Vỡ mộng làm giàu từ bất động sản, dân Trung Quốc hiện chỉ muốn bán được nhà
BÀI LIÊN QUAN
Trung Quốc dự định tung ra gói kích thích “khủng” để khôi phục thị trường địa ốc, hỗ trợ nền kinh tếChiến lược “Trung Quốc +1” giúp bất động sản công nghiệp Việt Nam thêm nhiều lợi thếAI bỗng trở thành “cứu tinh” cho các sinh viên Trung Quốc mới tốt nghiệpTheo Bloomberg, số liệu của hãng bất động sản Centaline Group cho thấy tại Thượng Hải, giá rao bán nhà đã giảm 3 tháng liên tiếp, ghi nhận xuống mức thấp nhất tính từ cuối năm 2022. Trong tháng 5, số giao dịch tại thành phố này cũng sụt giảm 30% so với tháng 3, còn 16.000 căn, nên tồn kho nhà tăng vọt.
Theo nhiều chủ nhà, nhân viên môi giới và chuyên gia, người Trung Quốc đang vỡ mộng làm giàu từ khoản đầu tư bất động sản. Các nhà hoạch định chính sách đang đón nhận sự thay đổi này bởi kiềm chế được nạn đầu cơ.
Thế nhưng, điều đó lại xảy ra đúng thời điểm mà kinh tế Trung Quốc đang mất đà. Xét về lâu dài, các quan chức có thể phải loay hoay tìm kiếm kênh thay thế bất động sản làm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.
Theo Jun Li - Giám đốc Đầu tư tại Power Sustainable Investment Management chi nhánh Thượng Hải, sức ép bán đang tăng mạnh. Dường như người sở hữu nhà đều nhận định rằng thị trường đã chạm mức đỉnh.
Song, 35 tuổi, là một nhân viên ngân hàng mới đây đã bán căn hộ với giá 10 triệu NDT (1,4 triệu USD) tại Thượng Hải. Anh cho biết đó là một trong những phương án cuối cùng nhằm rút tiền khỏi thị trường địa ốc.
Anh vẫn còn nhà tại Trung Quốc. Vì khả năng giới chức áp thuế bất động sản và dự báo ngành này vẫn còn lao dốc nên anh muốn giảm sự phụ thuộc vào bất động sản.
Giá nhà tại Lianyang (Thượng Hải) cũng sụt giảm 15-20% từ mức đỉnh giữa năm 2021. Vào hồi tháng 4, Yi (31 tuổi) cũng đã bán căn nhà ở ngoại ô Thượng Hải với mức giá 4 triệu NDT, đã giảm 11% so với giá chào mua lúc đầu. Vì cần tiền gấp nên cô buộc phải hạ giá và bán nhà.
Hãng nghiên cứu bất động sản China Index Academy cho biết giá nhà tháng trước ở 100 thành phố tại Trung Quốc đã chứng kiến mức giảm mạnh nhất hơn 2 năm. Theo Yan Yuejin - Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển E-house Trung Quốc, nhà ở đã xây tại Thượng Hải hiện rất ì ạch. Cung cầu trên thị trường nhà thứ cấp khắp nơi đều đi xuống.
Nhiều chủ nhà tại Thâm Quyến đã hạ giá bán xuống thấp nhất tính từ tháng 10/2016. Trong khi, tại Hàng Châu, một người bán nhà ở ngoại ô đã giảm giá 17% vì không thể tìm được người mua suốt nửa năm.
Theo Jun Li, mọi người đang thi nhau bán nhà vì thất nghiệp, quan ngại về triển vọng nền kinh tế hay cần tiền gấp.
Thị trường bất động sản xuất hiện tâm lý ảm đậm đã khiến các quan chức Trung Quốc phải xem xét các chính sách hỗ trợ mới nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế. Theo Bloomberg, giới chức đã lên kế hoạch giảm tiền trả trước mua nhà ở một số vùng tại các thành phố lớn, nới lỏng quy định nhà ở và hạ chi phí môi giới.
Tuần trước, Goldman Sachs Group ra báo cáo nhận định thời kỳ nhu cầu bất động sản tăng vọt tại Trung Quốc khó có thể nhanh chóng quay lại.
Về lâu dài, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự thay đổi cấu trúc vì dân số già. Bên cạnh đó, lượng người dân từ nông thôn lên thành thị cũng sẽ ít đi. Tại Thượng Hải, xu hướng này đang ngày càng hiện rõ. Trong 3 năm qua, các chính sách kiểm soát dịch khắc nghiệt cùng với niềm tin vào kinh tế Trung Quốc sụt giảm đã khiến không ít người thuê nhà và chủ nhà chọn rời đi.