Tự đấu nối giao thông để phân lô, bán nền bị xử lý ra sao?
BÀI LIÊN QUAN
Sau thời gian tăng "nóng", giá chung cư Hà Nội đột ngột "hạ nhiệt", có nơi giảm 200-300 triệu đồng/cănBất động sản nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội năm 2023: Sẽ có làn sóng bán "hạ giá"?Thị trường nhà đất Hà Nội đang… "lửng lơ" 3 tháng cuối năm 2022Vi phạm hiện hữu ngay ở thủ đô
Theo khảo sát, hiện nay trên địa bàn thủ đô Hà Nội xuất hiện trở lại tình trạng tự đấu nối giao thông nhằm mục đích phân lô, bán nền. Đơn cử như trên địa bàn xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, sau khi một cá nhân đã tự ý làm một con đường thảm nhựa chạy giữa 42 thửa đất đã được phân lô đấu nối trực tiếp ra đường tỉnh 446. Con đường này rộng khoảng 5m có kèm điện, cây xanh, ống nước và lấn chiếm rất nhiều phần hành lang an toàn giao thông.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất khi có tới 2 con đường thảm nhựa đường ngang, dọc đấu nối ra chục chính Bãi Dài để phục vụ việc mở bán dự án 72 lô đất. Trong khi đó tại xã Cổ Đông, xã Kim Sơn thị xã Sơn Tây cũng xuất hiện nhiều con đường tự mở, đã thảm bê tông do chủ đầu tư dự án 300 lô đất và 60 lô đất tự làm.
Điều đáng nói, không ít cột mốc giao thông hai ven đường nhữg khu vực trên cũng bị biến thành những tâm biển chào bán đất với mức vết sơn ngoạch ngoạc kèm các số điện thoại. Theo chính quyền các địa phương, việc các cá nhân tự đấu nối, mở đường ra trục chính chưa có quy định nên không biết xử phạt thế nào, có việc lấn chiếm thảm nhựa hành lang giao thông thì trách nhiệm của lực lượng thanh tra giao thông vận tải.
Cần xử phạt nghiêm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu
Trao đổi về vấn đề trên, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã kiểm tra, xử lý vi phạm 10 trường hợp, phạt tiền 49 triệu đồng với các hành vi vi phạm đấu nối đường giao thông; tự ý san lấp mặt bằng hành lang an toàn giao thông đường bộ và tự ý tháo dỡ biển báo hiệu của công trình đường bộ. Ngoài ra, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông cùng các đơn vị quản lý giao thông cũng vừa phát hiện nhiều trường hợp vi phạm tương tự.
Về phía UBND huyện Quốc Oai cho biết, huyện cũng đã có chỉ đạo đội quản lý trật tự xây dựng kiểm tra các tuyến đường tự phát của người dân. Nếu xác định việc mở đường là sai huyện sẽ chỉ đạo các phòng ban chức năng phối hợp với UBND xã kiến quyết xử lý, cưỡng chế.
Phân tích ở góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Hồng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, căn cứ các quy định liên quan đến việc hiến đất, xây dựng đường giao thông cũng như các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai thì việc tự ý xây dựng đường giao thông đấu nối với đường liên thôn, liên xã, liên huyện, liên tỉnh là hành vi vi phạm hành chính “mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính” được quy định tại điểm b khoản 9 Điều 12 Nghị định số 100 năm 2019 của Chính phủ.
Về thẩm quyền xử lý, theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 100.000.000 đồng. Đối chiếu với vụ việc cụ thể, theo điểm d khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực giao thông đường bộ là 75.000.000 đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ buộc phải phá dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra (điểm b khoản 2 Điều 28 và Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Lấy ví dụ điển hình từ vụ Nguyễn Thái Luyện (Công ty địa ốc Alibaba) cùng đồng bọn thành lập hàng chục pháp nhân, “vẽ” ra 85 dự án bất động sản “ma” ở các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm mục đích phân lô, tách thửa trái pháp luật, Luật sư Nguyễn Thị Hồng đặt ra vấn đề vai trò quản lý trong việc phát hiện, ngăn chặn. Theo nữ luật sư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các văn bản, Nghị định đều quy định rất rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền nên để xảy ra hàng loạt trường hợp nêu trên trong suốt thời gian dài rõ ràng là “quá bất thường”.
Gây nhiễu loạn thị trường bất động sản
Bàn về vấn đề trên, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thực trạng chủ đầu tư, cá nhân “lách luật”, tự ý mở đường nhằm phục vụ phân lô, bán nền không chỉ diễn ra ở thủ đô Hà Nội mà phổ biến trên nhiều tỉnh thành. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, phá vỡ quy hoạch, gây nên những hậu quả khó lường và là một trong những tác nhân gây nhiều loạn thị trường bất động sản.
Theo ông Thắng, việc tự ý mở đường để phân lô, bán nền về lâu dài sẽ gây quá tải hạ tầng, thi công không có giấy phép, không có đánh giá tác động môi trường, không có phương án đấu nối hạ tầng. Từ đó, làm phá vỡ quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, mất đồng bộ trong định hướng phát triển hạ tầng của địa phương.
Chuyên gia kinh tế cho biết, theo quy định một dự án phân lô bán nền chỉ được phép mở bán sau khi đã hoàn tất việc chuyển đổi thành đất ở, đấu nối hạ tầng, hệ thống cấp nước, thoát nước và đường điện. Còn với việc muốn mở đường đấu nối với các trục giao thông hiện hữu phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận với yêu cầu không lấn chiếm hành lang giao thông.
Ông Nguyễn Toàn Thắng kiến nghị UBND và Sở TNMT, Sở Xây dựng, Sở GTVT các tỉnh cần phải có một cuộc tổng kiểm tra, rà soát về tình trạng trên để sớm ngăn chặn. Bởi lẽ, khi người mua đất không tìm hiểu kỹ mà cứ xây dựng nhà cửa, công trình, mua đi bán lại sẽ kéo theo các hệ lụy như khiếu kiện, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Vô hình chung, cả thị trường bất động sản sẽ bị chao đảo, ảnh hưởng, đi xuống chính từ những nguyên nhân như trên.