Giá đất Củ Chi sốt nóng và nỗi lo “bong bóng phình to”

Thứ sáu, 08/04/2022-16:04
Giá đất ở Củ Chi tăng gấp 2-3 lần chỉ trong một thời gian ngắn đã dấy lên mối lo ngại về một kịch bản lặp lại của thời kỳ “bong bóng” bất động sản giai đoạn 2018-2020.

Giá đất Củ Chi tăng nóng

Từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản ở Củ Chi diễn ra rất sôi động nhờ một loạt thông tin về quy hoạch nâng cấp hạ tầng. Khách hàng mua đất ở các nơi, nhất là các quận ở nội thành TP. Hồ Chí Minh tìm đến đây rất đông, khiến giá đất tăng “nóng” theo từng ngày.


Từ đầu năm đến nay, giá đất ở Củ Chi đã tăng 10-20%, cá biệt nhiều khu vực còn tăng đến 40-50%
Từ đầu năm đến nay, giá đất ở Củ Chi đã tăng 10-20%, cá biệt nhiều khu vực còn tăng đến 40-50%

Anh Bình - một môi giới bất động sản ở Củ Chi cho biết, một miếng đất 100m2 với 70m thổ cư nằm ở xã Tân Thông Hội, năm 2021 được rao bán với giá 2,7 tỷ đồng nhưng đến nay đã tăng lên 3 tỷ đồng. “Dù giá đất tăng cao nhưng khách hàng có nhu cầu mua đất tìm đến đây rất nhiều. Những người môi giới đất địa phương như chúng tôi làm việc dường như không có ngày nghỉ”, anh Bình chia sẻ

Theo khảo sát của phóng viên, so với thời điểm cuối năm 2021, giá nhà đất ở Củ Chi đã tăng trung bình từ 10- 20% tùy từng khu vực. Hiện tại, đất ở xã Tân Thông Hội đang có giá cao nhất ở Củ Chi, với mức giá 18 triệu đồng/m2. Các khu vực xa hơn như Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, Trung An, Phạm Văn Cội,… có mức giá rẻ hơn, khoảng 12 triệu đồng/m2.

Phân khúc đất thổ cư đang có mức giá trung bình khoảng 20-35 triệu/m2. Trong đó, đất thổ cư nằm ở mặt tiền dao động từ 20-22 triệu đồng/m2, còn đất thổ cư nằm trong hẻm có giá khoảng 15-17 triệu đồng/m2. Riêng đất thổ cư nằm xung quanh Tỉnh lộ 9 tăng vọt lên 30-40 triệu đồng/m2.

Cùng với đất thổ cư, đất vườn ở Củ Chi được rất nhiều khách hàng săn đón, giá đất tăng gấp đôi so với năm 2021. Một lô đất vườn ở đây có giá trung bình khoảng 2-4 tỷ đồng tùy diện tích, khu vực. Những mảnh đất ở các xã gần TP. HCM có giá khoảng 1,5-2 tỷ đồng, còn nếu nằm sát đường nhựa thì có giá khoảng 2-3 tỷ đồng.


Một lô đất có diện tích ở xã Phạm Văn Cội (Củ Chi) đã  tăng giá hơn 100 triệu đồng chỉ sau vài ngày
Một lô đất có diện tích ở xã Phạm Văn Cội (Củ Chi) đã  tăng giá hơn 100 triệu đồng chỉ sau vài ngày

Bà Hoa, một người đầu tư đất ở Củ Chi cho biết, đất vườn được nhiều người quan tâm hơn đất thổ cư vì giá đang còn rẻ. Thông thường, những mảnh đất vườn có sẵn ao hoặc nhà  được bán với giá cao hơn những mảnh đất trống.

“Trong vòng 1 ngày, nếu khách mua còn chần chừ, do dự thì miếng đất đó sẽ bị người khác mua ngay. Chủ đất không thể đợi quá 2 ngày”, bà Hoa nói.

Theo các môi giới ở địa phương, giá đất Củ Chi vẫn đang có xu hướng lên cao bởi nhiều yếu tố như lên thành phố, thành lập thành phố Tây Bắc và các kế hoạch triển khai các công trình giao thông trọng điểm trong thời gian tới như đường Vành đai 3, hầm chui An Sương, đường cao tốc TP. HCM – Mộc Bài,…

Ngoài ra, do giá đất còn rẻ nên nhà đầu tư đổ về Củ Chi mua đất ngày càng đông. So với những địa phương khác, giá đất ở đây rẻ hơn 10-20 triệu đồng/m2. Đây cũng là một nguyên nhân khiến giá đất Củ Chi tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, Củ Chi trở thành tâm điểm của giới đầu tư địa ốc. Theo các chuyên gia kinh tế, việc quy hoạch định hướng phát triển Nam thành phố sang khu Tây Bắc đã đặt nền móng vững chắc để các doanh nghiệp đón đầu những cơ hội đầu tư ở đây.

Liệu bong bóng có xuất hiện?

