Nên hay không nên giải cứu thị trường bất động sản?

Thứ hai, 21/11/2022-16:11
Sau khi Trung Quốc có động thái mạnh mẽ hơn trong việc vực dậy thị trường nhà đất trong nước, câu hỏi “Nên hay không nên giải cứu thị trường bất động sản Việt Nam?” đã trở thành chủ đề tranh luận của nhiều người.

Hãy nghĩ cho người dân

“Không có lý do gì để phải đi giải cứu cho các doanh nghiệp bất động sản trong khi họ chính là những người đã làm sai”, đây là quan điểm của anh Đặng Hữu Tín – Một nhà đầu tư bất động sản lâu năm ở TP Hồ Chí Minh.

Anh Tín cho rằng, hành động “xấu xí” trong việc huy động vốn qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp chính là nguồn cơn gây ra cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản ở Việt Nam ở thời điểm này. Trong suốt thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã cố tình huy động vốn gấp nhiều lần chủ sở hữu, sử dụng không đúng mục đích, làm mất niềm tin của các nhà đầu tư.

“Đừng có ai kêu Nhà nước bỏ tiền ra giải cứu thị trường bất động sản. khối lượng trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản sắp đến thời gian đáo hạn trong giai đoạn 2023-2024 có giá trị gần bằng tổng GDP một năm của cả nước. Giải cứu cho họ thì người dân của cả nước sẽ ra sao, hay lại tiếp tục bắt người dân phải đóng thuế”, anh Tín thẳng thắn chia sẻ.


Thị trường bất động sản giảm tốc do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường bất động sản giảm tốc do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp

Còn theo anh Đặng Quang Vinh – Trưởng phòng kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Tâm Real cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại vẫn chưa khó khăn đến mức phải đi giải cứu. Cũng như các lĩnh vực khác, bất động sản có chu kỳ phát triển riêng nên chuyện tăng giảm là chuyện hết sức bình thường.

Vấn đề khủng hoảng thị trường bất động sản không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đều bị suy thoái các kênh đầu tư, song song với đó là tình trạng “siêu lạm phát, vật giá leo thang, chiến tranh nổ ra làm ảnh hưởng rất xấu đến nền kinh tế toàn cầu.

“Tôi nghĩ sẽ sớm có những giải pháp để giúp thị trường tăng đột biến trong thời gian tới. Theo quan điểm của tôi, giải pháp tốt nhất chính là giảm lãi suất cho vay, hướng tới các nhà đầu tư lâu dài nhưng hãy xét duyệt cho vay khó hơn một chút”, anh Vinh nói.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho thị trường

Bên cạnh những ý kiến không đồng tình với việc giải cứu thị trường bất động sản cũng có nhiều quan điểm cho rằng, không nên vì một vài doanh nghiệp sai phạm mà quy chụp hết tất cả. Có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính đang gặp khó khăn về nguồn vốn do chính sách kiểm soát tín dụng.

Đa số các doanh nghiệp đều thế chấp bất động sản để vay vốn ngân hàng. Nếu giá nhà đất liên tục giảm thì các ngân hàng sẽ bị nợ xấu, lâu ngày sẽ trở thành một quả bom nổ chậm, đe dọa nền kinh tế của cả nước. Cho nên, dù muốn hay không muốn cũng phải giải cứu thị trường.

Đứng trên cương vị là một lãnh đạo doanh nghiệp, ông Phạm Văn Hảo – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Nam Bộ Invest (thành viên tập đoàn Đất Xanh Group) cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang “Quá đà, mất niềm tin, thực sự nghiêm trọng”.

Ông Hảo cho biết, việc Nhà nước tăng cường kiểm soát tín dụng bất động sản đã khiến thanh khoản của thị trường liên tục lao dốc. Đặc biệt, việc nguồn vốn tín dụng bị siết chặt còn làm ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều dự án đang triển khai phải tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn.

