Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh: Hơn 2.300 hộ dân bị ảnh hưởng có thể được bồi thường đất ở hơn 40 triệu đồng/m2

Thứ tư, 21/09/2022-15:09
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, giá bồi thường đất ở tại dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh dao động từ 18,7 triệu đồng tới hơn 40 triệu đồng/m2. 

Tạm tính đơn giá bồi thường 

Theo vietnamfinance.vn, trong chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 9 do Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh tổ chức, vấn đề bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh được nhiều người quan tâm. 

Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 76,34 km. Trong đó, đoạn đi qua TP Hồ Chí Minh dài 47,51 km; Đồng Nai dài 11,26 km; Bình Dương dài 10,76 km và Long An dài 6,81 km. Tổng mức đầu tư của dự án 75.378 tỷ đồng, gồm 50% vốn trung ương và 50% vốn địa phương. Theo kế hoạch, dự án khởi công xây dựng từ tháng 6/2023 và hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2026.

Trong 47,51 km của dự án đi qua TP Hồ Chí Minh thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh. Theo thống kê, để thực hiện dự án trọng điểm này sẽ có 2.377 hộ dân của thành phố bị ảnh hưởng, trong đó 752 trường hợp tái định cư. Tổng mức bồi thường, tái định cư là 25.610 tỷ đồng.


Sơ đồ tuyến đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Trước những quan tâm, thắc mắc của người dân liên quan đến việc bồi thường do dự án, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh là ông Võ Trung Trực cho biết, tại 4 địa bàn có đường Vành đai 3 đi qua người dân đã đồng thuận để chính quyền xác lập hồ sơ trước đạt trên 65%, tại Hóc Môn con số này còn lên tới hơn 95%. 

Qua khảo sát, giá đất bồi thường nằm trong khoảng từ 18,7 triệu đồng đến hơn 40 triệu đồng/m2. Trong đó, đất nông nghiệp có 2 loại giá. Một là đất trồng cây lâu năm có giá bồi thường từ 3,2 triệu/m2 - 8,5 triệu đồng/m2. Hai là đất nông nghiệp có giá bồi thường là 3,2 triệu đồng/m2 - 6,5 triệu đồng/m2.

Theo ông Trực, giá để bồi thường nêu trên tùy vào từng từng địa phương và từng vị trí cụ thể. "Đây mới chỉ là giá tạm tính để TP Thủ Đức và các huyện lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lấy ý kiến người dân bị thu hồi đất. Hiện nay, các địa phương đang thuê đơn vị tư vấn để xác định giá bồi thường cụ thể trình thành phố xem xét", ông Trực nói.


Điểm đầu dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có vị trí tại đoạn nút giao kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Điểm đầu dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có vị trí tại đoạn nút giao kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo lộ trình, cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh là đơn vị chủ đầu tư sẽ giao ranh cắm mốc tại thực địa cho 4 địa bàn trên để xác định chính xác tọa độ. Đến tháng 11/2022, báo cáo khả thi dự án sẽ được phê duyệt. Đây là 2 mốc thời gian quan trọng nhất để chính thức triển khai dự án bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. 

Bắt đầu từ 1/12/2022, thông báo thu hồi đất. Từ khi thông báo đến khi có quyết định thu hồi đất là 90 ngày. Thông báo thu hồi đất gồm 2 loại đất: đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp (gồm đất ở). Trong đó, hơn 90% là đất nông nghiệp.

Đến tháng 4/2023, thành phố sẽ chi trả toàn bộ số tiền bồi thường đất nông nghiệp. Tháng 5/2023, bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp cho nhà đầu tư, diện tích đất bàn giao khoảng 300 ha. 

Tháng 7/2023, các địa phương chi trả bồi thường đất ở cho người dân. Tháng 8 bố trí tái định cư, thu hồi mặt bằng. Đảm bảo bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trước tháng 12/2023 để triển khai xây dựng vào đầu năm 2024, diện tích đất bàn giao khoảng 400 ha. 

Về phương án tái định cư cho các hộ dân, trong 4 địa phương có đường Vành đai 3 đi qua, hiện nay TP. Thủ Đức và huyện Bình Chánh đã đảm bảo đủ quỹ nhà tái định cư tại địa phương. Riêng Hóc Môn cần thêm hơn 60 nền tái định cư, Củ Chi cần hơn 65 nền. Lãnh đạo hai huyện này cũng đang phối hợp với các sở, ngành làm thủ tục để được bố trí tái định cư tại chỗ (tái định cư tại cùng huyện) cho người dân. 


Nút giao thông Tân Vạn trong dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Nút giao thông Tân Vạn trong dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Giữ nguyên tắc bố trí tái định cư trên địa bàn 

Tại chương trình, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra 4 vấn đề về việc bồi thường tái định cư trên địa bàn thành phố. Một là còn khoảng cách giữa giá bồi thường và giá thị trường. Hai là bất cập quỹ đất, quỹ nhà trên địa bàn. Ba là công tác phối hợp chưa đồng bộ. Bốn là thông tin minh bạch có lúc chưa tốt. 

Về nhà ở tái định cư, ông Mãi cho rằng “vừa thừa vừa thiếu”, do sự đồng bộ và phù hợp của quy hoạch nhiều khi không đáp ứng được nguyện vọng của người dân. 

"Chúng ta thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dựa trên một khung pháp lý chung cộng thêm một số chính sách chúng ta có thể linh hoạt phù hợp với tình hình thành phố chứ không thể áp dụng một chính sách riêng. Đây là một bất cập mà bất cập này phải được giải quyết đồng bộ từ chủ trương, thể chế", ông Mãi nói.


Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Người đứng đầu TP cho biết, sắp tới TP sẽ tập trung góp ý sửa đổi Luật Đất đai, thể chế hóa những kiến nghị cho sát với thực tiễn TP. Cùng với đó, khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, thu hẹp khoảng cách giữa giá đền bù và giá thị trường; làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đúng luật và đảm bảo nguyên tắc nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Ông Phan Văn Mãi khẳng định: “Dự án đường Vành đai 3 sắp tới, TP Hồ Chí Minh giữ nguyên tắc là bố trí tái định cư trên địa bàn”.

Đối với dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, TP đã chỉ đạo các sở ngành và các địa phương tiến hành điều tra xã hội học, hỏi ý kiến người dân để hiểu được đặc điểm sinh kế của người dân. Từ đó, thiết kế phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp. 

“Thành phố mong muốn sẽ tạo ra sự mẫu mực trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ở dự án đường Vành đai 3, để làm mẫu cho các dự án khác”, ông Mãi nói. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng chuẩn bị nhà ở xã hội để bán, cho thuê… giúp người dân có thêm lựa chọn.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Loạt chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Quy định mới nhất về căn cứ tính tiền sử dụng đất theo Luật đất đai 2024

Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Tin mới cập nhật

ĐHĐCĐ Sacombank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.600 tỷ đồng, chưa chia cổ tức

1 giờ trước

Giải mã “cơn khát” trung tâm dữ liệu AI

1 giờ trước

Các thương hiệu quốc tế tăng tốc tìm kiếm mặt bằng, thị trường bán lẻ Việt Nam dần sôi động

1 giờ trước

Nhiều “chất xúc tác” tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán

1 giờ trước

ĐHĐCĐ Vinamilk: Kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 9.300 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 38,5%

1 giờ trước