TP. Hồ Chí Minh khơi thông cửa ngõ, tạo “sức bật” cho bất động sản vùng ven

Thứ ba, 19/04/2022-07:04
Sau nhiều năm chờ đợi, nhiều dự án khơi thông cửa ngõ cho TP. Hồ Chí Minh, tạo liên kết vùng đã được phê duyệt và sắp được triển khai trong thời gian tới. Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản vùng ven thành phố.

Khơi thông cửa ngõ, tăng liên kết vùng

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án mở rộng quốc lộ 50, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, quốc lộ 50 sẽ được nâng cấp, mở rộng chiều dài thêm 7 km, chiều rộng thêm 34 m, bao gồm 6 làn xe. Đồng thời, dự án sẽ tiếp tục xây mới hai cây cầu băng qua rạch Bà Lớn, sông Cần Giuộc.

Cùng với việc nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 50, tuyến quốc lộ 50B đi qua TP. Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang cùng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là dự án có tổng chiều dài 55 km với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua địa phận Long An dài hơn 35 km, đoạn qua Tiền Giang dài hơn 14 km, đoạn qua TP. Hồ Chí Minh dài 5,8 km.


TP. Hồ Chí Minh sẽ đầu tư, xây dựng một loạt công trình trọng điểm, tăng cường liên kết với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ trong năm 2022.
TP. Hồ Chí Minh sẽ đầu tư, xây dựng một loạt công trình trọng điểm, tăng cường liên kết với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ trong năm 2022.

Mở rộng quốc lộ 50 và tuyến quốc lộ 50B là hai dự án trọng điểm khơi thông cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh xuống các tỉnh thành miền Tây sắp được triển khai trong năm 2022. Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng, sau khi hoàn thành, hai dự án này sẽ giảm tình trạng ùn tắc thường xuyên ở cửa ngõ phía Tây, giảm chi phí vận hành trên đường, tăng tính liên kết vùng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực.

Ngoài ra, trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung đầu tư, hoàn thiện thêm nhiều dự án giao thông trên địa bàn thành phố và kết nối với các tỉnh lân cận. Đây đều là những dự án đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thương với các tỉnh thành vùng ven ở phía Đông và phía Tây thành phố.

Cụ thể, trên đường bộ có các dự án như: Quốc lộ 1 (58km) quy hoạch 8-10 làn xe, quốc lộ 1K (10,2 km) quy hoạch 8 làn xe, quốc lộ 13 (19,5km) quy hoạch 8 làn xe, quốc lộ 22 (31km) quy mô 10-12 làn xe, quốc lộ 50 (18 km) quy mô 6 làn xe. Các tuyến quốc lộ này hiện đã và đang được đầu tư mở rộng theo quy hoạch phát triển của Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh.

Trên đường sắt, thành phố định hướng phát triển các tuyến đường sắt để tăng cường kết nối với các địa phương trong vùng và kết nối cảng biển như tuyến TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Biên Hòa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh – Tây Ninh, đường sắt kết nối cảng Hiệp Phước, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Riêng đoạn đường sắt Bình Triệu – Hòa Hưng (Sài Gòn) sẽ được nâng lên cao để tránh giao cắt với đường bộ, giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Riêng đường thủy nội địa, thành phố sẽ đầu tư mở rộng Kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); xử lý các nút thắt trên các tuyến đường thủy nội địa, cầu Chợ Lách 1, cầu Nàng Hai, cầu Trà Ôn. Đồng thời, thành phố sẽ nghiên cứu phát triển tuyến đường kết nối từ cầu sông Vàm Cỏ qua Cần Giờ sang sông Thị Vải tới cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải, dự kiến hoàn thành trước năm 2025.

Dưới góc độ nhà quản lý quy hoạch, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, với một thành phố quy mô dân số đến 9 triệu như TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu vận tải hành khách khối lượng lớn bên cạnh việc tổ chức lại để tối đa hóa năng lực vận tải của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có. Không chỉ đa dịch vụ, tiện ích, mỹ quan,… mà kết nối giao thông thuận tiện cũng là một trong những yếu tố quyết định thành công của một thành phố lớn.

Việc tăng cường liên kết vùng giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, đồng thời duy trì cơ chế phối hợp với các tỉnh Đông Nam Bộ là một nội dung quan trọng để giải quyết các “nút thắt” về hạ tầng để tương xứng với vai trò là cầu nối giữa trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước với vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

 “Sức bật” cho bất động sản vùng ven

Trước đây, các quận, huyện và các tỉnh thành nằm  ở khu vực phía Tây TP. Hồ Chí Minh chưa có tốc độ tăng giá mạnh. Tuy nhiên, sau khi có thông tin về các dự án hạ tầng giao thông sắp được triển khai trong năm 2022, giá đất ở những khu vực này đã có những bước thiết lập mặt bằng giá mới, tăng từ 20-50%. Hiện tại, Hóc Môn và Củ Chi là hai huyện đang bắt đầu có dấu hiệu sốt đất.

