Bất động sản bất ngờ dẫn đầu lợi nhuận của quý IV/2024
BÀI LIÊN QUAN
Doanh nghiệp bất động sản chủ động "hút" vốn qua phát hành trái phiếu khi kênh truyền thống bị siếtBất động sản nghỉ dưỡng vẫn "nằm im" trong cuộc đua phục hồiThủ tục pháp lý “cản bước” M&A bất động sảnMới đây, Chứng khoán MBS đã đưa ra dự báo lợi nhuận toàn thị trường quý IV/2024 sẽ đạt mức tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là mức cao nhất kể từ quý II/2022. Trong đó, ngành bất động sản tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu khi lợi nhuận tăng 1.005% so với cùng kỳ, vượt xa các ngành khác như hàng không với mức tăng 591% và bán lẻ tăng 162%.
Nhiều kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý IV
Tại thị trường phía Bắc, nguồn cung căn hộ mới trong quý IV/2024 được dự báo đạt hơn 10.000 căn, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, với trọng tâm nằm ở phân khúc cao cấp. Ngoài ra, nguồn cung nhà thấp tầng tại Hà Nội dự kiến tăng mạnh với gần 5.000 căn mới được mở bán, tập trung tại khu vực phía Tây và phía Đông. Việc gia tăng nguồn cung cao cấp không chỉ làm phong phú thêm sự lựa chọn của thị trường mà còn đẩy mặt bằng giá bán bình quân lên cao.
Ở phía Nam, thị trường TP.HCM cũng sôi động không kém với hơn 3.000 căn hộ được mở bán trong quý IV, đưa tổng số căn mới trong năm lên khoảng 5.000. Tính đến hết tháng 11/2024, nguồn cung sơ cấp khu vực phía Nam tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, với TP.HCM và Bình Dương chiếm phần lớn nguồn cung, lần lượt 60,6% và 35,7%.
Đất Xanh Group hưởng lợi từ việc bàn giao 200 lô đất nền thuộc dự án Gem Sky World trong quý IV/2024
Riêng phân khúc nhà thấp tầng, nguồn cung mới tại TP.HCM trong quý IV đạt khoảng 300 căn, nâng tổng cung cả năm lên gần 600 căn, chủ yếu tập trung ở rìa phía Đông và phía Tây, với mức giá dự kiến thấp hơn trung bình toàn thị trường.
Kết quả kinh doanh quý IV/2024 của các doanh nghiệp bất động sản cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực nhờ sự hồi phục mạnh mẽ từ các dự án lớn. Vinhomes dự kiến đạt mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 1.775% nhờ ghi nhận doanh thu từ các dự án trọng điểm như Royal Island, Ocean Park 2&3, Grand Park và Golden Avenue. Nhà Khang Điền cũng có bước nhảy vọt với lợi nhuận tăng 555%, nhờ bàn giao khoảng 400 căn tại dự án Privia.
Tương tự, Đất Xanh Group hưởng lợi từ việc bàn giao 200 lô đất nền thuộc dự án Gem Sky World, cùng chi phí tài chính giảm 30%, qua đó nâng mức tăng trưởng lợi nhuận lên 168%. Tương tự, Nam Long Group dự báo lợi nhuận tăng 67%, được thúc đẩy bởi việc bàn giao 450 căn tại dự án Akari, vượt xa mức bàn giao của cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, ngành bất động sản khu công nghiệp cũng cho thấy triển vọng sáng sủa dù có sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp. Sonadezi Châu Đức ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 71% nhờ bàn giao đất cho các khách hàng đã ký thuê từ đầu năm. Kinh Bắc City đạt mức tăng trưởng đột biến 440% so với cùng kỳ nhờ bàn giao tại các dự án lớn.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp như Idico và Becamex IDC lại có kết quả giảm lần lượt 69% và 49% do mức nền cao từ năm trước. Dù vậy, ngành bất động sản khu công nghiệp vẫn được kỳ vọng khởi sắc hơn khi dòng vốn FDI hồi phục và các dự án pháp lý quan trọng dần được tháo gỡ.
Đòn bẩy tài chính vẫn “ăn mòn” lợi nhuận
Nhận định về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, mặc dù doanh số bán hàng đã ghi nhận sự phục hồi tích cực từ đầu năm 2024, nhưng những tồn động từ quá khứ vẫn khiến hơn 60% chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Doanh số bán hàng tại Hà Nội và TP.HCM trong quý IV/2024 đã tăng 48% so với quý trước
Số liệu của VNREA cho thấy, phần lớn vẫn đang trong tình trạng đòn bẩy tài chính cao và khả năng trả nợ hạn chế. Việc lạm dụng vốn vay trong giai đoạn 2021-2023 để phát triển dự án, cùng lượng hàng tồn kho lớn chưa tiêu thụ được do ảnh hưởng tâm lý thị trường bất lợi, đã tạo áp lực nặng nề lên dòng tiền của nhiều doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), doanh số bán hàng tại Hà Nội và TP.HCM trong quý IV/2024 đã tăng 48% so với quý trước, nhưng doanh thu và lợi nhuận của các chủ đầu tư tại hai thành phố này vẫn giảm lần lượt 20% và 43% so với cùng kỳ năm trước. Hơn 60% doanh nghiệp bất động sản được dự báo sẽ không thể đạt được kế hoạch kinh doanh đã đặt ra.
Đáng chú ý, VIS Rating cũng ghi nhận, khoảng 22.000 tỷ đồng trái phiếu do các chủ đầu tư phát hành sẽ đáo hạn vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, phần lớn các khoản trái phiếu này đã chậm trả cả gốc lẫn lãi trong các kỳ trước, đặt các doanh nghiệp vào tình thế tài chính khó khăn hơn. Với khả năng trả nợ vẫn ở mức thấp và doanh thu chưa cải thiện đủ mạnh, mục tiêu cán đích thành công trong năm 2024 trở nên xa vời với nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự phục hồi nhanh chóng về số lượng giao dịch, nhờ nhu cầu nhà ở mạnh mẽ và các điều chỉnh tích cực từ khung pháp lý, mang lại hy vọng tươi sáng hơn cho ngành bất động sản trong năm 2025. Các dòng tiền của doanh nghiệp bắt đầu được cải thiện nhờ nguồn cung mới, hỗ trợ khả năng thanh toán nợ và giúp thị trường dần lấy lại cân bằng sau một giai đoạn khó khăn kéo dài. Những tín hiệu này mở ra triển vọng tích cực hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.