Đánh thuế bất động sản: Nên hay chưa?

Thứ hai, 18/04/2022-10:04
Giới chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ đánh thuế cao hơn với các hành vi đầu cơ, găm đất, lướt sóng để hạ nhiệt bất động sản là rất cần thiết. Tuy nhiên, để tránh gây ảnh hưởng đến lợi ích thực của người tiêu dùng và các doanh nghiệp thì trước hết phải duy trì nguồn cung ổn định.

Siết thuế để chống đầu cơ, thổi giá đất

Theo Vietnamplus, bên cạnh việc “đánh thuế” thì nên lưu ý hơn tới những biện pháp dài hạn như tăng nguồn cung bất động sản. Bởi, khi thị trường ổn định nguồn cung thì giá bất động sản sẽ được kiểm soát tốt. 

Đầu tháng 3/2022, Bộ Tài Chính đã lấy ý kiến về việc điều chỉnh các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm cả việc đánh thuế nhà và tài sản nhằm đảm bảo xây dựng đề cương báo cáo rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, kỳ vọng về một chính sách có thể chống đầu cơ nhà đất, hạ nhiệt bất động sản trên thị trường. 

Vì vậy, việc đánh thuế cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập đang rất được ủng hộ. Bởi, việc này giúp triệt tiêu mong muốn đầu cơ ngắn hạn, lướt sóng, nhất là với các dự án, khu đất không đưa vào khai thác,... 


Nhiều ý kiến ủng hộ việc đánh thuế bất động sản
Nhiều ý kiến ủng hộ việc đánh thuế bất động sản

Thực tế, trong nhiều năm qua đã diễn ra tình trạng “sốt” đất và đầu cơ ngắn hạn. Những vấn đề này tới nay vẫn chưa được xử lý kịp thời, triệt để. Năm 2021 đã xảy ra tình trạng sốt đất ở nhiều địa phương trong thời gian dài vì Nhà nước chưa có công cụ để xử lý tình trạng này. Vì vậy đã dẫn tới việc giá đất ngày một tăng cao và lan rộng ra nhiều tỉnh thành cả nước, khiến thị trường mất kiểm soát. 

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, đã có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng chính sách đánh thuế nhà và tài sản. Vì vậy, Việt Nam cần học hỏi và nhanh chóng đưa vào phương án xây dựng công cụ để ngăn chặn hành vi đầu cơ thổi giá bất động sản nhằm giúp thị trường ổn định, minh bạch. Ông Đính phân tích, việc mua đất của giới đầu cơ không giúp ích gì cho thị trường, không làm phát triển kinh tế nhưng lại khiến giá đất bị đẩy lên cao gây lãng phí tài nguyên, nhất là khiến người có nhu cầu thực khó khăn trong việc mua nhà. 

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đưa ra ý kiến, những hành vi theo dạng “nay mua mai bán” hay lướt sóng để kiếm khoảng chênh lệch sẽ không mang lại giá trị kinh tế cho xã hội. Hiện tại, có nhiều trường hợp đã quyết định để giao đất nhưng tiền thu thì vẫn nợ, điều này là thiếu trách nhiệm với tài chính nhà nước. 


Ảnh: minh họa
Ảnh: minh họa

Cũng theo ông Hà, đã có tình trạng giao đất làm dự án khu công nghiệp cho các nhân, tổ chức nhưng họ lại không triển khai, trong khi giá đất vẫn tăng vùn vụt. Tại quá trình giao đất đã thu tiền sử dụng mà có tình trạng chậm triển khai dự án, không góp phần làm phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như vậy được coi là một dạng của trốn thuế. 

Vì vậy, ông Hà nhận định, phải lấy chính sách thuế để làm công cụ kiểm soát thị trường. Chẳng hạn, dự án đấu thầu, đấu giá đất phải xác định thời điểm, kể cả nhà ở thương mại hay khu công nghiệp, trong bao lâu thì được hưởng chính sách ưu đãi và phải làm xong. Nếu không hoàn thành thì phải tăng thuế lũy tiến đối với khu đất này. Cùng với đó, một số đề xuất cho rằng cần có chế tài mạnh để siết tín dụng. Thực tế, hiện nay ngân hàng vẫn có chính sách cho vay 70% giá trị bất động sản để người dân có thể mua sản phẩm. Như vậy, chỉ cần có sẵn 1 tỷ đồng thì một người có thể đầu tư lướt sóng cùng lúc 3 bất động sản giá trị khoảng 1 tỷ đồng/ lô.