Mặc dù tăng giá nhanh nhưng nhìn chung, mặt bằng giá đất ở các địa phương này vẫn dễ chịu hơn ở TP. Hồ Chí Minh. Như một số địa phương ở huyện Bình Chánh giá đất hiện tại đã tăng vọt lên mức 80-90 triệu đồng/m2, tăng 60-70% so với thời điểm cách đây 2 năm. Hay như tại Long An, giá đất nền dự bán cũng trên dưới 30 triệu đồng/m2. Đặc biệt tại Bình Phước, đất thổ cư ở gần các khu công nghiệp Chơn Thành, Becamex, Minh Hưng có thể tăng đến 100%. Trong khi đó, đất nền dự án tăng từ 20-30%.


Thị trường bất động sản vùng ven TP. Hồ Chí Minh đang “trỗi dậy” nhờ những lợi thế về cơ sở hạ tầng giao thông.
Thị trường bất động sản vùng ven TP. Hồ Chí Minh đang “trỗi dậy” nhờ những lợi thế về cơ sở hạ tầng giao thông.

Ngoài phân khúc đất nền đang phát triển mạnh, các địa phương vùng ven TP. Hồ Chí Minh sở hữu vị trí gần sông, hồ hay đồi núi đang thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. Bởi người dân cũng đang có sự thay đổi việc sở hữu “second-home” khi trải qua đợt dịch Covid-19 như phải xanh, đầy đủ tiện ích, vị trí đẹp,…

Nhiều “ông lớn” trong giới đầu tư địa ốc như: Vingroup, Novaland, Đất Xanh, Hưng Thịnh Corp, Phú Đông,… đang dịch chuyển sang các địa phương vùng ven như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước để săn quỹ đất và phát triển các dự án. Bởi lẽ, những khu vực này đang có biên độ lợi nhuận cao, chi phí vốn đầu vào để phát triển các dự án còn thấp, quy mô, quỹ đất vùng ven dồi dào phù hợp để phát triển đa dạng các loại hình dự án bất động sản.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường bất động sản vùng ven TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Asian Holding cho biết, các địa phương vùng ven TP. Hồ Chí Minh đang được đầu tư hạ tầng giao thông, các tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành, các dự án nâng cấp mở rộng, liên kết vùng,… trong vài năm tới giúp việc di chuyển thuận lợi hơn. Đây là động lực lớn để các doanh nghiệp địa ốc đi trước đón đầu, phát triển các dự án bất động sản.

“Thực tế, ở các địa phương vùng ven thì nhu cầu đầu tư vẫn cao hơn là nhu cầu ở thực vì chính thói quen trong cuộc sống và họ muốn ở nhà liền thổ. Hiện nay, lãi suất ngân hàng cũng thấp, người dân đổ tiền vào đầu tư bất động sản, chứng khoán nên các địa phương vùng ven vẫn thích hợp để đầu tư hơn. Nhưng là người làm trong lĩnh vực bất động sản, tôi khuyến khích các chủ đầu tư phát triển các dự án đại đô thị chất lượng”, ông Hậu chia sẻ.

Thiên Vân
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Các nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng ra sao nếu Mỹ cấm TikTok?

Gen Z lần đầu tiên đi mua nhà cần chuẩn bị những gì?

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Vingroup sẽ không bao giờ buông bỏ VinFast vì đó là sứ mệnh, danh dự và tương lai

Người dân sẽ mất nhiều thời gian hơn để sở hữu được nhà ở

ĐHĐCĐ Vinamilk: Kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 9.300 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 38,5%

Nhiều “chất xúc tác” tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán

Các thương hiệu quốc tế tăng tốc tìm kiếm mặt bằng, thị trường bán lẻ Việt Nam dần sôi động

Giải mã “cơn khát” trung tâm dữ liệu AI

Tin mới cập nhật

Các nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng ra sao nếu Mỹ cấm TikTok?

29 phút trước

Gen Z lần đầu tiên đi mua nhà cần chuẩn bị những gì?

1 giờ trước

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng: Vingroup sẽ không bao giờ buông bỏ VinFast vì đó là sứ mệnh, danh dự và tương lai

1 giờ trước

Người dân sẽ mất nhiều thời gian hơn để sở hữu được nhà ở

1 giờ trước

ĐHĐCĐ Sacombank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.600 tỷ đồng, chưa chia cổ tức

3 giờ trước