong khi nhu cầ của nền kinh tế bên ngoài vẫn cần rất nhiều thì rất lãng phí. Do đó, việc quản lý tiền mặt thế nào để hiệu quả, tránh lãng phí rất quan trọng. Điều này liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công – vốn khá chậm trễ trong những năm qua.

 

11-1686219045.jpg
 

 

Như ông nói, đây là khoản tồn đọng vì chưa giải ngân hết, lý do là sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công. Thực tế, đầu tư công được xem là một trong những động lực chính của tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, công tác này còn nhiều tồn tại, yếu kém kéo dài ở nhiều khâu, tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi áp lực giải ngân trong những quý còn lại của năm 2023 là rất lớn. Ông bình luận gì về điều này?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt gần 14,7% kế hoạch năm. Mức này mới đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ 2022 (18,48%).
Tại thời điểm nền kinh tế đang khó khăn, trì trệ như hiện nay, đầu tư công là động lực của tăng trưởng nên Chính phủ cần phải quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công để lan tỏa, kích thích các ngành nghề trong nền kinh tế. Về lâu dài, Việt Nam vẫn cần phát triển hạ tầng cơ sở để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đầu tư công cũng là công cụ dẫn dắt, là vốn mồi kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế một cách mạnh mẽ hơn. Tiền thì chúng ta đã có sẵn, vấn đề là tiêu sao cho hợp lý thôi, nhưng thực sự việc thực hiện dự án công cũng không đơn giản.

 

12-1686219199.jpg
 

 

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đầu tư công không đơn giản là có tiền là tiêu được ngay. Bởi vì các dự án lớn có vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư cho người dân để thực hiện dự án; đơn giá chưa sát thực tế; khâu lập, thẩm định dự án đầu tư kéo dài, phê duyệt dự án chậm, thủ tục đấu thầu phức tạp… Do đó, tình trạng “vốn chờ dự án” vẫn liên tục diễn ra, tức là vốn đã bố trí nhưng hồ sơ, thủ tục còn chưa hoàn tất, phải bổ sung, chỉnh sửa…kéo theo nguồn lực chậm được đưa vào nền kinh tế.
Ví dụ, muốn thực hiện một dự án khu công nghiệp chẳng hạn, trước hết phải đền bù, giải phóng mặt bằng, đàm phán với người dân để thống nhất, đồng thuận, nhiều dự án giằng co nhau, mãi không thỏa thuận được. Thậm chí, đến khi đàm phán được rồi thì cần “vốn mồi”, thủ tục… rất mất thời gian. Chính phủ chỉ giải ngân khi dự án đầy đủ các yếu tố nên việc này khá chậm trễ.
Một số chương trình phục hồi, phát triển kinh tế hoặc chương trình mục tiêu quốc gia cần nguồn lực đưa vào nền kinh tế rất nhanh. Nếu cứ theo quy trình đầu tư công bình thường thì rất chậm. Nếu chúng ta xử lý các công trình này như một công trình cấp bách thì những dự án này sẽ triển khai nhanh hơn, nguồn lực chảy vào nền kinh tế nhanh hơn. Tuy vậy, trong chi tiêu ngân sách cũng cần thận trọng, không thể bỏ qua hết các quy trình thủ tục, nếu thế sẽ nảy sinh thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, nhưng thủ tục có thể đơn giản hóa để triển khai nhanh hơn.

 

13-1686219302.jpg
 

 

Như vậy, rõ ràng các động lực chính của tăng trưởng năm nay đang “có vấn đề”, trong đó có đầu tư công. Vậy theo ông mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% như Quốc hội đề ra liệu có đạt?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Như tôi dự báo từ đầu năm, 2 quý đầu năm nền kinh tế tiếp tục trì trệ. Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành liên tục cũng là động thái tích cực. Trong khi các nước trên thế giới đang tăng lãi suất thì chúng ta lại giảm. Điều này có nghĩa Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ các doanh nghiệp. Thực sự hiện nay các doanh nghiệp đang rất cần vốn, trong khi giai đoạn vừa qua lãi suất cho vay tăng rất cao, lên tới khoảng 15%, dù hiện nay lãi suất cho vay chưa giảm xuống mức mong muốn, nhưng hy vọng thời gian tới điều này sẽ có cải thiện.
Một số chính sách được Chính phủ ban hành nhưng việc thực hiện còn khá chậm. Ví dụ, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% trong gói 40.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Rất ít doanh nghiệp được phê chuẩn để hưởng gói hỗ trợ này. Lý do là các quy định nghiêm ngặt của gói chính sách và việc e ngại thanh tra cũng khiến các doanh nghiệp không mặn mà với gói hỗ trợ này.
Nền kinh tế có thể vực lại được vào quý 3,4 thì mức tăng trưởng 6-6,5% của năm nay là rất thách thức. Do đó, theo tôi, nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng ở mức 5% là hợp lý.
Đặc biệt, chúng ta cũng nên lưu ý một rủi ro lớn của nền kinh tế đang phải đối mặt là các doanh nghiệp vay vốn không trả được nợ, kéo theo rủi ro cho các ngân hàng. Khi rủi ro tăng lên thì lãi suất ngân hàng khó có thể hạ được.