Cần thiết tăng nguồn cung đồng đều các phân khúc

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì ở chiều ngược lại, có những ý kiến cho rằng nếu đánh thuế nhà đất sẽ càng khiến giá bất động sản tăng thêm. Từ đó, người lao động phổ thông càng khó khăn hơn khi mua nhà. Hơn nữa, đây cũng chưa phải phương án tối ưu giải quyết dứt điểm các “cơn sốt” trên thị trường hiện nay. 

Chuyên gia cho biết, mâu thuẫn lớn nhất trên thị trường hiện tại và những giai đoạn tiếp theo là sự chênh lệch giữa cung và cầu. Bởi, một khi nguồn cung chưa được ổn định thì giá nhà đất vẫn tiếp tục tăng, dẫn tới tình trạng đầu cơ, lướt sóng. Vì vậy, việc cấp thiết trước mắt là phải tăng thêm nguồn cung. Nếu nguồn cung chưa đáp ứng được mức cầu thì dù có áp thuế, bất động sản vẫn sẽ tăng giá. 

Có thể thấy, thuế là biện pháp hữu hiệu để góp phần ổn định thị trường, tuy nhiên chỉ ở thời gian ngắn khoảng nửa năm đến 2 năm chứ không tác động vĩnh viễn. Như vậy, cần có biện pháp mang tính dài hạn là gia tăng nguồn cung thì thị trường bất động sản mới có thể hạ nhiệt thực sự. 


Biện pháp dài hạn là tăng thêm nguồn cung bất động sản
Biện pháp dài hạn là tăng thêm nguồn cung bất động sản

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho rằng, thuế chỉ là một trong những chi phí mà các nhà đầu tư phải chi trả. Nếu chi phí đầu vào tăng lên sẽ kéo giá bán sản phẩm tăng theo. Thực tế tại nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách thuế bất động sản cho thấy, thuế chỉ là “công cụ” hạ nhiệt tạm thời, việc tăng thuế sử dụng đất sẽ tính vào giá thành bán ra, còn tăng thuế chuyển nhượng sẽ tính vào giá mua của nhà đầu tư. Như vậy, các chi phí liên quan đến thuế sẽ được tính vào chi phí phát triển dự án hoặc chi phí mua bất động sản của nhà đầu tư. Theo đó, người mua càng về sau lại càng chịu thiệt. 

Theo ý kiến của ông Lê Xuân Mão - Phó Tổng Giám đốc, dịch vụ thuế doanh nghiệp RSM Việt Nam, việc áp dụng các chính sách thuế bất động sản vào thực tiễn phải cần thêm nhiều thời gian. Ví dụ, Trung Quốc vào năm 2011 đã đề xuất đánh thuế trong quá trình nắm giữ tài sản tại một số địa phương, nhưng sau 10 năm thì Chính phủ Trung Quốc mới xem xét lại việc triển khai sắc thuế này. 

“Từ đó thấy rằng, lộ trình để đưa các chính sách này vào thực tiễn cần phải có thời gian dài. Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc nên Chính phủ phải cân nhắc kỹ để thông qua luật đánh thuế nhà đất” - ông Mão nói. 

Theo: vneconomy.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Hà Nội dự kiến mở rộng gấp đôi đường Láng, đi 2 tầng, tổng mức đầu tư 21.000 tỷ đồng

Vốn FDI được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế

Dabaco dự kiến huy động được hơn 1.330 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và ESOP

Chứng khoán MBS: Quý II/2024, lãi suất đầu vào sẽ “tạo đáy”

Các startup công nghệ “kỳ lân” đang rất bấp bênh

Loạt ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm ngay đầu tháng 5

Nhiều chất xúc tác cho cổ phiếu hàng không “cất cánh”

Vàng thiết lập kỷ lục giá mới, cầu đầu tư vàng miếng tại Việt Nam tăng 12%

Tin mới cập nhật

Hà Nội dự kiến mở rộng gấp đôi đường Láng, đi 2 tầng, tổng mức đầu tư 21.000 tỷ đồng

11 giờ trước

Vốn FDI được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế

11 giờ trước

Dabaco dự kiến huy động được hơn 1.330 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và ESOP

11 giờ trước

Chứng khoán MBS: Quý II/2024, lãi suất đầu vào sẽ “tạo đáy”

12 giờ trước

Các startup công nghệ “kỳ lân” đang rất bấp bênh

14 giờ trước