meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Các nước tăng cường kiểm soát AI sau những lo ngại về rủi ro tiềm ẩn

Thứ ba, 20/06/2023-14:06
Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thời gian qua ở mọi lĩnh vực đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Bên cạnh đó cũng không ít những rủi ro tiềm ẩn của AI khiến nhiều quốc gia lo ngại và đưa ra các động thái kiểm soát chặt chẽ hơn. 

Đe dọa tương lai con người 

Sự xuất hiện của các công cụ AI có thể sáng tác nhạc, vẽ tranh, viết luận và lập trình khiến nhiều người dùng say đắm. Tuy nhiên, các công cụ AI khiến nhiều người lo lắng, bởi có thể biến đổi hoàn toàn cuộc sống hàng ngày của con người từ công việc, giáo dục cho đến những vấn đề bản quyền và quyền riêng tư. 

Theo một khảo sát của Reuters/Ipsos tại Mỹ, 61% số người được hỏi đã bày tỏ lo ngại trí tuệ nhân tạo có thể đe dọa tương lai con người. Từ những lo ngại này, các chính phủ đẩy mạnh những nỗ lực nhằm tăng cường quản lý AI. Như tại Mỹ, chính phủ quốc gia này đã soạn thảo các hướng dẫn sử dụng và phát triển AI. Quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ này khẳng định sẽ sử dụng các công cụ pháp lý để chống lại các mối nguy hại liên quan đến công nghệ AI. 

Còn tại Trung Quốc, cơ quan quản lý không gian mạng đã công bố dự thảo quản lý các dịch vụ AI, buộc các công ty phải gửi đánh giá bảo mật cho cơ quan chức năng, trước khi triển khai các dịch vụ, sản phẩm ra thị trường. 


Các công cụ AI khiến nhiều người lo lắng, bởi có thể biến đổi hoàn toàn cuộc sống hàng ngày của con người.
Các công cụ AI khiến nhiều người lo lắng, bởi có thể biến đổi hoàn toàn cuộc sống hàng ngày của con người.

Bộ luật quản lý AI đầu tiên trên thế giới 

Một trong những khu vực đang đưa ra những chính sách quản lý AI mạnh mẽ nhất hiện nay là tại Liên minh châu  u (EU), hướng tới tạo ra bộ luật đầu tiên trên thế giới về quản lý AI. Mới đây, vào ngày 14/6, Nghị viện châu Âu (EU) đã bỏ phiếu thông qua những đường hướng chính sách trong dự thảo luật quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), dự thảo này do Ủy ban châu Âu đề xuất. 

Cụ thể, tất cả các nội dung do AI tạo ra sẽ phải được đánh dấu và các ứng dụng sẽ được phân loại theo mức độ rủi ro. Đối với những công ty muốn cung cấp ứng dụng AI tại EU sẽ phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt và phải có biện pháp quản lý rủi ro cho sản phẩm của mình. Nếu không các doanh nghiệp sẽ phải nhận án phạt lên tới 6% tổng doanh thu hàng năm. 

Giới lập pháp EU đã bắt đầu thảo luận chi tiết với các nước thành viên EU. Nếu thỏa thuận đạt được vào cuối năm nay thì EU sẽ ban hành bộ luật đầu tiên trên thế giới về quản lý AI trong năm tới và dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2026. 

Châu Âu vốn luôn là một trong những khu vực đi đầu trong việc thiết lập các quy định quản lý lĩnh vực công nghệ như bảo vệ dữ liệu, mạng xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của AI hiện nay còn nhanh hơn tốc độ các nhà lập pháp xây dựng quy định, đặt ra nhiều thách thức lớn hơn nhiều. 


Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu thông qua dự thảo luật quản lý trí tuệ nhân tạo.
Các nghị sĩ Nghị viện châu Âu thông qua dự thảo luật quản lý trí tuệ nhân tạo.

Mặc dù vậy, bước tiến quan trọng vừa qua của EU cho thấy nỗ lực của khu vực này trong việc xây dựng những quy định quản lý công nghệ AI hiện vẫn còn đang có nhiều rào cản. Nhiều điểm đưa ra vẫn chưa rõ ràng và các nhà lập pháp hiện vẫn còn những khác biệt quan điểm trong nhiều vấn đề. 

