TS Nguyễn Đình Cung: Không đủ vốn cung cấp cho doanh nghiệp 

Chủ nhật, 19/03/2023-22:03
TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết hiện có hơn 83% số doanh nghiệp đang khó khăn trong sản xuất kinh doanh và rất khát vốn. Ông cũng đưa ra một số giải pháp để gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước. 

Cực khó tiếp cận vốn vay

Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp than vãn về các khó khăn trong kinh doanh. Thực tế, vốn cho doanh nghiệp đang khô cạn dần và khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều trắc trở. 

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tới cuối tháng 2/2023, có 83% số doanh nghiệp khó khăn trong quá trình kinh doanh. Trong đó, chủ yếu là những khó khăn về lãi suất cao, biến động tỷ giá mạnh, thị trường hạn hẹp, khó tiếp cận tín dụng, thủ tục vay vốn phức tạp, hàng tồn kho nhiều, giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí nhân công tăng…

Trước những khó khăn này, nhiều doanh nghiệp phải kinh doanh cầm chừng, tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh và cố gắng duy trì hoạt động để vượt qua giai đoạn này. Một số doanh nghiệp cho biết đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư mới, không mở rộng sản xuất kinh doanh. 

Ông Cung cho rằng: “Thực tế cho thấy nước ta, nhất là với hệ thống doanh nghiệp, hoạt động chính dựa vào cung cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng”.

Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm nay đã kiểm soát trần tín dụng của nền kinh tế và của từng tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát. Vì yêu cầu vốn đang gia tăng và không đủ đáp ứng được tín dụng ngân hàng, nên các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đã phải tìm cửa khác qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.


TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Trong năm 2022, thị trường trái phiếu đứt gãy, tín dụng cạn kiệt, hàng loạt doanh nghiệp liên quan mất thanh khoản. Các khoản nợ đến hạn không thể thanh toán, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước sức ép từ lạm phát thì Chính phủ cũng không thể mở rộng thêm tín dụng vượt quá 15%. 

Thị trường chứng khoán trong giai đoạn giảm sâu, chưa thể phục hồi; Thị trường trái phiếu đứt gãy khiến cho tín dụng ngân hàng là nguồn kêu gọi vốn duy nhất cho doanh nghiệp ở thời điểm này. 

“Nhưng như tôi đã nói, tín dụng cũng đang bị khống chế, việc tiếp cận tín dụng là cực kỳ khó khăn với các doanh nghiệp sản xuất, dù lãi suất cho vay hiện đang rất cao. Nhu cầu tín dụng cao nhưng cung lại hạn chế. 

Vì vậy, các ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp mua thêm bảo hiểm khi vay vốn đã khiến chi phí vốn đã cao lại càng cao hơn, đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh ngày càng khó khăn. Tóm lại, doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp sản xuất gần như không thể tiếp cận vốn vì nguồn vốn khan hiếm, chi phí cao” - TS Nguyễn Đình Cung nhận định.

Mở đường cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nhận xét về kênh vốn như trái phiếu và chứng khoán, vị chuyên gia cho biết, điều kỳ lạ là biến động của tài chính, nhất là thị trường chứng khoán đang lệch pha với số liệu thống kê nền kinh tế thực. 

2022 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam khi đạt tăng trưởng cao, lạm phát thấp. Nhưng thị trường chứng khoán lại có biến động mạnh và suy giảm. Từ đỉnh khoảng 1.520 điểm vào đầu năm đã “rơi” xuống vực vào giữa tháng 11/2022 còn hơn 900 điểm. 

Do đó, năm 2022 thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mất khoảng 34%, tức hơn 1/3 vốn hóa thị trường. Hàng triệu nhà đầu tư thua lỗ khi phần lớn các công ty niêm yết đều bị giảm giá trị vốn hóa.

Hai tháng đầu năm 2023 đã cho thấy thị trường còn dao động mạnh, hiện đang trên 1000 điểm và chưa có tín hiệu phục hồi. 


Thị trường trái phiếu đạt đỉnh vào năm 2021 nhưng tới năm 2022 thì suy giảm nhanh chóng
Thị trường trái phiếu đạt đỉnh vào năm 2021 nhưng tới năm 2022 thì suy giảm nhanh chóng

Thị trường trái phiếu phát triển mạnh ở giai đoạn 2017 - 2021, đạt đỉnh vào năm 2021. Nhưng tới năm 2022 thì suy giảm nhanh chóng với lượng phát hành chỉ bằng 39% của năm 2021, giảm 61%. 

Đặc biệt, kể từ tháng 11/2022, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới, riêng lẻ gần như không có. Trái phiếu doanh nghiệp cũng là một kênh huy động vốn nhưng bị cắt đứt và không thể tiếp tục sử dụng. Nhà đầu tư mất niềm tin khiến thị trường giảm thanh khoản trầm trọng. 

Số trái phiếu đáo hạn năm 2023 khá cao, khoảng gần 303 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,6 tỷ USD. Giai đoạn 2023 - 2025, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn khoảng 697 nghìn tỷ đồng, tương đương 29 tỷ USD. 

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã đóng băng, thanh khoản khô cạn; Tín dụng ngân hàng bị siết chặt và khó tiếp cận; Trái phiếu doanh nghiệp không thể phát hành mới, thì việc hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đúng hạn đối với doanh nghiệp là một thách thức khó vượt qua. 

Cần khơi thông thị trường trái phiếu để tránh gặp rủi ro tài chính và giảm áp lực lên tình hình phát triển kinh tế xã hội những năm tới. 