Giá đất tăng nhanh khiến nhiều nhóm đầu cơ đang tiến hành thu gom đất ở Củ Chi và liên tục nâng giá lên cao để kiếm lời, tạo ra những khó khăn cho người dân và cả chính quyền.

Anh T, một nhà đầu tư bất động sản cho biết, một nhóm đầu tư có thể bỏ ra hơn chục tỷ đồng để gom đất ở Củ Chi. Sau đó, họ tiếp tục “thổi” giá đất lên cao, lôi kéo những nhà đầu tư nhỏ lẻ khác vào cuộc đua “săn đất”. Cho nên, giá đất ở đây đang tăng cực nóng, tính từ đầu năm đến nay có khu vực đã tăng giá hơn 50%.


Giới chuyên gia cảnh báo, đầu tư đất Củ Chi cần hết sức tỉnh táo vì thị trường rất dễ xảy ra “bong bóng”
Giới chuyên gia cảnh báo, đầu tư đất Củ Chi cần hết sức tỉnh táo vì thị trường rất dễ xảy ra “bong bóng”

Được biết, trước đó vào năm 2020, đất ở Củ Chi đã có một đợt “sốt nóng” kéo dài, giá tăng 50-60% do thông tin phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tại địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá nhà đất ở đây đã giảm nhiệt.

Sau khi TP. HCM trở lại trạng thái bình thường mới, giá đất ở Củ Chi bắt đầu tăng mạnh, khiến nhiều người lo ngại về một kịch bản lặp lại của thời kỳ “bong bóng” bất động sản như trước đây. Tuy nhiên, theo DKRA Việt Nam, dấu hiệu sốt đất ở Củ Chi vẫn chưa được rõ nét. Thanh khoản hiện nay có cải thiện hơn so với năm 2021 nhưng vẫn còn khá thấp so với giai đoạn sốt nóng từ năm 2018 trở về trước.

Hơn nữa, giá đất Củ Chi tăng nhanh cũng dựa trên nhu cầu ở thực. Được biết, khi giá nhà đất ở các quận trung tâm TP. HCM liên tục tăng cao, nhiều người có xu chuyển đến vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi để sinh sống. Với mức giá hiện tại, nhà đất ở Củ Chi được cho là phù hợp với tài chính của nhiều người dân nên nhu cầu ở thực luôn luôn hiện hữu.

Mặc dù dấu hiệu sốt đất chưa rõ ràng nhưng giới chuyên gia địa ốc cảnh báo, các nhà đầu tư nên cẩn trọng, không đổ tiền mua đất theo hiệu ứng đám đông, cần bình tĩnh tìm hiểu trước thông tin trước khi quyết định mua đất ở Củ Chi để tránh bị “chôn vốn”.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, thời gian gần đây, đất ở huyện Củ Chi đang bắt đầu sốt nóng khi có thông tin sắp lên quận hay có dự án hạ tầng lớn đi qua. Có những nơi giá đất bị đẩy lên 60% chỉ sau một thời gian ngắn nên người mua cần tỉnh táo để tránh rơi vào những cơn “sốt ảo” do cò đất và chủ đất tạo ra.

Nói thêm về tiềm năng của thị trường bất động sản ở Củ Chi, ông Châu cho biết, hạ tầng giao thông đang từng ngày làm thay đổi diện mạo ở đây. Ngoài ra, do còn sơ khai nên giá đất, chi phí đầu tư phát triển ở địa phương này còn thấp. Để tránh tình trạng lệch pha cung – cầu, doanh nghiệp nên đầu tư vào những phân khúc nhà ở giá bình dân ở thị trường này.

Thiên Vân
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

ĐHĐCĐ Vinamilk: Kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 9.300 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 38,5%

Nhiều “chất xúc tác” tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán

Các thương hiệu quốc tế tăng tốc tìm kiếm mặt bằng, thị trường bán lẻ Việt Nam dần sôi động

Giải mã “cơn khát” trung tâm dữ liệu AI

ĐHĐCĐ Sacombank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.600 tỷ đồng, chưa chia cổ tức

Chuyên gia lý giải chuyện giá căn hộ Hà Nội tăng như “lên đồng”

Xây dựng Hòa Bình (HBC) báo lãi hơn 57 tỷ đồng quý I/2024 sau 5 quý liên tiếp thua lỗ

Trung Quốc “mở đường” cho doanh nghiệp IPO tại Mỹ sau thời gian 2 năm gián đoạn

Tin mới cập nhật

ĐHĐCĐ Sacombank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.600 tỷ đồng, chưa chia cổ tức

17 phút trước

Giải mã “cơn khát” trung tâm dữ liệu AI

30 phút trước

Các thương hiệu quốc tế tăng tốc tìm kiếm mặt bằng, thị trường bán lẻ Việt Nam dần sôi động

32 phút trước

Nhiều “chất xúc tác” tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu chứng khoán

32 phút trước

ĐHĐCĐ Vinamilk: Kế hoạch lợi nhuận sau thuế hơn 9.300 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 38,5%

32 phút trước