Một trong những vấn đề đang tạo tranh luận mạnh mẽ chủ yếu liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và bản quyền, như việc có cho phép AI được theo dõi di chuyển của cá nhân tại nơi công cộng hay không. Điều này đã và đang được Trung Quốc sử dụng, nhưng với Liên minh châu Âu là vi phạm quyền riêng tư. Hoặc vấn đề khác như có hay không cho phép sử dụng trí tuệ nhân tạo nhận dạng cảm xúc được đưa ra sau khi Đan Mạch dùng AI để phân tích giọng nói xác định người gọi điện thoại tới cấp cứu có dấu hiệu sắp ngưng tim hay không. 

Vấn đề cho phép AI khai thác thông tin tới mức nào để không tạo ra nội dung bất hợp pháp hoặc vi phạm bản quyền cũng được Liên minh châu Âu đưa ra tranh luận. 

Giới công nghệ ủng hộ quản lý AI

Những vấn đề đang được giới chức châu Âu tranh luận sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Trong những lần kiểm soát trước về mạng xã hội hay dữ liệu cá nhân giới công nghệ thường đưa ra những ý kiến phản đối mạnh mẽ, tuy nhiên lần này, giới công nghệ đã đưa ra quan điểm khác. Đứng trước những lo ngại quá lớn về rủi ro AI có thể mang lại, nếu không được phát triển đúng cách mà hàng trăm nhà khoa học và kỹ sư công nghệ lên tiếng cảnh báo. 

Cụ thể, hồi tháng 3, một bức thư ngỏ của giới công nghệ, trong đó có chữ ký của tỷ phú Elon Musk và nhà đồng sáng lập Apple là Steve Wozniak, nội dung nhằm kêu gọi các doanh nghiệp tạm dừng phát triển các mô hình AI mới trong vòng nửa năm để xem xét các rủi ro đang tồn tại. Các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Google, cho tới OpenAI - công ty tạo ra ứng dụng Chat GPT, cũng đều đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ việc chính phủ các nước có động thái thắt chặt quản lý lĩnh vực công nghệ AI. CEO Sam Altman của OpenAI thậm chí còn kêu gọi cần có sự hợp tác giữa các quốc gia và đề xuất thành lập một cơ quan giám sát quốc tế trong lĩnh vực này. 

Người phát ngôn của Microsoft cho biết: “Chúng tôi tin rằng ngành AI cần có các rào cản pháp lý, nỗ lực liên kết ở cấp độ quốc tế và các hành động tự nguyện có ý nghĩa của các công ty phát triển và triển khai AI”.

Mặc dù, giới công nghệ có sự đồng tình với việc phản có những quy định nhằm giám sát quản lý AI, nhưng họ cũng bày tỏ lo ngại rằng động thái kiểm soát chặt quá mức có thể cản trở sự phát triển công nghệ. 


Tỷ phú Elon Musk là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ kêu gọi tạm dừng phát triển trí tuệ nhân tạo để xem xét các rủi ro.
Tỷ phú Elon Musk là một trong những lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ kêu gọi tạm dừng phát triển trí tuệ nhân tạo để xem xét các rủi ro.

Một số nhà phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho rằng luật lệ kiểm soát có thể bóp nghẹt sự phát triển của công nghệ. Giáo sư Rasmus Rothe, nhà đồng sáng lập công ty công nghệ Merantix là một nhà nghiên cứu AI lâu năm, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế lo ngại rằng việc quá chú trọng đến những rủi ro tiềm ẩn có thể khiến chúng ta đánh mất cơ hội để tiếp cận với những lợi ích công nghệ AI mang lại. 

"AI tốt hay xấu còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng. AI có thể tạo ra cuộc chiến trên mạng Internet, nhưng cũng có thể dùng để tầm soát tế bào ung thư. Những điều luật kiểm soát quá chặt chẽ từ phía các chính phủ có thể khiến các công ty khởi nghiệp nhỏ bị gò ép và gặp khó khăn trong việc phát triển công nghệ AI", Giáo sư Rasmus Rothe đánh giá.

Theo Giáo sư Rasmus, các tiến bộ quan trọng của AI hiện nay một phần đến từ các công ty nhỏ, nhưng những doanh nghiệp này lại thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các tập đoàn công nghệ lớn trong việc đáp ứng các quy định chính phủ vì nguồn lực hạn chế. Do đó, các quy định đưa ra cần được tiến hành một cách thận trọng. 

Nhà đồng sáng lập công ty công nghệ Merantix nhận định: "Việc thắt chặt các quy định quản lý sẽ tạo ra sự bất ổn - điều tồi tệ nhất đối với hoạt động đổi mới sáng tạo. Tôi không phản đối việc đưa ra các quy định, nhưng chúng phải cực kỳ rõ ràng, minh bạch. Quá trình xây dựng các quy định hiện nay vẫn chưa cho thấy điều đó".