 

a1-1686219460.jpg
 
 

 

sub-2-1686218577.jpg
 


Ông vừa nhắc đến một rủi ro lớn của nền kinh tế là nợ xấu, vậy ông nhìn nhận thế nào về bức tranh nợ xấu hiện nay? Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp hạ lãi suất điều hành, ông đánh giá điều này liệu đã thực sự khiến các doanh nghiệp “dễ thở” hơn?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Nợ xấu năm 2023 gia tăng. Thực tế, từ quý 4/2022, các báo cáo của các ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ xấu tăng lên, dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao. Nguyên nhân có thể kể đến là việc Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất cho khách hàng do dịch COVID-19 hết hạn vào tháng 6/2022, khiến nhiều khoản nợ được phân loại lại theo đúng quy định, trở thành nợ xấu. Ngoài ra, năm 2023, tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã khó khăn lại càng thêm khó, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động, trong khi sức cầu yếu. Điều này cũng khiến nợ xấu gia tăng.
Tình hình này khiến các ngân hàng gặp vấn đề thanh khoản do nợ xấu khiến dòng tiền cho vay không quay lại với ngân hàng. Điều này khiến ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao hơn để bù đắp thanh khoản. Lãi suất huy động cao đẩy lãi suất cho vay cao khiến nền kinh tế khó khăn và nhiều doanh nghiệp lâm vào phá sản, lại tiếp tục sinh ra nợ xấu.

 

31-1686219693.jpg
 

 

Với việc hạ lãi suất điều hành 3 lần của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, đáng lý ra lãi suất cho vay phải được giảm sâu hơn. Tuy nhiên, lãi suất hiện nay chưa giảm được như mong muốn. Do đó, việc giảm lãi suất chưa tác động mạnh.
Nhưng thực tế, các ngân hàng huy động lãi suất cao hơn ở thời gian trước đây, nên vẫn cần thời gian, độ trễ để có thể giảm lãi suất huy động cũng như giảm lãi suất cho vay. Để xử lý nợ xấu, các ngân hàng phải tăng cường thu hồi nợ, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp đang suy yếu để có thể trả nợ trong tương lai.
Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề nợ xấu, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Để cải thiện chất lượng tài sản, các ngân hàng nên công bố minh bạch các thông tin về nợ xấu. Ngoài ra, ngân hàng có thể bán nợ xấu trên sàn giao dịch nợ xấu được thành lập mới đây của VAMC đã thành lập năm ngoái. Tuy nhiên, vấn đề xử lý tài sản bảo đảm vẫn rất phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay, để bán được tài sản bảo đảm cũng không dễ dàng, thậm chí không “được giá”. Thêm vào đó, các quy định của pháp luật về chuyển nhưởng tài sản bảo đảm, thế chấp… cần được sửa đổi, hoàn thiện để để chợ nợ xấu được hoạt động mạnh mẽ hơn.

 

a2-1686219981.jpg
 

 

Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu đã được gia hạn từ 15.8.2022 đến 31.12.2023, nhưng cần “nâng cấp”, bổ sung để biến việc xử lý nợ xấu thanh luật để việc xử lý, thu hồi nợ hiệu quả hơn. Thêm vào đó, các cơ quan quản lý cần đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực được dự báo tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán.
Tựu trung lại, theo ông, bức tranh kinh tế quý 2 liệu có cải thiện được không?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi vẫn thấy sự trì trệ và u ám của nền kinh tế. Các doanh nghiệp phá sản vẫn rất lớn, tổng cầu của chúng ta vẫn rất yếu, tăng trưởng cũng sẽ yếu. Do đó, tôi hy vọng kinh tế sẽ có sự cải thiện vào quý 3 hoặc quý 4 khi hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ bắt đầu “ngấm” vào thị trường, còn trong quý 2 thì có lẽ bức tranh kinh tế vẫn khá u ám. Tôi dùng từ hy vọng là bởi hiện tại vẫn chưa thấy những tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!

tac-gia-1686218595.jpg
 
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Các nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng ra sao nếu Mỹ cấm TikTok?

Gen Z lần đầu tiên đi mua nhà cần chuẩn bị những gì?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Vingroup sẽ không bao giờ buông bỏ VinFast vì đó là sứ mệnh, danh dự và tương lai

Người dân sẽ mất nhiều thời gian hơn để sở hữu được nhà ở

ĐHĐCĐ Vinamilk: Kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 9.300 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 38,5%

Nhiều “chất xúc tác” tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán

Các thương hiệu quốc tế tăng tốc tìm kiếm mặt bằng, thị trường bán lẻ Việt Nam dần sôi động

Giải mã “cơn khát” trung tâm dữ liệu AI

Tin mới cập nhật

Các nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng ra sao nếu Mỹ cấm TikTok?

57 phút trước

Gen Z lần đầu tiên đi mua nhà cần chuẩn bị những gì?

1 giờ trước

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Vingroup sẽ không bao giờ buông bỏ VinFast vì đó là sứ mệnh, danh dự và tương lai

1 giờ trước

Người dân sẽ mất nhiều thời gian hơn để sở hữu được nhà ở

2 giờ trước

ĐHĐCĐ Sacombank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.600 tỷ đồng, chưa chia cổ tức

3 giờ trước