Đất nền phân lô tách thửa ven đô hết “hot”, bị môi giới ghẻ lạnh

Thứ hai, 31/10/2022-20:10
Thị trường bất động sản vẫn có diễn biến trầm lắng, đất nền tách thửa phân lô ven Hà Nội cũng bị giới môi giới tránh nhận bán lại hoặc bị ép bán cắt lỗ sâu. 

Đất phân lô tách thửa không còn được săn đón

Trong giai đoạn thị trường có nhiều cơn sốt đất, đất nền phân lô tách thửa đã tạo ra nguồn cung bất động sản lớn tại các địa phương, nhất là những huyện nằm ven trung tâm Hà Nội. Đa phần những lô đất dạng này có diện tích từ 60 - 80m2/ lô và có mức giá bán khoảng 1 - 1,5 tỷ đồng, tương đương từ 20 - 25 triệu đồng/m2, phù hợp với tài chính của nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sau khi thị trường bất động sản bước vào giai đoạn ảm đạm thì loại hình đất nền tách thửa phân lô cũng hết hấp dẫn, giá bán rơi vào đà giảm sâu. Thậm chí, nhiều môi giới từng bán ra nhưng mảnh đất như vậy trước đó thì tới nay cũng không nhận bán lại. 


Đất nền phân lô tách thửa tại những khu vực này trong thời gian gần đây dường như bị đứng hình
Đất nền phân lô tách thửa tại những khu vực này trong thời gian gần đây dường như bị đứng hình

Lỡ mua 2 lô đất nền tách thửa phân lô tại huyện Thạch Thất, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội - anh Trần Quang Việt đang “sống dở chết dở” với 2 lô đất này. Anh cho biết, dù chấp nhận cắt lỗ tới 15% so với giá lúc mua vào nhưng vẫn không ai mua. 

“Khoảng đầu năm 2021, qua lời giới thiệu của một môi giới và cũng tham khảo đầu tư nhiều nơi nên tôi đã quyết định mua 2 lô đất nền tại xã Bình Yên có diện tích lần lượt là 75m2 và 80m2 với giá 21 triệu đồng/m2. Số tiền tôi đã đổ vào đây là 3,3 tỷ đồng, tuy nhiên nay đã giảm gần 500 triệu đồng vẫn không có người mua” - Anh Việt chia sẻ. 

Anh Việt cũng cho biết, sau khi đăng tin rao bán trên các trang mạng xã hội không đạt hiệu quả, anh Việt đã liên hệ với môi giới từng giao dịch với mình trước đó để bán lại, nhưng đều bị từ chối. “Môi giới ngày trước từ chối nhận lại để bán bởi thị trường hiện đang chững lại. Tôi tiếp tục liên hệ thêm một số phòng môi giới khác trong khu vực và chấp nhận trả mức hoa hồng cao hơn nhưng cũng đều bị họ từ chối, họ cho biết không chắc sẽ bán được ngay” - Anh Việt nói. 

Chủ một văn phòng môi giới bất động sản tại khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) thừa nhận, đất nền phân lô tách thửa tại những khu vực này trong thời gian gần đây dường như bị đứng hình. Vì vậy, không ít văn phòng môi giới bất động sản không có chủ trương cho nhân viên nhận lại các sản phẩm này để bán. 

“Vào khoảng năm 2020 - 2021, đại dịch CoVid - 19 diễn ra phức tạp, thị trường bất động sản có nhiều đợt “sốt nóng” vì nhu cầu đầu tư lớn khiến đất tách thửa phân lô được ưa chuộng, giao dịch nhiều. Nhưng đến nay thì ai cũng né, môi giới không dám nhận bán lại những sản phẩm này vì chắc chắn không có người mua” - Anh Tuấn nhìn nhận. 


"Ai muốn mua vào thì đang chờ thị trường tốt lên, còn muốn bán ngay có lãi thì chắc chắn không thể"
"Ai muốn mua vào thì đang chờ thị trường tốt lên, còn muốn bán ngay có lãi thì chắc chắn không thể"

Theo một môi giới chuyên bán đất nền tại các vùng ngoại thành Hà Nội, không ít nhà đầu tư hiện đang ôm loại hình đất nền tách thửa phân lô rất muốn thoát hàng để thu hồi vốn. Tuy nhiên, khi thị trường đang chững lại thì môi giới lại “ngại” rao bán loại đất này vì thanh khoản sụt giảm. Hoặc các nhà đầu tư phải chấp nhận cắt lỗ, giảm sâu thì mới có môi giới nhận. 