Trước đó, quá trình đàm phán để xây dựng các quy tắc về phương tiện truyền thông xã hội, công nghệ viễn thông 5G đã chứng kiến những bất động gay gắt về cách thức tiếp cận giữa các chính phủ và giới công nghệ. Đối với trí tuệ nhân tạo, một công nghệ đang không ngừng phát triển thì việc tìm tiếng nói chung giữa các chính phủ và giới công nghệ dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn gấp bội. 


CEO Sam Altman của OpenAI - công ty tạo ra ứng dụng Chat GPT thậm chí còn kêu gọi thành lập một cơ quan giám sát quốc tế về AI.
CEO Sam Altman của OpenAI - công ty tạo ra ứng dụng Chat GPT thậm chí còn kêu gọi thành lập một cơ quan giám sát quốc tế về AI.

Cân bằng giữa quản lý và thúc đẩy sáng tạo

Giải đáp những băn khoăn của các doanh nghiệp công nghệ về cách thức và mức độ quản lý phù hợp đối với công nghệ AI, giới chức EU đã đưa ra những giải pháp để việc quản lý sẽ không kìm hãm sự sáng tạo, đổi mới công nghệ. 

Các nghị sĩ đưa ra thực tế, có tới một nửa số công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở châu Âu đang cân nhắc chuyển đi nơi khác nếu luật lệ quá khắt khe. Vấn đề đặt ra là vừa phải hạn chế mặt trái của trí tuệ nhân tạo, vừa không ngăn cản sự sáng tạo, đồng thời phải giữ chân được các công ty công nghệ ở lại châu Âu. Tuy nhiên, tốc độ phát triển quá nhanh nên không ai có thể đoán trước được tương lai gần sẽ xảy ra những vấn đề gì.


Cần có sự cân bằng giữa quản lý để hạn chế rủi ro, vừa tạo không gian sáng tạo cho doanh nghiệp phát triển trí tuệ nhân tạo.
Cần có sự cân bằng giữa quản lý để hạn chế rủi ro, vừa tạo không gian sáng tạo cho doanh nghiệp phát triển trí tuệ nhân tạo.

Do đó, dự thảo luật của châu Âu sẽ tập trung vào mục đích, không cho phép phát triển công nghệ để phục vụ những mục đích có hại cho cộng đồng. “Đường chỉ” phân định giữa vô hại và có hại là rất mong manh nên rất khó cho các nhà quản lý. Ủy ban châu Âu sẽ phải tham vấn từng nước thành viên do đó thời gian để hoàn thành các quy định sẽ kéo dài và không theo kịp được tốc độ phát triển của AI.

Như vậy, dù có sự ủng hộ của cơ quan quản lý các quốc gia, giới chuyên gia và doanh nghiệp công nghệ, nhưng việc quản lý công nghệ trí tuệ nhân tạo vẫn là điều không hề dễ dàng. Các chính phủ vừa phải cân bằng giữa quản lý để hạn chế rủi ro, vừa tạo không gian sáng tạo cho doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để cùng thúc đẩy quá trình ban hành quy định quản lý ứng dụng trí tuệ nhân tạo hợp tình hợp lý. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Samsung và LG dẫn đầu trong việc tích hợp AI vào nhà thông minh

Kaspersky Labs chính thức đóng cửa tại Mỹ, khép lại 2 thập kỷ hoạt động

OpenAI: Chúng tôi muốn các mô hình AI có thể nhìn và hiểu thế giới giống mình

Lần đầu tiên trong lịch sử, thị phần xe điện của Tesla tại Mỹ giảm xuống dưới mức 50%

Lời khuyên của người vừa trúng tuyển vào Google với mức lương 8,3 tỷ đồng/năm

Sàn giao dịch tiền mã hóa Mt.Gox sắp hoàn trả tiền bị mất trộm cho khách hàng

Chiến lược mới của các Big Tech nhằm thâu tóm thị trường AI

Các “ông lớn” công nghệ gia tăng nỗ lực chinh phục thị trường Ấn Độ

Tin mới cập nhật

“Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người bán có vi phạm pháp luật?

11 giờ trước

Huawei có kế hoạch ra mắt điện thoại thông minh gập ba

11 giờ trước

Chỉ trong 6 tháng, người Việt đã chi gần 145 nghìn tỷ đồng để mua sắm online

11 giờ trước

TP.HCM điều chỉnh giá đất trên nhiều tuyến đường lên tới 810 triệu đồng/m2

11 giờ trước

Samsung và LG dẫn đầu trong việc tích hợp AI vào nhà thông minh

11 giờ trước