Làm sao “an cư” khi giá bất động sản cao gấp 20 lần so với thu nhập?

Thứ năm, 11/08/2022-08:08
Giá nhà đất đang ở ngưỡng “cao chót vót” khiến giấc mơ về một tổ ấm càng ngày càng xa vời với nhiều người.

Chị Thanh Hiền (34 tuổi, Nghệ An) hiện đang là công nhân của một khu công nghiệp tại Thái Nguyên. Gia đình chị Hiền hiện tại có 4 nhân khẩu, chồng chị cũng là công nhân và cả hai đang làm cùng nhau tại một công ty. 2 năm trước, khi vợ chồng bàn tính chuyện con cái chuẩn bị tới độ tuổi đi học nên việc cần ổn định chỗ ở là điều quan trọng. Sau khi bàn bạc cũng như tính toán, thời điểm đó gia đình chị “nhắm nhứ” một mảnh đất ở gần khu công nghiệp cũng như khá gần trường học của 2 con. Thế nhưng ngay tại thời điểm 2 năm trước lúc dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến chưa thể lường trước được, hai vợ chồng chị Hiền đã quyết định “tạm dừng” ý định “an cư”.

Nhưng thời điểm này, khi hai đứa con của chị đã học cấp 1, ý định mua đất để xây nhà tiện cho các cháu đi học vẫn chưa thể thực hiện được. “Những tưởng tình hình dịch bệnh ổn định, với số tiền tích cóp mấy năm của hai vợ chồng làm công nhân và vay mượn của hai bên gia đình sẽ mua được mảnh đất nhỏ để có chỗ “cắm dùi”, thế nhưng giá đất hiện tại khiến những người lao động như chúng tôi chỉ có thể lắc đầu mà thôi. So với thời điểm 2 năm trước, giá đất hiện tại đã tăng gần như gấp đôi. Và thực tế, “giấc mơ” an cư lạc nghiệp của những người công nhân thu nhập thấp như chúng tôi không biết bao giờ mới có thể thực hiện được.




Giá nhà ở tại Việt Nam nói chung đã cao gần 20 lần so với thu nhập trung bình của người dân
Giá nhà ở tại Việt Nam nói chung đã cao gần 20 lần so với thu nhập trung bình của người dân

Không chỉ những người có thu nhập thấp như gia đình chị Hiền, những người có thu nhập ở mức trung bình như gia đình anh Vũ Hồng Sơn (30 tuổi, Hà Nội) cũng đang khó khăn trong việc lựa chọn cho mình một “tổ ấm” khi giá đất ngày càng tăng thêm một cách chóng mặt. Gia đình anh Sơn đành ngậm ngùi “đợi thời cơ” để có thể tìm kiếm cho mình một căn hộ “ưng ý” và vừa tầm với thu nhập của cả hai vợ chồng. Thực tế, câu chuyện của gia đình chị Hiền hay anh Sơn không phải là câu chuyện quá mới ở thời điểm năm 2022, nhất là của những lao động ở những thành phố lớn hiện tại.

Giấc mơ “rời xa luỹ tre làng” để có thể có một cuộc sống tốt hơn, mong thế hệ tương lai sau này sẽ thành công dường như quá xa vời khi giá bất động sản ngày một tăng cao. Theo báo cáo, hiện tại giá bất động sản nhất là phân khúc chung cư, nhà đất ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Bình Dương… đang ở ngưỡng “đỉnh” và chưa thực sự có dấu hiệu “down”. Và so với mức thu nhập của người dân, khó lòng mà có thể lựa chọn hay xuống tiền để có thể tìm kiếm một bất động sản phù hợp. Nghiên cứu thị trường CBRE cũng chỉ rõ, so với thời điểm 2 năm trước thì hiện tại giá bất động sản không chỉ tăng cục bộ ở một số dự án điển hình mà nhiều khu vực, nhiều mặt bằng giá mới đã hình thành.




Giá bất động sản đang ở ngưỡng cao ngất ngưởng
Giá bất động sản đang ở ngưỡng cao ngất ngưởng

Theo khảo sát, ở khu vực Hà Nội, những căn hộ khu vực Cầu Giấy, Mỹ Đình… luôn ở ngưỡng từ 45 – 60 triệu đồng/m2 so với thời điểm 2 năm trước chỉ ở mức 30 – 40 triệu đồng/m2. Những khu vực ngoại thành như Đông Anh, Gia Lâm hay Hoài Đức… một mặt bằng giá mới cũng đã được thiết lập khi gần tiệm cận ở mức 30 triệu đồng/m2 thay vì mức gần 20 triệu đồng/m2 so với trước kia. Mặc dù đã ở ngưỡng giá cao thế nhưng những bất động sản khu vực này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và vẫn trên đà “tăng”. Đáng chú ý hơn cả chính là các dự án nhà ở dưới 25 triệu đồng/m2 đã “biến mất hoàn toàn” khỏi thị trường Hà Nội.