Tăng tốc cải cách môi trường kinh doanh

Về môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, theo ông Cung: “Chúng ta đang thiếu chương trình hay kế hoạch riêng để cải thiện môi trường kinh doanh, và lòng ghép vào các hoạt động, chương trình khác.

Trong khi đây là giai đoạn phải cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ nhất nhằm phục hồi kinh tế sau dịch. Nhưng trong chương trình này, các nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh lại quá sơ sài và hình thức. 

 

Thực tế, chúng ta đang chứng kiến hàng ngày về những sự việc, hiện tượng làm xấu chất lượng môi trường kinh doanh. Đó là các văn bản pháp luật trong mấy năm nay đã phục hồi lại không ít rào cản đã được bãi bỏ trước đây hoặc dễ đặt ra quy định rào cản mới theo hướng tạo thêm khó khăn, tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân. 

Tôi cho rằng, cần sớm thay đổi thực trạng này để lấy lại niềm tin từ người dân và doanh nghiệp”. 


Cách ứng xử và xử lý vấn đề của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan chưa hiệu quả
Cách ứng xử và xử lý vấn đề của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan chưa hiệu quả

Thị trường đã chứng kiến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán rất nhanh và mạnh, cùng sự đứt gãy và mất thanh khoản nghiêm trọng của thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó là sự đứt gãy và kéo dài chưa từng có của thị trường xăng dầu. 

Ngoài ra, sự đứt gãy kéo dài của nguồn cung thiết bị và vật tư y tế đã làm sụt giảm nghiêm trọng số lượng và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân. 

“Đáng nói là, cách ứng xử và xử lý vấn đề của cơ quan quản lý Nhà nước liên quan chưa hiệu quả. Đáng lẽ, các cơ quan này cần phối hợp chặt chẽ với nhau, tránh tình trạng không có cơ quan và cá nhân chịu trách nghiệm. Các cơ quan đã phản ứng chậm trễ về các quy định pháp luật bất hợp lý, không thể áp dụng trong nhiều công việc quản lý Nhà nước hay hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân” - Vị chuyên gia nhận xét. 

Nỗ lực khôi phục thị trường

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam suy giảm rất nhanh, cứ 10 năm tăng trưởng GDP trung bình giảm hơn 0,5 điểm %. Như vậy, thời gian tăng trưởng cao quá ngắn, chưa đủ vượt qua bầy thu nhập trung bình. 

Mười năm đầu (1991 - 2000) ghi nhận tốc độ tăng GDP bình quân là 7,56%; 10 năm lần 2 (2001 - 2010) là 6,61%; 10 năm lần 3 (2011 - 2020) là 6%; Hiện nay 3 năm đầu của 10 năm lần 4 dự kiến chỉ đạt 5,6%. Nếu muốn đạt mục tiêu nhiệm kỳ trung bình là 7% cho giai đoạn 2024 - 2025 phải đạt trung bình là 9%/năm. Đây là nhiệm vụ rất cao hiện tại. 


Tăng trưởng tín dụng và GDP trong giai đoạn 2016 - 2023 (dự kiến) 
Tăng trưởng tín dụng và GDP trong giai đoạn 2016 - 2023 (dự kiến) 

GDP/người của Việt Nam hiện khoảng hơn 4.000 USD, nằm trong số những nước có thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt, kết quả này nhờ một phần không nhỏ của hai đợt điều chỉnh quy mô GDP năm 2011 và 2020. 

Như vậy, trong giai đoạn 2011 - 2020, GDP của Việt Nam được điều chỉnh 2 lần, tăng thêm 34%. Nếu không được điều chỉnh thì GDP/người hiện chỉ có khoảng 2.700 USD/người.

“Nhìn về dài hạn và ngắn hạn, nền kinh tế đang có xu hướng giảm. Với xu thế này, mục tiêu chiến lược tới giai đoạn 2030 - 2045 là một thách thức rất lớn. Tôi cho rằng, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để tạo ra bước ngoặt đảo chiều xu thế nói trên” - TS Nguyễn Đình Cung nhận định. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Chuyên gia lý giải chuyện giá căn hộ Hà Nội tăng như “lên đồng”

Xây dựng Hòa Bình (HBC) báo lãi hơn 57 tỷ đồng quý I/2024 sau 5 quý liên tiếp thua lỗ

Trung Quốc “mở đường” cho doanh nghiệp IPO tại Mỹ sau thời gian 2 năm gián đoạn

Chuyên gia Savills: Người mua nhà cần thận trọng trước “đòn tâm lý” của môi giới bất động sản

Nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á

Ai hưởng lợi khi NHNN tăng lãi suất kênh OMO?

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng hồi phục trong thận trọng

Cẩn thận lỗ khi đầu tư vàng mini bỏ ống

Tin mới cập nhật

Đất nhận chuyển nhượng năm 2008 chưa có sổ đỏ thì có được sang tên quyền sử dụng đất không?

7 giờ trước

Xây dựng Hòa Bình (HBC) báo lãi hơn 57 tỷ đồng quý I/2024 sau 5 quý liên tiếp thua lỗ

15 giờ trước

Chuyên gia lý giải chuyện giá căn hộ Hà Nội tăng như “lên đồng”

15 giờ trước

Trung Quốc “mở đường” cho doanh nghiệp IPO tại Mỹ sau thời gian 2 năm gián đoạn

19 giờ trước

Chuyên gia Savills: Người mua nhà cần thận trọng trước “đòn tâm lý” của môi giới bất động sản

19 giờ trước