“Các công ty bất động sản đóng cửa, giải thể, cắt giảm nhân sự là những từ mà tôi nghe ra rả hàng ngày trong vài tháng trở lại đây. Tôi nghĩ Nhà nước nên sớm có giải pháp để giữ được sự ổn định của thị trường bất động sản và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế”, ông Hảo nói.


Các doanh nghiệp bất động sản đang “kiệt sức” vì bị thắt chặt nguồn vốn trong suốt một thời gian dài
Các doanh nghiệp bất động sản đang “kiệt sức” vì bị thắt chặt nguồn vốn trong suốt một thời gian dài

Để thị trường bất động sản sớm phục hồi, ông Hảo cho biết, Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt hơn để tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Đầu tiên là phải ưu tiên các giải pháp về mặt tài chính, hỗ trợ cho các dự án bất động sản chuẩn chỉnh sớm được tiếp cận nguồn vốn. Các dự án nào đang gặp vấn đề về tài chính hoặc vướng pháp lý thì cần khoanh vùng và xử lý, tránh để tràn lan dẫn đến tình trạng dự án tốt cũng như dự án xấu.

Thứ hai là phải giải quyết nhanh vấn đề pháp lý cho các dự án bất động sản. Hiện nay có rất nhiều dự án địa ốc nằm “đắp chiếu” vì vướng pháp lý, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.

Cuối cùng là phải nhanh chóng hoàn thiện Luật Đất đai để giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch hơn trong thời gian tới. Trong đó cần chú trọng vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất sao cho tạo được sức hấp dẫn cho các chủ đầu tư và nhà đầu tư.

“Nếu giải quyết được những vướng mắc hiện tại thì thị trường bất động sản Việt Nam sẽ ổn định trở lại. Còn ổn định đến mức nào, nhanh hay chậm thì rất khó đoán định”, ông Hảo cho biết.


Khơi thông nguồn vốn là giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu để vực dậy thị trường bất động sản trong nước
Khơi thông nguồn vốn là giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu để vực dậy thị trường bất động sản trong nước

TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa tệ đến mức phải dùng từ “giải cứu”. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất ổn trong suốt thời gian vừa qua, thị trường địa ốc ở nước ta đang rất cần những giải pháp hợp để xử lý những vướng mắc hiện tại, nhằm giảm bớt tình hình căng thẳng trên thị trường.

Những giải pháp nói đến ở đây đó là sửa đổi công cụ pháp lý (luật đất đai, luật xây dựng, luật kinh doanh bất động sản), sửa đổi quy hoạch. Đặc biệt là phải khơi thông dòng vốn cho thị trường, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Những bất cập trên thị trường trái phiếu vừa qua là hồi chuông cảnh báo vì không có một thể chế nào đứng ra chịu trách nhiệm cuối cùng.

“Hiện nay, nhiều giải pháp gỡ rối cho thị trường bất động sản đang được kiến nghị với Chính Phủ. Những cái giải pháp này cần được xem xét, nếu khả thi thì nên nhanh chóng thực hiện”, ông Thành cho biết.

Thiên Vân
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Trung Quốc “mở đường” cho doanh nghiệp IPO tại Mỹ sau thời gian 2 năm gián đoạn

Chuyên gia Savills: Người mua nhà cần thận trọng trước “đòn tâm lý” của môi giới bất động sản

Nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á

Ai hưởng lợi khi NHNN tăng lãi suất kênh OMO?

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng hồi phục trong thận trọng

Cẩn thận lỗ khi đầu tư vàng mini bỏ ống

Sau những nhịp giảm sốc, chứng khoán bao giờ ngừng rơi?

Kỳ vọng có khung pháp lý phù hợp để quản lý tài sản ảo

Tin mới cập nhật

Trung Quốc “mở đường” cho doanh nghiệp IPO tại Mỹ sau thời gian 2 năm gián đoạn

1 giờ trước

Chuyên gia Savills: Người mua nhà cần thận trọng trước “đòn tâm lý” của môi giới bất động sản

2 giờ trước

Nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á

5 giờ trước

Cẩn thận lỗ khi đầu tư vàng mini bỏ ống

5 giờ trước

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng hồi phục trong thận trọng

6 giờ trước