Kinh tế Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào khi Fed tăng lãi suất giữa bối cảnh xung đột Ukraine? 

Thứ ba, 15/03/2022-09:03
Dự kiến trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu tăng lãi suất 0,25%, đây sẽ là đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. 

Fed tăng lãi suất bất chấp xung đột Ukraine

Đầu tháng 3/2022, tại một điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng Fed đã sẵn sàng cho một loạt đợt tăng lãi suất bắt đầu từ tháng 3, bất chấp xung đột Ukraine có những ảnh hưởng kinh tế. 

Như vậy, thị trường tương lai ở Phố Wall dự báo khả năng gần như 100% tại phiên họp chính sách sẽ được tổ chức trong hai ngày 15 - 16/3 của Fed, Fed quyết định tăng lãi suất lên 0,25%. Không những vậy, với chỉ số lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua như hiện tại. Dự báo sẽ có thêm 5 lần nâng nữa trong 6 cuộc họp chính sách còn lại của năm 2022. Như vậy, đến tháng 12, lãi suất cơ bản của Fed sẽ đạt mức 1,5%.


Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ không thể giải quyết được những yếu tố bên ngoài đẩy giá cả trong chính nước Mỹ leo thang, trong đó có điển hình là cuộc xung đột Ukraine.

Có thể dễ dàng thấy, kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ, giá các loại năng lượng và hàng hóa cơ bản như ngô, lúa mì đã không ngừng leo thang. Vì vậy, nếu Fed thắt chặt quá tay, thì các rủi ro này vẫn không được giải quyết, mà với lãi suất cao hơn còn đặt ra rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ, thậm chí đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

“Ở thời điểm hiện tại, Fed sẽ thận trọng trong vấn đề tăng lãi suất, xét tới cuộc xung đột ở Ukraine”, chiến lược gia Lindey Bell thuộc Ally nhận định. “Cuộc xung đột làm gia tăng mức độ phức tạp đối với công việc vốn dĩ đã khó khăn của Fed. Ngân hàng trung ương này vẫn sẽ phải dự vào các dữ liệu kinh tế khi đưa ra các quyết định lãi suất tiếp theo trong thời gian còn lại của năm nay”.

Vì vậy, cả thị trường đang nóng lòng chờ xem đánh giá của Fed về triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ sau cuộc họp chính sách vào thứ 3, thứ 4 tuần này. 

Trước đó, đã có một số dự báo về nền kinh tế Mỹ trong năm 2022. Cụ thể, ngân hàng Goldman Sachs dự báo khả năng Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế trong năm tới là 35%. Các chiến lược gia của ngân hàng này cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hầu như không tăng trưởng hoặc chỉ tăng rất ít trong quý I/2022.

Báo cáo của ngân hàng  Goldman Sachs có đoạn: “Giá hàng hoá cơ bản tăng cao có thể sẽ khiến tiêu dùng suy giảm vì các hộ gia đình, nhất là những hộ thu nhập thấp, buộc phải tiêu một tỷ trọng lớn hơn trong thu nhập cho thực phẩm và nhiên liệu”.

Tăng lãi suất gây áp lực lên tỷ giá

Trước khi Fed chính thức công bố tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bất ngờ công bố kế hoạch kết thúc Chương trình Mua sắm khẩn cấp trong đại dịch trị giá 1.850 tỷ euro (khoảng 2.046 tỷ USD) vào cuối tháng này. Các quốc gia lớn cũng thực hiện thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ cộng với xung đột Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt, điều này khiến đồng USD mạnh lên từng ngày.

Đây có thể coi là một nhân tố tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam. Bởi ngay từ đầu năm 2022, Việt Nam đã phải nhập siêu 0,9 tỷ USD, mà thời gian cao điểm thu hút kiều hối đã trôi qua. Đồng bạc xanh thì ngày càng mạnh lên, khiến nhiều ý kiến lo ngại, cộng với việc tăng lãi suất của Fed sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. 


Đồng USD mạnh lên từng ngày. Ảnh minh họa.
Đồng USD mạnh lên từng ngày. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó cũng có những ý kiến ngược lại, rằng việc tăng lãi suất lần này của Fed sẽ không tác động đến tỷ giá tại Việt Nam. Vì những lần Fed tăng lãi suất trước đây thường trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ thấp hơn ở Việt Nam. Còn đối với lần tăng lãi suất vào ngày 15 - 16/3 lần này, lạm phát của Mỹ cao vọt so với Việt Nam. Đây là điểm thuận lợi cho chính sách tiền tệ trong nước.

Ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay, lạm phát tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với lạm phát ở Mỹ, nên việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước.

Cũng có cùng quan điểm trên, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB Hoàng Công Tuấn cho rằng, mức lạm phát của Mỹ đang ở mức cao lịch sử, tức là đồng USD đang bị mất giá ngay tại chính nước Mỹ. Do đó, nếu Fed tăng lãi suất, mức độ mất giá của tiền đồng - nếu so sánh tương quan lạm phát của hai nước - sẽ không đáng kể.

Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường khá ổn định. Tỷ giá trung tâm chỉ tăng nhẹ 0,01%, trong khi giá USD bán ra tại các ngân hàng cũng chỉ tăng 10 đồng/USD.

Nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong nước 

Như vậy, với lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed sau 2 năm bùng phát đại dịch Covid-19 có thể sẽ không tác động quá lớn tới Việt Nam. Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh lãi suất diễn ra nhiều lần với cường độ mạnh thì chắc chắn, tỷ giá trong nước sẽ bị tác động tâm lý. 

Ông Nguyễn Bá Khang cho rằng: “Việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại. Trong cả giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tạo được một nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá. Theo đó, phương thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã giúp cung - cầu ngoại tệ ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh, tạo sự thuận lợi lớn trong chính tiền tệ và điều hành tỷ giá năm 2022”.

Dưới đây là bốn tín hiệu khả quan cho thấy tỷ giá trong nước đang ở mức khá an toàn. 

Thứ nhất, mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang cao kỷ lục, khoảng 110 tỷ USD. Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ để nâng cao quỹ dự trữ ngoại hối trong những năm gần đây. Cùng với đó là việc Mỹ loại Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ và quyết định gia tăng mối quan hệ thương mại song phương là hai tín hiệu tốt cho chính sách gia tăng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước nhập xuất siêu. Tuy nhiên, các dự báo về sự phục hồi của xuất khẩu cho thấy đến cuối năm nay có thể quay về trạng thái xuất siêu. Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BSC ước tính, năm 2022 xuất siêu của Việt Nam có thể đạt mức 5,2 - 6,9 tỷ USD. 


Đợt tăng lãi suất này của Fed ít tác động tới tỷ giá trong nước.
Đợt tăng lãi suất này của Fed ít tác động tới tỷ giá trong nước.

Thứ ba, nguồn kiều hối ước tính có tốc độ tăng trưởng trung bình 3 năm ở mức 4,4%/năm và vào năm 2022 có thể đạt 18,9 tỷ USD. Ngoài ra, việc đẩy nhanh giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng mạnh cũng sẽ hỗ trợ tỷ giá trong nước.

Thứ tư, trong những năm gần đây, việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước rất linh hoạt, nhịp nhàng, đóng góp lớn cho giữ ổn định tỷ giá.

Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực nhận xét: “Tỷ giá năm nay sẽ gặp nhiều áp lực hơn năm ngoái, song vẫn sẽ ở trạng thái tương đối ổn định. Dự kiến, tỷ giá năm nay chỉ tăng 0,5-1% so với năm ngoái do quan hệ cung - cầu ngoại tệ tương đối tốt. Điều quan trọng nữa giúp tỷ giá ổn định là cách thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước ngày càng sát hơn với thị trường”.

Trong báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán VDSC cũng cho rằng, áp lực đối với tỷ giá USD/VND sẽ có xu hướng tăng, nhưng vẫn trong biên độ kiểm soát. “Áp lực lên tỷ giá tăng vì đồng USD có xu hướng tăng giá trở lại, nhưng cũng cần lưu ý là, Việt Nam vẫn có những tấm đệm an toàn như dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại được duy trì và kiều hối liên tục gia tăng”, nhóm chuyên gia VDSC nhận định.

Tác động của xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu đối với tỷ giá trong nước sẽ cần thêm thời gian để đánh giá. Tuy nhiên, với những yếu tố nêu trên dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ tỷ giá ở mức ổn định. Đặc biệt là trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào như xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian gần đây. Thì việc giữ ổn định tỷ giá trong nước sẽ giúp giảm áp lực lên nhập khẩu, giảm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sau đại dịch. 

Đồng thời sẽ tạo lợi thế về thu hút đầu tư cho Việt Nam khi đồng nội tệ của nhiều quốc gia đang mất giá nghiêm trọng. 

Bởi theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Huế cho biết: “Tỷ giá luôn là một trong các yếu tố quan trọng nhất để nhà đầu tư nước ngoài đưa ra quyết định đầu tư vào một quốc gia. Tại Việt Nam, chính sách tỷ giá ổn định thời gian qua luôn là một điểm sáng, giúp nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi rót vốn vào Việt Nam”.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Loạt chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Quy định mới nhất về căn cứ tính tiền sử dụng đất theo Luật đất đai 2024

Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Tin mới cập nhật

Xây dựng Hòa Bình (HBC) báo lãi hơn 57 tỷ đồng quý I/2024 sau 5 quý liên tiếp thua lỗ

2 giờ trước

Chuyên gia lý giải chuyện giá căn hộ Hà Nội tăng như “lên đồng”

2 giờ trước

Trung Quốc “mở đường” cho doanh nghiệp IPO tại Mỹ sau thời gian 2 năm gián đoạn

7 giờ trước

Chuyên gia Savills: Người mua nhà cần thận trọng trước “đòn tâm lý” của môi giới bất động sản

7 giờ trước

Nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á

11 giờ trước