Và thực tế, giá nhà ở tại Việt Nam nói chung đã cao gần 20 lần so với thu nhập trung bình của người dân. Một ví dụ thực tế đã chứng minh rằng, với một lao động phổ thông với mức lương 10 triệu đồng/tháng sinh sống và làm việc ở Hà Nội, trừ đi các khoản chi phí sinh hoạt thì khoản dư lại sẽ tầm 4 triệu đồng. Và với một căn nhà trị giá 2 tỷ đồng, họ phải tích cóp trong gần 50 năm mới có thể sở hữu một căn bất động sản. Điều này cũng là một trong những trở ngại khiến những lao động thu nhập thấp khó có thể tiếp cận được các phân khúc bất động sản.

Hiện tại, giá bất động sản tăng cao không chỉ ảnh hưởng tới người dân khi có nhu cầu về nhà ở mà còn ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp sản xuất, đầu tư cần mặt bằng nhà xưởng sẽ gặp trở ngại trong việc tìm kiếm mặt bằng, cho thuê văn phòng. Ngay cả các khu công nghiệp, giá cho thuê nhà xưởng cũng tăng cao hơn so với thời điểm trước.




Thực tế chứng minh, người dân khó mà tiếp cận được các phân khúc bất động sản với mức giá này
Thực tế chứng minh, người dân khó mà tiếp cận được các phân khúc bất động sản với mức giá này

Trước đó, ông Nguyễn Văn Đình, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã chỉ rõ, trong năm 2022 khi đầu tư công được đẩy mạnh thì động lực để phát triển kinh tế là hệ quả tất yếu. Đây cũng chính là điều kiện giúp thị trường bất động sản hưởng lợi và giá trị bất động sản cũng sẽ tăng thêm. Thế nhưng, nguồn cung bất động sản đang rất hạn chế, đi kèm đó là những quy định hiện hành về bất động sản vẫn là một trong những hạn chế khiến thị trường sẽ “khắt khe” hơn trước.

Một trong những thực tế mâu thuẫn ở đây chính là bất động sản tăng giá cao trong một thời gian ngắn khiến nhu cầu của người dân khó mà tiếp cận, doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng… Và một câu hỏi luôn đặt ra rằng, giá trị thực của bất động sản hiện tại đang ở đâu khi thu nhập của người dân trong vòng 2 năm vừa qua thực sự không có quá nhiều thay đổi. Khi giá tăng cao, nhu cầu của người dân có thế nhưng không thể đáp ứng nổi thì hệ luỵ về cung – cầu đang thực sự “xung đột” nhau. Việc bất động sản tăng giá cao hơn so với thu nhập của phần nhiều bộ phận người dân sẽ mang tới nhiều bất ổn trong tương lai.

Mai An
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Trung Quốc “mở đường” cho doanh nghiệp IPO tại Mỹ sau thời gian 2 năm gián đoạn

Chuyên gia Savills: Người mua nhà cần thận trọng trước “đòn tâm lý” của môi giới bất động sản

Nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á

Ai hưởng lợi khi NHNN tăng lãi suất kênh OMO?

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng hồi phục trong thận trọng

Cẩn thận lỗ khi đầu tư vàng mini bỏ ống

Sau những nhịp giảm sốc, chứng khoán bao giờ ngừng rơi?

Kỳ vọng có khung pháp lý phù hợp để quản lý tài sản ảo

Tin mới cập nhật

Trung Quốc “mở đường” cho doanh nghiệp IPO tại Mỹ sau thời gian 2 năm gián đoạn

2 giờ trước

Chuyên gia Savills: Người mua nhà cần thận trọng trước “đòn tâm lý” của môi giới bất động sản

3 giờ trước

Nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á

6 giờ trước

Cẩn thận lỗ khi đầu tư vàng mini bỏ ống

6 giờ trước

Doanh nghiệp vật liệu xây dựng hồi phục trong thận trọng

7 giờ trước