“Nếu chủ đất tách thửa phân lô giảm giá sâu tới 20 - 30%, lô đất nằm tại vị trí đẹp thì mới có môi giới nhận bán lại. Hiện tại, ai muốn mua vào cũng là chờ thị trường tốt lên, còn mong muốn bán ngay có lãi thì chắc chắn không thể” -Môi giới này cho hay. 

Đầu cơ đi cùng rủi ro lớn

Báo cáo thị trường trong quý III/2022 của một đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường mới công bố cho thấy, ảnh hưởng của lạm phát, siết tín dụng bất động sản, giá bán tăng cao tạo ra một bức tranh thị trường bất động sản ảm đạm. Đặc biệt là phân khúc đất nền ghi nhận biến động giảm rõ rệt với cả lượt tìm kiếm và giá bán.

Đáng chú ý là thị trường đất nền Hà Nội cũng đã ghi nhận lượt tìm kiếm và giá rao bán giảm giá sâu. Cụ thể, với những điểm nóng đất nền tại vùng ngoại thành như Quốc Oai, Sóc Sơn có lượt tìm kiếm giảm mạnh nhất từ 30 - 39%. Một số khu vực khác như Gia Lâm, Long Biên, Thanh Trì, Hoài Đức cũng lần lượt giảm 28%, 21%, 24%, 17%. Giá rao bán đất nền tại khu vực Hà Nội ghi nhận giảm sâu nhất tại Long Biên và Thanh Trì khi có mức giảm là 10% và 9%.


Đất phân lô bán nền rất khó cạnh tranh với những loại đất khác trong cùng khu vực
Đất phân lô bán nền rất khó cạnh tranh với những loại đất khác trong cùng khu vực

Về nguyên nhân đất nền ế ẩm, anh Thế Công - Một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp tại Hà Nội cho rằng, thị trường chung đang chững lại, phân khúc đất nền mang tính đầu cơ cao sẽ bị tác động lớn và ảnh hưởng nặng nề nhất. Không riêng gì đất nền tại những điểm nóng phân lô tách thửa, mà tới cả những khu vực có hạ tầng tương đối đồng bộ, muốn bán cũng phải giảm rất sâu. 

“Đất nền tách thửa phân lô đều ở những vị trí có hạ tầng yếu kém, tôi đã đi khảo sát tại nhiều khu vực vùng ven, đường vào dự án mới làm nhưng đã hỏng. Thêm vào đó, một số mảnh có đường vào rất nhỏ, chỉ đủ chỗ cho 1 ô tô con. Trong khi, các địa phương vùng ven không phải là thiếu đất đến mức mà khách hàng phải đi mua những mảnh đất như vậy” - Anh Công nói. 

Nhà đầu tư này còn cho biết thêm, những người mua loại đất này chủ yếu là các nhà đầu tư mới, thiếu kinh nghiệm, vốn mỏng nhưng có kỳ vọng quá cao. Tới khi thị trường bất động sản bắt đầu chững, rơi vào trầm lắng, hạ nhiệt thì người thiệt chính là những người đang ôm đất. 

“Lúc này, các nhà đầu tư mưa vào có rất nhiều sự lựa chọn nên dù đất phân lô bán nền đang được giảm giá sâu thì cũng rất khó để cạnh tranh” - Anh Công cho biết. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

ĐHĐCĐ Vinamilk: Kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 9.300 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 38,5%

Nhiều “chất xúc tác” tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán

Các thương hiệu quốc tế tăng tốc tìm kiếm mặt bằng, thị trường bán lẻ Việt Nam dần sôi động

Giải mã “cơn khát” trung tâm dữ liệu AI

ĐHĐCĐ Sacombank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.600 tỷ đồng, chưa chia cổ tức

Chuyên gia lý giải chuyện giá căn hộ Hà Nội tăng như “lên đồng”

Xây dựng Hòa Bình (HBC) báo lãi hơn 57 tỷ đồng quý I/2024 sau 5 quý liên tiếp thua lỗ

Trung Quốc “mở đường” cho doanh nghiệp IPO tại Mỹ sau thời gian 2 năm gián đoạn

Tin mới cập nhật

ĐHĐCĐ Sacombank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.600 tỷ đồng, chưa chia cổ tức

16 phút trước

Giải mã “cơn khát” trung tâm dữ liệu AI

29 phút trước

Các thương hiệu quốc tế tăng tốc tìm kiếm mặt bằng, thị trường bán lẻ Việt Nam dần sôi động

31 phút trước

Nhiều “chất xúc tác” tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán

31 phút trước

ĐHĐCĐ Vinamilk: Kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 9.300 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 38,5%

31 phút trước